Giải pháp thực thi hiệu quả kiến trúc chính quyền số tại TP. HCM
Việc triển khai các nền tảng số và kho dữ liệu dùng chung sẽ thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện về chính quyền số, làm cơ sở bền vững thúc đẩy kinh tế số, xã hội số và phát triển đô thị thông minh tại TP. Hồ Chí Minh.
TP. HCM là 1 trong 5 địa phương đứng đầu về chính phủ điện tử
Chương trình chuyển đổi số (CĐS) của TP. Hồ Chí Minh (TP.HCM) xác định mục tiêu đến năm 2025, TP.HCM là 1 trong 5 địa phương đứng đầu về chính phủ điện tử (CPĐT), kinh tế số chiếm 25% GRDP.
Năm 2025, TP.HCM đặt mục tiêu cơ bản đưa toàn bộ hoạt động hành chính lên các nền tảng số, hướng đến mục tiêu CĐS toàn diện về chính quyền số, từ đó làm cơ sở để thúc đẩy kinh tế số và xã hội số. Đến năm 2030, Thành phố sẽ hình thành đầy đủ nền tảng dữ liệu của đô thị thông minh, phục vụ cho sự phát triển của “chính quyền số - kinh tế số - xã hội số”, dữ liệu sẽ được chia sẻ rộng rãi toàn xã hội.
Để tìm ra lời giải nhằm thực hiện các định hướng này, tại phiên hội thảo toàn thể trong Khuôn khổ Tuần lễ CĐS TP.HCM 2024, bà Võ Thị Trung Trinh, Giám đốc Trung tâm CĐS TP.HCM đã có bài tham luận về giải pháp thực thi hiệu quả kiến trúc chính quyền số tại TP.HCM.
Từ thực tiễn triển khai xây dựng CPĐT hướng tới Chính phủ số tại Việt Nam thời gian qua, khung kiến trúc CPĐT 3.0 đã được Bộ TT&TT ban hành và có hiệu lực từ ngày 29/12/2023, theo đó cập nhật, bổ sung một số nội dung mới so với phiên bản 2.0. Cụ thể, cập nhật sơ đồ CPĐT quốc gia và mô tả các thành phần. Sơ đồ có bổ sung nền tảng định danh và xác thực điện tử, hệ thống định danh và xác thực điện tử và việc khai thác, sử dụng các hệ thống này theo quy định tại Nghị định 59 năm 2022 của Chính phủ và Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030; bổ sung Trung tâm dữ liệu quốc gia, kho dữ liệu về con người, kho dữ liệu tổng hợp từ các cơ sở dữ liệu quốc gia được đề cập trong Đề án Trung tâm dữ liệu quốc gia đã được Chính phủ phê duyệt.
Các mô hình tham chiếu cũng đã được cập nhật trong khung kiến trúc phiên bản mới, bao gồm: Mô hình tham chiếu nghiệp vụ (BRM), mô hình tham chiếu dữ liệu (DRM), mô hình tham chiếu ứng dụng (ARM), mô hình tham chiếu công nghệ (TRM) và mô hình tham chiếu an toàn thông tin mạng, an ninh mạng (SRM).
Qua tham luận, bà Võ Thị Trung Trinh nhấn mạnh sự cần thiết của khung kiến trúc CPĐT trong công cuộc CĐS toàn diện. Khung kiến trúc CPĐT sẽ giúp các cơ quan nhà nước và các đơn vị khác trực thuộc thành phố hiểu rõ vị trí, trách nhiệm của mình trong việc ứng dụng và phát triển CNTT một cách toàn diện và đồng bộ; đảm bảo các chương trình đầu tư công nghệ và CĐS đạt được thành quả như đúng mục tiêu đề ra, đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân, doanh nghiệp, đồng thời vẫn đáp ứng các yêu cầu về quản lý Nhà nước.
“Chúng ta cần có khung kiến trúc để các sở ban ngành cùng nhau triển khai, đảm bảo về sự đồng bộ trong đầu tư của thành phố”, Giám đốc Trung tâm CĐS TP.HCM cho biết.
Thúc đẩy quản trị chính quyền dựa trên các nền tảng số
Theo bà Võ Thị Trung Trinh, việc triển khai các nền tảng số và kho dữ liệu dùng chung là vấn đề trọng yếu của CĐS thành phố, thúc đẩy chính quyền số.
Kể từ ngày 18/6/2024, các tổ chức, cá nhân có thể khai thác, sử dụng kho dữ liệu dùng chung trên Cổng thông tin dữ liệu TP.HCM tại địa chỉ http://data.hochiminhcity.gov.vn. Danh mục dữ liệu mở gồm 111 dữ liệu thuộc 13 nhóm chủ đề bao gồm: giáo dục; công nghệ thông tin và truyền thông; giao thông vận tải; khoa học; kinh tế; lao động; nông nghiệp; tài chính; văn hóa - du lịch; xã hội; xây dựng; y tế, sức khỏe; tư pháp.
Chia sẻ thông tin về các nền tảng số, Giám đốc Trung tâm CĐS Võ Thị Trung Trinh cho biết TP.HCM đang có các nền tảng số dùng chung gồm: Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính; hệ thống quản trị thực thi; nền tảng số hóa; nền tảng quản lý khu phố, ấp; app công dân số. Tất cả tạo nên một trung tâm dữ liệu chính quyền điện tử TP.HCM, thiết lập mối quan hệ chặt chẽ giữa người dân và chính quyền.
Cụ thể, nền tảng số hóa giúp hoàn chỉnh và bổ sung thêm nền tảng phần mềm quan trọng Khung kiến trúc Chính quyền điện tử TP.HCM; hình thành kho lưu trữ điện tử; tiết kiệm chi chí so với phải mua sắm bản quyền riêng lẻ. Hiện TP.HCM đang chuẩn bị thủ tục lựa chọn thầu và dự kiến sẽ đưa vào sử dụng trong quý IV/2024.
Nền tảng quản lý khu phố, ấp cung cấp công cụ quản lý đầy đủ các thông tin về tổ chức khu phố, ấp và ban quản trị của khu phố, ấp; cung cấp công cụ để người dân tương tác với chính quyền địa phương, tiếp nhận thông tin chính thống trong triển khai các chính sách, chủ trương của Đảng, Nhà nước. Theo bà Võ Thị Trung Trinh, hiện Thành phố đang thực hiện các thủ tục trong giai đoạn đầu tư, dự kiến quý I/2025 sẽ đưa vào sử dụng.
App công dân số cung cấp chức năng tra cứu thông tin cơ sở khám chữa bệnh; tra cứu cơ sở giáo dục, thông tin tuyển sinh; tra cứu địa điểm tham quan, du lịch; nộp hồ sơ dịch vụ công trực tuyến, tra cứu dữ liệu cá nhân. Giám đốc Trung tâm CĐS TP.HCM cho biết Thành phố đang chuẩn bị hạ tầng cài đặt hệ thống thông tin app công dân số để tổ chức thực hiện đánh giá an toàn, an ninh mạng phê duyệt theo cấp độ, tổ chức kiểm thử kết nối app công dân số với VneID. Đồng thời chuẩn bị các phương án kỹ thuật để có thể đưa vào sử dụng vào tháng 11/2024.
Về nền tảng bản đồ số TP.HCM, hệ thống cung cấp một bộ sưu tập bản đồ nền đa dạng, bao gồm bản đồ hành chính, bản đồ giao thông, bản đồ địa hình, vệ tinh,... Với bản đồ này, người dùng dễ dàng truy cập và khám phá các thông tin về địa chỉ, đường giao thông, giáo dục, y tế, môi trường, hành chính và nhiều lĩnh vực khác trên địa bàn thành phố. Trên bản đồ số, các dữ liệu được cập nhật thường xuyên từ các nguồn thông tin chính thức, được tích hợp từ các sở, ban, ngành, quận, huyện trên địa bàn.
Trong khi đó, Hệ thống quản trị thực thi TP.HCM trên nền tảng số được ví như “bộ não” có chức năng tổng hợp thông tin tổng thể tình hình kinh tế - xã hội, giám sát việc chỉ đạo điều hành của thành phố; tương tác giữa người dân với chính quyền và được liên thông với hệ thống chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đây là nền tảng số dùng chung duy nhất của thành phố với kiến trúc mở, sẵn sàng mở rộng tích hợp các hệ thống thành phần khi cần thiết.
Để tổ chức triển khai kiến trúc chính quyền số hiệu quả, Sở TT&TT TP.HCM sẽ tiến hành quản trị kiến trúc, đôn đốc, theo dõi giám sát việc thực thi và tuân thủ kiến trúc của các đơn vị.
Trung tâm CĐS TP.HCM sẽ triển khai các nền tảng số dùng chung, đảm bảo vận hành hạ tầng CNTT, an toàn thông tin và sẽ hỗ trợ các đơn vị kết nối vào các hệ thống của thành phố, bộ, ngành.
Bên cạnh đó, bà Võ Thị Trung Trinh cũng đề xuất một số các giải pháp khác, bao gồm: Hoàn thành và đưa vào sử dụng các nền tảng số dùng chung của thành phố; tạo lập các dữ liệu theo Chiến lược quản trị dữ liệu của Thành phố ban hành; đẩy mạnh tích hợp và chia sẻ dữ liệu; hoàn thiện và đầu tư bổ sung hạ tầng số đáp ứng cho nhu cầu phát triển ứng dụng đô thị thông minh, CĐS cho giai đoạn 2026 - 2030, đặc biệt là hạ tầng tính toán hiệu năng cao cho các công nghệ đột phá, trong đó có AI./.