Gỡ khó cho doanh nghiệp xuất khẩu bền vững vào các thị trường FTA

Trần Cao| 19/11/2022 10:53
Theo dõi ICTVietnam trên

Kết quả kim ngạch xuất nhập khẩu được cải thiện nhờ các Hiệp định thương mại tự do là điều tích cực, song bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng đang gặp một số khó khăn về các quy định phi thuế quan ….

Việt Nam đã ký kết 17 Hiệp định thương mại tự do

Hiệp định thương mại tự do (FTA) là thỏa thuận giữa hai hoặc nhiều quốc gia. Ký kết Hiệp định thương mại tự do, những nghĩa vụ có liên quan, ảnh hưởng đến thương mại hàng hóa và dịch vụ được các quốc gia đồng ý với nhau. Những nghĩa vụ này cũng bao gồm các biện pháp bảo vệ nhà đầu tư và quyền sở hữu trí tuệ, cùng nhiều chủ đề khác. Theo thông tin từ Bộ Công thương, hiện nay Việt Nam đã và đang tham gia đàm phán, ký kết 17 Hiệp định thương mại tự do. Các Hiệp định thương mại tự do đã và đang tác động mạnh mẽ tới sự phát triển kinh tế cũng như kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Có 3 Hiệp định thế hệ mới là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); FTA Việt Nam - EU (EVFTA); FTA Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA). Đây là những Hiệp định có phạm vi rộng lớn, ngoài các cam kết về thương mại, dịch vụ và đầu tư, còn bao gồm cả các thể chế, pháp lý.

Tại hội thảo "Xuất khẩu vào các thị trường FTA: Giải bài toán phát triển bền vững" được tổ chức mới đây, bà Nguyễn Thảo Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Âu-Mỹ (Bộ Công Thương) nhận định, các hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam đã có sự chuyển biến theo chiều hướng tăng trưởng hiệu quả hơn trong thời gian qua, sau khi Việt Nam tham gia ký kết các hiệp định thương mại tự do.

Thực tế kết quả xuất nhập khẩu đã phản ánh những điều này. Những lợi ích từ các hiệp định đã được các doanh nghiệp tận dụng và khai thác hiệu quả. Sau 3 năm thực thi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership - CPTPP), kim ngạch xuất khẩu năm 2021 của Việt Nam sang thị các trường này đạt 45,7 tỷ USD. Kết quả này đạt mức tăng 18,1% so với năm 2020. Gần đây hơn, kết quả xuất nhập khẩu của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2022 đã đạt 38,8 tỷ USD, tăng 21,1% so với cùng kỳ năm 2021. Xuất siêu sau 10 tháng đạt 4,4 tỷ USD.

Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam (EVFTA) sau hai năm thực thi cũng mang lại nhiều kết quả tích cực cho kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Cụ thể, theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - EU năm 2021 đạt 57,01 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, giá trị xuất khẩu của Việt Nam tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 40,1 tỷ USD. Giá trị nhập khẩu tăng 15,3%, đạt 16,9 tỷ USD. Kết quả kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và EU 10 tháng năm 2022 đạt 52,5 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó xuất khẩu đạt 39,7 tỷ USD, tăng 23,5%.

Những yêu cầu về chuyển đổi xanh, bảo vệ môi trường, khí hậu của các thị trường

Kết quả kim ngạch xuất nhập khẩu được cải thiện nhờ các Hiệp định thương mại tự do là điều tích cực, song bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng đang gặp một số khó khăn về những quy định phi thuế quan ngặt nghèo hơn từ các thị trường FTA, liên quan đến các vấn đề về môi trường, khí hậu, yêu cầu phải chuyển đổi xanh, phát triển bền vững. Những vấn đề này đang được các đối tác đẩy mạnh thực thi và giám sát hơn.

Theo lãnh đạo Vụ Thị trường Âu-Mỹ, xu hướng yêu cầu chuyển đổi xanh, đảm bảo các vấn đề về môi trường, khí hậu sẽ tác động lớn đến việc xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong thời gian tới. Các hàng rào về kỹ thuật và hành chính dự đoán sẽ gia tăng, áp dụng với cả các mặt hàng từ nông nghiệp đến công nghiệp.

Bà Tô Thị Tường Lan, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, cho rằng là nước xuất khẩu lớn, nhưng các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa có các chiến lược lớn về xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm hữu cơ. 

Phó Chủ tịch EuroCham, ông Jean Jacques Bouflet, cho biết thách thức chính của doanh nghiệp Việt Nam là phải đảm bảo phát triển xuất khẩu bền vững, phát triển sản xuất xanh, sản phẩm xanh, đáng tin cậy.

Gỡ khó cho doanh nghiệp xuất khẩu bền vững vào các thị trường FTA - Ảnh 1.

Khi tham gia các Hiệp định thương mại tự do, doanh nghiệp trong ngành gỗ có nhiều lợi thế hơn so với các nước khác.

Đại diện Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết hiện tại Việt Nam đang xuất thô hơn 80% sản phẩm thủy sản cho các nước khác chế biến. Để tăng trưởng tốt hơn và bền vững hơn, doanh nghiệp Việt nên có chiến lược xuất khẩu các sản phẩm chế biến sâu. Mục tiêu này cũng cần sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng cũng như phát triển thêm các công nghiệp hỗ trợ. Doanh nghiệp cần củng cố nguồn lực, vốn, đi theo tiêu chuẩn của thế giới để thâm nhập vào thị trường sâu hơn.

Theo ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP. HCM, các yêu cầu về môi trường, lao động, hay nguồn gốc xuất xứ là những rào cản kỹ thuật. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp chú trọng thay đổi chiến lượng, công nghệ và nâng cao chất lượng sản phẩm. Vượt qua những yêu cầu này, doanh nghiệp sẽ tạo ra những bước tiến mới. Ông Phương cho biết khi tham gia các FTA, doanh nghiệp trong ngành gỗ có nhiều lợi thế hơn so với các nước khác. Đối với ngành hàng gỗ, kim ngạch xuất khẩu vào các thị trường khá ổn định.

Đảm bảo tăng trưởng xuất nhập khẩu bền vững 

Bà Nguyễn Thảo Hiền cũng cho rằng, trước những yêu cầu mới của các thị trường xuất khẩu, doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt, điều chỉnh kế hoạch sản xuất và kinh doanh để thích nghi với các yêu cầu, quy định mới của thị trường, để không bị sụt giảm kim ngạch xuất nhập khẩu và đặc biệt là tham gia hiệu quả, bền vững vào chuỗi cung ứng. Doanh nghiệp cần lưu ý đến những nỗ lực xanh hóa sản xuất, tăng cường thực hiện các trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường. Để đạt được những mục tiêu đó, doanh nghiệp cần tìm hiểu, đổi mới công nghệ, đầu tư dây chuyền máy móc hiện đại theo chuẩn quốc tế, hướng đến các tiêu chí sản xuất xanh, sạch, thân thiện môi trường và đảm bảo các điều kiện cho người lao động là nhóm giải pháp cần thiết.

Xuất khẩu bền vững đang là một trong những mục tiêu trọng tâm trong phát triển kinh tế của Việt Nam. Mới đây, Đề án “Thúc đẩy Doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2030” đã được Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành ký phê duyệt, đặt mục tiêu tổng quát phát triển thị trường xuất khẩu, nhập khẩu của Việt Nam, bảo đảm sự tăng trưởng bền vững trong dài hạn.  Đề án cũng đề cập đến việc hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng nguồn nguyên liệu xanh - sạch; khuyến khích chuyển đổi năng lượng, tiết kiệm năng lượng trong quá trình sản xuất; thúc đẩy phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất…

Quyết định số 493 phê duyệt Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 đã được Bộ Công thương xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ban hành. Theo chiến lược này, định hướng xuất khẩu hàng hoá yêu cầu phát triển xuất khẩu bền vững, phát huy lợi thế so sánh và chuyển đổi mô hình tăng trưởng hợp lý theo chiều sâu, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, bảo vệ môi trường sinh thái và giải quyết tốt các vấn đề xã hội./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Gỡ khó cho doanh nghiệp xuất khẩu bền vững vào các thị trường FTA
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO