Gỡ "khó" giúp doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh đột phá vươn mình
Các doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh đóng vai trò then chốt trong phát triển kinh tế địa phương khi tạo ra việc làm, thúc đẩy tiêu dùng và đóng góp vào ngân sách nhà nước. Chuyển đổi số có thể giúp họ phát triển, tiếp cận vốn và tạo đột phá cho tăng trưởng kinh tế.

Kinh tế tư nhân - động lực quan trọng nhất thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Nghị quyết số 68-NQ/TW của Trung ương đã xác lập nhiều chính sách quan trọng nhằm thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân. Trong đó, một điểm mới đáng chú ý là chủ trương cung cấp miễn phí các công cụ hỗ trợ số hóa hoạt động kinh doanh cho các doanh nghiệp (DN) nhỏ, hộ kinh doanh, cá thể bao gồm: phần mềm kế toán dùng chung, nền tảng số, dịch vụ tư vấn pháp lý, đào tạo quản trị, kế toán, thuế, nhân sự…
Chính sách này nhằm giảm chi phí đầu vào, nâng cao năng lực quản trị và đảm bảo tuân thủ pháp luật cho các DN nhỏ, hộ kinh doanh, giúp họ thích ứng nhanh hơn với xu hướng chuyển đổi số (CĐS) đang diễn ra mạnh mẽ trong mọi lĩnh vực.
Chia sẻ tại tọa đàm "Chuyển đổi số, chuyển đổi công nghệ - đột phá vươn mình” diễn ra trong phiên toàn thể Diễn đàn Cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam - châu Á 2025 (Vietnam - Asia DX Summit 2025) sáng 27/5, ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Chủ tịch HĐQT MISA cho biết đây là một chủ trương đúng đắn để giúp các DN nhỏ, hộ kinh doanh CĐS.

Tuy nhiên, theo đại diện MISA, không nên xây dựng các phần mềm dùng chung phát miễn phí cho các DN và hộ kinh doanh. Trong lịch sử CĐS nước nhà, có nhiều lần chúng ta xây dựng các mô hình dùng chung nhưng đều thất bại. Nguyên nhân là do khi xây dựng các phần mềm dùng chung Nhà nước sẽ tổ chức đầu thầu và chọn ra một vài DN để làm sản phẩm, sau đó sẽ cung cấp miễn phí nhưng điều đó vô tình tạo ra sự độc quyền.
Mặt khác, khi một DN sử dụng phần mềm sẽ cần sự hỗ trợ sau bán hàng trong nhiều năm như cập nhật phần mềm, sửa lỗi,... Do đó, nếu chỉ có một vài DN cung cấp sản phẩm thì không thể hỗ trợ được hết số lượng các DN nhỏ và hộ kinh doanh dẫn tới rất khó để sử dụng.
Ông Nguyễn Xuân Hoàng đề xuất Nhà nước nên đặt ra các tiêu chuẩn kỹ thuật và nghiệp vụ cho phần mềm kế toán và các nền tảng số để cho tất cả các DN công nghệ xây dựng và phát triển sản phẩm theo các tuân chuẩn đó, tạo ra một sân chơi bình đẳng, cạnh tranh. Còn Nhà nước có thể hỗ trợ các DN nhỏ, hộ kinh doanh dưới nhiều hình thức khác như khấu trừ thuế. Khi đó DN nhỏ, hộ kinh doanh có quyền lựa chọn các sản phẩm phù hợp, còn các DN công nghệ sẽ sẵn sàng tham gia phát triển ứng dụng. Đây chính là kinh nghiệm của Tổng Cục thuế trong việc triển khai hoá đơn điện tử.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Việt Đức, CEO Công ty cổ phần giải pháp UNICA, cho biết, bản chất các DN nhỏ và vừa (SME) cần nhiều phần mềm khác nhau với cách sử dụng và thói quen cũng rất khác nhau, do đó rất khó để dùng chung một phần mềm.
Trong khi đó, theo ông Sing, Stan Singh, Chủ tịch ASOCIO, chính phủ các nước đều có cách chính sách hỗ trợ các SME nhưng hình thức hỗ trợ có thể khác nhau. Điều quan trọng là cần đào tạo để các SME sử dụng thành thạo các phần mềm nhằm phục vụ số hoá quy trình sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất và hiệu quả hoạt động.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, bà Phan Thị Thanh Ngọc, Giám đốc khối tư vấn ứng dụng AI - VNPT-AI cho biết từ góc độ DN "dùng chung" có nghĩa là một khung kỹ thuật chuẩn hoá để các DN tham gia phát triển sản phẩm. Khi thúc đẩy CĐS và các công nghệ mới cần đưa ra khung tiêu chuẩn này để đảm bảo sản phẩm phù hợp với nhu cầu của người dùng cuối, phù hợp với các xu hướng công nghệ chung và khuyến khích các DN công nghệ Việt tham gia sân chơi một cách bình đẳng.
DN hoá các hộ kinh doanh cá thể
Hiện nay, Việt Nam có khoảng 5 triệu hộ kinh doanh, bên cạnh gần 1 triệu DN chính thức. Mục tiêu đến năm 2030 được đề ra trong Nghị quyết 68 ngày 4/5 của Bộ Chính trị là phát triển 2 triệu DN. Để đạt được điều đó, cần tạo điều kiện để các hộ kinh doanh phát triển, mở rộng quy mô và chuyển đổi thành DN.
Tại tọa đàm, ông Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách của Thủ tướng Chính phủ cho biết, việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 68 được xem là một bước ngoặt trong tư duy phát triển, không chỉ khẳng định vị thế và vai trò then chốt của kinh tế tư nhân, mà còn cam kết cải thiện môi trường thể chế, gỡ bỏ rào cản, tạo điều kiện để khu vực này bứt phá trong giai đoạn mới.

Một trong những mục tiêu của Nghị quyết 68 và Nghị quyết số 198 là khuyến khích nâng cấp hộ kinh doanh lên DN thông qua: hỗ trợ miễn thuế; hỗ trợ phần mềm kế toán tài chính đơn giản thay vì quản lý sổ sách giấy; quản trị hoạt động kinh doanh bằng phần mềm đơn giản.
Theo ông Cấn Văn Lực, để hiện thực hoá mục tiêu này cần phân loại DN nhỏ, hộ kinh doanh thành các nhóm để có những cơ chế hỗ trợ phù hợp. Cụ thể, một số DN chỉ cần cung cấp phần mềm kế toán đơn giản để giúp họ dễ dàng kê khai, phù hợp với những người không chuyên về kế toán hay công nghệ để họ có thể dễ dàng nhập dữ liệu liên quan đến doanh thu, chi phí, hàng hóa mua vào, bán ra… Hay các DN nhỏ và vừa cần CĐS, chuyển đổi kép thì cần có các chương trình đào tạo nâng cao nhận thức và hỗ trợ xây dựng kế hoạch CĐS xanh. Trong khi đó, một số DN khác lại không cần những hỗ trợ này mà họ cần có các cơ chế, chính sách để tháo gỡ rào cản, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng.
Trong khi đó, đại diện MISA thông tin thêm về giải pháp CĐS toàn diện hỗ trợ 5 triệu hộ kinh doanh. Cụ thể, đối với hộ kinh doanh nhỏ, MISA phát triển phần mềm MISA eShop giúp số hóa toàn diện hoạt động chỉ bằng smartphone. Với 3 bước đơn giản: Bán hàng – thu tiền – xuất hóa đơn và khai thuế, hộ kinh doanh dễ dàng thực hiện quy trình bán hàng. Ngoài ra, phần mềm còn tự động tổng hợp số liệu và gửi tờ khai thuế mẫu lên cơ quan thuế ngay trên điện thoại.
Đối với các hộ kinh doanh có quy mô lớn hơn, MISA cung cấp bộ giải pháp cao cấp hơn bao gồm phần mềm và phần cứng, kết nối trực tiếp với các chuyên gia kế toán - thuế trên Nền tảng Kế toán dịch vụ MISA ASP./.