Đông Nam Á lo ngại bảo mật dữ liệu khi ứng dụng metaverse

Bảo Bình| 27/06/2022 06:06
Theo dõi ICTVietnam trên

Theo các chuyên gia bảo mật, khu vực công nhiệt tình ứng dụng công nghệ mới, song khả năng phục hồi trên không gian mạng và bảo vệ dữ liệu cá nhân phải là những điều kiện tiên quyết trước khi áp dụng công cuộc đổi mới số trong các dịch vụ công.

Công nghệ metaverse không chỉ được những công dân hiểu biết về công nghệ, những doanh nghiệp chuyên về công nghệ chào đón hào hứng và nghiên cứu, ứng dụng nhiệt tình, mà cả các khu vực công cũng không nằm ngoài phong trào đổi mới này.

Các chính phủ mong muốn khai thác tiềm năng của metaverse để tăng hiệu quả và chất lượng dịch vụ công, cũng như cải thiện sự hợp tác giữa các cơ quan chính phủ địa phương và quốc gia.

Các quốc gia Đông Nam Á ấp ủ nhiều ý tưởng về metaverse

Albert Jehoshua Rapha, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Quản lý Phát triển (PK2MP), Đại học Diponegoro ở Indonesia cho biết giống như nhiều quốc gia trên toàn cầu, các quốc gia Đông Nam Á đã và đang ấp ủ ý tưởng về "metaverse". Khái niệm này, được coi là một mạng lưới liền mạch của thế giới ảo nhân tạo, từng là một thứ khoa học viễn tưởng nhưng đã trở nên phổ biến rộng rãi kể từ khi Mark Zuckerberg công bố quyết định đổi tên Facebook thành Meta vào tháng 10/2021 và đưa khái niệm này thành hiện thực.

Với 70% dân số cư trú tại các quốc gia thành viên ASEAN hiện có quyền truy cập Internet, việc đón nhận xu hướng đổi mới số này rất có ý nghĩa. Các dịch vụ công cộng có thể được tiếp cận và thuận tiện hơn thông qua metaverse. Đối với lĩnh vực kinh doanh, metaverse nắm giữ những cơ hội và tiềm năng to lớn giúp phong phú trải nghiệm của người tiêu dùng và giới thiệu các sản phẩm dịch vụ ảo.

Ở Singapore và Thái Lan, giới bất động sản đã nhìn ra tiềm năng thương mại to lớn của metaverse và gần đây đã áp dụng công nghệ thực tế ảo metaverse để cải thiện trải nghiệm người dùng trong việc mua hoặc bán tài sản ảo.

Các chính phủ cũng đã hoan nghênh khái niệm này. Metaverse được thiết lập để đóng góp một vai trò quan trọng trong chương trình Thái Lan 4.0, nhằm mang lại một nền kinh tế dựa trên giá trị dựa do công nghệ thúc đẩy.

Tỷ lệ truy cập Internet của Indonesia ước tính sẽ đạt 82,5% trong 5 năm tới, vì vậy, chiến lược ứng dụng công nghệ cao do xu hướng số thúc đẩy rất hợp lý và có thể thúc đẩy quản trị tập trung vào con người thông qua mối quan hệ trung gian về công nghệ giữa chính phủ và người dân.

Trên khắp Indonesia, công nghệ metaverse đang từng bước được nắm bắt. Đầu năm nay, Thống đốc Jakarta, Anies Baswedan, đã đồng ý thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với WIR Group, một công ty công nghệ thực tế tăng cường nổi tiếng ở Đông Nam Á.

Mối hợp tác nhằm mục đích cải thiện việc thực hiện tầm nhìn thành phố thông minh của Jakarta, đồng thời khai thác nền tảng metaverse. Chính quyền tỉnh Jakarta mong muốn mang lại trải nghiệm thuận tiện hơn cho người dân trong việc tiếp cận và đạt được các dịch vụ công (DVC) với nền tảng này.

Tương tự, Kovi Otda của Bộ Nội vụ là một nền tảng ảo có thể hỗ trợ chính quyền địa phương tiến hành tham vấn với chính quyền trung ương. Trên thực tế, chính quyền địa phương sẽ có thể tổ chức các cuộc tham vấn theo thời gian thực trên nền tảng metaverse.

Bằng cách chuyển sang mô hình này, Chủ tịch khu tự trị, Akmal Malik hy vọng sẽ giảm thiểu tình trạng tham nhũng trong chính quyền địa phương.

Chính phủ Indonesia cũng có kế hoạch công bố hệ sinh thái metaverse của Indonesia tại Hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng 11 sắp tới.

Tuy nhiên, việc thúc đẩy cung cấp các DVC số hóa và nhiều hoạt động khác của chính phủ qua môi trường trực tuyến cũng khiến nhiều người thực sự lo ngại về khả năng đảm bảo an toàn an ninh mạng của chính phủ.

Vấn đề bảo mật dữ liệu và quyền riêng tư khi sử dụng metaverse

Theo Albert Jehoshua Rapha, trước khi Đông Nam Á đón nhận metaverse, vấn đề cấp bách đối với các nhà chức trách là phải giải quyết những thiếu sót hiện tại trong việc bảo vệ dữ liệu cá nhân của công dân của họ.

Đầu năm nay, một cuộc khảo sát của Milieu, nền tảng lập hồ sơ người tiêu dùng, đã phản ánh sự hào hứng của Đông Nam Á đối với metaverse. Cuộc khảo sát đã thăm dò 6.000 người trả lời từ 6 quốc gia thành viên ASEAN, đó là Malaysia, Philippines, Thái Lan, Indonesia, Singapore và Việt Nam, cho thấy rằng hầu hết những người được hỏi (72%) hoan nghênh việc sử dụng metaverse trong các tương tác hàng ngày của họ.

Tuy nhiên, cuộc khảo sát cũng tiết lộ hầu hết những người được hỏi (60%) lo ngại về vấn đề bảo mật dữ liệu và quyền riêng tư khi sử dụng metaverse. Malaysia đứng đầu (70%) về những mối lo ngại này, tiếp theo là Singapore và Indonesia (63%), Philippines (60%), Thái Lan (55%) và Việt Nam (47%).

Kết quả khảo sát này không có gì đáng ngạc nhiên vì quyền riêng tư dữ liệu đã trở thành mối quan tâm lâu dài liên quan đến không gian mạng của Đông Nam Á. Vấn đề được xem là nghiêm trọng hơn tại Indonesia.

Nhiều chính phủ Đông Nam Á lo ngại bảo mật dữ liệu khi ứng dụng metaverse - Ảnh 1.

Một người dùng thử tai nghe thực tế ảo Meta trong hội chợ đổi mới và khởi nghiệp công nghệ. Công nghệ metaverse đang được nhiều quốc gia trên toàn cầu thử nghiệm. (Ảnh: AFP)

Theo báo cáo mới nhất về Chỉ số An ninh mạng Quốc gia (NCSI) của Estonia, hiệu suất của Indonesia đối với các chỉ số an ninh mạng quan trọng rất kém. Đặc biệt, chỉ số cho thấy Indonesia vẫn chưa phát triển đầy đủ các chính sách an ninh mạng, công tác bảo vệ các dịch vụ thiết yếu và kỹ thuật số còn thiếu.

Cho đến nay, có hai lỗ hổng an ninh mạng lâu đời trong khu vực công của Indonesia, đó là các cuộc tấn công kỹ thuật số và vi phạm dữ liệu.

Indonesia từng phải đối mặt với các cuộc tấn công kỹ thuật số nhắm vào các trang web của chính phủ. Theo một báo cáo của SAFEnet, vào năm 2021, đã có 17 cuộc tấn công kỹ thuật số được xác định là có mục đích chống lại chính phủ. Mặc dù con số này thấp hơn 38 sự cố xảy ra vào năm 2020, nhưng tác động của các cuộc tấn công này đã tăng lên, gây ra những hậu quả đáng lo ngại đối với dữ liệu của công dân.

Một trong những trường hợp gây sốc nhất xảy ra vào tháng 10/2021, khi tin tặc (hacker) xâm nhập vào một tên miền phụ của Cơ quan Mạng và Tiền điện tử Quốc gia (NCCA). Vai trò của cơ quan này là ngăn chặn và phát hiện các cuộc tấn công mạng - đây thật sự là một điều trớ trêu đáng tiếc.

Thứ hai, dữ liệu công dân do các cơ quan chính phủ ở tất cả các cấp lưu trữ vẫn dễ bị rò rỉ. Ở cấp quốc gia, một trong những vụ vi phạm dữ liệu nghiêm trọng nhất vào năm 2021 liên quan đến cơ sở dữ liệu của Tổ chức Bảo hiểm xã hội, theo đó dữ liệu cá nhân của 279 triệu người Indonesia được cho là đã bị rò rỉ và rao bán trên mạng. Báo cáo SAFEnet cũng nêu rõ hai trường hợp ở cấp địa phương - rò rỉ dữ liệu của 815 giáo viên ở quận Tangerang và của hơn 1.000 vận động viên từ Văn phòng Thanh niên và Thể thao tỉnh Riau.

Một cuộc khảo sát toàn cầu gần đây của Fortinet cho thấy 72% các cuộc tấn công mạng ở châu Á là do thiếu các chuyên gia giỏi, có trình độ trong lĩnh vực này. Tuy vậy, ở Indonesia, vấn đề không chỉ là do thiếu nhân tài, mà là thiếu kỹ năng, Giám đốc quốc gia của Fortinet Indonesia, Edwin Lim cho biết. 

Cũng như báo cáo của SAFEnet, Fortinet nhận định Indonesia đặc biệt dễ bị tấn công mạng. Chỉ trong năm ngoái, dữ liệu của hơn 200 triệu người Indonesia đã bị tin tặc xâm nhập và đánh cắp. Indonesia nằm trong số 10 quốc gia có nhiều nguồn và mục tiêu bất thường nhất về an ninh mạng, với tới 1 tỷ cuộc tấn công nhằm vào Indonesia.

Đây là lý do tại sao Fortinet đang thúc đẩy nhiều chứng chỉ bảo mật hơn cho người Indonesia trong tương lai. Fortinet hứa hẹn sẽ có đào tạo 1 triệu chuyên gia an ninh mạng cho Indonesia vào năm 2026. Phó Chủ tịch của Fortinet Đông Nam Á và Hồng Kông, Peerapong Jongvibool, lưu ý rằng Indonesia cần có sự trợ giúp từ bên ngoài để thực hiện mục tiêu an toàn an ninh mạng của mình.

Indonesia sẽ sớm ban hành Dự luật bảo vệ dữ liệu cá nhân 

Niềm hy vọng về các vấn đề đảm bảo an toàn an ninh mạng đối với các khu vực chính phủ ngày càng lớn khi luật mới về quản lý an toàn thông tin trong hệ thống chính phủ được chính thức công bố vào tháng 5/2021. Tuy nhiên, để thực hiện tốt, vấn đề đảm bảo an toàn an ninh mạng vẫn cần sự cam kết của chính quyền địa phương và quốc gia để thực thi lâu dài.

Chính phủ Indonesia cũng cần ban hành hướng dẫn rõ ràng cho các cơ quan thực thi pháp luật để họ có thể trừng phạt những trường hợp sử dụng dữ liệu công dân bất hợp pháp. Đây là lĩnh vực mà Indonesia vẫn kém hơn các quốc gia Đông Nam Á khác như Malaysia, Singapore, Philippines và Thái Lan, vì những nước này đều đã thực hiện luật về quyền riêng tư dữ liệu cá nhân.

Rất may, Hạ viện Indonesia đang cân nhắc luật bảo vệ dữ liệu cá nhân. Dự luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân riêng tư được chờ đợi từ lâu, đã được đưa vào danh sách ưu tiên từ năm 2014, sẽ nhanh chóng ban hành để Indonesia không bị bỏ lại xa hơn trong lĩnh vực này.

Khu vực công nhiệt tình ứng dụng công nghệ mới, song khả năng phục hồi trên không gian mạng và bảo vệ dữ liệu cá nhân phải là những điều kiện tiên quyết trước khi áp dụng công cuộc đổi mới số trong các dịch vụ công. Thúc đẩy đổi mới số trong các dịch vụ công là cần thiết, tuy nhiên, hiện tại, việc đảm bảo an toàn cho các hệ thống mạng do chính phủ sở hữu và bảo vệ dữ liệu của công dân Indonesia phải là ưu tiên hàng đầu./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Đông Nam Á lo ngại bảo mật dữ liệu khi ứng dụng metaverse
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO