Gần 36,5% trẻ em phải trải nghiệm các thông tin, hình ảnh bạo lực trên Internet
Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, giúp cho các trẻ em Việt Nam phát triển lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng cần được xem là trách nhiệm của cả cộng đồng, để đồng hành cùng các em trở thành những công dân số an toàn, sáng tạo và hạnh phúc.
Đây là khẳng định của ông Đặng Vũ Sơn – Phó Chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA), nguyên Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ tại hội thảo chuyên đề “Phòng chống thông tin độc hại và lừa đảo trẻ em trên môi trường mạng”.
Hội thảo nằm trong khuôn khổ sự kiện thường niên Hội thảo – Triển lãm quốc tế Ngày ATTT Việt Nam 2023 do Câu lạc bộ Bảo vệ trẻ em Việt Nam trên không gian mạng (VCSC), VNISA phối hợp với Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (Cục ATTT, Bộ TT&TT) tổ chức sáng ngày 30/11/2023.
Gần 36,5% trẻ em đã phải trải nghiệm các thông tin, hình ảnh liên quan đến bạo lực trên Internet
Sự phát triển mạnh mẽ của Internet và các thiết bị thông minh đã mở ra nhiều cơ hội để trẻ em học tập, vui chơi và tìm hiểu thế giới khi có thể dễ dàng tìm kiếm, tiếp cận nhiều thông tin hữu ích. Bên cạnh những lợi ích thiết thực, trẻ em cũng đang phải đối mặt với nguy cơ tiếp cận các thông tin độc hại tràn lan trên mạng.
Theo báo cáo của tổ chức UNICEF có đến 83% trẻ em 12 - 13 tuổi sử dụng Internet, con số này tăng lên đến 93% ở độ tuổi 14 - 15. Độ tuổi trung bình trẻ em Việt Nam sở hữu điện thoại di động là 9 tuổi, trong khi độ tuổi trung bình trẻ em được phổ cập các kiến thức về ATTT mạng là 13 tuổi.
Báo cáo của Tổ chức ChildFund Việt Nam cũng cho biết, có tới 76% trẻ em có xu hướng tìm kiếm và chấp nhận bạn mới trên mạng xã hội. Cũng theo số liệu thống kê của Trung tâm Sáng kiến sức khỏe và dân số, gần 36,5% trẻ em đã phải trải nghiệm các thông tin, hình ảnh liên quan đến bạo lực trên Internet. Hơn 13% trẻ em bị tiếp xúc không mong muốn với các tài liệu khiêu dâm trên mạng.
Các thông tin độc hại, lừa đảo trở thành nguy cơ tiềm ẩn, cạm bẫy khó nhận biết luôn rình rập các em trong khi đa số trẻ chưa có đủ kỹ năng để tự bảo vệ mình khi tham gia hoạt động trên không gian mạng. Điều này đặt ra nhiều thách thức cho các gia đình, nhà trường và cơ quan quản lý Nhà nước (QLNN) trong Phòng chống thông tin độc hại, lừa đảo và bảo vệ an toàn trên môi trường mạng.
Ông Đặng Vũ Sơn cho biết: Năm nay là năm thứ 2 VNISA tổ chức một phiên hội thảo chuyên đề về Bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, trong khuôn khổ sự kiện Ngày ATTT. Đây cũng là hội thảo đầu tiên được VCSC - một tổ chức chuyên môn của VNISA chủ trì sau khi thành lập hồi tháng 8 vừa qua.
Hội thảo chuyên đề lần này tạo ra diễn đàn để các nhà quản lý, các chuyên gia có thể trao đổi, chia sẻ thông tin; đưa ra các giải pháp cũng như kiến nghị, định hướng để cùng chung tay kiến tạo môi trường mạng an toàn, lành mạnh cho thế hệ công dân số tương lai.
Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng cần sự nỗ lực chung tay của cả cộng đồng
Ông Sơn cho biết, Việt Nam đã sớm quan tâm và có các chính sách mạnh mẽ để bảo vệ trẻ em trước những nguy cơ ngày càng nhiều trên không gian mạng, trong đó có Quyết định số 830/TTg-CP của Chính phủ về Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 – 2025”. Để các chủ trương, chính sách của Nhà nước có thể được triển khai sâu rộng, cần có sự nỗ lực chung tay của của tất cả các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp (DN) và cả cộng đồng.
Với vai trò là cầu nối giữa các DN ATTT với các cơ quan QLNN và cộng đồng, VNISA cũng đã sớm tham gia xây dựng chính sách, chủ trì nhiều hoạt động hướng tới bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh trên không gian mạng.
“Chúng tôi cũng cam kết tăng cường phối hợp với các cơ quan QLNN, các tổ chức trong nước và quốc tế cũng như các DN để đẩy mạnh các hoạt động bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. Cam kết này được Hiệp hội hiện thực hóa bằng nhiều hoạt động, trong đó có thành lập VCSC hồi tháng 8 vừa qua, và trở thành tổ chức chuyên môn của Hiệp hội trong lĩnh vực bảo vệ, hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh trên không gian mạng”, ông Sơn chia sẻ.
Cũng chia sẻ tại Hội thảo, ông Ngô Tuấn Anh, Phó Chủ tịch VNISA, Chủ nhiệm VCSC cho biết: Phòng chống thông tin độc hại và lừa đảo trẻ em trên môi trường mạng là một trong những nội dung trọng tâm của CLB kể từ khi thành lập và đi vào hoạt động, với mục tiêu có thể cùng kết nối, chung tay xây dựng không gian mạng trong sạch, an toàn, hạnh phúc cho mọi trẻ em Việt Nam.
Để hiện thực hóa được mục tiêu này, chúng tôi đang nỗ lực và sẽ tập trung vào nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực. Theo đó, thời gian tới, CLB sẽ hướng tới xây dựng và vận hành hệ thống chia sẻ dữ liệu bảo vệ trẻ em trên không gian mạng; Xây dựng tiêu chuẩn cơ sở cho các sản phẩm bảo vệ trẻ em để VNISA ban hành và tổ chức đánh giá cấp chứng nhận.
Đồng thời, CLB cũng tổ chức các hoạt động để tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong phòng chống thông tin độc hại, lừa đảo nói riêng cũng như bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường nói chung trong thời gian tới.
“Để triển khai hiệu quả những công việc này thì một đơn vị không thể nào thực hiện được, do đó sự chung tay, chung sức của cộng đồng, các tổ chức, doanh nghiệp là điều kiện tiên quyết”, ông Tuấn Anh khẳng định.
Chia sẻ tại phiên tọa đàm “Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng: Sự đồng hành của cha mẹ, nhà trường, các công ty công nghệ và cơ quan QLNN” các đại biểu, các chuyên gia cũng đều nhất trí rằng bảo vệ trẻ em an toàn trên không gian mạng cần sự chung tay của tất cả các bên, cơ quan QLNN, các tổ chức, DN, nhà trường, gia đình và của cả cộng đồng.
Chia sẻ từ góc độ nhà trường, cô Phan Thị Phước Hòa, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Lê Hồng Phong (TP. Đà Nẵng) cho biết, nhà trường cũng đã thành lập các CLB với nòng cốt là một số em học sinh tiêu biểu, thường xuyên tìm hiểu và chia sẻ để nâng cao nhận thức cho các em học sinh, giúp các em hiểu hơn về việc sử dụng Internet và tham gia không gian mạng an toàn; tổ chức các chương trình hoạt động như ngày hội giao lưu gia đình đồng hành cùng với nhà trường trong việc bảo vệ trẻ em...
Về phía DN, chia sẻ về giải pháp bảo vệ trẻ em trên không gian mạng với vai trò là nhà cung cấp dịch vụ kết nối Internet, đại diện của Trung tâm ATTT VNPT, ông Nguyễn Hữu Cường cho biết: “VNPT là một DN viễn thông - công nghệ thông tin, chúng tôi có trách nhiệm trong việc bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. Vì đặc thù là DN viễn thông nên VNPT cũng có những cách tiếp cận, xây dựng chiến lược phù hợp với một đơn vị cung cấp dịch vụ”.
Cụ thể, theo ông Cường, VNPT có chiến lược tiếp cận từ trên xuống. Đầu tiên, nhà mạng có thể sử dụng những giải pháp từ phía cung cấp dịch vụ để chặn ngay những trang web, đường link, địa chỉ IP đã được đánh giá là độc hại.
Chiến lược thứ hai, VNPT tích hợp luôn giải pháp bảo vệ trẻ em trên thiết bị mạng. Khách hàng chỉ cần đăng ký sử dụng dịch vụ, nhà mạng sẽ tự động kích hoạt để khách hàng sử dụng. Tất cả các thiết bị mạng trong gia đình như điện thoại, máy tính, máy tính bảng kết nối với modern đều được bảo vệ.
Ông Cường cũng cho biết thêm, trong tương lai VNPT sẽ phát triển những giải pháp đầu cuối, cài đặt trên các thiết bị máy tính, lúc đó chúng ta hoàn toàn có một chiến lược toàn diện để bảo vệ trẻ em an toàn trên không gian mạng./.