Cơ hội và thách thức cho nông sản Việt

Đỗ Thêu| 06/11/2022 21:55
Theo dõi ICTVietnam trên

Sau gần 3 năm bùng phát dịch COVID-19, thương mại nông sản (TMNS) toàn cầu đã và đang được định hình ở trạng thái “bình thường mới”, tạo thách thức nhưng cũng mang lại cơ hội thị trường lớn hơn cho nông sản Việt, đặc biệt là trái cây và thủy sản.

Đây là đánh giá của các chuyên gia tại "Hội thảo triển vọng thị trường nông sản Việt Nam" do Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD), phối hợp với Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức mới đây với sự hỗ trợ của Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform).

TMNS toàn cầu đã và đang được định hình ở trạng thái "bình thường mới"

Các chuyên gia nêu rõ, từ đầu năm 2020, đại dịch COVID-19 bùng phát và bắt đầu lan rộng trên phạm vi toàn thế giới. Để ngăn chăn sự lây lan dịch bệnh, các quốc gia đã áp dụng nhiều biện pháp như giãn cách xã hội, phong tỏa thành phố, đóng cửa biên giới… 

Những biện pháp này đã và đang tác động sâu rộng tới kinh tế - xã hội toàn cầu. Ngành nông nghiệp, đặc biệt là TMNS cũng không nằm ngoài phạm vi ảnh hưởng của đại dịch mặc dù ngành nông nghiệp được đánh giá là có khả năng chống đỡ cao hơn so với nhiều ngành khác.

Trong ngắn hạn, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng tới cả cung và cầu khiến cho sản xuất biến động và TMNS sụt giảm. Trong trung và dài hạn, đại dịch được dự báo sẽ ảnh hưởng đến các mô hình sản xuất, thương mại và tiêu dùng, làm thay đổi hành vi và xu hướng tiêu dùng, do đó định hình lại các chuỗi cung ứng.

Sau gần 3 năm bùng phát, TMNS toàn cầu đã và đang được định hình ở trạng thái "bình thường mới". Theo đó, bên cạnh những khó khăn, đại dịch cũng mở ra cơ hội nếu các quốc gia có được các chiến lược và chính sách phù hợp.

Nhiều nước nhập khẩu nông sản lớn trong đó có Mỹ và nhiều nước châu Âu có những quy định cao hơn về tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, đồng thời áp dụng quá trình kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo nông sản nhập khẩu không có virus gây bệnh, gây khó khăn hơn cho nông sản xuất khẩu vào những thị trường này.

Tuy nhiên, nhu cầu nông sản, đặc biệt là trái cây và thủy sản, lại tăng nhanh, mang lại cơ hội thị trường lớn hơn.

Thị trường nông sản Việt Nam giữ đà tăng liên tục về xuất khẩu trong 10 năm qua

Theo Bộ NN&PTNT, kỷ lục thặng dư thương mại về xuất khẩu nông lâm thủy sản Việt Nam diễn ra vào năm 2020, đạt ngưỡng 10,4 tỷ USD. Trong cùng năm, giá trị xuất khẩu đạt 41,2 tỷ USD. Năm 2022, Bộ NN&PTNT dự kiến xuất khẩu 55 tỷ USD, tăng hơn 30% so với kỷ lục xuất siêu năm 2020. Tuy nhiên, thặng dư thương mại năm nay ước khoảng 6 - 7 tỷ USD.

Trong hơn 10 năm tăng trưởng xuất khẩu sang các thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản... ổn định. Riêng 9 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu sang các nước ASEAN tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2021.

Bất chấp hai năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, sức tăng trưởng của một số nhóm hàng chủ lực được duy trì ổn định như gỗ và lâm sản, thủy sản, hạt điều, cao su, gạo, sắn... Riêng nhóm hàng thủy sản năm 2022 dự kiến xuất khẩu vượt 10 tỷ USD.

TS Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn chỉ ra lý do giúp xuất khẩu nông lâm thủy sản liên tiếp đạt kỷ lục. Đó là nhu cầu của thế giới liên tục tăng, Việt Nam chủ động mở cửa sớm sau COVID-19, tăng cường trao đổi thương mại với các thị trường lớn, tận dụng ưu đãi từ các FTA thế hệ mới, áp dụng ngày một nhiều khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Để giữ đà tăng trưởng trong hoạt động xuất khẩu nông lâm thủy sản, TS Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam nhấn mạnh, các cơ sở sản xuất và doanh nghiệp xuất khẩu cần quan tâm nhiều hơn đến chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Trong 10 tháng đầu năm 2022, Việt Nam nhận tổng cộng 907 thông báo từ các quốc gia WTO về những vấn đề liên quan đến SPS, tăng 21% so với cùng kỳ 2021. Trong đó, Nhật Bản là quốc gia thông báo nhiều nhất, với 126 thông báo, chiếm 13,7%. Xếp sau là Brazil, EU, Canada và Mỹ.

Trung Quốc, thị trường xuất khẩu lớn thứ nhì của nông lâm sản Việt Nam, đưa ra 18 thông báo trong 10 tháng, tương đương chưa đầy 2%.

EU, một thị trường khó tính và có tiêu chuẩn cao về an toàn thực phẩm, đưa ra tổng cộng 5.394 cảnh báo với mặt hàng nông sản thực phẩm và thức ăn chăn nuôi, từ hệ thống cảnh báo nhanh với toàn thế giới. Trong đó, Việt Nam chỉ nhận 64 cảnh báo, chiếm 1,78%.

"Người dân, hợp tác xã, cộng đồng doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng nâng cao hơn nữa nhận thức về kiểm soát, đảm bảo an toàn thực phẩm", ông Nam lưu ý./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Cơ hội và thách thức cho nông sản Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO