Truyền thông

Gia tăng chất lượng nông sản Việt bằng quản lý và giám sát mã số vùng trồng

P.V 15:10 09/11/2023

Cả nước hiện có gần 7.000 mã số vùng trồng và hơn 1.500 mã số cơ sở đóng gói nông sản được cấp để phục vụ xuất khẩu. Tuy nhiên, khâu quản lý mã số vùng trồng, thậm chí việc xử lý vi phạm mã số vùng trồng vẫn đang gặp không ít khó khăn.

Tăng nhanh mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu

Mã số vùng trồng là mã số định danh cho một vùng trồng trọt nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất; kiểm soát chất lượng sản phẩm; truy xuất nguồn gốc sản phẩm cây trồng. Đây là một trong những tiêu chí quan trọng trong xuất khẩu nông sản.

Cả nước có 7.000 mã số vùng trồng và hơn 1.600 cở sở đóng gói đáp ứng cho 11 thị trường, đáng chú ý là đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng được cấp nhiều mã số vùng trồng và cở sở đóng gói nhất với gần 4.000 mã số vùng trồng và hơn 600 cơ sở đóng gói, chiếm tỷ lệ lần lượt là gần 60% và 40% tổng mã số cả nước.

Mã số vùng trồng hiện được xem như "tấm vé thông hành" cho nông sản đi xa bởi khi được cấp mã số, sản phẩm của vùng trồng sẽ đáp ứng điều kiện xuất khẩu chính ngạch.

Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, 5 vùng sầu riêng được cấp mã số vùng trồng. Tất cả phải đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy chuẩn xuất khẩu, như: canh tác theo hướng hữu cơ, ghi nhật ký canh tác, sử dụng hệ thống nước tưới, bón phân tự động… Sau khi được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu, sản phẩm sầu riêng đã được doanh nghiệp và thương lái chủ động tìm đến hợp tác, thu mua với mức giá cao hơn so cùng kỳ năm trước.

"Khi chuyển đổi sang trồng sầu riêng, không chỉ quan tâm về số lượng mà còn nâng cao chất lượng, làm cho giá trị gia tăng của quả sầu riêng cao", anh Đoàn Đức Hòa, xã Xà Bang, huyện Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu, chia sẻ.

Còn tại tỉnh Tiền Giang, hiện nay có 271 mã số vùng trồng được cấp và đang hoạt động với diện tích 20.050 ha, trong đó có 70 mã mít, 77 mã thanh long, 32 mã xoài, 12 mã vú sữa, 66 mã sầu riêng... Đặc biệt có 96 mã số vùng trồng, diện tích 1.151 ha xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia... với 6 loại cây trồng là chôm chôm, xoài, nhãn, vú sữa, thanh long, bưởi.

Việc cấp mã số vùng trồng đã tạo điều kiện cho nhiều loại trái cây tiêu thụ tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Theo đánh giá, các loại cây ăn trái trong vụ đều tăng từ 28-270 triệu đồng/ha tùy loại, trong đó cây sầu riêng sản xuất trái vụ cho thu nhập 2,4 tỷ đồng/ha.

image001.jpg
Hiện nay, cả nước có 7.000 mã số vùng trồng và hơn 1.600 cở sở đóng gói đáp ứng cho 11 thị trường xuất khẩu.

Còn bất cập trong công tác quản lý

Thời gian gần đây, việc liên tục nhận được thông báo của nước nhập khẩu do không tuân thủ các yêu cầu về kiểm dịch thực vật như nhiễm rệp sáp, ruồi đục quả và dư lượng hóa chất vượt quy định… đã cho thấy những bất cập về quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói. Những vi phạm này có thể đẩy các ngành hàng xuất khẩu quan trọng của nước ta tới nguy cơ mất thị trường.

Theo ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn Phòng SPS Viêt Nam, đơn vị tiếp nhận phản hồi về chất lượng nông sản Việt từ khắp các thị trường trên thế giới, ngoài số liệu từ thị trường Trung Quốc, trong 6 tháng đầu năm 2023, có 31 cảnh báo từ EU về vi phạm an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật. So với 2260 cảnh báo trên toàn thế giới thì vi phạm của Việt Nam vào khoảng 1,4%.

Về phía Cục Bảo vệ thực vật - đơn vị có trách nhiệm quản lý, giám sát chất lượng các vùng nông sản xuất khẩu cho biết, hành vi vi phạm và những cảnh báo rất đa dạng, nhiều khi không phải từ mã vùng trồng mà vì những việc rất nhỏ như: hồ sơ giấy tờ ghi chép còn thiếu; nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật ở nước nhập khẩu; thậm chí là nhập khẩu mặt hàng nước sở tại chưa cho phép, ví dụ như học sinh, sinh viên mang trái cây sang bị giữ lại thì cũng sẽ thông báo về trong nước là hành động không tuân thủ.

Thực tế hiện nay, có nhiều khó khăn trong việc kiểm soát các mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói, trong đó có việc người nông dân chưa thực sự ý thức được giá trị của mã số vùng trồng như một tài sản cần phải bảo vệ.

Cơ sở pháp lý để cấp và quản lý mã số vùng trồng cũng như xử lý vi phạm hành chính cũng chưa đầy đủ. Nhân lực cho việc kiểm tra giám sát sau khi cấp mã số vùng trồng cũng hạn chế; tuân thủ các quy định trong cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói của bà con nông dân và doanh nghiệp chưa được quan tâm đúng mức.

Cần chế tài để giám sát tốt các mã số vùng trồng

Ông Hoàng Trung, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: "Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã làm việc với Bộ Tư pháp xin phép Chính phủ cho phép xây dựng 02 Nghị định, đó là Nghị định hướng dẫn cấp mã số, vùng trồng cơ sở đóng gói đi kèm với Nghị định xử lý vi phạm trong lĩnh vực này".

ma-so-vung-trong-6524-1624873319860x0-16795660692401058413905.jpg
Nâng cao nhận thức về xây dựng mã vùng trồng là điều kiện cần thiết.

2 Nghị định trên được kỳ vọng sẽ là các biện pháp mạnh trong công tác quản lý, kiểm tra, giám sát về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói rau quả, trái cây phục vụ xuất khẩu và xử phạt nghiêm những hành vi vi phạm. Để tới đây, tất cả các mặt hàng nông sản nếu được thu mua từ những khu vực có mã số vùng trồng phải đảm bảo chất lượng, không bị nhiễm vi sinh vật gây hại, không vi phạm về an toàn thực phẩm được chuẩn hóa về bao bì mẫu mã.

Cùng với đó, trong thời gian tới, hệ thống "sansangxuatkhau" được triển khai sẽ giúp việc quản lý mã số vùng trồng dễ dàng và minh bạch hơn. Hệ thống này gồm: Cơ sở dữ liệu quốc gia, kết nối giữa Cục Bảo vệ thực vật với các Chi cục tại địa phương có các thông tin liên quan đến mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói; 2 phần mềm đang được xây dựng về mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói cho phép người nông dân, các cán bộ cơ sở có thể ghi chép trực tiếp, theo dõi thông tin về lô hàng xuất khẩu, cũng như đăng ký giám sát hàng năm thay vì phải đến trực tiếp tại Chi cục Bảo vệ thực vật.

Hệ thống này cung cấp thông tin về quy định của các nước cũng như quy định của Việt Nam về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, kiểm dịch thực vật…

Để quản lý tốt hơn, ngoài ứng dụng công nghệ vào quản lý thì việc phải có chế tài và chế tài đủ mạnh để xử phạt những vi phạm về mã vùng trồng, cơ sở đóng gói là rất cần thiết.

Chính quyền, doanh nghiệp, người dân cần nâng cao nhận thức về xây dựng mã vùng trồng cho tất cả các sản phẩm, đồng thời xây dựng thương hiệu, tăng cường chất lượng sản phẩm các vùng trồng, để nâng cao sức cạnh tranh, mở rộng thị trường xuất khẩu cho nông sản Việt Nam.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Gia tăng chất lượng nông sản Việt bằng quản lý và giám sát mã số vùng trồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO