Hỗ trợ các doanh nghiệp, cửa hàng, hộ kinh doanh CĐS: Kinh nghiệm của TP.HCM
Hiện cả nước có hơn 5 triệu hộ kinh doanh với hàng chục triệu lao động, là bộ phận không nhỏ trong nền kinh tế thị trường. Chuyển đổi số khu vực này là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác chuyển đổi số trong năm 2025.
![san-xuat-tai-kcx-tan-thuan-1725968290531746092349.jpeg](https://ictv.1cdn.vn/2025/02/07/san-xuat-tai-kcx-tan-thuan-1725968290531746092349.jpeg)
TP.HCM hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số
Chia sẻ tại phiên họp lần thứ 10 về tổng kết hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (CĐS) và Đề án 06 năm 2024, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 diễn ra chiều ngày 6/2, bà Trần Thị Diệu Thúy, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, TP.HCM đẩy mạnh CĐS trong nhiều lĩnh vực, trong đó có triển khai các giải pháp, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa khi xác định công nghệ số là động lực chính và cũng là động lực mới để phát triển kinh tế.
TP.HCM là một trong những trung tâm kinh tế năng động của Việt Nam với tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý 4 năm 2024 tăng 7,92%, tiếp tục phục hồi và tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước; các chỉ số về tham gia kinh tế số được đánh giá cao.
TP tiếp tục tham gia phát triển khoa học công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo và CĐS, đặc biệt trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, du lịch và an sinh xã hội. TP đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ DN nhỏ và vừa, thu hút đầu tư vào các khu công nghệ cao phù hợp với Nghị quyết số 57 về phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và CĐS quốc gia.
Thời gian qua, TP. HCM đã ban hành nhiều giải pháp để phát triển kinh tế số, trong đó có nội dung quan trọng là thực hiện kế hoạch hỗ trợ DN nhỏ và vừa CĐS trên địa bàn TP đến năm 2025 nhằm giúp các DN nhỏ và vừa thực hiện CĐS, tối ưu hoá hoạt động, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, năng lực và lợi thế cạnh tranh và tạo ra những giá trị mới.
TP xây dựng các hoạt động trọng tâm hỗ trợ CĐS cho các DN nhỏ và vừa vì xác định đây là phân khúc DN chiếm tỷ lệ lớn nhưng lại đối diện với nhiều khó khăn về hạ tầng, công nghệ và khả năng ứng dụng. Từ tháng 9 - 10/2024, TP đã triển khai chương trình thí điểm hỗ trợ DN nhỏ và vừa CĐS trên địa bàn quận Phú Nhuận.
Để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng kinh tế số trong giai đoạn từ nay đến năm 2025 - tầm nhìn đến năm 2030, TP.HCM xác định công nghệ số là động lực mới cho tăng trưởng kinh tế. Do đó, việc thúc CĐS, đặc biệt CĐS cho các DN nhỏ và vừa, phát triển kinh tế số sẽ là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.
Chương trình đã khảo sát, đánh giá mức độ sẵn sàng cho thương mại điện tử (TMĐT) và CĐS của hơn 2.000 DN, hộ kinh doanh bán buôn, bán lẻ bằng bộ tiêu chí đo lường do Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) và Bộ Công Thương cùng xây dựng. Chương trình tập trung vào việc xác định nhu cầu, thách thức và rào cản đối với DN, hỗ trợ kết nối với các DN cung cấp giải pháp CĐS, đồng thời thu thập dữ liệu làm cơ sở xây dựng chính sách hỗ trợ.
Phương thức khảo sát trực tuyến sử dụng trang web do Bộ TT&TT phát triển đã giúp DN tự khảo sát, dễ tiếp cận, nâng cao hiệu quả thực hiện. Kết quả khảo sát cho thấy tổng số DN, hộ kinh doanh, cửa hàng bán buôn, bán lẻ có quan tâm được hỗ trợ CĐS chiếm tỷ lệ 56,41%, tương đương khoảng 5.641 DN tại quận Phú Nhuận. Trong đó, số lượng đơn vị có ứng dụng CNTT vào hoạt động kinh doanh chỉ chiếm 3,75%. Điều này cho thấy nhu cầu CĐS của các DN, cửa hàng, hộ kinh doanh còn rất nhiều.
Giá trị trung bình của 1 gói CĐS cơ bản mà các DN nền tảng đang được cung cấp miễn phí 6 tháng cho các đơn vị tham gia khảo sát là khoảng 300.000 đồng/tháng (đối với gói quản lý bán hàng), tương đương khoảng 10 tỷ đồng.
![32fba5c65f59e007b948.jpg](https://ictv.1cdn.vn/2025/02/07/32fba5c65f59e007b948.jpg)
Các DN, cửa hàng, hộ kinh doanh tại quận Phú Nhuận được kết nối tới hệ sinh thái của 6 nhà cung cấp giải pháp nhằm khắc phục những điểm yếu trong quy trình sản xuất kinh doanh, cơ hội mở rộng và phát triển thị trường.
Kết quả khảo sát không chỉ giúp TP.HCM có cái nhìn tổng thể về thực trạng CĐS mà còn là tiền để cho các hoạt động hỗ trợ toàn diện trong thời gian tới, hướng tới phát triển kinh tế số và TMĐT trên địa bàn toàn TP.
"Đồng thời, kết quả cho thấy nguy cơ nếu không CĐS bán buôn, bán lẻ thì tiểu thương trong nước sẽ khó cạnh tranh với hàng hoá có nguồn gốc xuất xứ từ nước ngoài được bán trên sàn TMĐT", bà Trần Thị Diệu Thúy, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết.
Góp phần hoàn thành mục tiêu CĐS 5 triệu hộ kinh doanh
Qua quá trình khảo sát, theo bà Trần Thị Diệu Thúy, TP.HCM đã đúc kết được những định hướng phát triển trong thời gian tới, cụ thể:
Một là tập trung vào các chính sách hỗ trợ DN công nghệ số, bao gồm: tiếp tục mở rộng khu công nghệ thông tin tập trung, nhằm thu hút DN công nghệ trong và ngoài nước; triển khai các chính sách cung cấp gói hỗ trợ tài chính kỹ thuật tư vấn truyền thông kết nối cung cầu cho DN công nghệ số.
Hai là phát triển kinh tế số có trọng tâm, trọng điểm bằng cách phối hợp với các bộ, ngành xây dựng các chỉ số đánh giá CĐS tập trung vào các ngành mũi nhọn của TP; tổ chức khảo sát thí điểm rồi nhân rộng toàn TP kết nối cung cầu DN với hệ sinh thái các sản phẩm và dịch vụ số trong từng ngành, lĩnh vực.
Ba là phổ cập kinh tế số vào mọi ngóc ngách của nền kinh tế và xã hội, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ. Để đạt mục tiêu này, TP tiếp tục nỗ lực nâng cao nhận thức của người dân, DN; hiện đại hoá nguồn nhân lực CĐS; triển khai đồng bộ và đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng số.
Để tiếp tục các chương trình hỗ trợ DN vừa và nhỏ, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM kiến nghị Bộ Công Thương và Bộ TT&TT tiếp tục hỗ trợ TP thực hiện khảo sát rộng đánh giá mức độ sẵn sàng cho TMĐT và CĐS tại các DN, hộ kinh doanh bán, buôn bán lẻ trên địa bàn TP để tiếp tục thực hiện thành công nội dung này trong giai đoạn tới./.