Nhân kỷ niệm 74 năm ngày thành lập nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Liên chi hội Nhà báo Bộ TTTT, Phòng Hồ sơ công an thành phố Hà Nội, E257 - F361 Binh chủng Phòng không không quân, thư viện Hà Nội, Trung đoàn cảnh sát cơ động Hà Nội... tổ chức buổi giao lưu với chủ đề: “Tổ Quốc trong trái tim người Việt” ngày 22/8, tại Thư viện Hà Nội.
Toàn cảnh buổi giao lưu
Tại buổi giao lưu, các đại biểu, thanh niên của các đơn vị đã chia sẻ tình yêu tổ quốc qua những công việc cụ thể thường ngày.
Nhà báo Trần Bình Tám, Phó Chủ tịch Liên chi hội nhà báo TTTT, cho biết: Tổ quốc là tình yêu gia đình, làng xóm, quê hương…; Yêu người nông dân chân lấm tay bùn - những người làm ra lúa gạo; Yêu thầy, cô dạy cho chúng ta biết sống làm người; Yêu anh chiến sỹ biết hy sinh cho nền độc lập tự do của Tổ Quốc; Yêu ruộng lúa, nương rẫy; Yêu lũy tre xanh, yêu đàn cò trắng; Yêu núi, yêu rừng, yên biển bạc mênh mông… Tổ Quốc Việt Nam chỉ đẹp khi chúng ta biết giữ gìn, nâng niu và quý trọng. Tổ Quốc sẽ trường tồn khi trong trái tim mỗi người Việt Nam đều in đậm dáng hình đất nước.
Cựu chiến binh Nguyễn Thanh Hà, Trưởng ban liên lạc Đoàn đặc công 429, tâm sự: Vì yêu nước, ông đã xung phong đi nhập ngũ và tình đồng đội trong quân ngũ đã làm nên ông hôm nay. Tri ân đồng đội, ông vẫn đang ngày đêm đi tìm hài cốt đồng đội.
Thượng Tá Nguyễn Thị Phương Đông, Phó Trưởng Phòng hồ sơ Công an TP. Hà Nội và trung uý Lê Văn Ba, Bí thư Đoàn Trung đoàn Cảnh sát cơ động là những người chiến sĩ trong thời bình, chia sẻ về tình yêu tổ quốc qua những công việc hàng ngày. Những chiến sĩ hôm nay vẫn sẵn sàng hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó.
Trung uý Lê Văn Ba, Bí thư Đoàn Trung đoàn Cảnh sát cơ động cho biết: Nhiệm vụ của đơn vị là bảo vệ các sự kiện chính trị, kinh tế - xã hội quan trọng diễn ra trên địa bàn Thủ đô, tuần tra kiểm soát ban đêm từ 21 giờ đêm hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau để bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống tội phạm trên địa bàn, tuần tra đảm bảo về an toàn giao thông…
"Chúng tôi là những người lính trong thời bình khi có một mệnh lệnh là sẵn sàng lên đường, rất nhiều áp lực, không thua kém thời chiến. Đã có những chiến sỹ đã hy sinh, bị thương để bảo vệ sự bình yên của nhân dân”, Trung úy Lê Văn Ba khẳng định.
Nguyên Bộ trưởng Bộ TTTT Lê Doãn Hợp chia sẻ những trải nghiệm
Là người lính trong kháng chiến chống Mỹ, nguyên Bộ trưởng Bộ TTTT Lê Doãn Hợp đúc kết rất cô đọng: Tổ quốc là đất nước và con người. Chúng ta đang ở vào những ngày tháng mùa thu 8 lịch sử, chuẩn bị kỷ niệm Quốc khánh 2/9 và 50 năm thực hiện di chúc của Bác, tôi nhớ đến giá trị của của con người Chủ tịch Hồ Chí Minh khái quát nhất qua 4 chữ “yêu nước thương dân”. Yêu nước là làm cho tổ quốc giàu mạnh, thương dân là làm cho dân được tự do, ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng học hành…
Cả cuộc đời của Bác là làm 4 chữ này và chúng ta nhớ 4 chữ này để thực hiện. Cái gì cũng lấy dân làm thước đo. Bác luôn yêu quý trẻ thơ, phụ nữ, tôn trọng người già, tôn vinh người tài – người giỏi và rất nghiêm túc với mọi người.
Đối với các bạn trẻ hôm nay, nguyên Bộ trưởng khuyên nhủ: "Cần phải đọc sách. Chỉ đọc sách mới làm người tốt hơn. Biết chữ mà không đọc sách đồng nghĩa là mù chữ”.
“Để biết lịch sử dân tộc, để biết truyền thống cha ông, đối với các thế hệ trẻ hiện nay và mai sau không có cách nào khác là tiếp cận sách để đọc, để chúng ta ngấm, ngấm để chúng ta làm”.
Các đại biểu tham gia buổi giao lưu
Cùng với ý kiến này, TSKH. Đoàn Hương chia sẻ: “Thời đại hôm nay đã khác trước, chúng ta đang bước vào thời đại 4.0, thời đại của trí tuệ nhân tạo (AI) và robot. Đây là một thử thách to lớn của đất nước mình. Nếu không bước kịp thời đại, chúng ta dứt khoát lạc hậu và muôn đời nô lệ”.
Thời đại này cũng có lắm gian khổ. Các bản trẻ phải tiến vào thời đại, phải học tập tới mức “khủng khiếp”, không chỉ học theo trách nhiệm mà phải bắt buộc, là nhiệm vụ tối cao như thời cha anh chúng ta đi đánh thắng giặc. Nếu không học sẽ không tồn tại.
Để học được phải đến thư viện đọc sách, lấy đọc sách là lẽ sống vì không đọc sách các bạn trẻ sẽ bị “tiêu diệt”.