Đưa xuất bản Việt Nam tham gia thị trường xuất bản phẩm quốc tế
Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, hàng năm Việt Nam sẽ tham gia Triển lãm, Hội chợ sách quốc tế Frankfurt và có gian hàng quốc gia, để những doanh nghiệp nhỏ có cơ hội hiện diện với chi phí thấp nhất.
Ngành xuất bản Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ
Tham luận tại Hội nghị giao ban quản lý nhà nước đối với các đối tượng quản lý chiều ngày 15/4/2024, ông Nguyễn Xuân Minh, Giám đốc Kế hoạch và Bản quyền của Công ty CP Văn hoá và Truyền thông Nhã Nam đã đề cập đến vấn đề kết nối thị trường để chủ động tham gia các hoạt động xuất bản quốc tế.
Theo ông Nguyễn Xuân Minh, để thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của ngành xuất bản Việt Nam trong bối cảnh hiện nay, việc kết nối với thị trường quốc tế rất quan trọng. Hoạt động này liên quan đến những việc như khai thác bản quyền tại các hội chợ, triển lãm quốc tế và nhập khẩu các xuất bản phẩm, quảng bá cho văn hóa sách Việt Nam ra nước ngoài.
Ngành xuất bản Việt Nam đang bước vào một giai đoạn phát triển rất mạnh mẽ, với nhiều cơ hội và thách thức mới. Độc giả luôn có nhu cầu đọc những cuốn sách mới nhất trên thị trường quốc tế, đồng thời đòi hỏi nhiều đầu sách, nhiều thể loại, chủ đề với chất lượng ngày một cao hơn, nhu cầu sách ngoại văn rất lớn.
Bên cạnh đó, sách của tác giả Việt Nam cũng ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng. Việc quảng bá, giới thiệu các xuất bản phẩm Việt Nam ra nước ngoài trở thành nhiệm vụ quan trọng và là yêu cầu lớn của ngành xuất bản.
“Ngành xuất bản Việt Nam cần chủ động kết nối với thị trường, tham gia chặt chẽ vào hoạt động của các nhà xuất bản (NXB) quốc tế, các triển lãm và hội chợ sách, các chương trình giao lưu và trao đổi học thuật của ngành xuất bản quốc tế. Điều này không chỉ giúp quảng bá cho các sản phẩm xuất bản của Việt Nam mà còn mở ra cơ hội để học hỏi từ các tiêu chuẩn và xu hướng mới trên thị trường quốc tế”, ông Nguyễn Xuân Minh cho biết.
Thách thức của Việt Nam khi tham gia thị trường xuất bản phẩm quốc tế
Ngoài ra, đại diện Nhã Nam cũng đề cập đến một vấn đề mà các NXB cũng như Nhã Nam đã và đang gặp phải khi tham gia vào thị trường xuất bản phẩm quốc tế trong suốt khoảng 15 năm qua.
Đầu tiên là những vấn đề liên quan đến khai thác bản quyền. Theo đại diện Nhã Nam, khai thác bản quyền trong lĩnh vực xuất bản không chỉ là việc “mua bán quyền dịch và phát hành tác phẩm từ quốc gia này sang quốc gia khác” mà đó còn là “nền tảng quyết định đến sự bền vững và phát triển của ngành xuất bản nói riêng, và cả ngành công nghiệp tri thức nói chung”.
Do đó, nếu không khai thác và bảo vệ bản quyền tốt, ngành xuất bản rất có thể sẽ khó phát triển, bị đẩy ra ngoài thị trường thế giới, ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận tri thức, văn hóa của người đọc.
Trong khi đó, các đơn vị xuất bản Việt Nam đang gặp một số thách thức khi kết nối giao dịch bản quyền với các đối tác nước ngoài.
Đầu tiên là rào cản liên quan đến thiếu kinh nghiệm và hiểu biết về thị trường quốc tế. Theo đó, nhiều đơn vị xuất bản Việt Nam còn thiếu kinh nghiệm và kiến thức về thị trường bản quyền quốc tế, cũng như kỹ năng đàm phán và định giá bản quyền, thậm chí không biết, không tìm được người nắm giữ bản quyền để đàm phán.
Thứ hai là rào cản ngôn ngữ và văn hóa. Đây là rào cản lớn ảnh hưởng đến việc các NXB tìm kiếm các tác phẩm hấp dẫn, tiếp cận và đàm phán bản quyền với các đối tác nước ngoài.
Thứ ba là chênh lệch về giá bản quyền. Giá bản quyền ở các quốc gia phát triển thường cao hơn nhiều so với khả năng chi trả của các NXB Việt Nam, khiến việc đàm phán mua bản quyền trở nên khó khăn hơn, hạn chế khả năng mua bản quyền của các tác phẩm chất lượng cao.
Thứ tư là vấn đề bảo hộ bản quyền. Theo nhận định của ông Minh, Việt Nam vẫn còn đối mặt với các vấn đề liên quan đến vi phạm bản quyền, làm ảnh hưởng đến uy tín và khả năng đàm phán bản quyền với các đối tác nước ngoài.
Đối với việc nhập khẩu sách ngoại văn, đại diện Nhã Nam cho biết nhập khẩu xuất bản phẩm vào Việt Nam đóng một vai trò quan trọng trong việc mở rộng kiến thức và tầm nhìn cho độc giả Việt Nam, giúp độc giả có thể tiếp cận được với những ấn phẩm nổi bật, mới nhất trên thế giới, đồng thời góp phần làm phong phú thêm nguồn tài liệu đọc trong nước.
Tuy nhiên, hoạt động này cũng đang đối mặt với những bài toán cần được giải quyết như lựa chọn nội dung phù hợp, đa dạng hóa nguồn sách. Bởi vì, theo ông Minh, việc lựa chọn sách nhập khẩu cần phải dựa trên các tiêu chí về giá trị nội dung, sự phù hợp với văn hóa, giáo dục và nhu cầu đọc của công chúng trong nước. Đồng thời, cần mở rộng và đa dạng hóa nguồn sách nhập khẩu từ nhiều quốc gia và ngôn ngữ khác nhau, nhằm đáp ứng nhu cầu đọc sách ngày càng cao và đa dạng của độc giả Việt Nam.
Khi nhập khẩu sách ngoại văn cũng cần quan tâm đến bảo vệ bản sắc văn hóa, cân nhắc khi nhập khẩu sách có nội dung nhạy cảm hoặc không phù hợp với giá trị văn hóa, đạo đức của Việt Nam.
“Để giải quyết được các vấn đề trên, đơn vị nhập khẩu cần có nguồn lực thẩm định nội dung, tìm kiếm các nhà cung cấp mới có giá cả cạnh tranh, nguồn hàng phong phú, chính sách hợp lý và linh hoạt”, ông Nguyễn Xuân Minh nói.
Việt Nam sẽ tham gia hàng năm và có gian hàng quốc gia tại triển lãm sách quốc tế Frankfurt
Quảng bá xuất bản phẩm Việt Nam ra thị trường quốc tế là một bước đi quan trọng, nhằm nâng cao vị thế của văn hóa và xuất bản Việt Nam trên trường quốc tế.
Vì vậy, tham gia vào các hội chợ và triển lãm sách quốc tế như Frankfurt Book Fair, London Book Fair sẽ hỗ trợ cho chiến lược quảng bá và mở rộng thị trường ngành xuất bản.
Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành thông tin tại Hội nghị cho biết công tác tổ chức Hội chợ sách quốc tế Frankfurt năm nay đã được chuẩn bị sớm hơn, đến nay đã trình và lãnh đạo Bộ cũng đã ký kế hoạch triển khai với tinh thần quy mô lớn hơn, kết nối chặt chẽ hơn.
“Đặc biệt năm nay có sự kết nối giữa ba đơn vị về công tác quản lý là Cục Xuất bản In và Phát hành, Sở TT&TT Hà Nội và Sở TT&TT TP. Hồ Chí Minh”, lãnh đạo Cục Xuất bản, In và Phát hành nói và cho biết sẽ có khoảng trên 20 đơn vị tham gia, trong đó có 9 - 10 đơn vị có gian hàng. Dự kiến gian hàng năm nay sẽ có từ 60 - 80 m2, gấp 2 - 3 lần quy mô năm ngoái.
Đây là một cơ hội để các đơn vị tham gia và thể hiện rõ nền xuất bản của Việt Nam đang có những bước phát triển cùng với toàn thế giới, đồng thời cũng là cơ hội rất lớn để các đơn vị học hỏi kinh nghiệm đặc biệt là vấn đề mua bán, giao dịch bản quyền và thể hiện rõ năng lực hoạt động của các đơn vị.
Trước các ý kiến trao đổi, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã có những chỉ đạo cụ thể về tinh thần tham dự Triển lãm, Hội chợ sách quốc tế Frankfurt. Theo đó, hàng năm Việt Nam sẽ tham gia triển lãm và đặc biệt sẽ có gian hàng quốc gia tại hội chợ, để những doanh nghiệp nhỏ có thể hiện diện tại Triển lãm một cách tiết kiệm chi phí, đồng thời tiếp khách, gặp gỡ đối tác và giao lưu./.