Truyền thông

Bảo tồn đa dạng văn hóa của các dân tộc thiểu số và những vấn đề đặt ra

Cẩm Anh 25/11/2024 14:14

Việt Nam là một quốc gia có 54 dân tộc anh em cùng sinh sống trên khắp lãnh thổ Việt Nam từ Bắc vào Nam với đặc thù văn hóa Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ. Trong quá trình hình thành và phát triển lịch sử tộc người, mỗi dân tộc đều có bản sắc riêng làm phong phú nền văn hoá Việt Nam.

Sự đa dạng của các tộc người và các đặc trưng văn hóa

Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, trong đó người Kinh chiếm đa số, 53 dân tộc còn lại có khoảng hơn 14,7% dân số cả nước. Đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) cư trú và sinh sống thành cộng đồng, chủ yếu ở miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa. Hình thái cư trú giữa các dân tộc là phân tán và xen kẽ với sắc thái văn hóa rất phong phú, đa dạng.

54 dân tộc đó đều có những giá trị và sắc thái văn hóa riêng. Các giá trị và sắc thái đó bổ sung cho nhau, làm phong phú nền văn hóa Việt Nam và củng cố sự thống nhất dân tộc là cơ sở để giữ vững sự bình đẳng và phát huy tính đa dạng văn hóa của các dân tộc anh em.

Chú thích ảnh
Một sinh hoạt văn hoá cộng đồng của đồng bào dân tộc miền núi phía Bắc. (Ảnh: TTXVN)

Quyết định số 1909/QĐ-TTg được Thủ tướng Chính phủ ký ngày 12/11/2021 phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 đã đề ra nhiệm vụ, giải pháp: “Tăng cường bảo vệ, phát huy đa dạng các biểu đạt văn hóa trong cộng đồng, chú trọng phát triển tài năng trẻ, ưu tiên người DTTS và phụ nữ bảo đảm quyền bình đẳng giới trong lĩnh vực văn hóa”.

Như vậy, trên thế giới cũng như ở Việt Nam từ lâu đã quan tâm đến vấn đề bảo vệ, phát huy sự đa dạng văn hóa và xem đây là nhân tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển, đồng thời là cơ sở để giao lưu, hội nhập, bảo đảm sự bình đẳng giữa các quốc gia trên thế giới.

Sự riêng biệt và đa dạng thể hiện từ phương thức sản xuất kinh tế, kết cấu xã hội cho đến sáng tạo văn hóa được thể hiện trong sinh hoạt ăn, mặc, ở; trong sáng tạo về ẩm thực, nghệ thuật văn chương, trang phục, kiến trúc, điêu khắc... Các dân tộc cũng đến từ nhiều nhóm ngôn ngữ khác nhau như Việt - Mường, Nam Á, Nam Đảo, Tạng - Miến...; có dân tộc theo chế độ mẫu hệ, có dân tộc theo chế độ phụ hệ.

Cùng với sự đa dạng trong các tộc người, các đặc trưng văn hóa cũng thể hiện trong văn hóa biển, văn hóa rừng, văn hóa đô thị, văn hóa nông thôn và đi liền với những sinh hoạt văn hóa đó là các thiết chế văn hóa đặc trưng. Các vùng văn hóa Việt Nam cũng được nhận diện với bản sắc khác nhau làm nên bức tranh văn hóa vô cùng phong phú, đa dạng.

anh6.jpg
Di tích Quốc gia đặc biệt Tháp Vĩnh Hưng (hay còn gọi là tháp Trà Long) của tỉnh Bạc Liêu mang đậm dấu ấn văn hoá của cư dân Óc Eo. (Ảnh: Nguyên Du)

Sự khác biệt về cấu trúc địa hình, khí hậu và phân bố dân tộc, dân cư đã tạo ra những vùng văn hóa có những nét đặc trưng riêng tại Việt Nam.

Nếu như đối với người Kinh đó là văn hóa làng xã và văn minh lúa nước thì đối với các DTTS là những sắc thái văn hóa các dân tộc miền núi từ Tây Bắc, Đông Bắc và Tây Nguyên đến sự giao lưu, tiếp biến với văn hóa Chăm Pa của người Chăm ở Trung Bộ, đến những vùng đất mới ở Nam Bộ với sự kết hợp văn hóa các tộc người Hoa, người Khmer.

Tính đa dạng văn hóa tộc người đang bị giảm sút

Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình”. Vì vậy, các cộng đồng chủ thể văn hóa của 54 dân tộc anh em đều có vai trò, trách nhiệm trong gìn giữ, phát huy, làm giàu kho tàng di sản văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 cũng khẳng định mục tiêu, nhiệm vụ: giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các DTTS đi đôi với xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch...

Trong những năm qua, chính sách về đa dạng văn hóa ở Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả, góp phần quan trọng vào việc xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam từ các vùng miền, các tộc người và các loại hình văn hóa.

Các lễ hội, các chương trình giao lưu văn hóa sinh động được tổ chức thường xuyên là minh chứng cho sự tôn trọng tính đa dạng văn hóa. Các dân tộc thường xuyên giao lưu văn hóa với nhau thông qua ngày hội văn hóa các dân tộc từ trung ương đến cấp tỉnh, cấp huyện.

Nâng cao mức thụ hưởng về văn hóa cho đồng bào các dân tộc - Ảnh 1.
Mỗi dân tộc đều có bản sắc riêng làm phong phú văn hoá Việt Nam.

Khi còn sống, trong bài viết “Đa dạng văn hóa và sự phát triển xã hội” đăng trên Tạp chí Cộng sản, GS. TS Ngô Đức Thịnh cho rằng, tôn trọng sự đa dạng văn hóa không đồng nghĩa với ly khai và tách biệt văn hóa mà đa dạng trong thống nhất, đó là sự thống nhất của đa dạng, từ đa dạng.

Tuy nhiên, từ hàng hơn chục năm trước, GS Thịnh đã cảnh báo về tính “đồng hóa tự nhiên” đang diễn ra một cách “tự nhiên”, khiến cho tính đa dạng văn hóa tộc người và vùng ở nước ta có bị giảm sút, tuy mức độ và tính chất của sự giảm sút đó ở các tộc người và vùng không đồng đều, nhưng đã phổ biến và đáng báo động.

Cần thay đổi chính sách về bảo tồn đa dạng văn hóa

Trong quá trình bảo tồn tính đa dạng văn hóa của các DTTS ở Việt Nam, truyền thông góp vai trò quan trọng. Trong đó, việc truyền thông phải trên cơ sở 2 chiều, coi trọng việc phản hồi và tiếp thu ý kiến từ người dân các dân tộc thiểu số để điều chỉnh chính sách văn hóa.

Theo PGS. TS. Nguyễn Ngọc Hòa, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, hiện nay trong quá trình truyền thông, chưa xóa bỏ được tình trạng miệt thị, phân biệt đối xử với người đồng bào thiểu số, tình trạng “dán nhãn” trông chờ ỷ lại, thiếu sự bao dung đối với các DTTS. Thực tế cho thấy, trong quá trình di cư, tiếp xúc và giao lưu với các DTTS vẫn còn tình trạng có thái độ coi thường, thiếu tôn trọng người DTTS.

“Tăng cường bảo vệ, phát huy đa dạng các biểu đạt văn hóa trong cộng đồng, chú trọng phát triển tài năng trẻ, ưu tiên người DTTS và phụ nữ bảo đảm quyền bình đẳng giới trong lĩnh vực văn hóa”.

Chiến lược phát triển văn hoá đến 2030

Điều này dẫn đến việc không tạo ra được môi trường bình đẳng và hai chiều, một nhân tố cốt lõi để giao lưu và bảo tồn văn hóa đạt đến sự tối ưu của nó. Sự đa dạng, khác nhau của văn hóa tạo nên bản sắc, thương hiệu của một nền văn hóa, một vùng văn hóa nhất định nhưng trong quá trình giao lưu cũng nảy sinh những vấn đề không lường trước được có thể xuất phát từ sự khác nhau trong phong tục tập quán, tôn giáo, lối sống...

Tuy nhiên, sâu xa hơn vẫn là sự “áp đặt” hay “thao túng giá trị” của nền văn hóa này đối với một nền văn hóa khác thông qua các hoạt động kinh tế, văn hóa, khoa học, công nghệ.

Chính sách về đa dạng văn hóa chưa thực hiện tối ưu quan điểm của Đảng về chính sách ưu tiên, ưu đãi đối với đồng bào DTTS, trong đó có đội ngũ cán bộ, trí thức DTTS. Thực tiễn cho thấy, Đảng và Nhà nước Việt Nam dành nhiều chính sách ưu tiên, ưu đãi đặc thù, thậm chí là tỉ lệ nhất định cho DTTS từ lĩnh vực kinh tế, văn hóa, y tế giáo dục đến việc tham gia vào hệ thống chính trị. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, nhiều địa phương đã “bỏ qua” sự ưu tiên đặc thù đó.

Nghệ thuật đàn tính của Cao Bằng.

Để đề cao tính đa dạng văn hóa của các tộc người DTTS ở Việt Nam cần hoàn thiện khung thể chế, pháp lý theo hướng tiếp cận đa văn hóa, bao gồm khung thể chế thiết kế bộ máy bảo đảm cơ cấu đa văn hóa trong hệ thống, thể chế bảo đảm quyền làm chủ của người dân trong chính sách, xây dựng và hoàn thiện chính sách về đồng bào DTTS, chính sách thúc đẩy bình đẳng giới, bình đẳng xã hội trong đời sống chính trị - xã hội.

Đồng thời, cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, gia tăng trao quyền cho cơ sở trong quá trình chính sách, bảo đảm tôn trọng, phát huy các nguồn lực văn hóa bản địa trong việc xử lý các vấn đề xã hội tại cộng đồng/cơ sở; Bảo đảm các chủ thể văn hóa đều có cơ hội được phản ánh nhu cầu, nguyện vọng chính sách và được lắng nghe một cách đầy đủ./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Bảo tồn đa dạng văn hóa của các dân tộc thiểu số và những vấn đề đặt ra
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO