Ngày 9/12/2020, dự luật buộc Facebook, Google trả tiền cho các hãng truyền thông nếu sử dụng tin tức của họ được trình lên Quốc hội Australia. Hành động của Australia nhằm bảo vệ nền báo chí độc lập đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi các gã khổng lồ công nghệ toàn cầu. Facebook, Google… đều phản đối mạnh mẽ dự luật, thậm chí Facebook còn đe dọa xóa sổ tin tức Australia ra khỏi nền tảng.
Mới đây nhất, ngày 17/2/2021, dự luật đã được Hạ viện Australia thông qua và được cho là có đủ số phiếu để thông qua tại Thượng viện, The New York Times đưa tin.
Trước bối cảnh đó, gã khổng lồ công nghệ Facebook đã quyết định chặn người dùng Úc và các công ty truyền thông chia sẻ đường link đến các bài báo và nội dung tin tức liên quan trên mạng xã hội của mình. Trong khi, Google cũng đã bắt đầu cắt hợp đồng với các tổ chức truyền thông lớn của Úc, như Rupert Murdoch's News Corp.
Giám đốc điều hành Facebook tại Úc và New Zealand, Will Easton, cho biết trong một bài đăng tải trên blog của mình: "Dự luật được đề xuất về cơ bản đã hiểu sai về mối quan hệ giữa nền tảng của chúng tôi và các nhà xuất bản mà sử dụng nó để chia sẻ nội dung tin tức".
"Nó đã khiến chúng tôi phải đối mặt với một lựa chọn khó khăn: cố gắng tuân thủ luật và bỏ qua thực tế của mối quan hệ này hoặc ngừng cho phép nội dung tin tức xuất hiện trên các dịch vụ của chúng tôi ở Úc. Và chúng tôi đang lựa chọn phương án sau".
Cũng theo ông Will Easton, chính các công ty xuất bản tin tức sẽ chịu hậu quả nhiều nhất.
Sự thay đổi về chính sách từ Facebook được cho là sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho cả người dùng và các tổ chức truyền thông. Bài đăng trên blog của Easton nhấn mạnh 4 đối tượng riêng biệt sẽ bị ảnh hưởng.
Theo đó, các nhà xuất bản tin tức của Úc sẽ bị hạn chế chia sẻ hoặc đăng tải bất kỳ nội dung nào trên trang Facebook. Quản trị viên vẫn có thể truy cập các tính năng khác từ trang Facebook của họ, bao gồm thông tin chi tiết về trang và Creator Studio. Facebook sẽ tiếp tục cung cấp quyền truy cập vào tất cả các dịch vụ tiêu chuẩn khác của Facebook, bao gồm các công cụ dữ liệu và CrowdTangle.
Trong khi, các nhà xuất bản quốc tế có thể tiếp tục xuất bản nội dung tin tức trên Facebook, nhưng người dùng tại Úc không thể xem hoặc chia sẻ các liên kết và bài đăng.
Đối với người dùng Úc, họ không thể xem hoặc chia sẻ nội dung tin tức của Úc hoặc quốc tế trên Facebook hoặc nội dung từ các trang tin tức Úc và quốc tế. Còn người dùng quốc tế sẽ không thể xem hoặc chia sẻ nội dung tin tức của Úc trên Facebook hay nội dung từ các trang tin tức Úc.
Facebook cho biết họ đang sử dụng "kết hợp các công nghệ" để hạn chế nội dung tin tức và họ sẽ có các quy trình xem xét nội dung đã bị xóa do vô tình, mặc dù hiện tại họ không chia sẻ các quy trình đó. Công ty cũng cho biết những thay đổi về nội dung tin tức sẽ không ảnh hưởng đến bất kỳ sản phẩm hoặc dịch vụ nào khác của Facebook ở Úc.
Bài đăng trên blog của Easton cũng nói rõ rằng Facebook đã coi đây là biện pháp cuối cùng. "Đây là cách duy nhất để bảo vệ chúng tôi và nó sẽ gây tổn hại, chứ không phải là giúp đỡ, sự tăng trưởng trong dài hạn của mảng tin tức và truyền thông Úc”.
Công ty trích dẫn các số liệu thống kê, như nội dung tin tức chỉ chiếm chưa đến 4% những gì mọi người nhìn thấy trên News Feed hay cách Facebook đem về 407 triệu đô la Úc cho các trang mạng tin tức của Úc. Đó là lý do tại sao Facebook cảm thấy dự luật phạt bất công các nền tảng công nghệ.
Facebook cũng cho thấy sự khác biệt giữa cách các nhà xuất bản tin tức và độc giả truy cập nội dung tin tức trên mạng xã hội của mình so với công cụ tìm kiếm của Google.