Doanh nhân và trách nhiệm xã hội nhìn từ đại dịch COVID-19

PV| 12/10/2021 21:11
Theo dõi ICTVietnam trên

Đại dịch COVID-19 đã tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống, kinh tế và xã hội. Và trong những thời điểm khó khăn đó, đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã có những đóng góp to lớn và thể hiện được vai trò, trách nhiệm đối với xã hội.

Nhằm tri ân và ghi nhận những đóng góp cũng như tinh thần cống hiến của cộng đồng doanh nhân đối với nền kinh tế và xã hội, ngày 12/10, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam đã tổ chức tọa đàm "Doanh nhân và trách nhiệm xã hội nhìn từ đại dịch COVID-19", đồng thời phát hành ấn phẩm Doanh nhân đồng hành cùng dân tộc và khởi động Dự án truyền thông mới giai đoạn 2021 – 2021.

Phát biểu đề dẫn tọa đàm, nhà báo Phạm Nguyễn Toan, Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam khẳng định, cùng với sự chuyển mình của đất nước qua 35 năm Đổi mới, Việt Nam đang hình thành một đội ngũ doanh nhân mang khát vọng cống hiến và tinh thần phụng sự. Doanh nhân Việt Nam là những người luôn cháy trong mình khát vọng vì một Việt Nam hùng cường, vì một Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu. Đó là khát vọng được trao truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác.

Hiện nay, khi đất nước đang phải căng mình ứng phó với đại dịch COVID-19 và suy thoái kinh tế, doanh nhân Việt Nam là những chiến sĩ trên mặt trận kinh tế; kiên cường đồng hành cùng đất nước vượt qua những giai đoạn khó khăn. Họ cũng sẽ là những người tiên phong giải những bài toán hậu COVID-19, phục hồi và phát triển kinh tế khi chúng ta kiểm soát được dịch bệnh.

Doanh nhân đồng hành cùng dân tộc

Trân trọng và tự hào trước tinh thần của doanh nhân Việt Nam chính là động lực thôi thúc Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam thực hiện dự án truyền thông và xuất bản ấn phẩm "Doanh nhân đồng hành cùng dân tộc". Ấn phẩm nhận được sự bảo trợ của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, sự cố vấn của Hội đồng khoa học, bao gồm các chuyên gia kinh tế - chính sách, nhà văn hóa, nhà quản lý hàng đầu của Việt Nam.

Trải qua hơn 8 tháng dày công thực hiện dù đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức từ đại dịch COVID-19 nhưng với sự đồng hành và hỗ trợ của 30 chuyên gia trong Hội đồng cố vấn, các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp (DN), doanh nhân Việt Nam, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam đã hoàn thành ấn phẩm đặc san "Doanh nhân đồng hành cùng dân tộc" dày 888 trang, phác họa chân dung 30 doanh nhân truyền cảm hứng trong cộng đồng doanh nhân Việt Nam nói chung.

Chân dung 30 doanh nhân đại diện cho tầng lớp doanh nhân Việt Nam trong thời đại mới, xuất hiện trong ấn phẩm này cũng chính là 30 câu chuyện truyền cảm hứng! Đó không phải là một bảng xếp hạng, mà là những bức tranh sinh động chứa đựng những giá trị nhân văn, vì mỗi DN – doanh nhân là một số phận, một cuộc đời, là mạch nguồn của cảm xúc, tư duy, sáng tạo và trách nhiệm không thể đo đếm.

Đó cũng không phải là những anh hùng cá nhân, mà mỗi doanh nhân đều gắn bó với một cộng đồng, một DN, một thương hiệu và gắn với từng bước thăng trầm của đất nước – dân tộc. Đó là những người không chỉ làm giàu cho mình, cho cộng đồng, cho xã hội, đóng góp xứng đáng cho công cuộc phát triển mà còn tạo dựng hình ảnh người Việt Nam tự chủ, năng động – niềm kiêu hãnh và khát vọng trên thương trường. Đó cũng là những người đã góp phần thay đổi và hoàn thiện thể chế kinh tế của Việt Nam, nhất là khi đi vào nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.

Doanh nhân và trách nhiệm xã hội nhìn từ đại dịch COVID-19

Phát biểu tại buổi tọa đàm "Doanh nhân và trách nhiệm xã hội nhìn từ đại dịch COVID-19", ông Đỗ Viết Chiến, Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam chia sẻ, lịch sử thế giới đã khẳng định vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của đội ngũ doanh nhân trong sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia và sự tiến bộ của nhân loại. Ở Việt Nam, từ sau đổi mới đến nay đã hình thành đội ngũ doanh nhân có khát vọng lớn và đi tiên phong trong các cuộc cách mạng làm giàu cho Tổ quốc, cho dân tộc.

Doanh nhân và trách nhiệm xã hội nhìn từ đại dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Ông Đỗ Viết Chiến, Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam phát biểu tại tọa đàm.

"Đội ngũ doanh nhân Việt Nam không chỉ làm giàu cho mình, đóng góp xứng đáng cho công cuộc phát triển đất nước, mà còn tạo dựng hình ảnh con người Việt Nam tự chủ, năng động; thể hiện niềm kiêu hãnh và khát vọng khẳng định giá trị bản lĩnh Việt Nam trên trường quốc tế. Qua thời gian, đội ngũ doanh nhân đang có những bước phát triển đáng ghi nhận, hình thành một số tên tuổi đủ tầm vóc, thương hiệu trên thị trường", ông Đỗ Viết Chiến khẳng định.

Cũng theo Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, trong bối cảnh đất nước chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19, nền kinh tế gặp phải muôn vàn khó khăn, doanh nhân Việt Nam đã chủ động thích ứng, kiên cường trước cơn sóng lớn, tận tâm đóng góp sức lực và vật chất cho cộng đồng và đất nước để vừa chống dịch, vừa phục hồi, phát triển kinh tế. Tinh thần đó của doanh nhân Việt Nam thật đáng trân trọng và tự hào.

Nhận định về vai trò của khu vực DN, doanh nhân trong bối cảnh bình thường mới, GS. TS. Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam nhận định, sau khoảng 4 tháng "đóng cửa" để cách ly chống dịch, ở khu vực phía Nam, chúng ta nhìn thấy sự "rơi thẳng đứng" của nền kinh tế, GDP từ 6% quý II rơi xuống - 6% vào quý III/2021. Sự "ra đi" của 10.000 DN đã dẫn đến số lượng lớn người lao động thất nghiệp.

Tuy nhiên, theo GS.TS. Hoàng Văn Cường, thời gian qua, chúng ta đã nhìn thấy năng lực rất lớn của doanh nhân, DN trong việc phòng chống dịch, tự chịu trách nhiệm và quản lý. Vấn đề là chúng ta phải làm sao để kéo được đội ngũ doanh nhân, DN cùng đồng hành chống dịch với cả nước nhiều hơn nữa.

Tại tọa đàm, TS. Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam đã đưa ra đề xuất giải pháp "5T" từ Chính phủ và "3 hóa" từ DN.

Thứ nhất là "trợ thở" bằng cách mở cửa. Từ đầu tháng 10 chúng ta đã mở cửa nhưng cần mạnh mẽ hơn nữa chứ không ngập ngừng nửa đóng nửa mở.

Thứ hai là "tiếp máu" cho DN bằng các chính sách tài khóa. Nếu chỉ có ngân hàng giảm lãi suất thì không đạt được kết quả tích cực nhất do đó cần có các chính sách, các quỹ bảo lãnh ngân hàng. Hiện nay, các gói chính sách mới thực hiện được 50%, do đó còn rất nhiều dư địa để tiếp tục hỗ trợ.

Thứ ba là "tháo gỡ" khó khăn vướng mắc, cởi trói chính sách cho DN. Bởi hiện nay, luật pháp còn chồng chéo, thủ tục hành chính còn ít nhiều phiền hà.

Thứ tư là cần "thúc đẩy nâng cao trình độ" của DN. DN không chỉ cần tiền, mà cần Nhà nước hỗ trợ nâng cao năng lực, trình độ quản trị cho các DN.

Cuối cùng là "tiếp cận thị trường", chúng ta cần tổ chức xúc tiến qua mạng mạnh mẽ. Trước mắt, phải tính toán phương án "cơm áo gạo tiền", tuy nhiên 3 tháng cuối năm cũng cần quan tâm xanh hóa, xã hội hóa, chuyên nghiệp hóa. Đề cao tính xã hội của DN, hướng đến phát triển bền vững là cực kỳ cần thiết.

Doanh nhân và trách nhiệm xã hội nhìn từ đại dịch COVID-19 - Ảnh 2.

TS. Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

Nhìn từ đại dịch COVID-19, TS. Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng TT&TT cho hay: "Đã đến lúc chúng ta cần hoạch định rõ ràng cho tương lai, để sống cho hiện tại và bền vững về sau. Và để làm được điều này, đầu tiên cần sửa là cơ chế. Cái gì Nhà nước không cấm thì cần mở ra cho DN làm. Cần cơ chế cho DN phát triển nhanh hơn, bền vững hơn. Cần dồn sức lo cho DN, khen chê cần rõ ràng thì DN mới phát triển đi lên được".

Chia sẻ về những lực cản, nút thắt cản trở sự phát triển của DN trong bối cảnh hiện nay, TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhận định, vướng mắc lớn nhất là các DN đang "kẹt cứng" ở mô hình "Zero COVID" và cách sống chung an toàn với COVID.

Theo TS. Nguyễn Sĩ Dũng, các bộ, ngành cần đưa ra khuôn khổ rõ ràng, cụ thể về điều này. Việc phục hồi kinh tế là vấn đề lớn hơn phòng chống dịch COVID-19 nhiều lần. Cần phải gỡ từ các mục tiêu xung đột, mâu thuẫn. Nếu chúng ta muốn sạch bóng F0 và phát triển kinh tế thì cần phải chấp nhận có các ca COVID-19 nhưng phát bệnh khi năng lực y tế đáp ứng được.

"Tôi cho rằng cần áp đặt một chế độ trách nhiệm cân bằng. Nếu chỉ áp đặt cho cho lãnh đạo địa phương trách nhiệm về việc để xảy ra COVID-19 tràn lan thì họ sẽ không để tâm đến mục tiêu kinh tế. Do đó, cần phải áp đặt cân bằng hai mục tiêu vừa chống COVID-19, vừa phát triển kinh tế", ông Dũng khẳng định.

Với định hướng thúc đẩy việc tạo lập các giá trị và cổ vũ cộng đồng hướng đến mục tiêu chung trong thập niên tới là chuyển đổi số (CĐS) và phát triển bền vững, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam cũng chính thức công bố triển khai 02 dự án truyền thông mới giai đoạn 2021 – 2022:

Thứ nhất, Tạp chí sẽ thực hiện dự án truyền thông: DN, doanh nhân và CĐS. Thông qua dự án này, Tạp chí sẽ triển khai hàng loạt các sự kiện hội thảo, tọa đàm; các tuyến bài chuyên sâu và các xuất bản phẩm chuyên đề nhằm góp phần tuyên truyền, kiến nghị chính sách về CĐS, kinh tế số, xã hội số, đô thị số… đồng thời, tôn vinh các DN, doanh nhân tiên phong trong công cuộc này.

Thứ hai, Tạp chí sẽ phối hợp với Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam và một số tổ chức khoa học thực hiện dự án nghiên cứu và công bố Chỉ số thường niên về phát triển bền vững của thị trường bất động sản Việt Nam (gồm bảng xếp hạng 50 DN bất động sản phát triển bền vững nhất và bảng xếp hạng chỉ số phát triển bền vững 63 thị trường bất động sản các tỉnh, thành phố của Việt Nam)./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Doanh nhân và trách nhiệm xã hội nhìn từ đại dịch COVID-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO