Góc nhìn mới của báo chí giải pháp trong phát triển bền vững
Báo chí giải pháp giúp truyền tải các câu chuyện phát triển bền vững một cách đa chiều.
Khi các vấn đề về biến đổi khí hậu, suy giảm đa dạng sinh học, quản lý chất thải và phát triển đô thị ngày càng trở nên phổ biến trên các phương tiện truyền thông Việt Nam, kéo theo sự lo lắng về khí hậu và sự bi quan về tương lai.
Do vậy, giải pháp làm thế nào có thể tập trung sự chú ý của công chúng vào các giải pháp và chủ động tiếp cận?
Chia sẻ tại hội thảo chuyên đề Báo chí giải pháp trong phát triển bền vững do Viện Goethe Hà Nội tổ chức ngày 24/5/2024, diễn giả Nhung Nguyễn, nhà báo với 10 năm kinh nghiệm, chuyên viết về đề tài biến đổi khí hậu và bất bình đẳng cho biết, báo chí giải pháp là cách đưa tin về các nỗ lực đang được thực hiện để giải quyết các vấn đề xã hội. Trong báo chí giải pháp, các nhà báo đưa tin về các vấn đề và giải pháp đang diễn ra một cách chặt chẽ, dựa vào bằng chứng, mà không ca tụng chúng.
Báo chí giải pháp có thể được nhìn nhận là những bài điều tra về giải pháp, được thực hiện với tiêu chuẩn báo chí cao nhất là thực hiện đầy đủ các thao tác, nguyên tắc như khi làm báo chí vấn đề, với các câu chuyện, nhân vật, bằng chứng, dữ liệu, nhận định chuyên gia và phản biện đa chiều...
"Nếu báo chí tập trung về vấn đề thường xoay quanh các câu hỏi như ai, cái gì, vì sao, khi nào, ở đâu, bằng cách nào, báo chí giải pháp đặt thêm một câu hỏi khác: What's next - rồi sao? Chuyện gì xảy ra tiếp theo sau những vấn đề đó?", nhà báo Nhung Nguyễn đặt vấn đề.
Với nhiều năm kinh nghiệm đưa tin các dự án dài hạn về các vấn đề bền vững tại Việt Nam, với vai trò biên tập viên, nhà báo và cố vấn truyền thông và quản lý tại các Báo Lao Động, VnExpress và VTVCab, nhà báo Đinh Đức Hoàng, thông qua các bài viết của mình bày tỏ mối quan tâm đến các vấn đề xã hội, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến các nhóm người nghèo và thiệt thòi.
Năm 2020, nhà báo Đinh Đức Hoàng cùng các cộng sự xây dựng NICE - Mạng lưới các sáng kiến phát triển cộng đồng, với mục tiêu hỗ trợ các sáng kiến xã hội thông qua kết nối truyền thông.
Với vai trò Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Thông tin UNESCO hiện nay, nhà báo Đinh Đức Hoàng chia sẻ, một sự thay đổi toàn cầu trong báo chí tập trung vào cách mọi người đang cố gắng giải quyết vấn đề và những gì chúng ta có thể học hỏi từ những thành công và thất bại của họ.
Góc nhìn của đạo diễn phim tài liệu Nguyễn Tài Văn (Ban Khoa giáo - Đài Truyền hình Việt Nam) cho rằng, việc đưa tin tận tâm, đưa cho khán giả một cái nhìn công tâm và tổng quan nhất về các giải pháp phát triển bền vững trong xã hội là điều rất cần thiết.
Hội thảo chuyên đề có sự tham gia của nhiều tổ chức. Việc lắng ghe, tương tác, chia sẻ cùng các diễn giả tại hội thảo giúp các tổ chức hiểu rõ hơn về hoạt động tác nghiệp của các nhà báo và cơ quan báo chí. Từ đó, thúc đẩy hoạt động phối hợp, chia sẻ, cung cấp thông tin để đồng hành cùng các nhà báo và cơ quan báo chí trong việc tuyên truyền, thúc đẩy các giải pháp phát triển bền vững ở nhiều lĩnh vực như: Đa dạng sinh học, môi trường sinh thái bền vững, quyền trẻ em, bình đẳng giới, đa dạng văn hóa phát triển, lan tỏa những câu chuyện nhân văn trong cuộc sống...
Hội thảo Báo chí giải pháp trong phát triển bền vững là một phần trong sáng kiến thường niên Sản xuất phim tài liệu về phát triển bền vững năm 2023 - 2024 do Viện Goethe Hà Nội (tổ chức văn hoá của Cộng hoà liên bang Đức, hoạt động trên phạm vi toàn thế giới) tổ chức, phối hợp với 3 tổ chức xã hội dân sự (CSO): GreenViet, GreenHub và Think Playgrounds./.