Đổi thay đời sống đồng bào dân tộc thiểu số nơi miền đất khô hạn
Sinh sống trên vùng đất nhiều khó khăn về cả khí hậu lẫn tài nguyên, đặc biệt là nguồn nước khan hiếm, đồng bào dân tộc thiểu số của Ninh Thuận với nền nông nghiệp lúa nước đã vượt qua không ít những gian nan để tồn tại và phát triển.
Khó khăn và đổi thay
Ninh Thuận có 7 đơn vị hành chính trực thuộc (6 huyện và 1 thành phố), trong đó 1 huyện Bác Ái thuộc huyện nghèo. Toàn tỉnh có 32 dân tộc, các dân tộc thiểu (DTTS) số chiếm 24,03%, trong đó dân tộc Chăm chiếm 12,3% và Raglai chiếm 10,08 % dân số toàn tỉnh.
Sự đa dạng này đã tạo nên một nền văn hóa phong phú, từ nghi lễ tín ngưỡng, kiến trúc tôn giáo, đến lối sống thường ngày. Tuy nhiên, đời sống đồng bào cũng gặp rất nhiều khó khăn do đây là một trong những khu vực khô hạn nhất Việt Nam.
Quá trình phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào DTTS cũng gặp không ít khó khăn do điều kiện tự nhiên khó khăn, ảnh hưởng biến đổi khí hậu, nguồn lực đầu tư còn hạn chế dẫn đến tốc độ phát triển kinh tế còn chậm so với mặt bằng chung của tỉnh. Tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS theo chuẩn nghèo đa chiều còn cao.
Nhưng vượt lên trên tất cả khó khăn thách thức, đời sống đồng bào DTTS ở Ninh Thuận đang mỗi ngày một đổi thay nhờ chính sách chăm lo của Đảng, Nhà nước; nỗ lực của các ngành, các cấp trong tỉnh và sự vươn lên của người dân. Trong đó, có sự góp phần của các dự án thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Theo báo cáo, đến cuối năm 2023, toàn tỉnh Ninh Thuận có 32 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 14 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 2 huyện hoàn thành tiêu chí nông thôn mới. Chính sách an sinh xã hội được triển khai đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng; diện mạo đô thị và nông thôn có nhiều khởi sắc. Đời sống Nhân dân, trong đó có đời sống đồng bào DTTS được cải thiện rõ nét.
Hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào DTTS cơ bản tuân thủ pháp luật. Chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo có tinh thần đoàn kết, tích cực tham gia và hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, sống tốt đời đẹp đạo, góp phần phát triển KT-XH, đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra “điểm nóng” về tín ngưỡng, tôn giáo.
Cộng đồng người DTTS ở Ninh Thuận tích cực tham gia cuộc vận động “Phát huy vai trò của các tôn giáo trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn tỉnh” và chương trình “Phát huy vai trò tôn giáo trong tham gia bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu trong vùng đồng bào có đạo”.
Điều này đem lại hiệu quả thiết thực, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và làm thay đổi thái độ, hành vi, thói quen của cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu, như mô hình Cộng đồng Hồi giáo Bàni, Cộng đồng Chăm Bàlamôn tham gia bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần quan trọng trong tiêu chí môi trường của huyện Ninh Phước, Ninh Hải đạt chuẩn huyện nông thôn mới.
Tham gia chuyển đổi số
Ninh Thuận là tỉnh có nhiều nỗ lực trong việc tham gia chuyển đổi số (CĐS). Ở huyện nghèo nhất của Ninh Thuận ở Bác Ái, có 9 tổ công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ) cấp xã và 38 tổ ở các thôn.
Các tổ luân phiên nhau đi từng ngõ, gõ từng nhà, đến chợ ở các xã, thôn,… trực tiếp hướng dẫn theo cách “cầm tay chỉ việc”, giúp bà con làm quen với CĐS và tự mình biết cài đặt, sử dụng các ứng dụng thông minh để phục vụ công việc và cuộc sống.
Các công trình di tích lịch sử trong tỉnh đều được ứng dụng “số hóa”, du khách có thể quét mã QR để cập nhật các dữ liệu về di tích lịch sử, dễ dàng hiểu sâu hơn về giá trị lịch sử của di tích mà không cần phải có người thuyết minh.
Các tổ CNSCĐ thôn hướng dẫn đồng bào sử dụng các ứng dụng, đặc biệt là truy cập nhanh những thông tin gắn liền với đời sống trên nhóm Zalo của thôn. Đồng bào DTTS người Chăm, người Ra Glai không còn mất thời gian để đi đến tận điểm thanh toán tiền điện, tiền nước như trước đây. Bà con đã biết cách chuyển khoản thanh toán bằng điện thoại di động ngay sau khi nhận được thông báo từ nhà cung cấp các dịch vụ. Tính đến cuối năm 2023, đa số người dân ở Ninh Thuận trong đó có đồng bào DTTS đã cài đặt ứng dụng VneID.
Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Thuận đã xây dựng, vận hành hệ chương trình quản lý giáo dục để quản lý, tuyển sinh đầu cấp; lập sổ điểm giáo viên, học bạ, sổ điểm, sổ liên lạc điện tử; thu học phí không dùng tiền mặt đến 100% cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh. Tại Trung tâm Y tế huyện Ninh Phước, người dân đã quen với việc sử dụng căn cước công dân có gắn chíp để thay thế thẻ bảo hiểm y tế khi đi khám, chữa bệnh.
Giai đoạn 2019-2024, toàn tỉnh đã huy động trên 4.877 tỷ đồng hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, với hơn 1.000 hạng mục công trình, dự án.
Với những kết quả bước đầu, CĐS đã giúp đồng bào DTTS rút ngắn khoảng cách địa lý, dễ dàng tiếp cận với các mô hình kinh doanh mới, thị trường mới, nâng cao khả năng cạnh tranh trong sản xuất, kinh doanh, từng bước vươn lên cải thiện đời sống.
Trong công tác vận động đồng bào DTTS, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) các cấp và các đoàn thể trong tỉnh đã tập trung đổi mới nội dung, đa dạng hóa phương thức, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, CĐS nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động, xây dựng khối đại đoàn kết trong đồng bào các dân tộc, tôn giáo; Có nhiều hình thức phù hợp như tổ chức tập huấn, họp mặt, gặp gỡ trao đổi, động viên để kịp thời thông tin tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tín ngưỡng, dân tộc, tôn giáo đến các vị chức sắc các tôn giáo, người có uy tín trong đồng bào các DTTS.
Định kỳ hàng quý, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và UBND tỉnh đã phối hợp tổ chức Hội nghị thông tin tình hình và lắng nghe ý kiến Nhân dân; thường xuyên tổ chức Diễn đàn Lắng nghe ý kiến nhân dân vùng DTTS và miền núi, Diễn đàn Lắng nghe tiếng nói người nghèo… qua đó kịp thời thông tin các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tình hình KT-XH, kết quả công tác Mặt trận đồng thời tập hợp, phản ánh kiến nghị của nhân dân đến cấp ủy, chính quyền tạo được sự đồng thuận xã hội trong đồng bào các dân tộc, tôn giáo.
Hướng đến mục tiêu thoát nghèo bền vững
Ở Ninh Thuận, chính quyền và các tổ chức đoàn thể đã vận động các tổ chức tôn giáo thực hiện việc nhận đỡ 31 đầu, giúp hộ nghèo thoát nghèo, thông qua hỗ trợ vật nuôi, con giống, nguồn vốn, sinh kế hàng tổng trị giá trăm triệu đồng giúp 70 hộ nghèo thoát nghèo bền vững.
Đặc biệt, từ nguồn hỗ trợ của Trung ương MTTQ Việt Nam, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã triển khai xây dựng Mô hình trồng cây măng tây xanh tưới nước tiết kiệm tại thôn Tuấn Tú, xã An Hải, Ninh Phước), đến nay 24/24 hộ đồng bào Chăm theo đạo Hồi giáo Bàni tại đây đã thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống.
Trong những năm qua, bà con nông dân người Chăm tỉnh Ninh Thuận đã thực hiện nhiều mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây măng tây xanh, áp dụng mô hình canh tác VietGAP, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tại làng Tuấn Tú (xã An Hải), Thành Tín (xã Phước Hải) hiện có trên 120 ha diện tích trồng măng tây xanh. Đây là loài cây được mệnh danh "rau vua” cho thu nhập trên 200 triệu đồng/ha/năm.
Đặc biệt là mô hình của chị Châu Thị Xéo, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Châu Rế liên kết với hơn 80 hộ dân trồng măng tây xanh theo mô hình cánh đồng lớn với diện tích hơn 20 ha.
Bình quân mỗi ngày, Hợp tác xã thu mua khoảng 300kg măng tây của các xã viên. Sản lượng măng tây thu hoạch không đủ cung cấp cho thị trường. Chị Xéo đã được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trao tặng danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022.
Với nỗ lực của nhân dân trong tỉnh Ninh Thuận và của đồng bào DTTS, Ninh Thuận đang phấn đấu đến năm 2025 là tỉnh phát triển khá trong khu vực và cả nước, đến năm 2030 là tỉnh có mức thu nhập bình quân thuộc nhóm trung bình cao của cả nước, đến năm 2045 trở thành tỉnh phát triển toàn diện, có thu nhập cao./.