Năm nay có một điểm vô cùng đặc biệt mà ít ai lường trước được đó chính là dịch bệnh diễn biến phức tạp. Do đó, sau Tết các công ty không những không có nhu cầu tuyển dụng người mới mà còn cắt giảm người cũ. Vì lẽ đó, số người thất nghiệp cũng tăng lên.
Càng thất nghiệp, dân văn phòng càng loay hoay, chắt chiu từng cơ hội nhỏ để tìm kiếm công việc mới để đảm bảo thu nhập cá nhân. Và với vai trò là người đi tìm việc, thứ đóng vai trò mở đầu câu chuyện với nhà tuyển dụng đó chính là chiếc CV. CV là thứ mà không một cá nhân nào đi tìm việc có thể thiếu được.
Vì lẽ đó, có không ít tình huống dở khóc dở cười nảy sinh xoay quanh câu chuyện về chiếc CV này. Đơn cử, vừa mới đây, một hội nhóm quy tụ đông đảo thành viên là dân công sở đã có dịp đăng tải một vài đôi dòng tin nhắn trao đổi giữa người đi tìm và nhà tuyển dụng.
Cụ thể, trong khi nhà tuyển dụng rất lịch sự yêu cầu ứng viên gửi hồ sơ xin việc vào địa chỉ email của công ty; thì đáp lại yêu cầu cơ bản đó là phản hồi rất thiếu tôn trọng, chỉ vỏn vẹn 3 chữ không đầu đuôi, chủ ngữ vị ngữ: "lười làm CV".
Chưa biết ứng viên này có kinh nghiệm làm việc thế nào, khả năng chịu áp lực ra sao, nhưng với thái độ như vậy thì chắc chắn sẽ chẳng công ty nào dám nhận, kể cả là thử việc. Bên cạnh đó, theo như thông tin chia sẻ, nhà tuyển dụng đang mong muốn tuyển nhân sự chạy quảng cáo Facebook mảng thời trang, ứng viên này lại mạnh dạn cho biết mình có kinh nghiệm chạy tranh treo tường - 1 lĩnh vực không mấy liên quan.
Ngay sau khi vừa được đăng tải, bài chia sẻ này nhanh chóng thu hút được sự chú ý của đông đảo thành viên trong nhóm. Không ít những bình luận bày tỏ thái độ, từ nhẹ nhàng đến gay gắt, tuyệt nhiên không có cảm thông đã được để lại bên dưới:
“Không có CV thì còn nói chuyện làm gì. Không biết trình độ bạn này tới đâu mà lại dám nói với nhà tuyển dụng câu lười làm CV. Thật không hiểu nổi nghĩ gì trong đầu”.
“Cũng coi như là có kinh nghiệm 1 năm làm việc mà lại nói cái câu lười làm CV. Đến cả những công việc cơ bản nhất, nhiều khi không đòi hỏi quá nhiều người ta còn có CV hoặc đơn giản hơn là 1 cái đơn xin việc, sơ yếu lý lịch các thứ”.
“Thái độ quá kém, lười làm CV thì đừng đi xin việc, mà thay vào đó ở nhà mở công ty làm chủ luôn cho rồi đi”.
Dân công sở vẫn thường hay kháo nhau rằng: “trình độ vốn không quan trọng bằng thái độ”. Người có trình độ chuyên môn cao nhưng thái độ không cầu thị, không phù hợp với tổ chức cũng đành phải nhường chỗ cho những cá nhân phù hợp hơn. Nhưng đó là khi đã trải nghiệm qua công việc thực tế và có thời gian thử việc, va chạm với công ty.
Còn đằng này, ở giai đoạn tuyển dụng đã tỏ thái độ lồi lõm, bất hợp tác thì không phải mùa dịch, mà ngay cả trong giai đoạn kinh tế phát triển cực thịnh, nhu cầu nhân sự tăng cao cũng khó có thể tìm được một công việc nào ra hồn.