Thúc đẩy kinh tế số TP. HCM: Một trọng tâm phát triển nhanh KT-XH
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), tỷ trọng kinh tế số đóng góp vào GRDP của TP. Hồ Chí Minh năm 2023 là 21,5%. Dự kiến đến năm 2025, kinh tế số Thành phố đạt 25%.
Thương mại điện tử là điểm sáng của kinh tế số TP. HCM
Tại phiên họp trực tuyến lần thứ 9 của Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số (CĐS) và Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ với 63 tỉnh, thành và các bộ, ngành sơ kết 6 tháng đầu năm 2024 tháng 7/2024, UBND TP. HCM đã có báo cáo chuyên đề về CĐS, thúc đẩy thương mại điện tử (TMĐT) để phát triển kinh tế số (KTS).
Theo đó, TP. HCM đã đẩy mạnh nhiều giải pháp để thúc đẩy KTS phát triển, với mục tiêu đến năm 2025 KTS đóng góp 25% vào GRDP, đến năm 2030 là 40% vào GRDP. Các chỉ tiêu của TP. HCM cao hơn bình quân cả nước từ 5 - 10%.
Thời gian qua, Thành phố đã chủ động thực hiện nhiều đầu việc để thúc đẩy KTS. Năm 2021, lần đầu tiên TP. HCM đánh giá được đóng góp của KTS trong GRDP trên địa bàn ở góc độ nghiên cứu khoa học là 15,38% (chưa bao gồm TMĐT và kinh tế chia sẻ). Năm 2022, tỷ lệ đóng góp của KTS cho GRDP của Thành phố ước đạt 18,66%.
Hiện nay, theo đo lường của Bộ TT&TT, tỷ trọng KTS đóng góp vào GRDP của Thành phố năm 2023 là 21,5%, tăng 2,84% so với năm 2022. Nếu tính theo phương pháp này, dự kiến Thành phố sẽ đạt chỉ tiêu đặt ra đối với KTS là 25% vào năm 2025.
Trong phát triển KTS, TMĐT là lĩnh vực có đóng góp lớn nhất trong nhóm ngành dịch vụ vào GRDP của Thành phố, chiếm tỉ trọng 14%.
Theo Sở Công Thương TP. HCM, với tốc độ tăng trưởng doanh thu TMĐT lên tới 37%, hiện nay, TP. HCM là địa phương có thị trường hoạt động TMĐT sôi động, có quy mô và tốc độ tăng trưởng lớn nhất cả nước.
Năm 2023, TP. HCM là địa phương có doanh số mua hàng TMĐT cao nhất nước, đạt 6,2 tỷ USD, chiếm 29% quy mô cả nước, doanh số bán hàng TMĐT (được tính theo vị trí đặt kho hàng) đạt 4,7 tỷ USD, chiếm 23% quy mô TMĐT cả nước, tăng trưởng 37% so cùng kỳ, sản lượng đạt 440 triệu sản phẩm, tăng gần 45,2% so với cùng kỳ.
TP. HCM cũng là nơi đặt trụ sở làm việc của hầu hết các doanh nghiệp (DN) và dịch vụ hỗ trợ TMĐT lớn của cả nước, là địa phương luôn dẫn đầu các xu thế mới về TMĐT.
Tại phiên họp, bà Trần Thị Diệu Thúy, Phó Chủ tịch UBND TP. HCM cho biết: Để có được kết quả như trên, trong thời gian qua, Thành phố đã tập trung rất nhiều giải pháp, điển hình như chủ động nghiên cứu phương pháp đo lường chỉ số KTS đóng góp vào GRDP cấp tỉnh, tổ chức nhiều diễn đàn, hội thảo để xác định phương hướng, giải pháp và lĩnh vực cần thúc đẩy để phát triển KTS.
Thành phố cũng xác định 8 ngành lĩnh vực để thúc đẩy CĐS gắn với các mục tiêu, góp phần phát triển KTS, cụ thể như: y tế, giáo dục đào tạo, lao động việc làm, an sinh xã hội, du lịch, nông nghiệp nông thôn, tài nguyên và môi trường...
Thành phố cũng tiếp tục tổ chức xây dựng dữ liệu số của các ngành, DN và người dân trong nhiều năm qua, vì muốn phát triển KTS phải có dữ liệu số.
Đặc biệt, trong năm 2024, Thành phố chọn chủ đề là quyết tâm thực hiện hiệu quả CĐS và Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. HCM để huy động toàn bộ hệ thống chính trị, người dân, DN tham gia công tác CĐS.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Thành phố đã tiếp tục phát triển hạ tầng viễn thông, đảm bảo an ninh an toàn mạng, đưa vào khai thác nhiều dịch vụ đô thị thông minh và chú trọng công tác xây dựng chính quyền số hiệu quả, minh bạch, hướng tới phục vụ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và DN; chú trọng thúc đẩy phát triển TMĐT trên địa bàn Thành phố.
UBND TP. HCM cũng đã chỉ đạo Sở TT&TT và Sở Công Thương ký kết chương trình phối hợp để thúc đẩy TMĐT, hỗ trợ DN nhỏ và vừa.
Một số lĩnh vực kinh tế số phát triển mạnh ở TP. HCM bao gồm như TMĐT, thanh toán điện tử… Hiện nay, Thành phố có trên 71% DN nhỏ và vừa sử dụng các nền tảng số, trên 80,2% sử dụng hợp đồng điện tử.
Tại hội thảo “Nghiên cứu giải pháp phát triển kinh tế số TP. Hồ Chí Minh” do Sở TT&TT kết hợp Đại học Kinh tế TP. HCM tổ chức tháng 4/2024, ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở TT&TT cho biết: TP. HCM đang tập trung các giải pháp thúc đẩy phát triển KTS nhằm đạt được những chỉ tiêu của quốc gia nói chung và của Thành phố nói riêng.
Nghị quyết của Bộ Chính trị đã xác định phương hướng của TP. HCM đến năm 2030 phải trở thành đầu tàu về KTS và xã hội số. Trong đó, chỉ tiêu về KTS của TP. HCM phải chiếm 40% vào GRDP của Thành phố, và các chỉ tiêu từ đây đến năm 2030 đều cao hơn so với mặt bằng chung cả nước 5 - 10%. Riêng năm 2024 phải đóng góp 22%, đến năm 2025 là 25%.
Để đạt được mục tiêu trên, TP. HCM xác định các giải pháp trọng tâm trong năm 2024 là thúc đẩy KTS trong các ngành quan trọng, giáo dục, y tế, an sinh xã hội, du lịch, hỗ trợ cho các DN nhỏ và vừa CĐS, đồng thời thúc đẩy hai cụm phát triển rất quan trọng của Thành phố là Khu công nghệ cao TP. HCM và Công viên phần mềm Quang Trung.
Ông Lâm Đình Thắng nhấn mạnh, để thúc đẩy phát triển KTS, TP. HCM cần giải quyết 3 vấn đề lớn: Thứ nhất là bộ đo lường KTS định kỳ; Thứ hai là tập trung phát triển KTS và CĐS ở 7 lĩnh vực chuyên sâu: giáo dục, y tế, du lịch, lao động thương binh - xã hội, logistics, tài nguyên và môi trường, nông nghiệp phát triển nông thôn; Thứ ba là chính sách để phát triển DN nhỏ và vừa CĐS.
Phát triển KTS: một trong những trọng tâm thúc đẩy nhanh sự phát triển KT-XH của Thành phố
Theo UBND TP. HCM, KTS tại TP. HCM dù mới chỉ ở giai đoạn đầu của sự phát triển nhưng cũng đã đạt nhiều kết quả nổi trội, đặc biệt là các lĩnh vực như TMĐT, thanh toán điện tử, du lịch trực tuyến…
Trong thời gian tới, Thành phố tiếp tục xác định phát triển KTS là một trong những trọng tâm thúc đẩy nhanh sự phát triển KT-XH của Thành phố.
Để đẩy nhanh phát triển KTS, Thành phố đã đề ra một số định hướng lớn như: Đẩy mạnh công tác xây dựng chính quyền số, hướng đến cơ bản đưa hoạt động hành chính của Thành phố lên nền tảng số vào năm 2025; Tiếp tục xây dựng dữ liệu số làm nền tảng để CĐS thành công và phát triển KTS.
Cùng với đó, tiếp tục thúc đẩy CĐS gắn với mục tiêu phát triển KTS trong các ngành chủ lực của Thành phố; Tiếp tục thúc đẩy TMĐT, xem đây là một trong những giải pháp quan trọng để phát triển KTS tại TP. HCM.
Thành phố cũng xây dựng kế hoạch để triển khai các chính sách hỗ trợ DN nhỏ và vừa CĐS, phát triển KTS.
Trước đó, ngày 03/4/2024, UBND TP. HCM đã ban hành Kế hoạch số 1707/KH-UBND về phát triển TMĐT trên địa bàn Thành phố năm 2024.
Theo đó, UBND TP. HCM mời gọi việc đầu tư, phát triển trung tâm logistics phục vụ hoạt động TMĐT; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền các chính sách, hoạt động về thanh toán không dùng tiền mặt; khuyến khích thanh toán trực tuyến trong mua sắm hàng hóa, dịch vụ tại cơ sở phân phối, bán lẻ hiện đại, đơn vị cung cấp điện, nước, dịch vụ viễn thông và trong mua sắm trực tuyến trên địa bàn Thành phố.
Đồng thời, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại; kết nối giữa DN, tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến TMĐT với các DN sản xuất, kinh doanh, phân phối trên địa bàn, hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa giữa các tỉnh/thành;
Bên cạnh đó, tổ chức tập huấn, tuyên truyền nâng cao kiến thức, nghiệp vụ quản lý nhà nước về TMĐT và cung cấp nội dung thông tin trên sàn TMĐT, mạng xã hội và Internet cho cá nhân, thương nhân trên địa bàn Thành phố; Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực ứng dụng TMĐT cho DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh, thương nhân trên địa bàn Thành phố,…
Mục đích của kế hoạch này là nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu về hoạt động TMĐT trên địa bàn Thành phố, phục vụ công tác quản lý nhà nước và triển khai các chương trình phát triển TMĐT; khuyến khích, hỗ trợ DN và người tiêu dùng tham gia giao dịch TMĐT; đẩy mạnh hình thức kinh doanh TMĐT và mua sắm trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt, từng bước thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng theo hướng văn minh, hiện đại,…/.