Kinh tế

Đưa doanh nghiệp, người dân phát triển kinh tế nhanh và bền vững

Hồng Nhung 29/11/2024 09:12

Hiện nay xu thế phát triển bền vững, chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đang trở lên cấp thiết. Kinh tế tuần hoàn cũng giúp nước ta đạt các mục tiêu kinh tế, xã hội, môi trường và giúp ứng phó với biến đổi khí hậu đang diễn biến ngày một phức tạp.

Để hiện thực hoá giấc mơ “Vì một Việt Nam hùng cường” việc phát triển kinh tế - xã hội đang phải đối mặt với không ít thách thức về cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Những thách thức này trở nên phức tạp hơn khi mà Việt Nam đang tiếp tục quá trình gia tăng dân số và đô thị hóa, quá trình công nghiệp hóa song còn chậm chuyển đổi từ cách tiếp cận kinh tế tuyến tính truyền thống (kinh tế một chiều) kéo theo hệ lụy ngày càng nghiêm trọng đối với nguồn cung tài nguyên (bao gồm đất đai), lượng chất thải lớn, an ninh môi trường và an ninh nguồn nước.

Do vậy, chuyển dịch từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn (KTTH) đang trở thành xu thế phát triển tất yếu, là một hướng đi quan trọng góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng hiện đại, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng chủ động thích ứng, chống chịu trước các cú sốc từ bên ngoài, hiện thực hóa Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, bảo đảm quốc phòng an ninh.

Trên thực tế, Việt Nam đã triển khai chủ trương, chính sách phát triển KTTH và bước đầu đã thu được những kết quả khả quan. Thông qua thực hiện mô hình KTTH, các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất đã nhận thức rõ hơn và chủ động áp dụng các giải pháp về sản xuất sạch hơn (SXSH) nhằm giảm mức phát sinh chất thải, tiêu thụ nguyên vật liệu, năng lượng và nước, tiết kiệm chi phí sản xuất cho doanh nghiệp.

Qua hơn chục năm triển khai Chiến lược SXSH trong công nghiệp, đến nay đã có 68,5% doanh nghiệp nhận thức được lợi ích của việc áp dụng SXSH, tăng 20,5% so năm 2010. 46,9% cơ sở sản xuất áp dụng SXSH, tăng 35,9% so năm 2010, 12% trong số đó đã đạt mức tiết kiệm 8% trở lên trong giảm năng lượng, nguyên nhiên liệu trên một đơn vị sản phẩm. Có thể thấy, các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất đã dần chủ động thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.

Kinh tế tuần hoàn đang trở thành xu thế phát triển tất yếu là một hướng đi quan trọng.

Bên cạnh đó, việc triển khai mô hình KTTH đã giúp huy động mọi nguồn lực xã hội thực hiện mọi giải pháp về sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả để đạt được mục tiêu đến năm 2025; nhiều sáng kiến quản trị doanh nghiệp bền vững và thúc đẩy kinh tế tuần hoàn ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường mô hình hợp tác công - tư đang được đề xuất và từng bước triển khai.

Một số kết quả cụ thể từ mô hình kinh tế tuần hoàn đang được áp dụng thành công trong các doanh nghiệp lớn, như Heineken Việt Nam, Unilever Việt Nam, doanh nghiệp vừa và nhỏ, như chuỗi cung ứng nuôi và sản xuất cá tra, hoặc dự án của Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) về Khu công nghiệp sinh thái đang triển khai tại 6 khu công nghiệp ở các tỉnh Ninh Bình, thành phố Đà Nẵng và thành phố Cần Thơ. Tất cả những sáng kiến và mô hình kinh tế này đã đặt nền tảng đầu tiên cho quá trình dịch chuyển của nền kinh tế.

Phát triển dựa trên các nguyên tắc chuẩn mực

Cũng tại Diễn đàn "Thực hiện kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam trong điều kiện mới", PGS. TS. Nguyễn Đức Minh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, kinh tế tuần hoàn là một mô hình kinh tế dựa trên nguyên lý "đầu ra của sản phẩm này là đầu vào của sản phẩm khác". Hoạt động trên ba nguyên tắc: Bảo tồn vốn tự nhiên, tối ưu hóa sử dụng tài nguyên và nâng cao hiệu quả của hệ thống.

PGS.TS. Nguyễn Đức Minh cũng nhấn mạnh, phát triển bền vững, chuyển đổi số, kinh tế xanh và KTTH đang là xu hướng quan trọng trên thế giới bao gồm cả Việt Nam. Xu hướng này không chỉ mang lại cơ hội mà còn đặt ra những thách thức lớn cho Việt Nam.

Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2030 đã nêu ra các phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế xã hội trong đó có phát triển kinh tế tuần hoàn như một mô hình kinh tế để quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, tăng cường bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Việt Nam đã thông qua một số chính sách và văn bản pháp luật quan trọng về kinh tế tuần hoàn, trong đó có Luật Bảo vệ môi trường, được sửa đổi, bổ sung vào năm 2020 và các văn bản dưới luật hướng dẫn thi hành. Chính phủ đã ban hành Quyết định số 687/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.

Phát triển bền vững, chuyển đổi số, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn đang là xu hướng quan trọng trên thế giới bao gồm cả Việt Nam.

Còn theo TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ về phát triển kinh tế tuần hoàn sẽ mang đến nhiều cơ hội và động lực quan trọng nhằm cơ cấu lại nền kinh tế, cải thiện năng suất lao động, thúc đẩy sản xuất và phát triển bền vững, thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Nghị quyết 31 của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 cũng như trong Chương trình nâng cao năng suất lao động quốc gia được Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2023, vấn đề phát triển các mô hình kinh tế mới trong đó có kinh tế tuần hoàn được nhấn mạnh là một động lực giúp các địa phương, doanh nghiệp có thể tối ưu hóa các nguồn lực, hiệu năng sản phẩm, tối ưu hóa các sản phẩm.

Việc phát triển KTTH sẽ tạo điều kiện để Việt Nam khai thác hiệu quả hơn các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới khi các nội dung phát triển bền vững được chú trọng đề cao. Với các doanh nghiệp, nếu sản phẩm không tuân thủ theo quy trình sản xuất bền vững và các nguyên tắc của KTTH sẽ không đủ điều kiện xuất khẩu sang các thị trường lớn như EU, Nhật Bản.

Bên cạnh đó, việc tổ chức các mô hình sản xuất theo hướng tuần hoàn ở các cấp, đặc biệt là cấp vùng, sẽ đảm bảo nguồn lực được quay vùng và khép kín hơn, giúp đảm bảo nguồn đầu vào hiệu quả trong quá trình sản xuất, tăng cường liên kết vùng trong tổ chức sản xuất và xúc tiến thương mại.

“Do đó, KTTH vừa là chính sách Nhà nước thúc đẩy doanh nghiệp, người dân phải triển khai thực hiện nhưng cũng là yêu cầu tự thân của doanh nghiệp. Để có thể tồn tại, thâm nhập vào các thị trường toàn cầu hiệu quả, các doanh nghiệp phải thay đổi quy trình, mô hình sản xuất để hướng tới tuần hoàn hơn, xanh hơn, bền vững hơn”, TS. Trần Thị Hồng Minh chia sẻ.

Nguồn lực để tăng trưởng xanh

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai chủ trương, chính sách phát triển KTTH ở Việt Nam vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: Khung chính sách về phát triển mô hình KTTH dù đã được đề cập nhưng chưa hoàn thiện; nhận thức về KTTH và sự cần thiết chuyển đổi sang phát triển mô hình KTTH còn hạn chế; nguồn nhân lực sẵn sàng cho quá trình chuyển đổi sang phát triển KTTH còn yếu; phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa, rất hạn chế về năng lực công nghệ tái chế, tái sử dụng, chưa nói đến năng lực đóng góp vào phục hồi các nguồn tài nguyên; cách thức tiến hành, chuyển đổi từ nền kinh tế truyền thống sang xây dựng mô hình KTTH còn thiếu định hướng cụ thể, kịp thời, thiếu hệ thống tiêu chí đủ chi tiết và cơ chế ưu đãi phù hợp.

Dù nhận thức đã có sự cải thiện từ các chủ thể tham gia nhưng chưa có tư duy đủ hệ thống với KTTH điều này có thể gây ra những tác động tới các sáng kiến liên quan tới triển KTTH. Trong khi các doanh nghiệp lớn đã tư duy và có bước chuyển mạnh mẽ, thì các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn gặp nhiều khó khăn, do chưa đủ nguồn lực tài chính để chuyển đổi mô hình kinh doanh sang mô hình tuần hoàn.

Trưởng xanh nhìn nhận vấn đề từ góc độ doanh nghiệp TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn tài chính, tiền tệ quốc gia, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, nêu rõ Việt Nam thuộc 5 quốc gia chịu ảnh hưởng lớn bởi biến đổi khí hậu và thay đổi hệ sinh thái sinh học. Tăng trưởng xanh giúp nâng cao hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội, tăng năng lực cạnh tranh, hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế và doanh nghiệp.

Để triển khai thực hiện KTTH, tăng trưởng xanh và ứng phó với biến đối khí hậu cần rất nhiều nguồn lực tài chính. Theo tính toán, hàng năm Việt Nam cần khoảng 6,8% GDP để thúc đẩy tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn. Trong đó, nguồn vốn ngân sách Nhà nước chỉ có thể đáp ứng khoảng 35%, còn lại phải huy động nguồn lực tư nhân cả trong và ngoài nước.

Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, TS. Cấn Văn Lực cho biết Thái Lan đã triển khai mô hình “Nền kinh tế sinh học - tuần hoàn - xanh” (BCG) năm 2021, trong đó tập trung vào bốn lĩnh vực quan trọng: Nông nghiệp và lương thực, thực phẩm; sức khỏe và y tế; năng lượng, nguyên vật liệu và hóa sinh; du lịch và kinh tế sáng tạo. Các lĩnh vực này gắn với bốn trụ cột, vốn tự nhiên, vốn con người, vốn xã hội và vốn tái tạo.

Đề xuất các giải pháp ở Việt Nam, TS. Cấn Văn Lực cho rằng cần huy động tổng lực cả thể chế, nhân lực, vật lực, tài lực; huy động nội lực; đặc biệt, chuyển đổi xanh phải gắn với chuyển đổi số. Các định hướng, chính sách, chiến lược và giải pháp cần phải cụ thể, đo lường được, khả thi, sát thực tiễn và có thời hạn, lộ trình cụ thể. Khẳng định rằng để phát triển kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi xanh, cần chú trọng huy động sự vào cuộc của năm bên, trong đó khu vực tài chính tiền tệ và khu vực tư nhân là rất quan trọng./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Tăng cường hợp tác số với ASEAN và các nước đối thoại
    Từ ngày 16-17/01/2025, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng và đoàn công tác của Bộ Thông tin và Truyền thông đã tham dự Hội nghị Bộ trưởng Số ASEAN lần thứ 5 (ADGMIN-5) được tổ chức tại Bangkok, Thái Lan.
  • Tết còn, còn cơ hội cho sách Tết
    Trong cuốn “Sách mùa xuân xem tết” do NXB Nhật Nam thư quán Dược Phòng xuất bản năm 1933, ở bài mở đầu với tiêu đề “Văn chương với mùa xuân” có viết về thú chơi tết của người Việt như sau: “Coi đó biết chơi xuân là thói quen của người mình, làm người không biết chơi xuân người ta cho là thiệt thòi nhiều lắm”.
  • Chống lại các cuộc tấn công AI bằng phòng thủ AI
    Những kẻ tấn công mạng đang sử dụng AI ngày càng nhiều để tiến hành các cuộc tấn công mạng nhanh hơn, diện rộng hơn và hiệu quả hơn. Do đó, điều quan trọng là các tổ chức phải phản ứng tương tự bằng cách khai thác AI trong các chiến lược phòng thủ an ninh mạng của họ.
  • Sáu nhóm giải pháp trọng tâm truyền thông chính sách về đa văn hóa Việt Nam
    Xây dựng và truyền thông chính sách về hình ảnh văn hóa đất nước và con người Việt Nam mang bản sắc văn hóa dân tộc và những thành tựu phát triển đất nước đến từng người dân trong nước và bạn bè quốc tế hiện nay là nhiệm vụ chiến lược.
  • Hội chợ sách xuân Ất Tỵ: Tết tri thức-sum vầy
    Nhân kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2025) và đón Tết Nguyên Đán Ất Tỵ 2025, Hội Xuất bản Việt Nam phối hợp Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm, Ủy ban nhân dân phường Trần Hưng Đạo và Công ty Cổ phần Phát triển Giải pháp Giáo dục Vivi Education tổ chức chương trình Hội chợ sách xuân 2025 với chủ đề "Tết tri thức - sum vầy".
Đừng bỏ lỡ
Đưa doanh nghiệp, người dân phát triển kinh tế nhanh và bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO