Chuyển động ICT

Nhà mạng, bưu điện đảm bảo hạ tầng ứng phó bão Wipha

QA 10:17 22/07/2025

Thực hiện chỉ đạo của Bộ KH&CN về đảm bảo hạ tầng viễn thông, vận chuyển để ứng phó bão Wipha, các doanh nghiệp viễn thông, bưu chính đã nỗ lực chuẩn bị các phương án ứng phó bão đảm bảo an toàn mạng lưới, thông tin liên lạc thông suốt.

VNPT trực chiến, tăng cường nguồn lực hỗ trợ khắc phục tại các khu vực trọng điểm

Để chủ động sẵn sàng ứng phó Bão số 03 - Wipha, từ ngày 19/7/2025, Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai (PCTT) Tập đoàn VNPT đã bám sát tình hình, diễn biến của bão số 3 và yêu các đơn vị trong vùng ảnh hưởng của bão tổ chức triển khai các phương án ứng phó kịp thời, hiệu quả và an toàn.

Theo đó, VNPT yêu cầu các đơn vị thường xuyên cập nhật thông tin, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình thời tiết qua các phương tiện thông tin, chủ động kiểm tra rà soát cơ sở hạ tầng mạng lưới viễn thông, chuẩn bị đầy đủ vật tư, nhiên liệu, trang thiết bị dự phòng,.. sẵn sàng ứng phó khi có tình huống, hạn chế thấp nhất thiệt hại thông tin và tài sản,... đảm bảo an toàn cho cán bộ nhân viên.

Cùng với đó, các đơn vị cũng chủ động nắm bắt, triển khai kịp thời các yêu cầu thông tin mạng công cộng, mạng chuyên dùng phục vụ công tác chỉ đạo điều hành cho các cấp chính quyền.

vnpt-chong-bao-1.jpeg
VNPT địa bàn Hưng Yên triển khai cầu truyền hình phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành phòng chống bão lụt của Tỉnh.

Tập đoàn VNPT cũng đã sẵn sàng phối hợp, hỗ trợ Cục Bưu điện Trung ương triển khai đảm bảo thông tin phục vụ công tác chỉ đạo điều hành ứng phó thiên tai cho các đoàn công tác của Chính phủ và các Bộ ngành; Điều hành đảm bảo thông tin liên lạc mạng VSAT-IP thuộc mạng thông tin chuyên dùng phòng chống thiên tai; Triển khai đường truyền VSAT cho các xe phát sóng lưu động khi có yêu cầu.

Đến sáng ngày 21/7, các đơn vị VNPT tại các tỉnh/thành chịu ảnh hưởng của bão số 3 đã bố trí vật tư dự phòng tại các đài viễn thông, trạm viễn thông. Tại mỗi đài viễn thông của VNPT đều có 1 đến 2 đội sẵn sàng ứng cứu thông tin và tăng cường 2 đội ứng cứu riêng cho Hải Phòng, Quảng Ninh. Ngoài ra, 10 đội ứng cứu vô tuyến cũng trong tư thế trực chiến, sẵn sàng phương án tăng cường nguồn lực hỗ trợ khắc phục tại các khu vực trọng điểm.

VNPT tỉnh/thành phố đã hoàn thành việc kiểm tra rà soát các cơ sở hạ tầng, phương tiện, công cụ ứng cứu thông tin, đã phân bổ vật tư, bổ sung nhiên liệu dự phòng cho các trạm viễn thông, vô tuyến. VNPT yêu cầu các VNPT tỉnh/thành bám sát các cơ quan, chính quyền theo địa giới hành chính mới để sẵn sàng triển khai đáp ứng các yêu cầu thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ đạo điều hành ứng phó bão.

vnpt-chong-bao-3.jpeg
Thử thiết bị trạm phát sóng lưu động VinaPhone tại Cát Bà.

VNPT đã sẵn sàng phương án đấu chuyển để đảm bảo an toàn cho các trạm vùng trũng có nguy cơ ngập lụt; sẵn sàng phương án chuyển vùng (roaming) dịch vụ di động giữa các nhà mạng cũng đã được xây dựng.

VNPT cũng đã bố trí nhân lực trực 24/24h và 100% nhân lực trực ứng cứu thông tin để đảm bảo thông tin các tuyến trục, sẵn sàng triển khai xe phát sóng lưu động, tăng cường đảm bảo thông tin phòng chống thiên tai cho các cấp chính quyền, xử lý kịp thời các sự cố mạng lưới phát sinh.

MobiFone hoàn thành gia cố, giảm tải các cột cao trước khi bão đổ bộ

Trong khi đó, Tổng công ty Viễn thông MobiFone đã yêu cầu các đơn vị trong vùng bị ảnh hưởng của bão số 3 (gồm các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Quảng Ninh, Hưng Yên, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Cao Bằng) sẵn sàng phương án ứng phó với cơn bão số 3 Wipha.

Trước 18h ngày 21/7, các đơn vị hoàn thành việc gia cố, giảm tải các cột cao; tiếp nhiên liệu đầy đủ cho các máy phát điện; đồng thời rà soát toàn bộ phương án bảo đảm an toàn, chống bão, mưa lớn tại các cửa hàng và trụ sở kinh doanh.

Được biết, trong vùng chịu ảnh hưởng của bão số 3 - Wipha, MobiFone có trên 4.100 cột anten, 3.043 trạm cấp 2. Do vậy, cùng với việc hạ tải cột, MobiFone cũng lên kế hoạch cho phương án ứng phó trong trường hợp bị mất truyền dẫn, mất điện diện rộng, gãy đổ cột...

Các đơn vị kiểm tra, rà soát kỹ lưỡng nhân lực của các đối tác cho thuê hạ tầng, truyền dẫn, bảo đảm lực lượng ứng cứu tại chỗ luôn trong trạng thái sẵn sàng ngay khi có yêu cầu. Đồng thời, chủ động phương án mở roaming với các mạng khác để bảo đảm duy trì thông tin liên lạc thông suốt trong mọi tình huống.

Trong đó, tại Quảng Ninh, Hải Phòng, công tác phòng, chống bão đã được các đơn vị thực hiện sớm.

mobifone.jpeg

Trung tâm Mạng lưới miền Bắc của MobiFone sẽ là đơn vị chủ lực ứng cứu tại điểm nóng. Trong đó, 13 đội đo kiểm đã được điều động xuống Quảng Ninh, Hải Phòng, Nghệ An là những vùng dự báo ảnh hưởng mạnh nhất từ cơn bão Wipha.

Trung tâm đã huy động gần 300 nhân lực tại chỗ, hàng nghìn phương tiện, 27 máy phát điện lưu động, hàng trăm bộ pin xách tay cùng hàng chục máy đo - hàn quang để sẵn sàng ứng cứu mạng lưới khẩn cấp.

MobiFone cũng yêu cầu, ngay sau khi bão tan, các đơn vị phải kiểm tra, đánh giá chất lượng mạng, kịp thời khắc phục sự cố.

Bưu điện triển khai phương án ứng phó theo phương châm “ba sẵn sàng” - “bốn tại chỗ”

Thực hiện Công điện số 04/CĐ-BKHCN của Bộ Khoa học Công nghệ, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (BĐVN) đã khẩn trưởng yêu cầu các bưu điện tỉnh/thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam, Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn,Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Yên Bái, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Sơn La, Hòa Bình; Công ty Vận chuyển và Kho vận Bưu điện; Tổng công ty Chuyển phát nhanh Bưu điện, Công ty Phát hành báo chí Trung ương, Công ty Logistics Bưu điện, Công ty Dịch vụ số Bưu điện nghiêm túc triển khai các nhiệm vụ điều hành, ứng phó với bão.

Theo đó, nhằm bảo đảm an toàn tổ chức sản xuất mạng lưới, hạn chế các ảnh hưởng, thiệt hại do bão, các đơn vị trong vùng ảnh hưởng đã khẩn trương triển khai phương án ứng phó theo phương châm “ba sẵn sàng” - “bốn tại chỗ”.

Cụ thể, các đơn vị thực hiện đồng bộ các biện pháp như: đảm bảo an toàn cho mạng lưới chấp nhận, khai thác, chuyển phát; lên kịch bản tạm dừng phục vụ hoặc điều chỉnh tuyến phát tại các địa phương có mưa bão lớn, nguy cơ ngập lụt, sạt lở; gia cố trụ sở, biển hiệu, kê kích, di dời hàng hóa, thiết bị, tài liệu đến nơi an toàn; tạm thời đóng cửa các bưu cục nằm trong vùng tâm bão, bố trí trực phát KT1, hoả tốc theo yêu cầu.

Cùng với đó, các đơn vị vận chuyển như Công ty Vận chuyển và Kho vận Bưu điện, Tổng công ty EMS được giao nhiệm vụ bảo đảm lưu thông hàng hóa tuyến cấp 1, bố trí nhân lực, phương tiện, vật tư dự phòng tại các hub khai thác, sẵn sàng hỗ trợ ứng cứu khi có sự cố.

cong-ty-van-chuyen-kho-van.jpg

Các đội xung kích phòng chống thiên tai tại các đơn vị được kích hoạt, trực 24/24, theo dõi sát diễn biến bão và chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng địa phương để ứng phó kịp thời.

Với tinh thần chủ động, quyết liệt và linh hoạt, toàn hệ thống Bưu điện Việt Nam đang nỗ lực triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người lao động, tài sản và duy trì thông suốt hoạt động phục vụ nhân dân trong bối cảnh thiên tai./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Nhà mạng, bưu điện đảm bảo hạ tầng ứng phó bão Wipha
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO