Việt Nam là quốc gia đầu tiên tổ chức Hội nghị Blockchain toàn cầu
Việt Nam cũng đang có những thành tựu ấn tượng về chuyển đổi số (CĐS), phát triển kinh tế số dựa trên chiến lược và tầm nhìn đột phá của Chính phủ Việt Nam, trong đó đề cao chính sách cởi mở, khuyến khích sự phát triển của các công nghệ mới giúp nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và nâng cao hiệu quả, hiệu lực điều hành của Chính phủ.
Nắm bắt xu thế phát triển của blockchain, dưới sự bảo trợ truyền thông của Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA), Agora Group phối hợp cùng công ty truyền thông và giải pháp số D.Lion và công ty công nghệ V2B Labs chủ trì tổ chức Hội nghị Blockchain toàn cầu lần thứ 10 tại Việt Nam. Đây là sự kiện đã được Agora Group tổ chức thành công 9 kỳ tại Dubai.
Năm nay, lần đầu tiên sau 9 kỳ tổ chức, Ban tổ chức đã quyết định chọn Việt Nam để tổ chức Hội nghị lần thứ 10 và Hà Nội là địa điểm đầu tiên tổ chức sự kiện ngoài Dubai. Hội nghị sẽ tạo cơ hội để kết nối các DN Việt Nam và DN quốc tế, mở ra các cơ hội hợp tác kinh doanh trong tương lai.
Sự kiện blockchain toàn cầu lần thứ 10 sẽ là nơi hội tụ những xu hướng blockchain tiềm năng nhất trong năm 2022, với các dự án tham gia đa dạng hình thức từ DeFi, gaming, NFT đến metaverse. Đặc biệt, sự kiện sẽ có 10 phiên thảo luận diễn ra xuyên suốt xoay quanh các chủ đề đang gây sốt và được quan tâm nhiều nhất trong giới blockchain hiện nay như: MetaFi, Web 3.0, tương lai của NFT,...
Sự kiện quy tụ được các diễn giả có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực blockchain, hứa hẹn mang tới một sự kiện bùng nổ cho ngành blockchain tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á năm 2022.
Tại buổi gặp gỡ báo chí sau talkshow "Hút vốn đầu tư cho startup blockchain" do Báo Đầu tư kết nối sáng 8/7, ông Hadi Malaeb, đồng sáng lập và CEO của Agora Group đã chia sẻ lý do quyết định chọn Việt Nam để tổ chức Hội nghị Blockchain lần thứ 10.
Ông Hadi Malaeb nhấn mạnh: "Agora Group rất ấn tượng trước những thành tựu về CĐS, phát triển công nghệ số tại Việt Nam, cũng như rất có niềm tin vào những chiến lược và tầm nhìn đột phá của Chính phủ Việt Nam về CĐS trong đó đề cao chính sách cởi mở, khuyến khích sự phát triển của các công nghệ mới giúp nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN và nâng cao hiệu quả, hiệu lực điều hành của Chính phủ".
Nhận định Việt Nam là một thị trường tiềm năng với nhiều dư địa phát triển cho blockchain trong thời gian tới, ông Hadi Malaeb cho biết: "Agora quyết định chọn Việt Nam là điểm đến cho Hội nghị Blockchain thế giới lần thứ 10 - phiên bản cho khu vực Đông Nam Á. Ngoài ra, với sự ra đời hàng loạt các dự án startup chất lượng của các DN Việt cũng là một trong những lý do khiến chúng tôi coi Việt Nam là địa điểm lý tưởng, thích hợp nhất cho Hội nghị blockchain toàn cầu lần thứ 10".
Nắm bắt cơ hội để đi đầu về blockchain
Chia sẻ về sự phát triển của DN blockchain Việt Nam, ông Vũ Kiêm Văn, Phó Chủ tịch VDCA cũng cho biết: "Chính phủ Việt Nam có các chính sách ủng hộ về phát triển kinh tế số và CĐS. Đối với công nghệ mới như blockchain nước ta cũng đang khá cởi mở, đây là nền tảng giúp các dự án khởi nghiệp blockchain ở Việt Nam phát triển nhanh chóng, với những cái tên vươn tầm thế giới. Trong số top 200 công ty, DN hoạt động kinh doanh dựa trên công nghệ blockchain, có 7 DN do người Việt Nam thành lập. Việt Nam cũng là 1 trong 5 quốc gia đi đầu về blockchain, hiện có khoảng 10 DN khởi nghiệp sáng tạo người Việt Nam trong lĩnh vực blockchain có vốn hóa trên 100 triệu USD".
Thêm vào đó, theo ông William Đỗ, CEO của Quỹ đầu tư HOBBIT Investment, sức hút từ các startup blockchain Việt vài năm trở lại đây là rất lớn. Các trường hợp game blockchain startup Việt vừa mới ra đời đã được đón nhận nồng nhiệt trên thị trường vốn quốc tế như FOTA chẳng hạn.
Ông William Đỗ cũng chia sẻ: "Khi tôi mang FOTA đi tiếp xúc với các quỹ đầu tư lớn ở Dubai, có vốn mạnh là một yếu tố rất cần thiết để duy trì tốt được nhịp thở sự sống của một dự án, nhưng không thể chỉ hoàn toàn dựa vào sức mạnh của đồng tiền để phát triển một dự án blockchain mà bỏ qua yếu tố con người. Giữa một thị trường dễ dàng xảy ra những biến động không lường trước được, thì tâm lý của một founder (nhà sáng lập dự án) phải cực kỳ vững vàng nhưng lại phải linh hoạt để uyển chuyển luồn lách qua được những thử thách và đưa ra quyết định có thể mang tính sống còn của một dự án. Ngoài ra, sự giúp đỡ và hậu thuẫn từ các mối quan hệ chất lượng với các đối tác chiến lược và chuyên gia tư vấn của dự án cũng đóng vai trò thiết yếu".
Đồng quan điểm về một thị trường vốn ngoại đầy tiềm năng đang đổ dồn sự quan tâm tới các dự án startup blockchain, ông Tony Trần, CEO của V2B Labs, đứng từ phía đơn vị hỗ trợ các startup để hoàn thiện sản phẩm về mặt kỹ thuật và xây dựng cộng đồng, chia sẻ: Có thể thấy, blockchain đang hiện hữu ngày càng gần hơn với chúng ta, không chỉ trong công việc mà còn trong cuộc sống hàng ngày. Với sự phát triển cùng khả năng nắm bắt và ứng dụng công nghệ tiên tiến nhanh chóng hiện nay, có thể nói tiềm năng của blockchain trong tương lai vẫn còn rất lớn.
Chính vì vậy, trong Hội nghị blockchain sắp tới, hy vọng rằng sẽ là cơ hội để các dự án blockchain tiềm năng có thể chia sẻ, kết nối và tìm kiếm cơ hội gọi vốn từ những quỹ đầu tư lớn nhất, chất lượng nhất, từ đó đưa thị trường blockchain Việt Nam ngày càng trở nên sôi động, góp phần xây dựng và phát triển nền kinh tế số tại Việt Nam.
Trong khi đó, bà Jennie Hoàng Phương, CEO của Công ty CP tư vấn giải pháp và truyền thông D.Lion cho biết việc chú trọng đào tạo và hoàn thiện kỹ năng cho các startup trước khi ra biển khơi đón luồng cá lớn là yêu cầu vô cùng quan trọng.
"Thiếu những kỹ năng cơ bản như tư duy quản trị, tư duy chiến lược, các hệ thống kiến thức nền như: Quản trị kinh doanh blockchain, quản trị marketing blockchain, quản trị tài chính số... thì dù dự án có hay tới đâu cũng không dễ gì chinh phục được các nhà đầu tư gạo cội", bà Jennie chia sẻ.
Tiếp lời bà Jennie, ông William Đỗ cho biết từ những kinh nghiệm gọi vốn thành công của mình, cũng nhấn mạnh yếu tố hấp dẫn của các dự án startup blockchain: Sở dĩ những dự án blockchain được cho là miếng mồi béo bở trong những năm kinh tế ảm đạm chính là vì yếu tố tài sản có khả năng tăng đột biến, lợi nhuận sinh sôi và phát triển cấp tốc, và khả năng hoàn vốn lại cao nếu nhà đầu tư tỉnh táo. Điều này đúng không chỉ đối với những nhà đầu tư mạo hiểm, các đối tác cung cấp dịch vụ chuyên sâu, mà còn đối với cả những dự án sử dụng công nghệ blockchain làm nền tảng để phát triển.
Do đó, ông William Đỗ cho biết: "Việc gấp rút xây dựng các đơn vị chức năng có đủ chuyên môn và đạo đức để dẫn dắt, đóng vai trò là người anh lớn đầu ngành để kêu gọi sự đoàn kết của các đơn vị hoạt động đơn lẻ nói riêng và đẩy mạnh sự phát triển của thị trường blockchain ở Việt Nam nói chung là vô cùng quan trọng".
Ngoài ra, cũng theo ông William, "sự giúp đỡ và hậu thuẫn từ các mối quan hệ chất lượng như các đối tác chiến lược và chuyên gia tư vấn của dự án cũng đóng vai trò thiết yếu"./.