Ý kiến chuyên gia

Khát vọng về Đại học số 1 về công nghệ số

Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông 03/04/2024 22:00

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã chỉ đạo và định hướng quan trọng về hướng phát triển của Học viện công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) trong thời gian tới tại buổi thăm và làm việc với Học viện ngày 19/3.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng đã ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà Lãnh đạo và tập thể cán bộ, giảng viên, nghiên cứu viên, học viên, sinh viên của Học viện đã đạt được trong thời gian qua.

bt-nguyen-manh-hung.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Một tầm nhìn xa vào tương lai sẽ giúp Học viện đảm bảo được tính xuyên suốt, nhất quán trong phát triển, kéo dài qua nhiều thế hệ.

Tạp chí TT&TT trân trọng giới thiệu toàn văn nội dung phát biểu chỉ đạo, định hướng của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng.

Đại học thường là những tổ chức tồn tại lâu dài, hàng trăm năm, nhiều trăm năm. Học viện phải nghĩ đến sự tồn tại lâu dài đó.

Phải có tầm nhìn dài hạn vào tương lai. Phải có ngôi sao dẫn lối. Một tầm nhìn xa vào tương lai sẽ dẫn dắt Học viện tốt hơn. Một tầm nhìn xa vào tương lai sẽ giúp Học viện đảm bảo được tính xuyên suốt, nhất quán trong phát triển, kéo dài qua nhiều thế hệ. Chỉ có như vậy thì mới tạo dựng được một đại học (ĐH) trăm năm và dài hơn nữa.

Dài hạn nhưng cũng phải nghĩ đến viên gạch mà thế hệ này góp phần vào xây dựng Học viện.

Nghĩ xa và nghĩ lớn nhưng thực hiện bằng những bước đi nhỏ. Bước đi nhỏ mà có ngôi sao dẫn lối thì sẽ đến đích. Bước đi nhỏ mà không có ngôi sao dẫn lối thì thành vòng đi luẩn quẩn.

Muốn lâu dài thì phải xây những nền tảng, làm tốt cái móng rồi làm những tầng nhà đầu tiên.

Lãnh đạo Học viện phải nghĩ xem Học viện đã có những nền tảng gì rồi, những nền tảng gì còn phải xây. Thế hệ này xây gì, các thế hệ sau xây gì. Nền tảng tốt sẽ đảm bảo cho sự phát triển bền vững. Người lãnh đạo xuất sắc thì bao giờ cũng chú trọng tạo ra nền tảng. Vì nền tảng thì còn tồn tại lâu dài, tồn tại sau nhà lãnh đạo.

Không tạo ra nền tảng thì có thể là một sự phát triển nhanh trong ngắn hạn nhưng sự phát triển này cũng sẽ ra đi cùng với nhà lãnh đạo. Bởi vậy, hãy coi Học viện là ngôi nhà được nhiều thế hệ xây dựng, mỗi thế hệ, mỗi người sẽ góp viên gạch của mình để xây lên ngôi nhà đó.

sinh-vien-4.jpg

Một tổ chức muốn tồn tại lâu dài thì sứ mệnh, tầm nhìn, giá trị cốt lõi phải được hình thành và duy trì xuyên suốt.

Học viện phải chính thức hóa những cái này. Coi đó là cái gốc, cái cần phải giữ trong suốt quá trình phát triển. Là cái bất biến. Giữ vững cái bất biến này thì mới vạn biến được. Vạn biến để linh hoạt thay đổi hợp với thời đại biến động này. Không có vạn biến thì không thể thích nghi, không thể phát triển, không thể tồn tại. Nhưng vạn biến mà không giữ được cái bất biến thì sẽ mất phương hướng và bị nhấn chìm trong sự hỗn loạn.

Một tổ chức muốn tồn tại lâu dài thì sứ mệnh, tầm nhìn, giá trị cốt lõi phải được hình thành và duy trì xuyên suốt.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng

Muốn phát triển bền vững, lâu dài thì phải xây dựng văn hóa.

Văn hóa tạo ra chất keo kết dính mọi người trong Học viện, tạo ra môi trường lành mạnh. Văn hóa là luật không thành văn. Là cái ngấm sâu, tự giác. Văn hóa xử lý những cái không nằm trong quy định, vốn là những cái hàng ngày, rất nhiều, rất dễ dẫn đến mâu thuẫn. Văn hóa là cái cuối cùng còn lại khi không còn cái gì. Văn hóa cũng là cái khác biệt của các tổ chức.

Học viện đã tuyên bố các giá trị văn hóa và cần duy trì xuyên suốt. Chủ tịch Học viện nên nhận lấy trách nhiệm xây dựng văn hóa. Văn hóa muốn ngấm sâu vào tổ chức thì những giá trị văn hóa phải được cài đặt vào hệ điều hành, vào các quy định, quy chế của tổ chức.

Công nghệ số ảnh hưởng rất mạnh mẽ đến đào tạo.

Có lẽ chưa bao giờ đào tạo có sự thay đổi lớn thế này. Sự thay đổi mang tính căn bản này tạo điều kiện cho các ĐH đi sau vượt lên trên. Thường thì chỉ trong lúc này là có cơ hội đó. Vì vậy, Học viện phải quyết tâm mạnh mẽ ứng dụng công nghệ mới để chuyển đổi cách đào tạo, gọi là chuyển đổi số (CĐS) Học viện.

Muốn vươn lên thành ĐH hàng đầu tại Việt Nam và trong khu vực thì con đường duy nhất là CĐS. Giải quyết những tồn tại kéo dài của Học viện, khắc phục những hạn chế về nguồn lực, tạo ra những nguồn lực mới, tạo ra sự khác biệt, cách giải quyết vấn đề mới, cách tiếp cận mới thì phải dựa trên công nghệ số và CĐS.

sinh-vien-3.jpg

Một trong những đặc trưng quan trọng của thời công nghệ số là nhân lực số trở thành lực lượng sản xuất chính.

Có nghĩa là lao động chính của Học viện sẽ không chỉ là các giáo viên mà còn là nhân lực số. Nhân lực số trong ĐH tạo ra nền tảng đào tạo số, học liệu số, thiết kế học online, thi onilne. 20 - 30% nhân lực của Học viện phải là nhân lực số. Học viện có thể thành lập một doanh nghiệp công nghệ số để thực hiện CĐS trước tiên là cho Học viện rồi sau đó là các cơ sở đào tạo khác.

Công nghệ số tạo ra những nghề mới. Học viện phải tập trung vào những ngành mới này, coi đây là sự khác biệt căn bản của Học viện.

Bởi vì, Học viện là đại học duy nhất của ngành công nghệ số, là đại học duy nhất của Bộ TT&TT, là Bộ quản lý nhà nước về công nghệ số. Học viện không tìm ra sự khác biệt, tìm ra điểm mạnh khác biệt của mình thì không thể vươn lên được.

Công nghệ số tạo ra những nghề mới. Học viện phải tập trung vào những ngành mới này, coi đây là sự khác biệt căn bản của Học viện.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng

Đào tạo nghề mới thì chú ý đến reskill (đào tạo lại), upskill (đào tạo nâng cấp).

Người Việt Nam học nhanh, nên reskill sẽ phù hợp. Lại linh hoạt. Nhu cầu reskill là rất cao khi xuất hiện một cuộc CMCN mới. Nên coi đây là thị trường lớn. Học viện sẽ là trường mạnh nhất về đào tạo reskill, upskill. Trước mắt có thể là reskill, upskill về thiết kế chip, công nghiệp bán dẫn.

Công nghệ số, CĐS là đặc điểm quan trọng nhất, đóng vai trò quan trọng nhất trong sự phát triển của nhân loại trong vòng 30 - 50 năm nữa.

Học viện có thuận lợi rất căn bản là nằm trong một bộ, một ngành về công nghệ số, CĐS. Học viện chưa tận dụng được lợi thế này. Chưa tận dụng được là vì Học viện vẫn nghĩ về mình như một ĐH bình thường, giống như hàng trăm ĐH khác.

Đào tạo về công nghệ số thì hợp tác ĐH và doanh nghiệp (DN) đóng vai trò quyết định.

DN công nghệ số của Việt Nam là gần 50.000, với gần 2 triệu lao động. Học viện phải có thông tin, mối quan hệ về nhu cầu nhân lực với các DN này. Cục Công nghiệp ICT đang xây dựng CSDL về các DN công nghệ số, đây cũng là cơ hội cho Học viện.

Học viện hợp tác với một số DN lớn, trong và ngoài nước, để hình thành các trung tâm đào tạo các nghề mới.

Đây là xu thế. Không còn cách nào tốt hơn để đào tạo nhanh, chất lượng, kiến thực cập nhật, có địa chỉ đầu ra, ra trường là có ngay kỹ năng làm việc. Hợp tác với DN là tận dụng được nguồn lực của các DN (học liệu, giảng viên, cơ sở thí nghiệm, thực hành, ...). Rất nhiều ĐH của các nước khác đã làm tốt mô hình này. Học viện có thể học hỏi, làm theo.

Học viện hợp tác với một số DN lớn, trong và ngoài nước, để hình thành các trung tâm đào tạo các nghề mới.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng

ĐH hiện đại thì cũng đi theo các mô hình đào tạo mới, mô hình kinh doanh mới.

Thí dụ, đào tạo theo nhu cầu của DN và DN phải trả tiền cho ĐH. Đổi mới sáng tạo (ĐMST) trong việc sáng tạo các mô hình đào tạo mới, mô hình hợp tác mới là một ĐMST quan trọng của ĐH. Học viện phải dành sự quan tâm thoả đáng cho những đổi mới này.

Hạ tầng quan trọng của đại học là các cơ sở nghiên cứu.

Học viện chú trọng đầu tư các hạ tầng này. Phòng thí nghiệm hiện đại là thỏi nam châm hút nghiên cứu về Học viện. Trong lúc chưa đầu tư được ngay thì có thể ký kết hợp tác để sử dụng các cơ sở hạ tầng nghiên cứu của các DN. Nhận các đặt hàng nghiên cứu của các DN, nhất là và đặc biệt các nghiên cứu dài hạn, cơ bản, vì DN yếu hơn đại học ở chỗ này.

Tại sao hợp tác quốc tế lại quan trọng với một ĐH?

Vừa qua, Bộ đã quyết định cử đồng chí Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế vào Hội đồng trường. Đào tạo ĐH có tính toàn cầu, rất nhiều giá trị toàn cầu. ĐH có tính tự chủ cao và vì vậy càng cần hợp tác, càng cần học hỏi nhau. Chưa có một ĐH uy tín nào mà yếu về hợp tác quốc tế. Học viện Công nghệ BCVT cũng có thể lấy mở rộng hợp tác quốc tế làm một điểm khác biệt, một điểm mạnh của mình. Bộ TT&TT ủng hộ các đồng chí về mở rộng hợp tác quốc tế, nhưng chú ý vẫn phải dựa trên tính hiệu quả.

a58i2764.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, lãnh đạo Học viện với các sinh viên quốc tế đang theo học tại Học viện

Học viện phải vận hành như một DN.

Phải đưa quản trị DN vào Học viện. Quản trị hiệu quả nhất là quản trị của DN. Càng lớn ra, càng to ra thì quản trị phải càng tốt. Tư duy phải như DN. Trước mắt là đưa các hệ thống quản trị DN vào Học viện, có thể dùng các phần mềm quản trị doanh nghiệp trong Học viện.

sinh-vien.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Thứ trưởng Phan Tâm, lãnh đạo Học viện với các sinh viên đang theo học tại Học viện

Về vấn đề đạo đức trong ĐH.

Vừa qua, một số các trường ĐH của Mỹ vướng vào vấn đề đạo đức của lãnh đạo, làm mất uy tín của đại học. Học viện cũng nên rút ra bài học từ đây. Chú ý để không xảy ra những việc đáng tiếc. ĐH vẫn luôn là môi trường trong sạch, lành mạnh. Giáo viên, lãnh đạo đại học vẫn là những tấm gương đạo đức cho sinh viên, cho xã hội.

Xin chúc cho Học viện tìm ra con đường và kiên định đi con đường đó, kiên định xuyên suốt qua các thế hệ. Làm việc với sự đam mê lớn. Muốn được như vậy thì phải có khát vọng lớn. Khát vọng về ĐH số 1 về công nghệ số. Khát vọng về ĐH trăm năm, nhiều trăm năm./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Háo hức khám phá di tích lịch sử theo một cách mới
    Ứng dụng công nghệ số giúp nhiều du khách gia tăng trải nghiệm thú vị khi tới thăm các di tích lịch sử như Địa đạo Củ Chi, Dinh Độc Lập…
  • Làm gì để phát triển tài năng chuyển đổi?
    Partha Srinivasa, Giám đốc CNTT (CIO) của nhà cung cấp bảo hiểm tài sản và tai nạn Erie có trụ sở tại Pennsylvania, Mỹ đã chia sẻ về cách tiếp cận của ông trong việc xây dựng đội ngũ nhân viên có tinh thần chuyển đổi.
  • Báo chí ở mặt trận Điện Biên Phủ
    Chiến dịch Điện Biên Phủ là cuộc “hội quân” của cả nước. Trong cuộc “hội quân” lịch sử đó có sự tham gia và đóng góp không nhỏ của “đội quân báo chí”.
  • Những ấn phẩm đặc biệt kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ
    Bộ ấn phẩm kỉ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ do Nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng ấn hành, góp phần nhắc nhớ thế hệ trẻ về một thời hoa lửa, tự hào về khí phách Việt Nam, biết ơn các thế hệ cha anh đi trước, và trân trọng nền hòa bình mà chúng ta đang sống hôm nay.
  • Bưu điện Việt Nam - Khẳng định thương hiệu quốc gia
    Trên hành trình dài của mình, thương hiệu Bưu điện Việt Nam (BĐVN) khẳng định vai trò là một doanh nghiệp (DN) phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực bưu chính, trở thành biểu tượng tin cậy của khách hàng, người dân và xã hội và được sự công nhận của Chính phủ và chính quyền các cấp.
Đừng bỏ lỡ
Khát vọng về Đại học số 1 về công nghệ số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO