Kinh tế số

Gỡ khó cho doanh nghiệp sản xuất địa phương tham gia thương mại điện tử

Anh Minh 06/11/2024 16:17

Thương mại điện tử giúp sản phẩm địa phương tiếp cận thị trường rộng lớn, thúc đẩy tiêu thụ và nâng cao thu nhập. Tuy nhiên, cần giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn và phát huy lợi thế.

Ngày 6/11, tại Hà Nội, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (TMĐT&KTS), Bộ Công Thương đã tổ chức Diễn đàn Ứng dụng TMĐT và Công nghệ số Việt Nam 2024. Diễn đàn nhằm mục tiêu thúc đẩy ứng dụng công nghệ số và TMĐT trong nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững.

Phó Cục trưởng Cục TMĐT&KT, bà Lại Việt Anh cho biết, thời gian qua Chính phủ đã thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số (CĐS) qua nhiều chính sách khác nhau. Điều đó đã mang lại những thay đổi tích cực trên nhiều mặt, từ công tác quản lý nhà nước đến cách thức vận hành DN và cả thói quen tiêu dùng của người dân.

Bà Lại Việt Anh cho biết doanh thu TMĐT Việt Nam năm 2023 đạt 20,5 tỷ USD, đưa Việt Nam vào nhóm quốc gia có tốc độ tăng trưởng TMĐT cao nhất khu vực. Hạ tầng hỗ trợ logistics và thanh toán số cũng đang được cải thiện đáng kể, góp phần lớn vào việc thúc đẩy TMĐT. Theo đó, thanh toán không dùng tiền mặt đã lan rộng với tỷ lệ người trưởng thành có tài khoản thanh toán đạt 87%. Hiện nay, TMĐT không chỉ phát triển ở đô thị mà còn mở rộng đến vùng sâu, vùng xa nhờ hệ thống giao hàng phát triển mạnh mẽ.

lva.jpg
Bà Lại Việt Anh cho biết doanh thu TMĐT Việt Nam năm 2023 đạt 20,5 tỷ USD, đưa Việt Nam vào nhóm quốc gia có tốc độ tăng trưởng TMĐT cao nhất khu vực

Ba thách thức nổi cộm của các DN địa phương khi tham gia TMĐT

TMĐT không chỉ là cầu nối giúp hàng hóa địa phương tiếp cận người tiêu dùng trên cả nước, mà còn hỗ trợ mở rộng tầm ảnh hưởng của sản phẩm Việt ra thị trường quốc tế. Đối với các DN sản xuất địa phương, TMĐT mở ra cơ hội tiếp cận với lượng lớn khách hàng tiềm năng trên cả nước, không còn phụ thuộc vào kênh bán hàng truyền thống hoặc địa lý.

Nhờ vậy, các sản phẩm đặc sản, thủ công mỹ nghệ, và các sản phẩm nông nghiệp địa phương được tiêu thụ tốt hơn, góp phần nâng cao thu nhập và thúc đẩy phát triển kinh tế vùng. Tuy nhiên, để thúc đẩy sự phát triển cân bằng hơn, cần có các giải pháp thiết thực nhằm hỗ trợ DN địa phương vượt qua khó khăn và phát huy lợi thế.

Chia sẻ tại phiên tọa đàm “Phát triển thị trường TMĐT tại Việt Nam - giải pháp cân bằng hơn cho DN sản xuất địa phương”, ông Nguyễn Khánh Toàn, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh Thái Nguyên, cho biết hiện nay có đến 97 - 98% các DN tại Thái Nguyên là các DN nhỏ, siêu nhỏ và DN vừa, đó là các hợp tác xã, hộ nông dân và đây là nhóm đối tượng chịu tác động trực tiếp và hưởng lợi từ TMĐT, nhưng kèm theo đó là những thách thức lớn.

“Nếu các DN không mạnh dạn cập nhật thời sự, trang bị kiến thức về TMĐT&KTS, họ có nguy cơ thua ngay trên sân nhà”, ông Nguyễn Khánh toàn nói và đưa ra 3 thách thức, khó khăn nổi cộm của các đối tượng DN này khi làm TMĐT.

Theo đó, khó khăn đầu tiên chính là nguồn nhân lực. Hầu hết các HTX, hộ nông dân và DN nhỏ, vừa chưa được đào tạo bài bản về công nghệ thông tin. Và họ lại không có đủ nguồn lực để thuê kỹ sư tư vấn kỹ thuật, tư vấn về marketing số hoặc hỗ trợ đưa sản phẩm lên sàn TMĐT một cách hiệu quả.

td.jpg
Tọa đàm “Phát triển thị trường TMĐT tại Việt Nam - giải pháp cân bằng hơn cho DN sản xuất địa phương”

Khó khăn thứ hai là về nguồn lực kinh tế. Các DN nhỏ thường gặp khó khăn về vốn. “Việc đầu tư cho sản xuất hàng hóa, thiết kế mẫu mã, bao bì, chuyển đổi số và TMĐT vẫn là thách thức lớn với các DN, khi xét đến khía cạnh nguồn vốn đầu tư”, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh Thái Nguyên cho biết.

Thứ ba, khâu vận chuyển, logistics cũng là một thách thức khi các DN địa phương muốn làm TMĐT. Ông Nguyễn Khánh Toàn cho biết hiện nay, một hộ nông dân có thể đưa hàng hóa lên sàn TMĐT, nhưng việc vận chuyển sản phẩm đến tay khách hàng lại là “một bài toán khó”.

Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh Thái Nguyên cho rằng để giúp đỡ các DN nhỏ làm TMĐT thành công, cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ và đồng bộ từ các cấp, các ngành.

Ông Toàn cũng đưa ra một số đề xuất, như mong muốn Bộ Công Thương và Cục TMĐT và KTS đồng hành cùng các địa phương, tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn và hỗ trợ kỹ năng số, giúp các DN có được "cái cần câu" để họ có thể tự mình đưa sản phẩm lên các sàn TMĐT.

Bên cạnh đó, tỉnh Thái Nguyên cũng mong muốn các sàn TMĐT trên cả nước mở gian hàng dành riêng cho tỉnh Thái Nguyên, tạo cơ hội cho DN trong tỉnh.

TMĐT đang giải quyết nhiều vấn đề của xã hội

Theo ông Nguyễn Lâm Thanh, Tổng Giám đốc TikTok Việt Nam, chuyển đổi số đã không chỉ dừng lại ở cấp chính phủ mà đã hiện nay lan tỏa xuống DN, người lao động và cả người tiêu dùng. “Trong 6 tháng đầu năm, đã có hơn 3,7 triệu cá nhân và tổ chức có nguồn thu nhập từ các nền tảng số, trong đó có TikTok”, ông Nguyễn Lâm Thanh nói và cho rằng “rõ ràng các vấn đề của xã hội hiện nay đang được phản ánh rõ trong các nền tảng số, các sàn TMĐT, từ công ăn việc làm, quyền lợi của người tiêu dùng đến sự phát triển của nền kinh tế”.

“Trong bối cảnh này, nếu không xây dựng các chương trình hỗ trợ hiệu quả cho các tổ chức và cá nhân hoạt động trên các nền tảng số, các sàn TMĐT thì sẽ dễ dẫn đến tình trạng mất việc làm, giảm nguồn thu cho nhà nước, và người tiêu dùng có nguy cơ mua phải hàng giả, hàng nhái”.

Đại diện DN vận chuyển, logistics, ông Nguyễn Thế Anh, Giám đốc kinh doanh, phân phối của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (BĐVN) cho biết BĐVN luôn xác định đồng hành cùng chính phủ, các địa phương và bộ ngành để triển khai các hoạt động về thương mại, hậu cần và logistics.

“Không chỉ tham gia vào quá trình vận chuyển mà BĐVN xác định vai trò của mình trong chuỗi phân phối, vì thế công ty đã và đang xây dựng hệ sinh thái”, ông Nguyễn Thế Anh nói.

“Hiện tại, Tổng công ty BĐVN đang tối ưu quy trình vận chuyển, đầu tư vào các giải pháp công nghệ, ứng dụng AI để đo kiểm và đánh giá chất lượng chuyển phát. Đơn vị cũng tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ cho các sản phẩm yêu cầu cao, như hàng nông sản, nhằm tối ưu quy trình, cắt giảm chi phí, và nâng cao khả năng cạnh tranh trong chuỗi giá trị”.

Bên cạnh đó, Tổng công ty BĐVN cũng đang từng bước tổ chức lại hệ thống kho bãi, lưu trữ. Ông Thế Anh cho rằng cần triển khai chuyên môn hóa các khâu, vì “không ai có thể thực hiện tất cả mọi việc, từ khâu đầu đến khâu cuối”./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Gỡ khó cho doanh nghiệp sản xuất địa phương tham gia thương mại điện tử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO