Đông Nam Bộ đi đầu xây dựng vùng an toàn dịch bệnh phục vụ trong nước và xuất khẩu

Đỗ Thêu| 07/11/2022 09:11
Theo dõi ICTVietnam trên

Đông Nam Bộ đang đi đầu trong xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh (ATDB) phục vụ trong nước và xuất khẩu. Đặc biệt, tỉnh nào ở Đông Nam Bộ cũng đã có vùng ATDB với gia cầm.

Tỉnh nào cũng có vùng ATDB gia cầm

Theo Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), hiện cả nước có 2.210 vùng, cơ sở ATDB tại 55 tỉnh, thành phố với 4.125 lượt chứng nhận ATDB đối với 20 bệnh. Trong đó, bao gồm 1.687 lượt chứng nhận cơ sở, vùng chăn nuôi gia cầm ATDB; 2.386 lượt chứng nhận cơ sở, vùng chăn nuôi lợn ATDB; 52 lượt chứng nhận cơ sở, vùng chăn nuôi gia súc khác còn hiệu lực.

Điều đáng chú ý là phần lớn cơ sở, vùng chăn nuôi ATDB hiện tập trung tại khu vực Đông Nam Bộ, vùng chăn nuôi trọng điểm của cả nước. Đặc biệt, tỉnh nào ở Đông Nam Bộ cũng đã có vùng ATDB với gia cầm.

Cụ thể, về gia cầm, các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Đông Nam Bộ đã xây dựng và cấp giấy chứng nhận 959 cơ sở chăn nuôi gia cầm ATDB còn hiệu lực đối với một hoặc nhiều bệnh (cúm gia cầm, Newcastle).

Trên địa bàn khu vực Đông Nam Bộ đã xây dựng thành công 21 vùng ATDB cấp huyện, cụ thể: tại Đồng Nai (7 huyện), Bình Dương (5 huyện), Tây Ninh (1 huyện), Bình Phước (6 huyện) và Bà Rịa - Vũng Tàu (2 huyện). Riêng TP. HCM hiện đã xây dựng vùng ATDB cấp tỉnh.

Đông Nam Bộ đi đầu trong xây dựng vùng ATDB phục vụ trong nước và xuất khẩu - Ảnh 1.

Xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh ngày càng được chính quyền các cấp quan tâm, chú trọng.

Về chăn nuôi lợn, các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Đông Nam Bộ đã xây dựng được 579 cơ sở chăn nuôi lợn ATDB còn hiệu lực đối với một hoặc nhiều bệnh như lở mồm long móng, dịch tả lợn cổ điển và dịch tả lợn châu Phi, trong đó, có 264 cơ sở chăn nuôi lợn ATDB đối với bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Cụ thể, Đồng Nai đã xây dựng được 234 cơ sở chăn nuôi lợn ATDB, trong đó có 101 cơ sở ATDB đối với bệnh dịch tả lợn châu Phi; Bình Phước xây dựng được 133 cơ sở chăn nuôi lợn ATDB; Bà Rịa - Vũng Tàu xây dựng được 70 cơ sở chăn nuôi lợn ATDB. Bình Dương xây dựng được 48 cơ sở chăn nuôi lợn ATDB; TP. HCM xây dựng được 36 cơ sở chăn nuôi lợn ATDB; Tây Ninh xây dựng được 10 cơ sở chăn nuôi lợn ATDB.

Các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Đông Nam Bộ đã xây dựng được 6 vùng ATDB cấp huyện đối với bệnh lở mồm long móng và dịch tả lợn cổ điển, gồm 4 huyện của tỉnh Bình Dương và 2 huyện thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Tại Đông Nam Bộ, cũng đã hình thành nhiều chuỗi chăn nuôi ATDB phục vụ thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu. Như ở Bình Phước hiện đã có chuỗi thịt gà ATDB để xuất khẩu của CPV Food. Hiện nay, ở Bình Phước, Japfa Comfeed có tổng cộng 33 trang trại (8 trại giống và 25 trại thịt) hoạt động với tổng đàn khoảng 111.280 con. Công ty đang xây dựng 1 Nhà máy giết mổ lợn với công suất 374.400 con/ năm và 1 nhà máy thức ăn chăn nuôi với công suất 40.000 tấn/tháng.

Bài học kinh nghiệm

Để xây dựng thành công các vùng ATDB, trước hết phải có sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát từ lãnh đạo các tỉnh. Bà Trần Tuệ Hiền, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước cho biết, Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Phước lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 định hướng phát triển nông nghiệp với 3 sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là sản phẩm chăn nuôi (lợn, gà); hạt điều; sản phẩm từ gỗ.

Ngày 25/6/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước đã có Kết luận số 368-KL/TU về phát triển vùng chăn nuôi ATDB động vật trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030. Ngày 7/9/2022, UBND tỉnh Bình Phước đã ban hành Quyết định số 1633/QĐ-UBND phê duyệt Đề án phát triển vùng chăn nuôi ATDB động vật trên địa bàn tỉnh Bình Phước giai đoạn 2021 - 2030.

Theo đó, từ nay đến 2030, Bình Phước tập trung xây dựng thành công 11/11 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh ATDB đối với bệnh Cúm gia cầm và Newcastle trên gà theo tiêu chuẩn Việt Nam; trong đó, có 6 huyện, thành phố: Đồng Phú, Đồng Xoài, Chơn Thành, Bù Đăng, Hớn Quản, Phú Riềng đạt theo tiêu chuẩn OIE.

Cũng theo bà Trần Tuệ Hiền, từ năm 2019 đến nay, tỉnh Bình Phước đã và đang phối hợp Bộ NN&PTNT triển khai xây dựng chuỗi, vùng ATDB đối với gia cầm để xuất khẩu trên địa bàn tỉnh.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có 6 huyện, thị xã, thành phố gồm: Đồng Phú, Đồng Xoài, Chơn Thành, Hớn Quản, Bình Long và Bù Đăng đã được Cục Thú y đánh giá và công nhận vùng ATDB đối với bệnh Cúm gia cầm và bệnh Newcastle.

Để xây dựng vùng ATDB cấp huyện về lở mồm long móng và dịch tả lợn cổ điển, một kinh nghiệm của các địa phương đã xây dựng thành công là tổ chức xây dựng cơ sở (hộ chăn nuôi, trang trại chăn nuôi) đạt ATDB (giai đoạn 1), sau đó xây dựng cơ sở cấp xã đạt ATDB và cuối cùng bắt tay vào xây dựng cả huyện ATDB.

Tất cả các huyện xây dựng vùng ATDB đều có kế hoạch được Chủ tịch UBND huyện chỉ đạo tổ chức xây dựng, phê duyệt, bố trí kinh phí và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị tổ chức triển khai thực hiện.

Chăn nuôi quy mô lớn ở Đông Nam Bộ đang phát triển mạnh, cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng giúp xây dựng các vùng ATDB. Theo ông Nguyễn Trường Giang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Nai, các trang trại heo, gà quy mô lớn ở tỉnh này đang chiếm tới 90 - 91% tổng đàn.

Các trang trại quy mô lớn chú trọng đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào quá trình sản xuất, nhất là chăn nuôi an toàn sinh học, ATDB, tổ chức sản xuất theo chuỗi khép kín. Đây là những điều kiện thuận lợi để xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi ATDB./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Đông Nam Bộ đi đầu xây dựng vùng an toàn dịch bệnh phục vụ trong nước và xuất khẩu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO