Giảm nghèo giai đoạn 2020 - 2025: Khắc phục hạn chế, thực hiện giảm nghèo theo địa chỉ

Minh Anh| 08/06/2020 10:41
Theo dõi ICTVietnam trên

Chuẩn bị kết thúc 5 năm triển khai giảm nghèo đa chiều (2015 - 2020), về cơ bản Việt Nam đã đạt được một số thành tựu đáng ghi nhận. Tuy vậy, công tác giảm nghèo vẫn đối mặt với nhiều khó khăn cần được khắc phục trong thời gian tới.

Ông Tô Đức - Chánh Văn phòng Quốc gia giảm nghèo (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đã cuộc trao đổi với báo chí về vấn đề này.

Thời gian vừa qua Chính phủ đã thực hiện hỗ trợ cho người dân chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, trong đó có người nghèo. Tuy nhiên, quá trình thực hiện có tình trạng vận động hộ nghèo từ chối nhận hỗ trợ. Ý kiến của ông như thế nào về vấn đề này?

Việc một số địa phương ở Thanh Hóa vận động hộ nghèo, cận nghèo không nhận hỗ trợ của Chính phủ, hoặc nhận rồi lại đóng góp lại cho những hộ khó khăn hơn là sai chủ trương. Qua nắm bắt thông tin từ địa phương và cơ quan báo chí chúng tôi thấy rằng hiện tượng này là có thật. Một số người dân thấy rằng việc vận động như vậy là không tự nguyện, vận động "ép buộc".

Ở góc độ cơ quan quản lý Nhà nước ở Trung ương, chúng tôi khẳng định tinh thần Nghị quyết của Chính phủ và Thủ tướng là đưa gói hỗ trợ tới người dân gặp khó khăn, giảm sâu thu nhập. Trường hợp vận động để người dân không nhận hỗ trợ này là sai trái. Đối với trường hợp người dân thuộc đối tượng được hỗ trợ, nhưng họ xét thấy vẫn có thể ổn định cuộc sống thì họ có thể không nhận. Trường hợp này có thể biểu dương, ngược lại nếu cán bộ vận động "ép buộc" để người dân từ chối nhận là sai, đáng lên án và sẽ bị xử lý.

Giảm nghèo giai đoạn 2020 - 2025: Khắc phục hạn chế, thực hiện giảm nghèo theo địa chỉ - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: Daidoanket)

Câu chuyện vận động không nhận hỗ trợ cũng giống như câu chuyện vận động người dân thoát nghèo khi chưa hết nghèo. Điều này có thể làm thay đổi bản chất của hoạt động giảm nghèo. Ông đánh giá về vấn đề này ra sao?

Quá trình giảm nghèo đúng là đã bộc lộ một số vấn đề cần quan tâm thật kỹ. Trước hết là chương trình Nông thôn mới đã mang đến sự thay đổi toàn diện, từ diện mạo, đời sống, thu nhập... của người dân. Để thực hiện xây dựng Nông thôn mới, phải hoàn thành tiêu chí giảm nghèo. Tiêu chí giảm nghèo được xây dựng rất phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam và hoàn toàn không phải là tiêu chí quá cao. Chính bởi vậy nó cũng không tạo sức ép cho các địa phương phải chạy tiến độ, hay chỉ tiêu. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải nhìn nhận thực tiễn từ các địa phương, có những nơi còn nôn nóng xây dựng xã nông thôn mới, nên đã có những cách làm không đúng.

Ví dụ sát nhập hộ nghèo, cận nghèo để làm giảm nhanh chóng tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo nhằm hoàn thành xây dựng Nông thôn mới. Việc làm này sai trái, làm sai lệch bản chất tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn. Anh có thể làm giảm số hộ, nhưng thực chất quy mô người nghèo không thay đổi.

Giảm nghèo giai đoạn 2020 - 2025: Khắc phục hạn chế, thực hiện giảm nghèo theo địa chỉ - Ảnh 2.

Ông Tô Đức - Chánh Văn phòng Quốc gia giảm nghèo (Bộ LĐTBXH). (Ảnh: baodanang.vn)

Vậy theo ông cần phải có giải pháp gì để tháo gỡ những hạn chế, tồn đọng trên?

Hiện nay các cơ quan quản lý Nhà nước về vấn đề giảm nghèo cũng đã nhìn thấy thực trạng này và đặt ra các giải pháp.

Trước hết là phải nghiên cứu, ngoài việc xác định tỷ lệ hộ nghèo chúng ta cũng cần tính toán số hộ nghèo, khẩu nghèo. Ví dụ như một hộ nghèo có 4 khẩu, quy định trên địa bàn này có 10 hộ, tức là 40 khẩu... thì trên địa bàn trong năm phải giảm được bao nhiêu khẩu. Việc giảm nghèo cần phải được giảm toàn diện cả số khẩu và số hộ.

Thứ hai, trong khâu rà soát, điều tra để thực hiện chương trình giảm nghèo ở địa phương thì cá nhân tôi cũng đang suy nghĩ đến cách thức giảm nghèo phải gắn với đối tượng, gắn với nguyên nhân nghèo của đối tượng.

Phải giao cho chính quyền cấp xã thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo cho từng đối tượng, từng cá nhân. Ví dụ người già, người cao tuổi, người thuộc diện bảo trợ thì thôi, nhưng với người nghèo trong độ tuổi lao động thì phải tác động khác... Dựa vào từng cá nhân để trợ giúp. Phân loại đối tượng người nghèo, xác định nguyên nhân từng nhóm để đưa ra một kế hoạch thoát nghèo cho từng đối tượng. Đặc biệt, cũng cần phải xác định được nguồn lực, phân công được người giám sát, hỗ trợ cho những nhóm đối tượng này. Như vậy thì kế hoạch thoát nghèo mới hiệu quả.

Thứ ba cần có giải pháp nâng cao ý chí, động lực thoát nghèo của người nghèo, cộng đồng nghèo, địa phương nghèo. Mong muốn thoát nghèo phải trở thành ý chí, nguyện vọng trong suy nghĩ của từng lãnh đạo địa phương, từng người nghèo. Trong bối cảnh điều kiện kinh tế phát triển, ai cũng tiến lên thì không thể để người nghèo có tâm lý ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Điều này sẽ phá vỡ hết mục tiêu của chính sách.

Vấn đề giảm nghèo càng chi tiết, càng cụ thể thì kế hoạch thành công lại càng lớn. Tuy nhiên, điều này sẽ gây áp lực lớn cho cơ sở bởi nhân lực có hạn, khó thực hiện chương trình giảm nghèo tới từng người. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

Điều này có thể được giải quyết thông qua việc thiết kế chính sách. Đầu tiên mục tiêu của chính sách cần phải rõ ràng. Cần nhận diện nhanh nhóm dân cư có điều kiện khá giả, loại trừ. Sau đó dùng bộ công cụ đơn giản để nhận diện chính sách với hộ nghèo, cận nghèo. Phải xác định được các nguyên nhân nghèo, từ đó để cán bộ cấp xã áp các công cụ đánh giá vào nhận diện. Các chính sách cần phải được thiết kế riêng biệt, cụ thể. Ví dụ như: Người này có nghèo không, nghèo vì lý do gì?, có khả năng thoát nghèo hay không... Sau khi phân loại đối tượng, thì ta mới phân loại chính sách để tác động phù hợp.

Quá trình thực hiện nếu thấy thiếu đối tượng làm công tác thoát nghèo tại địa phương thì chúng ta nghĩ cách giải quyết vấn đề này. Vấn đề giảm nghèo là vấn đề của cả hệ thống chính trị chứ không phải là công việc của riêng ngành lao động, vì thế cần huy động tất cả các tổ chức chính trị vào cuộc, như: Hội Nông dân; Hội Phụ nữ; Hội Cựu chiến Binh; Đoàn Thanh niên... đều có thể hỗ trợ các đối tượng thoát nghèo. Thậm chí còn tạo ra động lực, so sánh lành mạnh trong công tác giảm nghèo giữa các tổ chức chính trị, xã hội. Còn về nguồn lực thì vẫn sử dụng nguồn lực chung từ ngân sách Nhà nước và địa phương...

Để thực hiện giảm nghèo giai đoạn mới, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đang đề xuất nâng mức chuẩn nghèo. Về vấn đề này thì Bộ LĐTBXH đã thực hiện như thế nào? tiến độ ra sao thưa ông?

Dự kiến nội dung nâng mức chuẩn nghèo sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và ban hành trong tháng 6 này. Trong bối cảnh kinh tế - xã hội có sự thay đổi nhanh chóng thì cần thiết phải ban hành chuẩn nghèo mới. Trong đó, có nhấn mạnh tới vấn đề thay đổi các mức chuẩn nghèo.

Mức chuẩn nghèo dù được nâng lên vẫn tiệm cận với mức sống tối thiểu. Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo không làm tăng ngân sách so với giai đoạn cũ. Ngân sách giảm nghèo của giai đoạn mới chỉ bằng 80% ngân sách của chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo trong giai đoạn cũ. Chính sách hỗ trợ cho người nghèo, như mua BHYT; tiền điện; cấp bù lãi suất... cũng không tăng so với bình quân giai đoạn trước.

Về cơ bản tăng tỷ lệ hộ nghèo, tăng mức chuẩn nghèo... nhưng ngân sách dành cho chương trình giảm nghèo quốc gia lại không tăng. Nguyên nhân là bởi chúng ta đã thay đổi tư duy và cách thức giảm nghèo. Chương trình giảm nghèo không đầu tư dàn trải, ta tập trung vào giảm nghèo vùng lõi nghèo, địa bàn nghèo. Thứ hai là tập trung vào người nghèo, người dân tộc thiểu số, người yếu thế... có khả năng vươn lên thoát nghèo.

Tính đến cuối năm 2019, tỷ lệ nghèo cả nước bình quân giảm còn dưới 4% (giảm khoảng 1,3% so với cuối năm 2018); bình quân tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn giảm khoảng 3 - 4% so với cuối năm 2018 - đạt mục tiêu Quốc hội giao trước 1 năm. Ngoài ra đã có 21 địa phương hoàn thành mục tiêu không còn hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng người có công với cách mạng; 93/292 xã vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, đạt 31,8% - Bộ LĐTBXH.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Giảm nghèo giai đoạn 2020 - 2025: Khắc phục hạn chế, thực hiện giảm nghèo theo địa chỉ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO