Giải pháp thúc đẩy đổi mới sáng tạo mở ở Việt Nam

Hoàng Linh| 07/03/2022 05:55
Theo dõi ICTVietnam trên

Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế do tác động của COVID-19, vai trò của công nghệ và đổi mới sáng tạo (ĐMST) mở ngày càng trở nên quan trọng, giúp nâng cao năng lực thích ứng của các tổ chức, doanh nghiệp (DN) và tăng năng suất.

Xu hướng ĐMST mở

ĐMST đã từ lâu được đề cập trong chương trình ĐMST toàn cầu. Hiện nay, trên thế giới có hai xu hướng ĐMST, trong đó ĐMST khép kín tức là những DN có nguồn vốn, có chương trình nghiên cứu và phát triển (R&D) riêng biệt, giúp cho DN đẩy mạnh sáng tạo, cạnh tranh như Airbus, Amazon, Microsoft, Apple, Qualcomm hay các công ty dược…

Xu hướng thứ hai là những DN có chương trình ĐMST mở điển hình như các DN từ lĩnh vực thuê nhà, vận tải, giao hàng như Airbnb, Grab… hay nhiều DN, nhà máy, nhà phân phối có chương trình dài hạn ĐMST.

Giải pháp thúc đẩy đổi mới sáng tạo mở ở Việt Nam - Ảnh 1.

Airbnb là công ty khởi nghiệp chuyên kết nối người cho thuê nhà và khách đi thuê. Hiện nay công ty này đang là start-up có giá trị lớn thứ 3 toàn cầu.

Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục phát triển kinh tế thị trường, Bộ KH&CN (NATEC) cho biết hiện có rất nhiều định nghĩa về ĐMST mở. Nhưng theo ông Quất, ĐMST mở là một mô hình kinh tế chia sẻ của nền kinh tế tri thức mà đối tượng chia sẻ ở đây chính là tri thức, công nghệ, con người, chuyên gia. Nội hàm của ĐMST mở là gồm cả chia sẻ vấn đề của DN đang mắc phải, chia sẻ giải pháp để giải quyết vấn đề đó và chia sẻ nguồn lực của những người tham gia giải quyết vấn đề.

Với cuộc CMCN 4.0, Internet, ông Quất cho rằng hiện nay mới có thể hiện thực hoá nền kinh tế chia sẻ tri thức này và xu hướng này là tất yếu vì nếu không ĐMST mở sẽ tự đánh mất khả năng cạnh tranh.

Theo ông Quất, ĐMST mở khác với ĐMST đóng chính là ở chỗ một viện, trường, DN dám đưa vấn đề của mình ra bên ngoài giải quyết, chúng ta gọi là không "giấu dốt". Thứ hai là chúng ta dám dùng người bên ngoài công ty, viện, trường để giải quyết vấn đề bên trong, tức là tôn trọng lực lượng bên ngoài, thậm chí giỏi hơn và chúng ta dám cạnh tranh. Thứ ba là chúng ta có thể tận dụng được giải pháp của những người khác một cách khôn ngoan nhất và cũng sẵn sàng chia sẻ giải pháp của chúng ta để "chữa bệnh" cho nhiều người.

"Chúng ta không giấu bệnh, dùng chung giải pháp và có thể giúp cho nhiều người và đấy chính là mô hình kinh tế ba bên cùng có lợi cho người có vấn đề, giải quyết vấn đề và cộng đồng. Đây là một thách thức khi đòi hỏi sự thay đổi tư duy (mindset) của người lãnh đạo của các tổ chức, DN".

Ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Viet Lotus cho biết ĐMST mở trên thế giới cũng là một khái niệm tương đối mới, đối với Việt Nam lại càng mới. Lần đầu tiên thuật ngữ ĐMST mở xuất hiện trên một diễn đàn khoa học vào năm 2003 nhưng chỉ khoảng 10 năm trở lại đây, ĐMST mới bùng lên trên thế giới. Cũng có không ít các DN thành công và cũng có những DN thất bại do áp dụng ĐMST mở cũng như ĐMST đóng trước đây. Qua thực tiễn triển khai ở các nước đi trước, các nước phát triển về ĐMST mở, có 2 điểm chính lớn cần xem xét: các nước phát triển đã kiến tạo được hệ sinh thái ĐMST rất phong phú, đa dạng và tương đối phát triển.

"Chúng ta nói ĐMST mở thì cái gì cũng mở như kiến thức mở, giáo dục mở, chính sách mở, nền tảng mở, những thuật ngữ phổ biến như nguồn mở, xã hội mở và có rất nhiều chủ thể có liên quan tham gia vào hệ sinh thái ĐMST mở này. Tôi cho rằng hệ sinh thái ĐMST mở của các nước phát triển như Mỹ, Israel, châu Âu và đặc biệt gần đây là Singapore là một mô hình rất đáng để chúng ta lưu tâm", ông Ngoạn chia sẻ.

Trong hệ sinh thái ĐMST mở, theo ông Ngoạn, có nhiều chủ thể tham gia, sự kết nối - tương tác giữa chủ thể trong hệ sinh thái đó là rất tốt, chặt chẽ, hiệu quả và cần cơ chế chính sách để kết nối, tương tác giữa các chủ thể trong hệ sinh thái. Nó rất cần yếu tố chủ thể.

Điểm thứ hai mà các nước trên thế giới có một hệ thống ĐMST mở phát triển, hiệu quả là có sự vào cuộc rất mạnh mẽ của chính phủ. Ngược dòng lịch sử, vào những năm 1950 của thế kỷ trước những tập đoàn như IBM, Lockheed, GE… của Mỹ phát triển được, bùng nổ công nghệ là nhờ những đơn đặt hàng của chính phủ. Chính phủ không chỉ bỏ tiền ra để đầu tư mua bản quyền, sản phẩm mà chính phủ còn tạo ra một môi trường mở, tạo ra không gian rộng cho các nhà nghiên cứu, các DN phát triển.

Giải pháp thúc đẩy đổi mới sáng tạo mở ở Việt Nam - Ảnh 2.

Không gian sáng tạo của IBM ở Singapore

Những năm gần đây, hệ thống ĐMST mở của Singapore rất phát triển và có sự vào cuộc của chính phủ. 5 năm gần đây thôi, Enterprise Singapore đã đầu tư 45 triệu USD cho các dự án phát triển dưới dạng giải quyết các bài toán cho các thách thức của các quốc gia.

Ông Ngoạn cho rằng trong nền kinh tế, bất cứ quốc gia nào cũng có sự bao cấp đối với những lĩnh vực như môi trường, sức khoẻ, ứng dụng công nghệ. Đó là công việc cần nhà nước. Nhà nước bỏ tiền, kêu gọi, theo đó, tất cả các viện trường, nhà nghiên cứu, DN có ứng dụng ĐMST để giải quyết bài toán đó.

ĐMST mở trong CNTT và quản trị

Đối với ĐSMT mở trong CNTT, ông Nguyễn Thành Nam, nhà sáng lập Tổ chức giáo dục trực tuyến FUNIX chia sẻ, ĐMST mở là một khái niệm rất căn bản. Lịch sử mã nguồn mở bắt đầu từ năm 1991 do kỹ sư Linux Torvalds, người Phần Lan tin rằng nếu xây dựng một hệ thống mở thì có thể đánh bại Microsoft.

"Đầu năm 1990 nói chuyện này là hoang tưởng, không ai tin một cá nhân dựa vào nguồn lực của cộng đồng mà có thể xây dựng được hệ điều hành mạnh hơn Microsoft nhưng trên thực tế đã chứng minh. Hay hệ điều hành Android chiếm 60 - 70% thị phần và phần còn lại là iPhone và iOS cũng là một ví dụ".

Ông Nam chia sẻ cuộc thi sản phẩm phần mềm tin học mang tên "Trí tuệ Việt Nam" từ những năm 1990 do Báo Lao động, VTV và FPT phối hợp tổ chức cũng được xây dựng dựa trên hướng mở để anh em làm tin học "ùa vào", ra sức sáng tạo phần mềm tạo nên một phong trào sáng tạo. Và anh em tham gia ngày đó trở thành những anh em nòng cốc của CNTT Việt Nam.

Cũng theo ông Nam, khái niệm ĐMST mở không chỉ áp dụng vào phần mềm mà có thể áp dụng vào quản trị DN, các tổ chức. Những năm 1999 khi được giao nhiệm vụ xây dựng công ty phần mềm FPT, ông Nam đã nghĩ áp dụng nguyên tắc của mã nguồn mở vào trong việc xây dựng một công ty, tức là trong công ty này, tất cả mọi vấn đề mọi người đều biết.

"Tôi không bao giờ tôi chọn phương án đóng dù nhiều DN thành công nhờ phương thức đóng", ông Nam chia sẻ.

ĐMST mở với startup Việt

Trong thời điểm hiện nay, ông Quất cho biết khái niệm "mở" sẽ tác động "ghê gớm" vì thay đổi cuộc chơi trong một lĩnh vực nhất định. Nếu chậm hơn thì ta sẽ bị chính sách mở của các nước bên cạnh thu hút hết cả về nguồn vốn, nhân lực và thị trường.

Giải pháp thúc đẩy đổi mới sáng tạo mở ở Việt Nam - Ảnh 3.

Ảnh minh hoạ (Nguồn: cafebiz.vn)

Ông Ngoạn cho biết Singapore có hai sự kiện lớn hàng năm là khởi nghiệp và festival công nghệ. Nhiều người khởi nghiệp ở Việt Nam nhưng sang Singapore để tìm kiếm nguồn vốn, ý tưởng sáng tạo, quản trị để tạo sản phẩm mới? Có phải là do vấn đề chính sách chậm?

Qua nghiên cứu, ông Ngoạn cho biết có không ít các bạn trẻ Việt Nam sang Singapore, một số thị trường khác nữa để khởi nghiệp và sau đó mới quay về Việt Nam hoặc là "đóng đô" ở nước ngoài, phát triển rộng ra về Việt Nam.

Có nhiều nguyên nhân được ông Ngoạn nêu ra. Thứ nhất là thủ tục đăng ký ra đời 1 DN ở Việt Nam tuy đã được cải thiện rất nhiều nhưng vẫn còn vấn đề. Thứ hai là cơ chế thử nghiệm (sandbox). Các startup ở Singapore có sandbox để sáng tạo ra sản phẩm, dịch vụ và startup có thể triển khai mở rộng. "Rào cản pháp lý đang là một vấn đề hết sức lớn cho hoạt động ĐMST nói chung chứ không chỉ có riêng startup".

Thứ ba là huy động vốn bởi cơ chế, thủ tục thành lập chưa khuyến khích. Các công ty quản lý quỹ của chúng ta muốn thành lập thì phải ra nước ngoài thành lập và quay lại hoạt động ở Việt Nam.

Là đơn vị đầu tiên cung cấp các dịch vụ ĐMST mở cho các DN, ông Ngoạn cho biết Viet Lotus đóng vai trò bên thứ ba, trung gian để cung cấp các dịch vụ ĐMST cho các DN, kết nối các DN có vấn đề, khó khăn, thách thức, yêu cầu với những bên có khả năng cung cấp các ý tưởng, lời giải cho DN.

Còn theo ông Quất, Natech đang làm là cái gọi là khởi nghiệp tinh gọn (lean startup) được xem là một hình thức cũng thúc đẩy ĐMST mở. Trước đây, chúng ta làm vườn ươm (ucubator) thì tương đối khép kín bởi vườn thì còn tường bao quanh và ít sợ lộ công nghệ ra bên ngoài. Đa số các trung tâm ĐMST ở Việt Nam bây giờ đang theo mô hình vườn ươm. Nhưng bây giờ thế giới đang phá bức tường vườn ươm và hướng tới thúc đẩy (accelerator).

Giải pháp thúc đẩy đổi mới sáng tạo mở ở Việt Nam - Ảnh 4.

Ảnh minh hoạ

Giải pháp nào cho thúc đẩy ĐMST mở?

Ông Nam cho biết thúc đẩy ĐMST mở cái khó nhất là thiết kế hệ thống pháp lý (framework). Mở là ai cũng có thể tham gia, theo đó, nếu không có framework thì lại rối lên và quay về ĐMST đóng.

Đồng tình với quan điểm của ông Nam, ông Ngoạn cho biết cần phải có 1 framework vì thế nên phải trao đổi xây dựng một chương trình quốc gia ĐMST. ĐMST mở thì phải tập trung DN, vào startup, tất nhiên có nhiều chủ thể để khuyến khích các DN để họ có lòng tin triển khai. Nút thắt đầu tiên chính là ở đây.

Ông Quất cho biết xây dựng chương trình hỗ trợ ĐMST mở, điều đầu tiên quan trọng là tư duy (mindset). Đề án 844 đã được chính phủ xác định đến năm 2025 và Thủ tướng chính phủ có ban hành quyết định mới mở thêm tầm nhìn đến năm 2030 và có đưa thêm khái niệm thiết lập mạng lưới ĐMST, trong đó bản chất là mở để kéo thêm DN vào mà không chỉ startup mà còn DN vừa và nhỏ, DN lớn hình thành hệ sinh thái mở hơn nữa và những giải pháp ĐMST của viện, trường trong nước, các nhà khoa học, tri thức trong nước tham gia phục vụ DN tốt hơn kết hợp với các startup chứ không chỉ startup đi phục vụ DN lớn.

"Cái lợi cuối cùng là tam giác vàng "viện - trường - DN" tạo nên trụ cột của ĐMST mở. Chúng tôi cũng quyết tâm như ngay năm 2021 do COVID nhưng đã họp thuyết phục một số DN để thay đổi tư duy của một số DN lớn. Năm 2022 giải quyết vấn đề cho DN để thành công", ông Quất chia sẻ.

Xu hướng mở sẽ được chính phủ ủng hộ và các bên cùng đột phá. Để đạt được ĐMST mở, ông Nam nhấn mạnh: "Mở thì phải có luật lệ và càng phải chặt. Bởi vì vào chợ mà hỗn loạn thì người ta lại đi ra. Chợ phải có ban quản lý. Đây là điểm đang thiếu nếu Bộ KH&CN làm được. Việt Nam ít người quan tâm đến kỷ luật, luật lệ. Trong ĐMST mà không có kỷ luật thì không thể ĐMST. Kỷ luật chặt mới ĐMST. Startup phải chứng minh được thành công thì mới được hỗ trợ".

Ông Ngoạn cho biết thêm Quỹ đầu tư phát triển KHCN tại DN đã được cho phép thành lập nhưng cơ chế vẫn đóng. "Văn bản đóng thì không sử dụng được quỹ đó. Bây giờ các tập đoàn, DN lớn có mấy nghìn tỷ đồng nhưng không sử dụng được vì sử dụng thì cực kỳ rủi ro vì phải thẩm định quy trình. Đầu tư ĐMST thì phải có rủi ro. Nếu gỡ bỏ được rào cản của quy định thì sẽ thúc đẩy ĐMST ở cả khu vực nhà nước"./.

Bài liên quan
  • Vĩnh Long cải cách hành chính hướng tới sự nghiệp đổi mới
    Hiện nay trên toàn tỉnh Vĩnh Long công tác cải cách thủ tục hành chính tiếp tục được lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long quan tâm chỉ đạo sâu sát, kịp thời và thường xuyên. Qua đó, tháo gỡ kịp thời những khó khăn vướng mắc của các cơ quan đơn vị đã góp phần thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ cải cách hành chính đã đề ra.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Giải pháp thúc đẩy đổi mới sáng tạo mở ở Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO