Mới đây, Amazon Global Selling Việt Nam đã khai mạc “Amazon Week 2022: Hội nghị TMĐT xuyên biên giới" năm thứ tư liên tiếp tại Việt Nam. Sự kiện sẽ kéo dài suốt một tuần, được tổ chức tại Hà Nội và TP.HCM, kết hợp sự kiện và phát sóng trực tuyến.
Đơn giản hóa quy trình, thủ tục đăng ký bán hàng trên Amazon
TMĐT xuyên biên giới nói chung và chương trình Amazon Global Selling nói riêng là một xu hướng kinh doanh mới và đang từng bước phát triển. Giai đoạn đầu khi giới thiệu mô hình này tại Việt Nam, đa phần các nội dung giới thiệu, hướng dẫn và công cụ bán hàng đều bằng tiếng Anh, gây nhiều trở ngại nếu DN chưa có nhân sự thông thạo ngoại ngữ. Bên cạnh đó, quy trình đăng ký tài khoản yêu cầu khá nhiều tài liệu, quy trình xác minh danh tính cũng đòi hỏi các giấy tờ cung cấp bằng tiếng Anh, đội ngũ thực hiện phỏng vấn cũng không giao tiếp bằng tiếng Việt.
Chính vì thế, để gỡ khó cho DN khi muốn kinh doanh trên nền tảng Amazon, trao đổi với báo chí, đại diện Amazon Global Selling Việt Nam cho biết trong các năm vừa qua công ty đã tập trung nỗ lực hỗ trợ các DN bằng nhiều cách khác nhau, như thành lập hai đội ngũ chuyên trách tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh để trực tiếp làm việc, hỗ trợ DN và nhà bán hàng.
Ngoài ra, công ty đã sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt cho các tài liệu đào tạo tai các chương trình như học viên nhà bán hàng (Seller University), trung tâm nhà bán hàng (Seller Central), các kênh liên hệ đa dạng gồm Facebook, Zalo và website đều bằng tiếng Việt.
Quy trình đăng ký tài khoản cũng được đơn giản hóa, rút ngắn thời gian và có người hỗ trợ bằng tiếng Việt, đặc biệt là trong công đoạn xác minh danh tính.
Đại diện Amazon Global Selling Việt Nam cho biết nếu trong năm 2021, số lượng đối tác Việt Nam bán hàng trên các cửa hàng của Amazon tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Thì năm 2022, số lượng nhà bán hàng Việt Nam trên Amazon đã tăng 80% (tính trong vòng 12 tháng kể từ 1/9/2021 - 31/8/2022) bất chấp những khó khăn vì đại dịch và sự bất ổn của nền kinh tế toàn cầu.
Theo lý giải, số lượng nhà bán hàng Việt Nam trên Amazon tăng trưởng mạnh mẽ có nhiều nguyên nhân. Về khách quan, đại dịch chính là giai đoạn thúc đẩy các DN Việt Nam tìm tòi và "thử lửa" với TMĐT xuyên biên giới, khi sự sinh tồn của DN phụ thuộc khá nhiều vào bán hàng trực tuyến. Năm nay, khi tình hình dịch bệnh tạm lắng và các DN có đủ thời gian tìm hiểu về TMĐT xuyên biên giới, DN đã sẵn sàng và nhận ra tiềm năng của thị trường cũng như sự cấp thiết cần chuyển đổi, mở rộng thị trường.
Bên cạnh đó, cộng đồng các nhà bán hàng online hay cộng đồng doanh nhân khởi nghiệp Việt Nam thực sự năng động và có tâm huyết. Họ luôn tìm tòi, cập nhật các xu hướng kinh doanh mới.
Ngoài ra, bản thân Amazon Global Selling Việt Nam cũng đầu tư nhiều hơn để thu hút các nhà bán hàng Việt Nam, như cải tiến và đơn giản hóa quy trình đăng ký tài khoản bán hàng, Việt hóa các nội dung giới thiệu và đào tạo, hướng dẫn kinh doanh. Điều này giúp tăng mức độ sẵn sàng của các DN Việt Nam và từ đó tăng số lượng đối tác bán hàng Việt Nam trên Amazon.
Con số tăng trưởng hơn 80% số lượng DN tham gia sân chơi TMĐT xuyên biên giới cùng Amazon cũng xuất phát từ các câu chuyện thành công của các DN với mọi quy mô, ngành hàng khác nhau, chẳng hạn như các nhà sản xuất tên tuổi và truyền thống như SUNHOUSE, Minh Long, các đơn vị khởi nghiệp hay sự chuyển dịch của các DN truyền thống như nón bảo hiểm Royal Helmet hay hạt điều Lafooco. Các câu chuyện "người thật việc thật" đã thúc đẩy các DN tham gia thị trường TMĐT xuyên biên giới.
Giải bài toán logistics trong TMĐT xuyên biên giới
Hiện nay trong số các nền tảng bán hàng có rất nhiều nền tảng Trung Quốc như Alibaba hay TaoBao cung cấp dịch vụ vận chuyển với giá rẻ chỉ 15.000/kg. Điều này thực sự gây áp lực cạnh tranh cho các nhà bán hàng trên Amazon liên quan đến bài toàn vận chuyển hàng hoá tới Mỹ và các thị trường khác.
Bởi vì, bài toán về logistics với TMĐT luôn là khía cạnh quan trọng đối với bất kỳ nhà bán hàng nào. Một đối tác về đồ nội thất bằng gỗ từng chia sẻ, chi phí logistics chiếm tới 60% chi phí bán hàng và nếu không tính toán tốt, họ sẽ gặp rủi ro lớn thua lỗ thay vì hòa vốn hoặc có lợi nhuận.
Để giải bài toán này, Amazon Global Selling Việt Nam đã huy động kết hợp các nguồn lực của chính mình và đối tác vận chuyển thứ ba để có thể hỗ trợ cho các đối tác bán hàng.
Đối với thị trường Việt Nam, Amazon đã cho ra mắt hai hình thức logistics là MSS và SEND. Đây là các sản phẩm kết hợp giữa Amazon và các đơn vị vận chuyển nhằm hỗ trợ các đối tác bán hàng của Việt Nam vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam sang Mỹ với giá cước cạnh tranh và dịch vụ tin cậy.
Hai chương trình này sẽ tập trung vận chuyển bằng đường hàng không để giúp hàng hoá được vận chuyển đi nước ngoài trong thời gian nhanh nhất. Dự kiến, trong thời gian tới, Amazon Global Selling Việt Nam cũng sẽ tiếp tục cho ra mắt chương trình vận chuyển bằng đường biển (với thời gian vận chuyển dài hơn đường hàng không) dành cho các nhà bán hàng muốn tiết kiệm chi phí logistics.
Hiện nay, nhận thấy đặc điểm đối tác bán hàng chủ yếu là các DN nhỏ, vừa và siêu nhỏ, Amazon Global Selling cũng chuẩn bị cho ra mắt một chương trình nhằm kết nối nhiều đơn vị bán hàng để họ có thể cùng nhau gộp đủ 1 container hàng vận chuyển, từ đó giúp các nhà bán hàng giảm tối đa chi phí vận chuyển và tiết kiệm thời gian phải chờ đủ công hàng mới vận chuyển đi.
Bên cạnh đó, chương trình đó AWD (Amazon Warehouse Distribution) sẽ cho phép các nhà bán hàng có thể lưu kho hàng hóa tại kho bãi lưu trữ và chỉ được vận chuyển đến trung tâm hoàn thiện đơn hàng của Amazon khi sản phẩm đó được đặt.
Điều đó cũng sẽ giúp các nhà bán hàng giảm thiểu chi phí logistics bởi chi phí lưu kho tại trung tâm hoàn thiện đơn hàng của Amazon khá cao do được vận hành bằng công nghệ tiên tiến hàng đầu với hàng ngàn đơn vị robot, máy móc và mức độ di chuyển của hàng hóa rất nhanh. AWD sẽ vừa giúp tiết kiệm chi phí nhưng vẫn giải quyết bài toán về mặt thời gian trong mùa bán hàng cao điểm trong thời điểm cuối năm tại Mỹ (Cyber Monday, Black Friday, vv.) khi các nhà bán lẻ cần phải chuyển hàng và lưu kho trước 2 - 3 tháng để đảm bảo sự thông suốt của hoạt động kinh doanh./.