Diễn đàn

Đổi mới chính sách, cơ chế quản lý hoạt động viễn thông công ích

Vụ Kế hoạch Tài chính và Quỹ Viễn thông công ích - Bộ TT&TT 09/09/2024 08:00

Cùng với quá trình mở cửa thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế trong lĩnh vực viễn thông, Nhà nước đã có chính sách về cung cấp dịch vụ viễn thông công ích (VTCI) để đảm bảo cho nhân dân khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và các gia đình có hoàn cảnh khó khăn được sử dụng dịch vụ viễn thông thiết yếu, đảm bảo công bằng xã hội, góp phần vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh, quốc phòng.

Tóm tắt:
- Hoạt động VTCI là việc hỗ trợ cung cấp và sử dụng dịch vụ VTCI, thiết bị đầu cuối góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đã được quy định trong Pháp lệnh Bưu chính Viễn thông (BCVT) năm 2002.
- Luật Viễn thông 2009 đã quy định một chương về VTCI (tại Chương 3 của Luật).
- Luật Viễn thông năm 2023 kế thừa việc duy trì Quỹ Dịch vụ VTCI Việt Nam và bổ sung, hoàn thiện các quy định về hoạt động VTCI tại Chương III .
- Hoạt động VTCI theo Luật Viễn thông năm 2023 gồm 0 nội dung chính:
+ (1) Hỗ trợ cho DN viễn thông cung cấp dịch vụ VTCI;
+ (2) Hỗ trợ các đối tượng sử dụng dịch vụ VTCI;
+ (3) Hỗ trợ thiết bị đầu cuối (bằng tiền hoặc hiện vật)
- Để chính sách về VTCI sớm đi vào cuộc sống và thực chất, hiệu quả theo tinh thần Luật Viễn thông năm 2023:
+ Cần hoàn thành xây dựng, triển khai Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Viễn thông về hoạt động VTCI
+ Nghị định hướng dẫn tập trung vào 6 nội dung đổi mới, thay đổi cách làm.

Quá trình xây dựng, thực hiện chính sách đã đạt được một số kết quả quan trọng, nhưng cũng có nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi phải đổi mới, hoàn thiện chính sách, cơ chế quản lý

Chính sách về VTCI ở Việt Nam

Năm 2002, Pháp lệnh BCVT ra đời tạo cơ sở pháp lý cho viễn thông Việt Nam mở cửa thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế và bắt đầu có sự cạnh tranh. Việc thúc đẩy hoạt động kinh doanh viễn thông theo cơ chế thị trường thì Nhà nước cần có chính sách, cơ chế nhằm bảo đảm việc cung cấp dịch vụ viễn thông thiết yếu đến mọi người dân, đặc biệt là tại các vùng sâu, vùng xa bởi vì việc kinh doanh tại các địa bàn này không bảo đảm đủ bù đắp được chi phí và phát sinh lợi nhuận theo cơ chế thị trường.

Thực tế, cũng chỉ có các doanh nghiệp (DN) viễn thông mới triển khai cung cấp được dịch vụ tại các vùng sâu, vùng xa. Mặt khác, Nhà nước cũng không sử dụng nguồn vốn ngân sách đối với hoạt động này mà sử dụng nguồn tài chính do chính các doanh nghiệp viễn thông đóng góp từ khoản lợi nhuận do kinh doanh các dịch vụ viễn thông khác mang lại.

Chính sách về VTCI lần đầu được quy định theo các Điều 49, 50 và 51 của Pháp lệnh BCVT năm 2002 số 43/2002/PL-UBTVQH10 của Ủy Ban thường vụ Quốc hội khóa X. Pháp lệnh BCVT năm 2002 đã quy định về cung cấp dịch vụ VTCI như: các loại hình dịch vụ VTCI; thực hiện nghĩa vụ cung cấp dịch vụ VTCI; quản lý việc cung cấp dịch vụ VTCI; v.v...

Kế thừa các quy định của Pháp lệnh BCVT năm 2002 về cung cấp dịch vụ VTCI và để tiếp tục thúc đẩy việc phổ cập các dịch vụ viễn thông đến mọi người dân trên cả nước. Luật Viễn thông 2009 đã quy định một chương về VTCI - tại Chương 3 của Luật (Các Điều 20, 21 và 22). Theo đó, đã quy định các nội dung về hoạt động VTCI; bảo đảm thực hiện hoạt động VTCI; Quỹ dịch vụ VTCI.

Ngoài các dịch vụ VTCI tự điều tiết trong ngành viễn thông thông qua Quỹ dịch vụ VTCI, các nhiệm vụ công ích khác do Nhà nước đặt hàng để các DN viễn thông triển khai thì Nhà nước sử dụng nguồn vốn từ ngân sách để chi trả cho DN nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch theo cơ chế thị trường.

Tiếp đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 25/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông. Nghị định đã quy định chi tiết thực hiện chính sách về VTCI tại Điều 14, bao gồm: Nguyên tắc cung cấp dịch vụ VTCI; về Quỹ dịch vụ VTCI Việt Nam và mức đóng góp vào Quỹ dịch vụ VTCI Việt Nam đối với các dịch vụ viễn thông phải trích nộp doanh thu tối đa không quá 5% doanh thu dịch vụ viễn thông đó. Khoản đóng góp vào Quỹ dịch vụ VTCI Việt Nam được hạch toán vào chi phí kinh doanh của DN. Nghị định còn quy định: “Theo từng thời kỳ, Thủ tướng Chính phủ quy định cụ thể danh mục dịch vụ viễn thông phải trích nộp doanh thu vào Quỹ dịch vụ VTCI Việt Nam và mức đóng góp đối với từng dịch vụ trong Danh mục này”.

Qua quá trình hoàn thiện hệ thống chính sách VTCI, cho thấy đây là một trong các chính sách an sinh xã hội quan trọng của mỗi quốc gia và của Việt Nam; nhằm rút ngắn khoảng cách số giữa các vùng miền, giữa các nhóm đối tượng, hỗ trợ người dân tại các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ viễn thông thiết yếu.

vtci.jpg

Triển khai thực hiện chính sách về VTCI và những khó khăn, bất cập

Giai đoạn 2006 - 2010

Thực hiện Pháp lệnh, Bộ BCVT đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định thành lập và tổ chức, hoạt động của Quỹ Dịch vụ VTCI Việt Nam (Quyết định số 191/2004/QĐ-TTg ngày 8/11/2004); Chương trình cung cấp dịch vụ VTCI đến năm 2020 (Quyết định số 74/2006/QĐ- TTg ngày 07/04/2006). Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Bộ Tài chính đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện Chương trình và nhiều văn bản hướng dẫn nghiệp vụ, chỉ đạo, điều hành.

Chương trình cung cấp dịch vụ VTCI đến năm 2010 được ban hành trong điều kiện mật độ điện thoại trên 100 dân ở Việt Nam đang rất thấp nên mục tiêu chính sách giai đoạn này tập trung vào việc hỗ trợ nâng cao mật độ điện thoại ở khu vực có mật độ điện thoại dưới 2,5 máy/100 dân. Giải pháp thực hiện là hỗ trợ thiết bị đầu cuối (điện thoại cố định) và hỗ trợ sử dụng dịch vụ viễn thông phổ cập, hỗ trợ cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng ở vùng khó khăn (thông qua cho vay ưu đãi của Quỹ dịch vụ VTCI Việt Nam).

Do chính sách phù hợp với nhu cầu thực tiễn của giai đoạn này nên mục tiêu chính sách đã được thực hiện thành công, giải ngân đạt 100% nguồn kinh phí được phê duyệt. Do đó, có thể nói Chương trình đã thành công về mặt thực hiện mục tiêu phổ cập dịch vụ viễn thông, người dân từ chưa biết, chưa được sử dụng dịch vụ viễn thông đến được sử dụng dịch vụ viễn thông thông qua tài trợ của Chương trình.

Giai đoạn 2015 - 2020

Trong giai đoạn này, Bộ TT&TT đã xây dựng Chương trình cung cấp dịch vụ VTCI giai đoạn 2011- 2015 (Quyết định số 1643/QĐ-TTg ngày 21/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ). Tuy nhiên, Chương trình này không được triển khai và được Bộ TT&TT trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình cung cấp dịch vụ VTCI đến năm 2020 (Quyết định số 1168/QĐ-TTg ngày 24/7/2015; Quyết định số 868/QĐ-TTg ngày 17/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi Quyết định số 1168/ QĐ-TTg). Triển khai thực hiện Chương trình, Bộ TT&TT, Bộ Tài chính đã ban hành các thông tư hướng dẫn theo nhiệm vụ được giao.

Chương trình cung cấp dịch vụ VTCI đến năm 2020 đã đề ra 5 Chương trình thành phần; trong đó đã có mục tiêu hỗ trợ DN phát triển hạ tầng và dịch vụ băng rộng thông qua Chương trình thành phần 1 “Kết nối băng rộng”. Tuy nhiên kết quả thực hiện không đạt mục tiêu đề ra, kinh phí giải ngân chỉ đạt thấp so với dự kiến; chủ yếu là hỗ trợ cung cấp đầu thu truyền hình số cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Nguyên nhân chủ yếu là khi xây dựng chính sách chưa dự báo được những khó khăn trong triển khai, tác động của phát triển thị trường, nhu cầu sử dụng dịch vụ và sự phát triển công nghệ trong lĩnh vực viễn thông nên một số mục tiêu, nhiệm vụ Chương trình đã đề ra không khả thi, chưa sát tình hình thực tế, công tác tham mưu hướng dẫn, điều hành các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình còn chậm, chưa đồng bộ, thậm chí có nội dung còn chưa được hướng dẫn đầy đủ, còn chồng chéo nhiệm vụ, sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan chưa tốt nên xảy ra tình trạng có nhiều đầu mối làm một việc, trùng lặp dẫn đến kéo dài việc thực hiện, hao phí nguồn lực, hiệu quả quản lý không cao. Mặc dù chính sách có ý nghĩa lớn và mang tính tích cực đối với xã hội nhưng các đối tượng thụ hưởng của Chương trình chưa được biết đến chính sách được hưởng từ Chương trình để tham gia.

Giai đoạn 2021 - 2025

Khắc phục các bất cập trong việc hỗ trợ DN phát triển hạ tầng viễn thông giai đoạn 2015-2020, Chương trình cung cấp dịch vụ VTCI đến năm 2025 đã chuyển hướng sang hình thức hỗ trợ DN cung cấp dịch vụ VTCI để bù đắp chi phí cho VTCI viễn thông phát triển, nâng cấp, duy trì cơ sở hạ tầng viễn thông; hỗ trợ sử dụng dịch vụ VTCI, thiết bị đầu cuối. Sự chuyển hướng này phù hợp với đặc thù hoạt động VTCI.

Để triển khai thực hiện Chương trình, Bộ TT&TT và Bộ Tài chính đã ban hành các Thông tư hướng dẫn thực hiện. Tuy nhiên, khi thực hiện phương thức đấu thầu, đặt hàng DN cung cấp dịch vụ viễn thông đã gặp các khó khăn, vướng mắc sau:

- Đối với phương thức đấu thầu lựa chọn DN cung cấp dịch vụ VTCI còn thiếu cơ sở pháp lý hướng dẫn xác định dự toán làm căn cứ lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ cho từng thôn, bản.

- Đối với phương thức đặt hàng: Theo quy định sử dụng ngân sách Nhà nước (NSNN) để đặt hàng cung cấp dịch vụ công ích, theo quy định hiện hành (Nghị định số 32/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ công sử dụng NSNN từ nguồn kinh phí chi thường xuyên), DN cung cấp dịch vụ phải có phương án giá dịch vụ được phê duyệt làm cơ sở để Bộ TT&TT quyết định mức hỗ trợ đặt hàng.

Tuy nhiên, để xây dựng được phương án giá dịch vụ cung cấp cho một khu vực thì phải xác định chi phí khấu hao tài sản cố định tại khu vực cung cấp dịch vụ VTCI, chi phí duy trì, vận hành khai thác công trình hạ tầng cung cấp dịch vụ. Việc DN xây dựng phương án giá dịch vụ cung cấp cho từng khu vực, từng địa bàn thôn bản gặp khó khăn do tính đặc thù của lĩnh vực viễn thông, hoạt động có tính quy mô mạng/hệ thống.

Việc hỗ trợ DN viễn thông cung cấp dịch vụ VTCI để bù đắp chi phí phát triển, nâng cấp, duy trì cơ sở hạ tầng viễn thông theo các phương thức đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ như trên đã nêu chưa có cơ sở pháp lý để xác định những chi phí nào sẽ hỗ trợ DN viễn thông, do vậy không có đầy đủ cơ sở lập dự toán thực hiện.

Mặt khác, việc hỗ trợ cung cấp dịch vụ VTCI cho các DN viễn thông và hỗ trợ đối tượng sử dụng dịch vụ có tính liên tục trong khi Chương trình cung cấp dịch vụ VTCI có tính giai đoạn 5 năm. Khi chương trình cung cấp dịch vụ VTCI hết thời gian thực hiện, việc hỗ trợ hoạt động VTCI bị dừng lại, chờ chương trình cung cấp dịch vụ VTCI mới được phê duyệt. Việc này làm gián đoạn hỗ trợ sử dụng dịch vụ VTCI và ảnh hưởng đến việc triển khai xây dựng hạ tầng viễn thông của DN. Những khó khăn này dẫn đến chính sách hỗ trợ DN cung cấp dịch vụ VTCI không có căn cứ triển khai, vượt thẩm quyền hướng dẫn của Bộ TT&TT.

Đổi mới cơ chế quản lý hỗ trợ hoạt động VTCI

Đặc thù hoạt động viễn thông tác động đến chính sách, cơ chế quản lý hỗ trợ hoạt động VTCI

thongtin1-1665.jpg

Để tìm giải pháp tháo gỡ tháo gỡ khó khăn trong xây dựng chính sách, cơ chế quản lý hỗ trợ hoạt động VTCI; trước hết cần nghiên cứu sự khác biệt, tính đặc thù của hoạt động viễn thông so với các hoạt động sản xuất, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ công ích khác; cụ thể là:

Thứ nhất, hoạt động viễn thông có tính quy mô, được vận hành theo toàn bộ hệ thống mạng lưới hạ tầng của DN, có sự thống nhất về kỹ thuật công nghệ; dịch vụ cung cấp ở địa bàn này nhưng liên quan đến chi phí phát sinh ở các địa bàn khác. Do đó việc xác định đầy đủ chi phí cung cấp dịch vụ ở một khu vực cụ thể là rất phức tạp, khó chính xác.

Thứ hai, việc đầu tư công trình hạ tầng mới để phổ cập dịch vụ viễn thông tại một khu vực còn lõm sóng là đầu tư trực tiếp tại khu vực này, nhưng đồng thời phải sử dụng hệ thống dùng chung của toàn mạng lưới. DN có thể linh hoạt huy động, điều chuyển thiết bị trên mạng lưới, dẫn đến giá trị tài sản giữa các địa bàn cụ thể (thôn, bản) có sự khác nhau.

Thứ ba, về quy mô đầu tư, ngoài đầu tư để cung cấp dịch vụ viễn thông theo yêu cầu của Nhà nước, DN có thể kết hợp đầu tư theo mục tiêu lâu dài, tự đảm bảo nguồn vốn. Trong trường hợp này, Nhà nước không thể bù đắp toàn bộ chi phí do DN đầu tư mà chỉ hỗ trợ chi phí để phổ cập dịch vụ viễn thông. Vì vậy, cần thiết có cơ chế giới hạn phần hỗ trợ của Nhà nước, còn lại DN tự đảm bảo từ hoạt động kinh doanh trên mạng lưới.

Thứ tư, do có sự khác biệt về địa hình, mật độ dân cư dẫn đến có sự chênh lệch lớn về doanh thu và chi phí cung cấp dịch vụ giữa các khu vực. Doanh thu phát sinh cần được tính là một nguồn để bù đắp một phần chi phí, do đó cơ chế xác định mức hỗ trợ của Nhà nước cần tránh trùng lặp về nguồn bù đắp chi phí.

Thứ năm, trách nhiệm đầu tư, tổ chức mạng lưới giữa các DN khác nhau và chi phí phát sinh gồm nhiều nội dung: chi phí khấu hao tài sản cố định do DN đầu tư, chi phí thuê dịch vụ hạ tầng, thuê địa điểm lắp đặt, bảo vệ. Đây là những chi phí phụ thuộc rất nhiều vào thực tế, khó định mức cụ thể. Chính sách hỗ trợ của Nhà nước là hỗ trợ bù đắp chi phí hoạt động VTCI cho DN; do đó cần nâng cao trách nhiệm của DN trong công tác báo cáo và giải trình.

Thứ sáu. Đối với chính sách hỗ trợ sử dụng dịch vụ viễn thông phổ cập, đối tượng được hỗ trợ có quyền lựa chọn DN cung cấp dịch vụ; đối tượng thường xuyên biến động, đòi hỏi phải có cơ chế kết hợp quản lý giữa Trung ương và địa phương, DN.

Những quy định mới của Luật Viễn thông 2023

Để khắc phục những khó khăn, bất cập, hạn chế suốt nhiều năm qua, trong hoạt động VTCI như: chưa bảo đảm tính liên tục trong hỗ trợ cung cấp dịch vụ VTCI; tồn dư Quỹ lớn; một số nhiệm vụ cung cấp dịch vụ VTCI không thực hiện được. Nguyên nhân cơ bản của các tồn tại, hạn chế nêu trên là chưa có đầy đủ cơ chế quản lý, sử dụng Quỹ để hỗ trợ DN phát triển, nâng cấp và duy trì hạ tầng viễn thông để cung cấp dịch vụ và hỗ trợ đối tượng sử dụng dịch vụ VTCI; chưa có quy định về trách nhiệm của địa phương tham gia vào hoạt động VTCI; chưa quy định phương thức hỗ trợ trong một số trường hợp đặc thù...

Luật Viễn thông năm 2023 kế thừa việc duy trì Quỹ Dịch vụ VTCI Việt Nam và bổ sung, hoàn thiện các quy định về hoạt động VTCI tại Chương III, từ Điều 30 đến Điều 32. Theo đó, chính sách về VTCI đã quy định rõ hoạt động VTCI. Hoạt động viễn thông công ích theo Luật Viễn thông năm 2023 gồm 3 nội dung chính: (1) Hỗ trợ cho DN viễn thông cung cấp dịch vụ VTCI; (2) Hỗ trợ các đối tượng sử dụng dịch vụ VTCI; (3) Hỗ trợ thiết bị đầu cuối (bằng tiền hoặc hiện vật) cho các đối tượng được hỗ trợ. Các hoạt động này được thực hiện thông qua Chương trình cung cấp dịch vụ VTCI do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Luật Viễn thông năm 2023 cũng đã quy định: Nguyên tắc hoạt động VTCI, kinh phí đảm bảo hoạt động VTCI là từ Quỹ Dịch vụ VTCI Việt Nam; quy định địa vị pháp lý của Quỹ dịch vụ VTCI Việt Nam (là tổ chức tài chính ngoài NSNN, trực thuộc Bộ TT&TT) có nhiệm vụ thu các khoản đóng góp của các DN viễn thông và thực hiện giải ngân hỗ trợ cung cấp dịch vụ VTCI theo hướng dẫn của Bộ TT&TT.

Đặc biệt, Luật Viễn thông năm 2023 đã quy định các phương thức hỗ trợ cung cấp dịch vụ VTCI, hỗ trợ sử dụng dịch vụ VTCI và thiết bị đầu cuối cho các đối tượng. Luật Viễn thông năm 2023 đã có các nội dung mới, quan trọng sau đây:

a) Chính phủ được giao quy định chi tiết phương thức hỗ trợ DN cung cấp dịch vụ VTCI; hỗ trợ sử dụng dịch vụ VTCI; hỗ trợ thiết bị đầu cuối cho các đối tượng theo quy định; quy định cơ chế tài chính hỗ trợ hoạt động VTCIh.

b) Các đối tượng được hỗ trợ sử dụng dịch vụ VTCI và DN cung cấp dịch vụ VTCI được xem xét hỗ trợ ổn định, liên tục thông qua các chương trình cung cấp dịch vụ VTCI.

c) Một số DN viễn thông được sẽ được Nhà nước xem xét miễn, giảm đóng góp vào Quỹ.

Luật đã giao Chính phủ quy định chi tiết các phương thức hoạt động VTCI và cơ chế tài chính hỗ trợ hoạt động VTCI, chính sách miễn, giảm đóng góp cho Quỹ Dịch vụ VTCI đối với các DN và đảm bảo tính liên tục, ổn định trong hỗ trợ hoạt động VTCI. Có thể nói, Luật Viễn thông năm 2023 đã có nhiều thay đổi, tạo bước đột phá cho việc đổi mới cơ chế hỗ trợ tài chính thực hiện hoạt động VTCI.

Đổi mới cơ chế quản lý hoạt động VTCI - Những điểm mới trong chính sách

Việc đổi mới, xây dựng các văn bản triển khai thi hành Luật Viễn thông về VTCI nhằm tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách, đảm bảo phù hợp với tính chất đặc thù của lĩnh vực viễn thông; giải quyết khó khăn khi không áp dụng được các quy định pháp luật hiện hành; tạo hành lang pháp lý ổn định qua những giai đoạn thực hiện các chương trình cung cấp dịch vụ VTCI. Qua đó nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn Quỹ dịch vụ VTCI Việt Nam.

Triển khai Luật Viễn thông, Bộ TT&TT xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật về hoạt động VTCI, với những đổi mới, thay đổi cách làm sau đây:

Một là, tập trung vào tháo gỡ khó khăn trong việc thực hiện mục tiêu hỗ trợ DN phát triển, duy trì hoạt động VTCI ở vùng kinh doanh khó khăn; mục tiêu mà suốt 20 năm qua chưa thực hiện được vì thiếu cơ sở pháp lý hoặc áp dụng các cơ sở pháp lý hiện hành không phù hợp; xác lập các quy định về nội dung hỗ trợ và mức hỗ trợ cho DN cung cấp dịch vụ viễn thông phổ cập trong việc thực hiện mục tiêu xóa vùng “lõm sóng” và duy trì chất lượng dịch vụ ở khu vực khó khăn thông qua các phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu.

Hai là, thay đổi cơ chế từ việc Nhà nước phải quyết định cụ thể và chịu trách nhiệm về quyết định các khoản chi hỗ trợ từ Quỹ dịch vụ VTCI Việt Nam sang tăng cường trách nhiệm báo cáo và giải trình của DN được hỗ trợ cung cấp dịch vụ VTCI; giảm sự vụ cho cơ quan Nhà nước.

Ba là, đề xuất phương thức thực hiện hỗ trợ DN cung cấp dịch vụ viễn thông phổ cập; xây dựng cơ chế ưu tiên đấu thầu cung cấp dịch vụ trên cơ sở công khai, minh bạch và cạnh tranh công bằng; xây dựng quy trình quản lý thống nhất trong việc thực hiện các phương thức hỗ trợ hoạt động VTCI.

Từng bước đổi mới, hoàn thiện cơ chế, biện pháp quản lý hỗ trợ các đối tượng được sử dụng dịch vụ viễn thông phổ cập từ việc Nhà nước mua dịch vụ cho đối tượng sử dụng sang hỗ trợ trực tiếp và trao trách nhiệm của người thụ hưởng; chuyển đổi số trong thực hiện chính sách để giảm sự vụ và tiết kiệm công sức trong quản lý.

Bốn là, xác lập nguyên tắc chung hỗ trợ DN cung cấp dịch vụ viễn thông phổ cập theo hướng hỗ trợ bù đắp chi chi phí phát sinh trực tiếp trong giới hạn theo yêu cầu của Nhà nước về phổ cập dịch vụ viễn thông, tạo điều kiện cho DN tự đầu tư, duy trì hoạt động viễn thông phù hợp với chiến lược phát triển.

Năm là, xác lập cơ chế đảm bảo tính liên tục, ổn định trong hỗ trợ hoạt động VTCI; khắc phục tình trạng bị ngắt quãng do sự giới hạn về thời gian của Chương trình cung cấp dịch vụ VTCI, không khuyến khích và không phù hợp với hoạt động viễn thông đòi hỏi tính liên tục và ổn định.

Sáu là, tăng cường trách nhiệm, sự phối hợp của các địa phương; đặc biệt là xác định vùng lõm sóng, vùng chưa đảm bảo yêu cầu chất lượng dịch vụ, và trong quản lý đối tượng được hỗ trợ sử dụng dịch vụ VTCI cần được gắn với địa bàn cụ thể, phù hợp với phân cấp quản lý kinh tế - xã hội.

Để chính sách về VTCI sớm đi vào cuộc sống và thực chất, hiệu quả theo tinh thần Luật Viễn thông năm 2023, trước mắt, Bộ TT&TT cần hoàn thành xây dựng, triển khai Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Viễn thông về hoạt động VTCI với những cách làm mới, tạo tiền đề cho việc thực hiện chính sách ổn định trong thời gian tới. Khi đã xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, vấn đề còn lại đem đến thành công là sự cố gắng và phối hợp thường xuyên, chặt chẽ giữa các cơ quan Nhà nước ở Trung ương và các địa phương, giữa các cơ quan Nhà nước với các DN viễn thông và với các đối tượng thụ hưởng chính sách về VTCI.

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 7 tháng 7/2024)

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Đổi mới chính sách, cơ chế quản lý hoạt động viễn thông công ích
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO