Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến tổng kết chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích (VTCI) đến năm 2020 do Bộ TT&TT tổ chức ngày 23/7/2021. Chương trình được thực hiện theo nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 1168/QĐ-TTg ngày 24/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ.
Một chương trình ý nghĩa
Theo đánh giá của các bộ ngành, địa phương, sau 5 năm triển khai thực hiện, Chương trình đã đem lại hiệu quả tích cực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đảm bảo quốc phòng - an ninh, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và an sinh xã hội, đặc biệt Chương trình đã tạo cơ hội cho các đối tượng yếu thế trong xã hội được tiếp cận với dịch vụ viễn thông với mức giá hợp lý.
Đối với nhiệm vụ đóng góp vào Quỹ dịch vụ VTCI, với sự chủ động chỉ đạo triển khai và xây dựng đầy đủ, kịp thời các văn bản hướng dẫn, các DN viễn thông đã hoàn thành nhiệm vụ thu đóng góp. Năm 2020, Bộ TT&TT đã chủ động đề nghị Thủ tướng Chính phủ dừng thu đóng góp, giảm gánh nặng cho DN trong giai đoạn bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19.
Đối với nhiệm vụ chi hỗ trợ, Chương trình cung cấp dịch vụ VTCI đến năm 2020 được phân thành 3 nhóm nhiệm vụ lớn gồm: (i) Nhóm nhiệm vụ hỗ trợ kết nối truyền hình số; (ii) nhóm nhiệm vụ hỗ trợ dịch vụ VTCI; (iii) nhóm nhiệm vụ hỗ trợ phát triển hạ tầng viễn thông.
Đối với nhóm nhiệm vụ kết nối truyền hình số là nhóm nhiệm vụ được thực hiện thành công, đạt được mục tiêu đề ra và kinh phí được tiết kiệm đáng kể. Chương trình đã hỗ trợ đầu thu truyền hình số cho 1,9 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo xem các chương trình truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị và nhiều kênh chương trình khác với chất lượng cao về âm thanh và hình ảnh.
Nhờ đó, đến ngày 11/01/2021, Việt Nam đã công bố hoàn thành việc chuyển đổi hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất từ công nghệ tương tự sang công nghệ số trên phạm vi toàn quốc, nâng cao hiệu quả sử dụng tần số của truyền hình số mặt đất cao hơn khoảng 30 lần so với truyền hình tương tự. Quan trọng hơn, việc hoàn thành số hóa truyền hình đã giải phóng được trên 100 MHz thuộc băng tần 700 MHz, là băng tần "vàng" để phát triển viễn thông trong tương lai, trong khi vẫn có đủ tần số cho nhiều kênh truyền hình hơn trước đây.
Đối với nhóm nhiệm vụ hỗ trợ dịch vụ, việc hỗ trợ cung cấp dịch vụ VTCI được thực hiện tương đối tốt, về cơ bản đã đạt được mục tiêu đề ra. Kết quả thực hiện các nhóm nhiệm vụ này đã đem lại những lợi ích về an sinh xã hội tại các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng biên giới hải đảo, đảm bảo thông tin phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh trật tự và chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Đối với nhóm nhiệm vụ hỗ trợ phát triển hạ tầng viễn thông, nhóm nhiệm vụ này do có nhiều nguyên nhân nên không được triển khai đầy đủ, không đạt được mục tiêu của Chương trình. Do dự kiến kinh phí cho nhóm nhiệm vụ này chiếm tỷ trọng lớn (50%) trong toàn bộ kinh phí Chương trình, nên việc thực hiện nhóm nhiệm vụ này với khối lượng thấp dẫn đến giá trị giải ngân thực tế của cả Chương trình đạt tỷ lệ thấp.
Nhìn lại chặng đường 5 năm thực hiện Chương trình cung cấp dịch vụ VTCI, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm nhấn mạnh các cơ quan liên quan và các DN đã đồng hành cùng Bộ TT&TT và đạt được một số thành công. Bên cạnh đó, còn nhiều hạn chế trong công tác tổ chức, điều hành, phối hợp dẫn đến một số nhiệm vụ không được thực hiện hoặc thực hiện không hiệu quả. Những hạn chế này cần được phân tích, đánh giá để tìm ra nguyên nhân, rút ra các bài học kinh nghiệm làm tiền đề cho việc xây dựng chính sách cung cấp dịch vụ VTCI trong các giai đoạn tiếp theo.
Thứ trưởng cũng nhấn mạnh sự phối hợp của các bộ, ngành liên quan phải kể đến sự tích cực và nghiêm túc của các DN viễn thông. "Các DN viễn thông đã tích cực phối hợp và đồng hành cùng Bộ TT&TT trong thời gian vừa qua".
Thông tin thêm về kết quả của Chương trình trong 5 năm qua, theo Bộ TT&TT, chương trình đã hỗ trợ thiết lập truyền dẫn cáp quang kết nối từ đất liền đến trung tâm hành chính của các huyện đảo như huyện đảo Cát Hải, Cô Tô, Lý Sơn, Phú Quốc. Chương trình đã hỗ trợ cho tất cả ngư dân đánh bắt hải sản trên biển miễn cước sử dụng dịch vụ liên lạc tìm kiếm, cứu nạn trên biển qua hệ thống đài thông tin duyên hải, với gần 2,4 triệu phút liên lạc.
Bên cạnh tham gia thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ theo Chương trình, các DN viễn thông cũng đã tích cực, chủ động phát triển hạ tầng băng rộng đến xã còn trắng dịch vụ viễn thông. Kết quả đến hết năm 2020, không còn xã trắng hoàn toàn dịch vụ viễn thông mà chỉ còn các thôn, bản, đảo chưa có dịch vụ (do đặc thù điều kiện địa hình rất khó khăn trong phát triển hạ tầng và mạng lưới cung cấp dịch vụ).
Bên cạnh nỗ lực của Chương trình, bà Lê Thị Thu Hương, Phó Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Gia Lai cho biết thêm Sở đã tham mưu UBND tỉnh Gia Lai cấp hơn 05 tỷ đồng để hỗ trợ đầu thu truyền hình số cho 7.187 hộ gia đình có người thuộc các đối tượng chính sách xã hội. Đến nay, Sở đã phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan tiến hành hỗ trợ đầu thu truyền hình số cho 100% hộ gia đình thuộc danh sách đủ điều kiện đã được phê duyệt.
Triển khai chương trình theo cách mới
Để tiếp tục triển khai một số hỗ trợ dịch vụ VTCI trong năm 2021 và trong giai đoạn mới, các đại biểu đề xuất Chương trình đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến các tổ chức, tầng lớp nhân dân về nội dung, mục tiêu đề ra của Chương trình cung cấp dịch vụ đến năm 2025 nhằm tranh thủ sự ủng hộ, phối hợp trong quá trình triển khai.
Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đề xuất hỗ trợ triển khai xã thông minh, WiFi miễn phí cho các khu vực công cộng ở các xã vùng sâu xa…
Đại diện Sở TT&TT Sóc Trăng đề nghị bổ sung nhiệm vụ hỗ trợ ứng dụng CNTT và hỗ trợ hệ thống truyền thanh cơ sở sử dụng CNTT - viễn thông theo Quyết định số 135/QĐ-TTg ngày 20/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở dựa trên ứng dụng CNTT; Hỗ trợ chi phí thiết bị, cước phí sử dụng thiết bị giám sát hành trình cho ngư dân trên tàu, thuyền đánh bắt hải sản trên biển và chi phí quản lý, điều hành, khai thác, sử dụng an toàn, hiệu quả các cơ sở dữ liệu của Chương trình tại các địa phương; Nghiên cứu bổ sung nhiệm vụ hỗ trợ thiết bị nghe, nhìn và điện thoại thông minh cho người dân thuộc đối tượng thụ hưởng của Chương trình.
Trước các đề xuất, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn đã định hướng một số việc Chương trình cần làm ngay trong năm 2021. Trong đó có việc tập trung xây dựng cơ chế chính sách mới phải khả thi. Các DN Viễn thông sẽ tham gia đóng góp xây dựng chính sách ngay từ đầu. Dự kiến, nội dung Chương trình sẽ được phê duyệt trong tháng 8/2021. Một số nội dung hỗ trợ ngoài viễn thông như chuyển đổi số, CNTT, ATTT cũng sẽ được Bộ TT&TT xem xét.
Thứ trưởng cũng lưu ý các địa phương thực hiện Chương trình phòng chống Covid-19 theo Nghị quyết 78/NQ-CP ngày 20/7/2021 phiên họp Chính phủ chuyên đề về phòng, chống dịch COVID-19, trong đó Bộ TT&TT có 3 nhiệm vụ chính: (1) Triển khai hệ thống CNTT phòng chống Covid-19; (2) Tuyên truyền thông tin tích cực và (3) Đảm bảo đáp ứng các mặt hàng thiết yếu.
Đối với nội dung thứ 3, Bộ đã có chương trình cụ thể cho các tỉnh đang thực hiện giãn cách, theo đó ngành TT&TT sẽ tham gia cung cấp hàng thiết yếu, chủ lực sẽ là Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, Bưu chính Viettel. Bộ yêu cầu các Sở TT&TT là các đầu mối phối hợp với hai DN này thực hiện đúng chủ trương của Chính phủ.
Cũng do dịch Covid-19, Thứ trưởng cho biết Bộ chủ trì thực hiện chương trình tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân. Nhiều hộ nông dân vừa qua gặp khó khăn như ở tỉnh Bắc Giang đã được hai DN bưu chính hỗ trợ hiệu quả thông qua 2 sàn TMĐT lớn Postmart và Vỏ Sò. Các Sở TT&TT cùng với hai đơn vị ở các tỉnh thực hiện tốt việc hỗ trợ bà con nông dân./.