Giảm nghèo chuẩn đa chiều ở Vĩnh Long mang lại hiệu quả rõ rệt

Duy Phạm| 29/06/2020 09:02
Theo dõi ICTVietnam trên

Vĩnh Long là tỉnh được đánh giá thực hiện tốt công tác xóa đói, giảm nghèo trong thời gian qua và cũng là địa phương có quan điểm thực thi chính sách giảm nghèo theo chuẩn đa chiều, bền vững đúng đắn đã mang lại hiệu quả rõ rệt.

Sự vào cuộc của chính quyền giúp nhanh chóng giảm hộ nghèo, cận nghèo

Theo kết quả điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016-2020, kết quả hộ nghèo toàn tỉnh là 17.405 hộ, tỷ lệ 6,26%; 11.031 hộ cận nghèo, tỷ lệ 3,96% (hộ nghèo của đồng bào dân tộc thiểu số theo chuẩn đa chiều 2.095/8.504 hộ, chiếm tỉ lệ 25% hộ dân tộc thiểu số và cận nghèo: 755/8.504 hộ, chiếm tỉ lệ 8,9% hộ dân tộc thiểu số).

Chính vì vậy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa X khi thống nhất ban hành Nghị quyết về giảm nghèo theo phương pháp tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 - 2020, đã nêu rất rõ: "Bảo đảm đến cuối năm 2020 thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo tăng lên 2 lần so với cuối năm 2015; cơ bản đáp ứng khả năng tiếp cận của hộ nghèo đối với các dịch vụ y tế, giáo dục, tiếp cận thông tin, nhà ở, nước sạch, vệ sinh; giải quyết một cách cơ bản về kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội ở các huyện nghèo, xã, thôn đặc biệt khó khăn theo tiêu chí nông thôn mới". Cùng với việc hỗ trợ cho người nghèo nâng cao thu nhập cải thiện đời sống, việc cần làm sắp tới của chính quyền tỉnh là hỗ trợ để họ có thể tiếp cận được các dịch vụ xã hội cơ bản.

Giảm nghèo chuẩn đa chiều ở Vĩnh Long - Ảnh 1.

Người dân Vĩnh Long được quan tâm trao tặng máy lọc nước mặn (Ảnh: TTXVN)

Giai đoạn 2016 – 2020, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh luôn xác định xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Các Sở, ban, ngành thuộc thành viên Ban chỉ đạo đã phối hợp chặt chẽ trong việc chỉ đạo, triển khai thực hiện.

Các địa phương đã cụ thể hóa chương trình, kế hoạch giảm nghèo, cùng với việc đầu tư phát triển kinh tế – xã hội, các chương trình mục tiêu giảm nghèo đã được triển khai đồng bộ với nội dung, giải pháp phù hợp và đạt được kết quả cao, đáp ứng được tình hình thực tế, giải quyết được nhu cầu bức xúc của người nghèo, đồng thời huy động xã hội hóa các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp,… góp phần hỗ trợ người nghèo vượt khó khăn vươn lên thoát nghèo. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ giảm nghèo ở các cấp được chú trọng; những tồn tại, khó khăn trong quá trình thực hiện chương trình từng bước được khắc phục, đã huy động được nhiều nguồn lực tập trung ưu tiên cho hộ nghèo và cận nghèo.

Mục tiêu giảm nghèo đã trở thành nhiệm vụ, chỉ tiêu ưu tiên trong quá trình chỉ đạo điều hành của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và cả hệ thống chính trị các cấp. Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được triển khai trên toàn địa bàn tỉnh, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, tạo sự đồng thuận và tham gia ủng hộ tích cực của các đối tượng người nghèo nói chung, đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng và nhân dân trước những khó khăn của địa phương.

Đa dạng chính sách và cách thức giảm nghèo

Các chính sách hỗ trợ người nghèo ngày càng mở rộng. Một số nhu cầu thiết yếu của người nghèo cơ bản được đáp ứng kịp thời như: khám, chữa bệnh, nhà ở, giáo dục, hỗ trợ tiền điện, trợ cấp khó khăn…Công tác tư vấn dạy nghề, giới thiệu việc làm và thông tin về thị trường lao động được quan tâm thực hiện, công tác tuyên truyền đến người lao động, người nghèo theo nhiều kênh khác nhau, do đó đã tạo được sự chuyển biến về nhận thức, tác động tích cực đến người nghèo nên họ có nhiều cơ hội tìm việc làm, tăng thu nhập, thoát nghèo.

Theo ông Lữ Quang Ngời, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, chính sách giảm nghèo đa chiều được thực hiện dựa trên từng bước. "Đầu tiên phải giải quyết cơ bản tình trạng hộ đồng bào dân tộc thiểu số không có đất ở và giải quyết đất sản xuất hoặc chuyển đổi nghề cho ít nhất 80% hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn đang thiếu đất sản xuất; kết hợp đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo chưa được hỗ trợ đất sản xuất".

Giảm nghèo chuẩn đa chiều ở Vĩnh Long - Ảnh 2.

Các hộ nghèo ở Vĩnh Long được hỗ trợ vay vốn nuôi bò cái giống và bò sinh sản, góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình.(Ảnh: Vĩnh Long Online)

Bước tiếp theo, ông Ngời cho rằng cần quan tâm đầu tư ngân sách cho nghiên cứu, chuyển giao khoa học và công nghệ (KHCN) để đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KHCN nhằm nâng cao giá trị sản phẩm của các ngành sản xuất, chế biến nông, lâm sản cho hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo; chú trọng phát triển các loại cây trồng, vật nuôi là đặc sản bản địa, có giá trị hàng hóa và có hiệu quả cao.

Đồng thời, phát triển có chọn lọc những tri thức bản địa nhằm tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất; Nâng cao chất lượng, hiệu quả phổ cập giáo dục và tỷ lệ đào tạo nghề khu vực nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số; phân luồng, đào tạo nghề hợp lý, hiệu quả; duy trì các chính sách hỗ trợ cho học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; nâng cao tỷ lệ học sinh đi học đúng độ tuổi ở địa bàn khó khăn, đặc biệt khó khăn; phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú với quy mô phù hợp; đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đào tạo cử tuyển gắn với sử dụng; 

Song song với đó là nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ về y tế, thực hiện mục tiêu bảo đảm ít nhất 90% hộ cận nghèo tham gia bảo hiểm y tế; 70% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế, trên 90% trạm y tế cấp xã có đủ điều kiện khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; điều chỉnh cơ cấu đầu tư cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và chính sách bảo hiểm y tế để bảo đảm tăng cơ hội tiếp cận các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, người cận nghèo; 

Tăng cường công tác quản lý nhà nước; hoàn thiện cơ chế điều hành, phân công đầu mối chịu trách nhiệm chính, phân cấp đầy đủ nhiệm vụ và quyền hạn cụ thể cho địa phương; cải cách thủ tục hành chính và phương thức để người dân, cộng đồng thuận lợi hơn khi tham gia và tiếp cận chính sách giảm nghèo; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức tự vươn lên thoát nghèo.

Trong giai đoạn tới, tỉnh Vĩnh Long sẽ tăng nguồn lực đầu tư trên cơ sở cân đối nguồn lực trung hạn của Nhà nước cho các chính sách, chương trình giảm nghèo; lựa chọn chính sách để ưu tiên phân bổ, sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn lực; bảo đảm lồng ghép chính sách và nguồn lực có hiệu quả. Thúc đẩy việc kết nối phát triển kinh tế – xã hội giữa vùng khó khăn với vùng phát triển.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Giảm nghèo chuẩn đa chiều ở Vĩnh Long mang lại hiệu quả rõ rệt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO