Chuyển động ICT

Dự luật quản lý AI đầu tiên trên thế giới được thông qua

AD 12:06 15/03/2024

Với 523 phiếu ủng hộ, Nghị viện châu Âu đã chính thức thông qua dự luật về trí tuệ nhân tạo (AI), đánh dấu một bộ luật đầu tiên trên thế giới quy định toàn diện về AI.

ai.jpg

Đạo luật này sẽ quản lý các mô hình AI có mục đích chung, có tác động lớn và các hệ thống AI có rủi ro cao sẽ phải tuân thủ các nghĩa vụ minh bạch cụ thể và luật bản quyền của Liên minh châu Âu (EU).

Quy định được thông qua trong phiên họp của Nghị viện với 523 phiếu ủng hộ, 46 phiếu chống và 49 phiếu trắng.

Ủy viên Thị trường Nội địa EU Thierry Breton cho biết: “Tôi hoan nghênh sự ủng hộ mạnh mẽ từ Nghị viện châu Âu đối với Đạo luật AI của EU, khuôn khổ ràng buộc, toàn diện đầu tiên trên thế giới dành cho AI đáng tin cậy. Châu Âu ngay lúc này là nơi đặt ra tiêu chuẩn toàn cầu về AI”.

Đây là lần đầu tiên một cơ quan quản lý lớn thực hiện việc quản lý AI một cách toàn diện nhằm bảo vệ công dân khỏi các nguy cơ tiềm ẩn của công nghệ này. Các quốc gia khác, bao gồm cả Trung Quốc, cũng đã đặt ra những quy tắc xung quanh việc sử dụng AI cụ thể.

Được đề xuất đầu tiên vào năm 2021, nhưng các quy định về AI chỉ thực sự được đẩy mạnh vào năm 2023 sau sự phát triển bùng nổ của ChatGPT. Nghị viện châu Âu và các nước EU đã đạt được bộ quy tắc dự thảo vào tháng 12/2023 sau gần 40 giờ đàm phán.

Theo đạo luật này, công nghệ AI được phân loại thành các loại rủi ro khác nhau. Trong đó, các ứng dụng gây ra rủi ro không thể chấp nhận được sẽ bị cấm. Các ứng dụng có rủi ro cao được xếp vào danh mục thứ hai sẽ phải tuân theo các yêu cầu pháp lý cụ thể, trong khi các ứng dụng thuộc danh mục thứ ba phần lớn sẽ không bị quản lý.

Các công ty có nguy cơ bị phạt từ 7,5 triệu euro hoặc 1,5% doanh thu đến 35 triệu euro hoặc 7% doanh thu toàn cầu tùy thuộc vào loại vi phạm.

Cột mốc quan trọng

Neil Serebryany, Giám đốc điều hành của CalypsoAI có trụ sở tại California, chia sẻ với Business Insider rằng, mặc dù “Đạo luật bao gồm các yêu cầu tuân thủ phức tạp và có khả năng tốn kém, ban đầu có thể gây gánh nặng cho các doanh nghiệp, nhưng nó cũng mang đến cơ hội phát triển AI một cách có trách nhiệm và minh bạch hơn”.

Ông gọi đạo luật này là một “cột mốc quan trọng trong sự phát triển của AI” và là cơ hội để các công ty xem xét các giá trị xã hội trong sản phẩm của họ ngay từ những giai đoạn đầu tiên.

Trong khi đó, phát ngôn viên của Amazon, công ty cũng đã bắt đầu triển khai một trợ lý AI mới, đánh giá cao kết quả cuộc bỏ phiếu và cam kết: "Chúng tôi cam kết hợp tác với EU và ngành để hỗ trợ sự phát triển an toàn, bảo mật và có trách nhiệm của công nghệ AI".

Bên cạnh những ý kiến ủng hộ thì cũng có nhiều chuyên gia trong ngành đặt ra những câu hỏi về tác động của đạo luật này đối với sự phát triển của AI.

Chẳng hạn như chuyên gia về AI và deepfake, Henry Ajder đánh giá đây là một bước đi tích cực tổng thể, nhưng ông cảnh báo rằng nó có thể làm cho châu Âu trở nên kém cạnh tranh hơn trên toàn cầu.

“Lo ngại của tôi là các công ty sẽ tránh đầu tư và phát triển ở một số khu vực nhất định, nơi có quy định chặt chẽ và toàn diện”, ông chia sẻ với Business Inside.

Quy định này dự kiến sẽ có hiệu lực từ tháng 5/2024, sau khi thông qua bước kiểm tra cuối cùng và nhận được sự đồng thuận từ Hội đồng châu Âu. Việc triển khai các quy định mới sau đó sẽ được thực hiện theo giai đoạn từ năm 2025.

Tuy nhiên, việc các quy định này sẽ được áp dụng chính xác như thế nào đối với các doanh nghiệp vẫn còn tương đối mơ hồ.

Avani Desai, Giám đốc điều hành của công ty an ninh mạng Schellman, cho biết đạo luật này có thể có tác động tương tự như Quy định chung về bảo vệ dữ liệu (GDPR) của EU và yêu cầu các công ty Mỹ phải đáp ứng một số yêu cầu nhất định để hoạt động ở châu Âu.

Trong khi đó, Marcus Evans làm việc tại Công ty luật Norton Rose Fulbright chia sẻ, các công ty không chắc chắn về các quy tắc có thể chờ đợi thêm thông tin chi tiết về các yêu cầu cụ thể trong những tháng tới khi Ủy ban châu Âu thành lập Văn phòng AI và bắt đầu đặt ra các tiêu chuẩn.

Ông nói thêm: “Những quy định đầu tiên trong Đạo luật AI sẽ có hiệu lực trong năm nay và các nghĩa vụ khác sẽ được triển khai trong vòng ba năm tới, vì vậy các công ty cần bắt đầu chuẩn bị càng sớm càng tốt để đảm bảo họ không vi phạm các quy định mới”.

Vẫn sẽ còn những ý kiến hoài nghi về việc triển khai đạo luật này trên thực tế, song giới chuyên gia cho rằng luật AI của EU là một bước ngoặt nhằm đưa EU trở thành khu vực dẫn đầu thế giới về công nghệ AI có đạo đức và lấy con người làm trung tâm, trong khi vẫn đảm bảo thúc đẩy khả năng cạnh tranh và phát triển./.

Theo BusinessInsider, Reuters
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Dự luật quản lý AI đầu tiên trên thế giới được thông qua
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO