Giảm khai thác biển, tăng nuôi trồng, Việt Nam phát triển ngành thủy sản bền vững

PV| 17/11/2022 14:46
Theo dõi ICTVietnam trên

Ngành thủy sản Việt Nam đang được quy hoạch theo mục tiêu phát triển xanh, thân thiện với môi trường, giảm khai thác, tăng nuôi trồng để bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Từ đó, tạo nguồn nguyên liệu ổn định, đạt chất lượng đáp ứng mục tiêu đến năm 2030 giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 14-16 tỷ USD.

Hướng đến khai thác tài nguyên biển bền vững

Mặc dù đánh bắt trên biển vẫn là lĩnh vực quan trọng, chiếm gần 43% trong tổng sản lượng thủy sản và chiếm hơn 40% về kim ngạch xuất khẩu thủy sản, nhưng lĩnh vực này đang đối mặt với muôn vàn khó khăn, rủi ro, thách thức. Đặc biệt, kể từ sau khi Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo "thẻ vàng" đối với hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) của Việt Nam, đến nay đã trải qua 5 năm gian nan để gỡ "thẻ vàng". Các bộ, ngành và 28 địa phương có biển đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp khắc phục, nhưng việc chống khai thác IUU để Việt Nam được gỡ thẻ vàng vẫn còn là một hành trình dài.

Theo số liệu từ Tổng cục Thủy sản, tính chung cả nước trong nửa đầu năm 2022, số lượng tàu cá ngừng ra khơi đánh bắt lên đến 40 - 55% trong tổng số tàu cá, đặc biệt các tàu cá làm nghề tiêu thụ nhiều nhiên liệu như lưới kéo, nghề rê. Cả nước hiện có 278 tàu (chiếm trên 65% tàu cá vỏ thép được vay vốn theo Nghị định 67), chủ tàu không thực hiện duy tu, bảo dưỡng tàu cá theo quy trình, dẫn đến một số tàu bị gỉ sét, xuống cấp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tuổi thọ, hoạt động của tàu…

Bên cạnh những khó khăn trên, ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, cho biết thêm việc ứng dụng tiến bộ công nghệ, kỹ thuật vào lĩnh vực khai thác thủy sản, nhất là ứng dụng vào công tác bảo quản sản phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch đã từng bước cải thiện nhưng còn chậm, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển.

Hơn nữa, hiện nay các thị trường nhập khẩu thủy sản lớn trên thế giới, đặc biệt là EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, đều có những yêu cầu chặt chẽ về kiểm soát chất lượng và truy xuất nguồn gốc. Điều này đã gây khó khăn cho hoạt động khai thác thủy sản của Việt Nam vì phải đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các nhà nhập khẩu.

Việt Nam còn phải đối mặt với khó khăn khi tài nguyên biển đang suy giảm đáng báo động. Theo kết quả điều tra, đánh giá của Viện Nghiên cứu hải sản chỉ ra rằng tổng trữ lượng nguồn lợi hải sản ở biển Việt Nam giai đoạn 2016-2020 khoảng 3,95 triệu tấn, tiếp tục suy giảm đáng kể so với giai đoạn 2000-2005 (giảm 22,1%) và giai đoạn 2011-2015 (giảm 9,5%). Trữ lượng các nhóm nguồn lợi chủ yếu cũng đang có xu hướng suy giảm, đặc biệt là trữ lượng cá tầng đáy giảm 18,4%, đây là chỉ số quan trọng cho thấy sự suy giảm nguồn lợi hải sản.

Trước thực tế đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký Quyết định 1090/QĐ-TTg ngày 19/9/2022 phê duyệt Chương trình quốc gia phát triển khai thác thủy sản hiệu quả, bền vững giai đoạn 2022 - 2025, định hướng 2030 (Chương trình). Mục tiêu cụ thể của Chương trình đến năm 2025 là cắt giảm 10% hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản vùng khơi so với năm 2020; xác định sản lượng cho phép khai thác theo loài đối với nghề khai thác cá ngừ đại dương.

Đồng thời, 100% các tỉnh, thành phố ven biển phải xác định hạn ngạch tàu cá khai thác vùng biển ven bờ, vùng lộng thuộc phạm vi quản lý; 100% tàu cá hoạt động vùng khơi lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định và được cung cấp bản tin dự báo ngư trường phục vụ khai thác thủy sản hiệu quả.

Giảm khai thác biển, tăng nuôi trồng, Việt Nam phát triển ngành thủy sản bền vững - Ảnh 1.

Phát triên nuôi tôm thâm canh công nghệ cao đem lại hiệu quả, năng suất cao phục vụ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Đầu tư lớn phát triển nuôi trồng thủy sản

Theo Tổng cục Thủy sản, định hướng của ngành thủy sản là chuyển dịch giảm sản lượng đánh bắt, tăng sản lượng nuôi biển nhưng vẫn đảm bảo xuất khẩu tăng trưởng giá trị kim ngạch hàng năm ở mức 4-5%.

Vấn đề cấp thiết hiện nay của ngành thủy sản Việt Nam là chuyển từ khai thác sang nuôi trên biển, đồng thời quản lý chặt chẽ theo quy hoạch nuôi trồng thủy sản để cải thiện chuỗi giá trị. Hiện nay, cả nước có khoảng 500 nghìn ha có thể nuôi biển, trong đó có 80 nghìn ha là vùng mặt eo ngách kín gió, 170 nghìn ha diện tích mặt nước biển xa bờ và 150 nghìn ha là vùng bãi triều ven biển. Chúng ta đã hình thành chuỗi cung ứng rất mạnh, có nguồn lực, nhân lực có kinh nghiệm, có hạ tầng, có chuỗi công nghệ khép kín từ khâu giống, thức ăn, nuôi trồng, chế biến. Đây là những điều kiện hết sức thuận lợi để nước ta phát triển nuôi trồng quy mô lớn, thâm canh trình độ cao.

Nhằm phát triển bền vững ngành thủy sản, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1664/QĐ-TTg ngày 4/10/2021 phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mục tiêu chung của Đề án là phát triển nuôi biển trở thành một ngành sản xuất hàng hóa quy mô lớn, công nghiệp, đồng bộ, an toàn, hiệu quả, bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái; tạo ra sản phẩm có thương hiệu, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.

Hiện nay, trong nuôi trồng thủy sản cũng đã xuất hiện các mô hình rất hiệu quả. Tại những vùng eo kín gió như ở vùng biển Hải Phòng, Quảng Ninh phát triển nuôi cá lồng bè, hệ thống này phù hợp với quy mô nhỏ, chúng ta đã có kinh nghiệm, truyền thống để phát triển tiêu thụ nội địa và xuất khẩu sang Trung Quốc. Về nuôi xa bờ, đã xuất hiện những mô hình với sự phát triển của khoa học công nghệ, phát triển các vật liệu mới, với những lồng nuôi làm bằng chất dẻo có thể chịu được sóng gió. Một số doanh nghiệp lớn nước ngoài và doanh nghiệp trong nước đã phát triển mô hình nuôi này ở vùng biển Khánh Hòa, Phú Quốc…

Hơn nữa, nước ta đã có một hệ thống cơ chế chính sách riêng cho nuôi trồng thủy sản. Trên cơ sở Luật Thủy sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Nghị định về giao cho thuê mặt nước biển, đã cho phép thời gian giao mặt nước biển lên đến 50 năm, gia hạn 20 năm, tạo điều kiện cho nhà đầu tư yên tâm đầu tư lâu dài đối với hoạt động nuôi biển.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã có quy định về cấp phép trong hoạt động nuôi biển. Có thể nói, Việt Nam đã có bộ khung pháp lý rất quan trọng để có thể khai thác tốt tiềm năng mặt nước biển cho nuôi trồng hải sản. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang tham mưu cho Chính phủ xây dựng Nghị định thay thế cho Nghị định 67 về một số chính sách hỗ trợ ngư dân, trong đó sẽ có hỗ trợ những nhóm đối tượng chuyển đổi từ khai thác sang nuôi trồng thì được giao khu vực biển trong phạm vi 3 hải lý, cùng với nhiều chính sách hỗ trợ khác để thúc đẩy hoạt động nuôi trồng hải sản./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Giảm khai thác biển, tăng nuôi trồng, Việt Nam phát triển ngành thủy sản bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO