Góc nhìn từ người trong cuộc

Nhóm PV (thực hiện)| 17/06/2021 15:52
Theo dõi ICTVietnam trên

Việc hiện thực hóa câu chuyện chuyển đổi số (CĐS) báo chí còn gặp không ít khó khăn từ nhận thức, hành động cho tới nguồn lực và cách làm. Vậy, những người trong cuộc - lãnh đạo các cơ quan báo chí, các PV, BTV, TKTS của các CQBC nhìn nhận như thế nào về vấn đề này

Góc nhìn từ người trong cuộc - Ảnh 1.

Nhà báo Trần Tiến Duẩn

Nhà báo Trần Tiến Duẩn - Tổng Biên tập Báo điện tử VietnamPlus

CĐS tạo ra trải nghiệm giá trị cho công chúng báo chí

CĐS là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số. Bốn công nghệ số tiêu biểu thúc đẩy CĐS là trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, điện toán đám mây, dữ liệu lớn… Những công nghệ số này đã và đang tạo ra môi trường cho báo chí phát triển theo các xu hướng báo chí: Cá nhân hóa nội dung; Đa nền tảng; Báo chí di động; Báo chí xã hội; Báo chí dữ liệu; Báo chí sáng tạo; Siêu tác phẩm báo chí…

CĐS trong báo chí là việc sử dụng các công nghệ số để thay đổi mô hình tòa soạn từ quản trị nhân lực, sản xuất, tối ưu hóa dữ liệu, đến quy trình xuất bản, phân phối nội dung nhằm tạo một tòa soạn/tổ hợp báo chí hội tụ đa phương tiện, kết nối thuận tiện với độc giả. Quá trình CĐS đòi hỏi các tòa soạn/tổ hợp báo chí phải lấy hoạt động xuất bản số làm trung tâm, tái kết cấu phân chia nhiệm vụ của các nhân sự cho phù hợp, tạo sự thống nhất giữa các bộ phận xuất bản từ text, ảnh, phát thanh, truyền hình, đồ họa… Việc hội tụ thể hiện cả về kết cấu sắp xếp vị trí chỗ ngồi, đến phân cấp phân quyền lãnh đạo các đơn vị, cấp phòng, cho đến thiết lập các nền tảng quản trị nội dung hội tụ. 

Trong công cuộc CĐS, Bộ Thông tin và Truyền thông đang đặt mục tiêu, tỉ lệ CĐS cơ quan báo chí, phát thanh truyền hình hoạt động theo mô hình tòa soạn hội tụ, cơ quan truyền thông đa phương tiện năm 2021 là 75%, năm 2025 đạt 90%. 

Hiện nay, rất nhiều cơ quan báo chí đã CĐS khá thành công, trở thành các đơn vị báo chí đa phương tiện hiện đại như: TTXVN, VOV, VTV, hay VietnamPlus, VnExpress, Zing… Một số báo chí địa phương cũng đã bước đầu có sự thay đổi như: Hà Nội Mới, Sài Gòn Giải Phóng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Bắc Ninh, Tuyên Quang… Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có nhiều đơn vị báo chí nhất là báo ngành, báo địa phương chậm CĐS vì nhiều lý do khác nhau, trong đó khâu khó khăn nhất là hạ tầng kỹ thuật và nhân sự. 

Lấy thí dụ, TTXVN đã nhận rõ tầm quan trọng của CĐS và bắt đầu triển khai từ rất sớm. Từ hơn 10 năm trước, trong sản xuất, khai thác thông tin, TTXVN đã đẩy mạnh việc sử dụng kho dữ liệu số hóa, ứng dụng các phần mềm để nâng cao tốc độ biên tập, sản xuất tin, bài, dễ dàng tác nghiệp từ xa hay đầu tư sản xuất các loại hình đa phương tiện. Các nền tảng tác nghiệp CMS, NPS được xây dựng và dần hoàn thiện, giúp đẩy nhanh, tạo sự thống nhất và thông suốt cho quy trình sản xuất thông tin. Các đơn vị sản xuất tin đồ họa, tin truyền hình đã ứng dụng phần mềm trực tuyến và các nền tảng công nghệ ảo hóa, điện toán đám mây giúp phóng viên, biên tập viên dễ dàng xử lý thông tin mọi lúc, mọi nơi. 

Các ứng dụng AI, Big Data, IoT bước đầu được triển khai để tạo ra các sản phẩm mới, cách tiếp cận thông tin hiện đại như: ứng dụng trả lời tự động (Chatbot) trên báo điện tử VietnamPlus, hay các sản phẩm báo chí dữ liệu, báo chí thị giác. Hiện nay, hàng loạt sản phẩm báo chí hiện đại, sử dụng trí tuệ nhân tạo đã và đang được nhiều đơn vị trong TTXVN triển khai, như podcast, speech-to-text, loa thông minh ra lệnh bằng Nhà báo TRẦN TIẾN DUẨN Tổng Biên tập Báo điện tử VietnamPlus Chuyển đổi số tạo ra trải nghiệm giá trị cho công chúng báo chí giọng nói, phân tích dữ liệu người dùng, gợi ý các nội dung yêu thích của người đọc theo dạng thư tòa soạn (newsletter) hay tin tuyển chọn từ ban biên tập (Editors Picks); hoặc việc tiếp tục các kênh thông tin trên mạng xã hội, các ứng dụng di động để tăng độ tương tác với bạn đọc…

Việc CĐS trong báo chí là điều tất yếu. Các đơn vị báo chí lớn, nhiều tòa soạn sẽ tiếp tục có xu hướng CĐS. Tôi nghĩ thay đổi trong tư duy, đầu tư vào nhân lực, đón đầu xu hướng mới của báo chí thế giới, chủ động CĐS đó là cách thức hay nhất để báo chí tồn tại và có doanh thu như thu phí báo điện tử chẳng hạn. Tất nhiên, CĐS nhưng vẫn có chỗ đứng cho báo in, với thông tin chất lượng, tuyến bài công phu và thiết kế thân thiện, hiện đại. 

Nhiệm vụ quan trọng của CĐS trong báo chí giai đoạn hiện nay là tăng cường ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ trong việc tự động hóa các quá trình sản xuất, sáng tạo ra các loại hình sản phẩm thông tin, các loại hình dịch vụ, kênh tiếp cận mới với độc giả. Đó là tiếp tục hoàn thiện mô hình sản xuất đa phương tiện tập trung để sớm xây dựng một mô hình truyền thông hội tụ toàn diện; xây dựng một "hệ sinh thái" kỹ thuật để phát triển thêm nhiều loại hình thông tin mới, nhiều kênh tiếp cận với công chúng, nhiều gói thông tin, giúp tòa soạn/tổ hợp báo chí chủ động, vững bước trên con đường phát triển và hội nhập với báo chí truyền thông hiện đại thế giới.

Góc nhìn từ người trong cuộc - Ảnh 2.

Nhà báo Phạm Hữu Quang

Nhà báo Phạm Hữu Quang - Phó Tổng Biên tập Tạp chí Ngày Nay

Chuyển đổi số giải phóng các toà soạn khỏi những công việc vụn vặt hàng ngày và cho chúng ta thêm nhiều thời gian để sáng tạo

Theo số liệu của We Are Social trong báo cáo mới nhất công bố tháng 1/2021, Việt Nam có 97,8 triệu dân; số lượng thuê bao di động là 154,4 triệu thuê bao (tăng 1,3 triệu trong khoảng thời gian từ 1/2020 đến tháng 1/2021); số lượng người dùng Internet là 68,72 triệu thuê bao (tăng hơn 550 ngàn người trong khoảng thời gian từ 1/2020 đến tháng 1/2021); số lượng người dùng mạng xã hội là 72 triệu người, tương đương 73,7% tổng dân số (tăng 7 triệu người trong khoảng thời gian từ 1/2020 đến tháng 1/2021). Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ đã làm cho người dùng thay đổi thói quen, thay đổi cách thức và xu hướng tiếp cận thông tin.

Điều này cũng đòi hỏi báo chí phải chuyển mình, phải thay đổi để có được bạn đọc, có được công chúng. Và cách để chuyển mình, để thay đổi, không thể khác được chính là sử dụng công nghệ nhiều hơn. Thực tế cho thấy, công nghệ chính là điểm mạnh hơn của mạng xã hội so với báo chí. 

Cá nhân tôi cho rằng, việc sử dụng công nghệ mới sẽ tạo ra những giá trị mới cho báo chí và cho công chúng. Công nghệ mới giúp chúng ta lưu trữ, tìm kiếm, tổng hợp, phân tích, hệ thống… và chuyển hoá toàn bộ những tính năng đó thành giá trị mới cho báo chí, cho công chúng; giải phóng các toà soạn khỏi những công việc vụn vặt hàng ngày và cho chúng ta thêm nhiều thời gian để sáng tạo. 

Tiếp đó, nói về CĐS trong báo chí, không thể không nói đến nền kinh tế số. Nền kinh tế số là nền kinh tế dựa trên công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), chẳng hạn như Internet, điện thoại thông minh, mạng di động và không dây, mạng cáp quang, Internet vạn vật (IoT), lưu trữ dữ liệu lớn và điện toán đám mây, chia sẻ dịch vụ, ứng dụng và tiền điện tử (mobile money). Quy mô và tác động của nền kinh tế số được thúc đẩy bởi việc mọi người áp dụng những công nghệ này. Chuyển đổi số trong báo chí không nằm ngoài sự phát triển của nền kinh tế số. 

Trong công cuộc CĐS, sứ mệnh của báo chí luôn phải là kiên định bảo vệ cái gốc, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, của quốc gia. Chuyển đổi số là để đi xa, là để phát triển, nhưng càng phát triển thì báo chí càng phải kiên định vững vàng; chủ động, tích cực đấu tranh phản bác thông tin xấu độc, làm trong sạch, lành mạnh không gian mạng; thể hiện dòng chảy chính của xã hội, tạo niềm tin xã hội. Bên cạnh đó, báo chí còn phải có tính tiên phong, dám nghĩ dám làm, đặc biệt với việc áp dụng các công nghệ mới. Chỉ có đi đầu về cái mới thì mới có cơ hội vươn lên bứt phá và phát triển. Chúng ta đã từng chứng kiến các cơ quan báo chí mạnh, có số lượng bản in rất lớn, vật vã chuyển mình khi chuyển sang làm báo điện tử. Và thực tế hiện nay cho thấy, những tờ báo điện tử có nhiều người đọc nhất ở Việt Nam lại là những cơ quan báo chí còn non trẻ, có sự gắn kết với công nghệ một cách chặt chẽ, bài bản. Và tôi cho rằng, tới đây, các báo điện tử sẽ lại phải rất khó khăn để chuyển đổi sang việc thu phí đọc báo trực tuyến. 

Phải thừa nhận, có những ưu điểm công nghệ số mang lại mà báo chí ở Việt Nam chưa tận dụng được, hoặc làm không tốt bằng mạng xã hội hay thậm chí cả các trang thương mại điện tử, như việc tập hợp dữ liệu người dùng, tập hợp dữ liệu thông tin…, từ đó cung cấp cho công chúng các nội dung phù hợp với sở thích, mong muốn, thói quen… Tới đây, với sự phát triển mạnh mẽ của Internet vạn vật (IoT), lưu trữ dữ liệu lớn... tôi tin rằng báo chí Việt Nam sẽ có sự đột phá để phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng.

Góc nhìn từ người trong cuộc - Ảnh 3.

Nhà báo Nguyễn Lan Anh

Nhà báo Nguyễn lan Anh - Tổng Biên tập Thời báo Ngân hàng

Chúng tôi vẫn đang chuyển đổi và chưa dừng lại, chúng tôi cần thêm thời gian để chuyển đổi số thành công

Với báo chí, CĐS là một khái niệm khá mới. Nếu chúng ta nhìn lại hơn 20 năm trước, tác nghiệp báo chí không có máy tính thì ảnh phải in ra, bài viết bằng tay rồi qua khâu sắp chữ… thì khi có máy fax, bài viết đã có thể nhanh chóng gửi về từ xa, khi có máy tính và Internet thì công việc làm báo còn thuận lợi hơn nữa: viết trên máy, biên tập trên máy, dàn trang trên máy… Đến sự phát triển của báo điện tử thì sự tiến bộ còn vượt lên hơn nữa, với quy trình xuất bản gọn nhẹ hơn, thông tin nhanh đến với bạn đọc hơn. Đó không đơn thuần là việc số hóa công việc báo chí, mà nó khiến các tờ báo chuyển đổi sang mô hình số hóa: Tòa soạn hội tụ - mô hình chuyển đổi mang tính tổng thể đối với hoạt động báo chí, từ khâu chỉ đạo điều hành đến xử lý công việc, khâu quản lý từ lãnh đạo đến từng cán bộ, phóng viên đều nằm trong một quy trình được số hóa. Không những thế, CĐS trong báo chí còn tác động đến bạn đọc của tờ báo, khi mỗi tờ báo đều mong muốn cung cấp nhiều tiện ích hơn cho bạn đọc của mình, từ thông tin thị trường cập nhật đến các công cụ để tra cứu (chứng khoán, vàng, lãi suất, tỷ giá…). 

CĐS theo nghĩa tổng quát là vận dụng lợi thế của kỹ thuật công nghệ vào hoạt động thì có thể thấy ở mọi khía cạnh của cuộc sống ngày nay. Với báo chí, việc này đã được triển khai từ khá sớm. Làn sóng đầu tiên và thay đổi trong viết bài và dàn trang, in ấn. Tiếp theo là làn sóng phát triển báo điện tử. Gần đây là tòa soạn hội tụ và sản phẩm đa phương tiện. 

Báo chí đã đi qua hai làn sóng đầu tiên một cách khá cập nhật so với các ngành kinh tế khác. Có thể cho rằng, đa số lãnh đạo các tờ báo đều hiểu được giá trị của công nghệ, để đưa kỹ thuật công nghệ đi vào hoạt động báo chí, vừa để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của bạn đọc, vừa để cạnh tranh lành mạnh với nhau, vừa để tồn tại và cũng để phát triển theo kịp thời đại. 

Tuy nhiên, ở làn sóng tòa soạn hội tụ thứ ba này thì theo tôi thấy chưa có nhiều tòa soạn thực hiện hoàn chỉnh. Một số tòa soạn đã tổ chức các hạ tầng cho họp trực tuyến hay nhận và duyệt bài. Một số khác thì thậm chí đã tổ chức không gian làm việc theo mô hình tòa soạn hội tụ. Nhưng về cơ bản, các vấn đề khác vẫn chưa theo kịp với báo chí nước ngoài. Ví dụ như dữ liệu còn yếu, hay các quy trình phân công, phân nhiệm và làm việc nhóm để xử lý các sự kiện nóng còn chưa bài bản. 

Việc CĐS của báo chí, vì như đã nói, đó là vấn đề của tồn tại và phát triển, vấn đề sống còn với báo chí. Tuy nhiên, để CĐS thành công trong lĩnh vực báo chí thì còn cần thêm nhiều thời gian. Chúng ta cần thời gian để đầu tư, và cả tài chính đủ đề đầu tư cho kỹ thuật công nghệ. Chúng ta cũng cần thời gian để từng cán bộ, phóng viên tiếp cận được cái mới, sử dụng thành thạo và am hiểu các vấn đề kỹ thuật. Chúng ta cần thời gian để hiệu chỉnh, mở rộng CĐS ra mọi hoạt động. Tôi cho rằng quá trình này sẽ phải mất ít nhất từ 3 đến 5 năm nữa. Và khi đó, tương lai của báo chí là sẽ đáp ứng nhu cầu người đọc tốt hơn, tham gia mạnh mẽ hơn vào xã hội thông tin. Công việc làm báo cũng sẽ thay đổi, theo cách thức chuyên nghiệp hơn. 

Tại Thời báo Ngân hàng, với khâu tổ chức chúng tôi phân chia theo mô hình hội tụ, từ phóng viên đến các nhóm, đến các Ban, rồi đến Ban Biên tập. Quá trình làm việc theo mô hình như vậy đảm bảo các khâu kiểm soát được chặt chẽ, phân chia trách nhiệm và phần việc theo từng bộ phận. Về công nghệ, chúng tôi đã đưa phòng họp trực tuyến vào hoạt động từ 5 năm trước. Với công việc hàng ngày, chúng tôi có công cụ để trao đổi online thường xuyên và liên tục. Cơ chế duyệt đề tài, giao đề tài được thực hiện qua các công cụ trực tuyến đó đảm bảo được tính thời gian, chỉ đạo và lĩnh hội kịp thời, xử lý được các phát sinh. 

Với 02 ấn phẩm báo điện tử, chúng tôi xây dựng giao diện bắt mắt, đáp ứng được đa dạng các hình thức thể hiện, cho phép đính kèm nhiều tiện ích phục vụ bạn đọc. Việc nhận và duyệt bài được phân cấp để đảm bảo kiểm soát nội dung tốt, đồng thời hỗ trợ ngược lại cho người viết khi cần. Theo trào lưu mới, Thời báo Ngân hàng tập trung hơn vào mảng video hướng dẫn dịch vụ ngân hàng, Infographic cảnh báo giao dịch… Chúng tôi cũng đã sử dụng dữ liệu lớn cho các bài cần phân tích dữ kiện thị trường, sử dụng trí tuệ nhân tạo trong việc đọc các bản tin. 

Tuy nhiên, chúng tôi cũng tự nhận thấy quá trình CĐS đối với Thời báo Ngân hàng vẫn còn một chặng đường dài. Như đã nói, đó vừa là các yêu cầu về đầu tư, vừa là khả năng ứng dụng và sử dụng tiến bộ của công nghệ trong toàn tòa soạn, đồng thời còn cần những điều chỉnh trên bước đường đó. Việc ứng dụng kỹ thuật công nghệ vào hoạt động báo chí đương nhiên có ảnh hưởng đến quá trình tác nghiệp. Chẳng hạn như với báo điện tử, phóng viên từ hiện trường có thể chụp ảnh bằng điện thoại thông minh, viết bài trên điện thoại và gửi về tòa soạn, bao gồm cả ảnh và nội dung. Một bài viết thực hiện theo cách thức như vậy có thể được đăng tải rất nhanh. Nhưng không nhất thiết bài viết nào cũng phải được viết như vậy. Với những bài cần tìm hiểu qua nhiều nguồn tin thì bài viết vẫn được thực hiện trên máy tính là chủ yếu. Công tác biên tập và duyệt bài cũng vậy, hoàn toàn có thể sử dụng điện thoại thông minh để thực hiện. 

Khi đó nó cũng ảnh hưởng đến khách hàng quảng cáo của tờ báo, khi việc tiếp xúc trực tiếp giảm đi và mọi vấn đề có thể xử lý trên môi trường Internet; sản phẩm quảng cáo đa dạng hơn, từ banner đến video, tài trợ chuyên mục, dẫn đường link đến trang của doanh nghiệp hay pop-up… Thậm chí, khách hàng quảng cáo còn có thể thỏa thuận để tính tiền theo click trên sản phẩm quảng cáo của mình.

Có thể nói, CĐS trong báo chí tác động khá toàn diện đến mọi mặt của hoạt động báo chí, khi phát triển và hoàn thiện tọa soạn hội tụ, với bộ máy vận hành nhuần nhuyễn hơn thì năng suất lao động sẽ tăng, chất lượng sản phẩm báo chí được cải thiện và qua đó sẽ tăng được nguồn thu, từ đó có điều kiện cải thiện đời sống cho cán bộ, phóng viên. 

Hiện nay, đội ngũ nhân lực của Thời báo Ngân hàng đã cơ bản thực hiện nhuần nhuyễn từng bước công việc báo chí. Nhưng chúng tôi vẫn đang chuyển đổi và chưa dừng lại, nên như đã nói ở trên, đối với vấn đề công nghệ và con người trong CĐS, chúng tôi vẫn cần thêm thời gian để hoàn thiện công nghệ và làm chủ công nghệ.

Góc nhìn từ người trong cuộc - Ảnh 4.

Nhà báo Nguyễn Trung Thu

Nhà báo Nguyễn Trung Thu - Tổng Biên tập Báo Hà Giang 

Chuyển đổi số tạo ra phương thức làm việc mới theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, thay đổi tư duy Lãnh đạo và Tòa soạn Báo Hà Giang 

Là một tờ báo ở một tỉnh biên giới, cực Bắc của Tổ quốc, còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng chúng tôi cho rằng báo chí cần là một trong những lĩnh vực đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ số để có những thay đổi về phương thức tổ chức và hiệu quả hoạt động. 

Hiện nay, cơ quan báo Hà Giang đang sử dụng: Phần mềm quản lý, điều hành văn bản VNPT – ioffice 4.0 và phần mềm Tòa soạn điện tử hội tụ, được thiết kế, xây dựng trên nền tảng công nghệ Microsoft theo yêu cầu đặt hàng của cơ quan, gồm 4 modul chính: Quản trị hệ thống; Quản lý biên tập; Thư viện lưu trữ; Quản lý nhuận bút. 

Với những ứng dụng như vậy, có thể nói Báo Hà Giang đang có những bước đi ban đầu trong thực hiện CĐS tuy còn rất nhiều việc phải làm. Song, những bước đi ban đầu này đang tạo ra một phương thức làm việc mới, tiết kiệm thời gian hơn, nhanh hơn và chính xác hơn, giúp cho quá trình tác nghiệp của phóng viên, biên tập viên được thuận lợi và chuyên nghiệp, hiệu quả công việc gia tăng, tin, bài, ảnh được sản xuất nhanh chóng hơn… từ đó nhuận bút của phóng viên cũng tăng lên… Không chỉ vậy, chính những ưu việt của khoa học công nghệ đã làm thay đổi tư duy của lãnh đạo báo và toà soạn, từ đó giúp thay đổi tác phong báo chí theo hướng hiện đại, khoa học. 

Về việc thực hiện theo qui trình của toà soạn: Từ định hướng chung theo kế hoạch xuất bản, phóng viên viết tin, bài, chụp ảnh… chuyển về "kho" của tòa soạn; sau đó các biên tập viên xử lý theo hai kênh: biên tập viên báo in sẽ lấy từ "kho" để biên tập cho báo in theo từng số xuất bản, chuyển Thư ký Tòa soạn tổ chức sắp xếp, chuyển họa sỹ maket rồi chuyển Tổng Biên tập (hoặc các Phó Tổng Biên tập được phân công) duyệt; nếu có chỉnh sửa sẽ quay lại Thư ký Tòa soạn, họa sỹ rồi chuyển lại duyệt xuất bản. Biên tập viên Báo điện tử sẽ biên tập cho Báo điện tử, chuyển phụ trách Báo điện tử xem xét đẩy vào các mục cần xuất bản rồi đẩy đến Ban Biên tập (người duyệt xuất bản)… Thông qua phần mềm này giúp quản lý phóng viên (trên cơ sở số lượng, chất lượng tin, bài, ảnh) và quản lý nhuận bút một cách dễ dàng, khoa học… 

Thuận lợi nhất là hiện nay là toàn bộ tòa soạn có thể không làm việc tại trụ sở nhưng báo vẫn được xuất bản bình thường, rất thích hợp trong điều kiện vừa làm việc, vừa phòng chống dịch COVID-19. 

Hiện tại, Báo Hà Giang chưa ứng dụng công nghệ thu phí bạn đọc (vì là tờ báo của Đảng bộ tỉnh, hoạt động bằng nguồn ngân sách cấp là chủ yếu và thuần túy phục vụ nhiệm vụ chính trị). 

Tôi tin tưởng vào quá trình CĐS nói chung và CĐS trong báo chí nói riêng sẽ đạt được những kết quả khả quan trong thời gian tới; nhận thức được quá trình CĐS đã và đang là một xu hướng tất yếu và tới đây nó sẽ diễn ra nhanh chóng trên mọi lĩnh vực. 

Đối với Báo Hà Giang, khó khăn lớn nhất hiện nay để CĐS toà soạn toàn diện là nguồn lực đầu tư. Còn các nguồn lực khác như nguồn lực nhân sự gồm: phóng viên, biên tập viên, nhân viên kỹ thuật luôn sẵn sàng cho quá trình CĐS với sức trẻ, sự năng động, nhiệt huyết, có khả năng nhanh chóng thích ứng với việc tiếp cận và ứng dụng những công nghệ mới. Hơn nữa, Ban biên tập luôn nhận thức rõ và có quyết tâm cao trong việc thay đổi phương thức làm việc theo hướng CĐS. 

Với sự nỗ lực, cố gắng của Lãnh đạo và toàn thể phóng viên, biên tập viên, nhân viên kỹ thuật của Toà soạn thời gian qua, hy vọng rằng, trong thời gian tới, Báo Hà Giang sẽ có bước chuyển mình mạnh mẽ, CĐS hiệu quả, hỗ trợ tích cực trong quá trình hoạt động, hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được cấp trên giao phó

Góc nhìn từ người trong cuộc - Ảnh 5.

Nhà báo Phạm Nguyễn Toan

Nhà báo Phạm Nguyễn Toan - Tổng biên tập Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (Reatimes) 

Trong công cuộc chuyển đổi số, báo chí buộc phải thay đổi

Cách mạng số phát triển đến đâu phải chạy đuổi theo để bắt kịp đến đó 

Cuộc CMCN 4.0 gắn với kinh tế số và CĐS đang diễn ra vô cùng mạnh mẽ trên toàn cầu. Báo chí cũng không thể nằm ngoài vòng xoáy của "cơn lũ cách mạng" này dù muốn hay không muốn. 

Cuộc CMCN 4.0 đã và đang vẽ lại bản đồ truyền thông toàn cầu, cả về chu trình sản xuất, phân phối, lan truyền thông tin cho đến hoạt động kinh tế báo chí. Hầu hết các xu hướng báo chí - truyền thông thế giới của hiện tại và tương lai như: Cá nhân hóa nội dung (Content personalization), báo chí di động (Mobile Media, Mobile Journalism), đa nền tảng (Multi-platform), báo chí xã hội (Social Media, Social Journalism), báo chí dữ liệu (Data Journalism), file âm thanh trên mạng (Podcast), báo chí ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), báo chí kiểm chứng thông tin (Fake news and factchecking) hay báo chí đa nền tảng (Multi-platform)... đều gắn chặt với hoạt động CĐS. 

"Nói như các nhà quản trị là "cần chủ động thay đổi trước khi buộc phải thay đổi" nhưng cho đến lúc này, trong công cuộc CĐS, báo chí chúng ta đã ở vế thứ hai, tức là "buộc phải thay đổi". 

Vậy CĐS trong báo chí là gì? Cũng giống như công cuộc CĐS ở tất cả ngành nghề khác, công cuộc CĐS ngành báo chí - truyền thông không đơn giản là đưa những bài báo chúng ta viết lên mạng Internet một cách thuần vật lý, mà đó phải là hoạt động ứng dụng tất cả những gì có thể và phù hợp từ thành quả của cuộc cách mạng công nghệ vào từng hoạt động mang tính cốt lõi của một tòa soạn và cả nền báo chí, nhằm mang lại những trải nghiệm tốt nhất cho độc giả cũng như sự phát triển của mình. 

Và chúng ta (báo chí Việt Nam) đang đứng ở đâu trong tiến trình này? Theo quan sát của tôi, có lẽ, chúng ta mới đang chỉ ở đoạn 0.4 của công cuộc 4.0 mà thôi! Nhận thức về việc "buộc phải chuyển đổi" là đã có, nhưng chuyển đổi thế nào, chuyển đổi từ đâu, lấy gì để chuyển đổi… tất cả vẫn đang là những câu hỏi. 

Tuy nhiên, CĐS của báo chí Việt Nam là sự chuyển đổi tất yếu. Thế giới số, kinh tế số mà báo chí… không số thì "chơi" với ai?". Với cá nhân tôi, niềm tin thì có nhưng sự tự tin thì thú thực là chưa. Chúng ta đang "chân dép lốp" nhưng buộc phải "bước lên tàu vũ trụ". 

Khó khăn cho công cuộc này còn nhiều lắm! Lý thuyết và quyết tâm chuyển đổi thì đã có nhưng phương pháp và cơ chế cho chuyển đổi đang là cả một vấn đề. Kể cả chưa nói đến năng lực chuyển đổi của mỗi tòa soạn thì thị phần dành cho chuyển đổi cũng đang bóp nghẹt chúng ta. 

Đơn cử một vấn đề thôi. Trong quá trình chuyển đổi hiện nay, chúng ta vấp phải hòn đá tảng quá lớn là nền báo chí truyền thông thế giới (trong đó có Việt Nam) phụ thuộc vào một vài mạng xã hội lớn. Họ vừa đá bóng vừa thổi còi trong cuộc chơi này. 

Hiện nay, thị phần quảng cáo trực tuyến ở Việt Nam có tỷ lệ khoảng 70/30, trong đó gần 70% thị phần thuộc về công ty nước ngoài như Facebook, Google... Chỉ trong 10 năm trở lại đây, các cơ quan báo chí mất khoảng 50% thị phần quảng cáo. Đây là thách thức rất lớn đối với sự tồn tại của báo chí trong nước. Vậy chúng ta phải hợp tác hay đấu tranh với họ; hay là "vừa hợp tác vừa đấu tranh"? 

Vậy, trong bao lâu nữa báo chí có thể CĐS được? Đây là một quá trình… không có hồi kết. Cách mạng số phát triển đến đâu thì buộc chúng ta phải cố mà chạy đuổi theo để bắt kịp thôi. Còn tương lai của CĐS trong báo chí nói chung thế nào thì có lẽ tôi không tưởng tượng được. Nhưng tôi lại tưởng tượng được rằng sẽ có rất nhiều các cơ quan báo chí sẽ không đủ sức tham gia trò đuổi bắt này, không loại trừ cả chúng tôi. Mà không theo kịp thì tất nhiên là bị loại. 

Reatimes xác định mô hình một Tạp chí điện tử chuyên ngành đa phương tiện 

Công tác CĐS và việc chuyển đổi có ảnh hưởng thế nào đến hoạt động tòa soạn của Reatimes. Nếu tính mặt bằng CĐS ở Việt Nam là 0.4 của thời đại 4.0 thì chúng tôi đang ở khoảng 0.1! Tuy nhiên, cũng xin chia sẻ vài điều, cơ bản là cho "thì tương lai". 

Ngay từ khi thành lập, cách đây gần 5 năm, Reatimes đã xác định xây dựng một mô hình Tạp chí điện tử chuyên ngành đa phương tiện. Xây dựng tòa soạn hội tụ lấy hoạt động xuất bản số làm trung tâm đồng thời tối ưu hóa và gia tăng giá trị nội dung thông qua các sản phẩm đặc san (in) và các hoạt động sự kiện sau báo (sự kiện, hội thảo, tọa đàm...) trong đó ưu tiên hình thức trực tuyến. 

Trong việc phát triển nội dung, Reatimes ưu tiên phát triển các nền tảng nội dung báo chí chất lượng cao: bài báo long-form, video, podcast... đặt trên các nền tảng công nghệ hiện đại, mang lại cho người đọc trải nghiệm số hiệu quả. Đặc biệt, với thế mạnh chuyên ngành và có viện nghiên cứu trực thuộc Tạp chí, Reatimes hướng tới việc sản xuất báo chí dữ liệu (dưới dạng các bài nghiên cứu, đánh giá, khảo sát thị trường; đề xuất các ý tưởng, sáng kiến, mô hình mới cho thị trường bất động sản…) để cung cấp cho nhóm khách hàng cao cấp, chuyên biệt (là các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong lĩnh vực bất động sản) và có thu phí. Reatimes cũng tham gia làm dịch vụ cung cấp nội dung số phục vụ cho việc truyền thông bán hàng, xây dựng thương hiệu cho các doanh nghiệp. 

Đến cuối năm nay, Reatimes cũng sẽ hoàn thành giai đoạn 1 của kế hoạch xây dựng hệ sinh thái số của tòa soạn để bao phủ toàn bộ các lĩnh vực chuyên sâu của thị trường bất động sản (khoảng 10 trang) với đầy đủ các loại hình như trang tạp chí điện tử chính, các chuyên trang, cổng thông tin, trang thông tin điện tử và mạng xã hội. 

Để đẩy mạnh hoạt động kinh tế báo chí gắn với CĐS, Reatimes cũng đã và đang hình thành một doanh nghiệp phục vụ nhu cầu ứng dụng công nghệ của thị trường bất động sản và một website thương mại điện tử chuyên ngành. 

Bên cạnh đó, hoạt động quản trị của tòa soạn cũng được Reatimes nỗ lực để ứng dụng công nghệ ở mức cao nhất, hướng tới một tòa soạn không giấy và không khoảng cách. Chính vì vậy mà trong những ngày dịch COVID-19 đang hoành hành, dù hầu hết cán bộ nhân viên đều được làm việc online nhưng mọi hoạt động điều hành và xuất bản vẫn diễn ra trôi chảy, hiệu quả. 

Nói tóm lại, chúng tôi cũng như các đồng nghiệp đều hiểu rằng, CĐS vừa là thách thức, vừa là chìa khoá trong phát triển báo chí hiện nay, do đó cần phải lấy đó làm chiến lược trọng tâm. Tuy nhiên tất cả chúng ta sẽ còn phải nỗ lực rất nhiều.

Góc nhìn từ người trong cuộc - Ảnh 6.

Nhà báo Vũ Minh Việt trong một chuyến đi Trường Sa

Nhà báo Vũ Minh Việt - Phó Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam 

Không được "cho phép" lùi lại phía sau! Không chấp nhận lùi lại phía sau!

Cơ quan báo chí cần phải là những đơn vị tiên phong

Chuyển đổi số nói chung và CĐS trong báo chí nói riêng là vấn đề mới, khó, nhưng cũng không mới, không khó, có thể thực hiện thành công. Minh chứng là các cơ quan báo chí trên thế giới và một số cơ quan báo chí tiên phong ở nước ta như Thông tấn xã Việt Nam… đã thực hiện CĐS thành công và tạo ra những cơ hội phát triển, giá trị gia tăng lớn. 

Câu hỏi đặt ra ở đây là, vậy các cơ quan báo chí có muốn thực hiện CĐS không? Cá nhân tôi cho rằng, có 2 câu trả lời: Một là, cơ quan báo chí rất muốn. Hai là, cơ quan báo chí không muốn CĐS cũng không được. Dù lộ trình, khả năng, cách làm… khác nhau vì phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, nhưng cơ quan báo chí "buộc" phải thực hiện CĐS với các lý do sau: 

Trước tiên, CĐS trong báo chí không thể đứng ngoài bối cảnh chung của chiến lược phát triển quốc gia, CĐS quốc gia trong giai đoạn tới; không thể không đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ thông tin tuyên truyền của Đảng, Nhà nước giao; càng không thể "một mình một chợ", tách rời khỏi xu hướng phát triển của báo chí hiện đại của thế giới và Việt Nam. Và đặc biệt là không thể không đáp ứng nhu cầu, thị hiếu, cách tiếp cận thông tin của độc giả, khách hàng, đối tác quảng cáo trong thời kỳ cách mạng 4.0 nếu muốn phát triển. 

Với mục tiêu của Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 749/ QĐ-TTg, mỗi ngành, mỗi địa phương, mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cho đến các hợp tác xã, tổ chức nông dân và từng người dân, trong đó có các cơ quan báo chí không thể không thực hiện CĐS. Thậm chí, cơ quan báo chí cần phải là những đơn vị tiên phong trong CĐS để thực hiện vai trò định hướng, dẫn dắt của mình. 

Khó khăn là động lực để thúc đẩy thực hiện 

Trong 2 năm trở lại đây, chưa kể những khó khăn nội tại nhiều năm chưa được giải quyết như: Vẫn phải đóng thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, cơ chế đặt hàng chưa rõ ràng…; cơ quan báo chí phải chịu áp lực rất lớn về phát hành báo in liên tiếp sụt giảm do thị hiếu của đa số độc giả thay đổi, áp lực cạnh tranh thông tin và nguồn thu quảng cáo với mạng xã hội; các cơ quan báo chí còn chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh COVID-19, dẫn đến doanh thu sụt giảm, một số cơ quan loay hoay tìm đường đi, tương lai mờ dần... Trong hoàn cảnh vô vàn khó khăn đó, không ít cơ quan báo chí nhận ra rằng, đó chính là động lực để thúc đẩy thực hiện CĐS. Chuyển đổi số để tồn tại, để tạo ra cơ hội phát triển hay không CĐS để ở lại phía sau? 

Rất mừng là, qua đồng nghiệp, tôi được biết nhiều cơ quan báo chí, dù có nguồn lực tài chính hay đang gặp khó khăn về tài chính cũng đã và đang tích cực CĐS ở mức độ khác nhau. 

Từ thực tiễn hoạt động báo chí, tôi cho rằng, CĐS trong báo chí khó mà dễ, cái khó ở đây chính là xác định mục tiêu, định hướng, chiến lược, kế hoạch phát triển ngắn hạn và dài hạn của cơ quan báo chí trong kỷ nguyên số. Đó cũng là lúc phải thay đổi tư duy, cách làm báo trên môi trường số, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để cơ quan báo chí có sự thống nhất về quan điểm, hành động, cách làm thực hiện được các giải pháp CĐS theo kế hoạch, chiến lược của mình, dần tạo ra những sản phấm báo chí, truyền thông đa phương tiện đáp ứng được yêu cầu thông tin tuyên truyền được giao và nhu cầu của độc giả được tạo ra từ quá trình CĐS. 

Tuy nhiên, nếu người đứng đầu, lãnh đạo cơ quan báo chí có tư duy đổi mới, quyết tâm CĐS thì cái khó đó cơ quan báo chí sẽ làm được. Và với áp lực, sức ép phải CĐS trong bối cảnh hiện nay cùng với quyết tâm của lãnh đạo, từng cá nhân của cơ quan báo chí thì quá trình CĐS sẽ diễn ra nhanh chóng. 

Cần có thêm những cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước 

Chuyển đổi số là một quá trình số hóa trong toàn bộ hoạt động của cơ quan báo chí, từ quá trình cơ cấu, tổ chức lại mô hình hoạt động, xây dựng tòa soạn đa phương tiện, hội tụ, quản trị nội bộ, quy trình xuất bản, đa dạng hóa nội dung hoạt động, ấn phẩm, sản phẩm, loại hình báo chí, trình bày nội dung, đánh giá, đo lường nhu cầu của độc giả, tương tác độc giả, phát triển khách hàng, ứng dụng công nghệ… Mỗi một nội dung đều có thể tạo ra được cơ hội, sinh ra được những giá trị. 

Vậy, tại sao không đẩy mạnh CĐS được? Câu trả lời là kinh phí ở đâu? Trong khi kinh phí thực hiện CĐS không hề nhỏ. Dù cơ quan báo chí có nguồn lực vô hình lớn (tư duy, khát vọng, niềm tin…) để thực hiện theo lộ trình, kế hoạch theo kiểu bước đến đâu tính đến đó thì vẫn phải có nguồn lực hữu hình là kinh phí nhất định. 

Theo báo cáo hàng năm về hoạt động kinh tế báo chí, nguồn lực tài chính của đa số cơ quan báo chí hiện nay không dư giả gì. Nhiều cơ quan báo chí vẫn đang phải vật lộn với bài toán thu - chi, đặc biệt là với các cơ quan báo chí phải tự chủ hoàn toàn về tài chính. Chuyển đổi số là cơ hội, là cái đích, là sự phát triển nhưng đường đến với họ còn dài vì thiếu nguồn kinh phí! 

Cái khó nhất của CĐS trong báo chí chính là nguồn lực tài chính để đầu tư CĐS, lãnh đạo cơ quan báo chí quyết tâm, anh em đồng lòng, có niềm tin thành công mà không có nguồn lực tài chính để thực hiện đồng bộ thì rất khó khăn, quá trình chuyển đổi sẽ kéo dài mà công nghệ thì lại thay đổi nhanh chóng. 

Tôi được biết, về cơ chế, chính sách thúc đẩy CĐS trong báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã và đang tiếp tục xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để thúc đẩy quá trình CĐS trong cơ quan báo chí. Đồng thời, Bộ TT&TT đã đưa ra 3 nền tảng để hỗ trợ các cơ quan báo chí trong CĐS là những hỗ trợ hết sức kịp thời, tích cực, tạo hành lang, hạ tầng bước đầu để chuyển đổi và phần nào giúp cơ quan báo chí giảm bớt được chi phí đầu tư. 

Nhưng, như thế là chưa đủ! Để có đủ nguồn lực đầu tư thực hiện CĐS theo lộ trình thì cần phải có thêm những cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Có thể bằng nguồn kinh phí đầu tư trực tiếp từ Nhà nước, có thể từ những chính sách đặt hàng cơ quan báo chí thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, có thể từ việc bãi bỏ chính sách thuế đối với báo chí, chính sách buộc các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới như Google, Facebook… phải chia sẻ lợi nhuận từ việc sử dụng các sản phẩm của cơ quan báo chí hoặc từ sự hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật, nền tảng, băng thông, đường truyền… 

Và một điều quan trọng nữa là, hiện nay các cơ quan chủ quản là các bộ, ban, ngành, địa phương, tổ chức chính trị - xã hội… cũng đang triển khai thực hiện CĐS quốc gia, xây dựng kế hoạch CĐS của bộ, ban, ngành, địa phương, lĩnh vực của mình, cần phải đưa nội dung CĐS của cơ quan báo chí trực thuộc vào kế hoạch này. Từ đó cơ quan báo chí có thể có nguồn lực trực tiếp nhất định, đồng thời tận dụng được cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật (nếu có) của cơ quan chủ quản để thực hiện CĐS. 

Tất nhiên, tôi được biết, hiện nay có những cơ quan báo chí không ngồi trông chờ vào các nguồn lực trên. Họ trở thành cơ quan báo chí tiên phong CĐS với sức sáng tạo, đột phá lớn, dám nghĩ, dám làm, huy động nguồn lực bằng nhiều cách khác nhau, đặc biệt là huy động được nguồn lực xã hội hóa, liên doanh, liên kết để thực hiện quá trình CĐS. Sự quyết tâm và vươn lên của họ rất đáng để chúng tôi học hỏi. 

Từ thực tiễn hoạt động CĐS cho thấy, việc áp dụng nền tảng công nghệ mới trong từng khâu, từng hoạt động, từng lĩnh vực đều có thể tiết kiệm được chi phí, tạo được cơ hội trực tiếp hoặc gián tiếp để gia tăng độc giả, doanh thu cho cơ quan báo chí. 

Một tòa soạn hội tụ trên nền tảng quản lý tòa soạn điện tử sẽ giúp tòa soạn giảm chi phí hoạt động, cắt bỏ các tầng, lớp trung gian không cần thiết, vận hành trơn tru, chuyên nghiệp, đáp ứng được nhịp độ hoạt động được tính từng phút, từng giây, tạo ra được các sản phẩm báo chí đa phương tiện theo yêu cầu thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền và của các đối tượng độc giả, mang lại hiệu lực, hiệu quả hoạt động cao hơn. Hay một dữ liệu về nhu cầu độc giả trên nền tảng phân tích thông tin, cho phép cơ quan báo chí sản xuất các sản phẩm báo chí, nội dung báo chí, hình thức báo chí, nội dung quảng cáo, truyền thông đáp ứng được nhiệm vụ chính trị tuyên truyền được giao, đúng với nhu cầu, thị hiếu của các đối tượng độc giả, khách hàng khác nhau, từ đó mang lại hiệu quả tuyên truyền, giá trị gia tăng cho cơ quan báo chí. 

Yêu cầu cấp thiết, xu hướng tất yếu, nhu cầu có thật, cơ hội phát triển hiện hữu, đầy triển vọng, "quá trình CĐS trong báo chí những năm tới đây, nhanh hay chậm, phụ thuộc rất nhiều vào cơ chế, chính sách, giải pháp tổng thể từ Chính phủ, Bộ TT&TT, các cơ quan chủ quản báo chí và đặc biệt là sự quyết tâm của các cơ quan báo chí. Và tôi tin, sẽ đến được đích". 

Những cơ quan báo chí tiên phong, có nguồn lực tài chính dồi dào, đã, đang thực hiện chiến lược CĐS của họ thì sẽ có bước chuyển đổi nhanh, phát triển nhanh, tạo được vị thế, vị trí, thu hút được nhiều độc giả, có nhiều cơ hội phát triển. 

Với nhiều cơ quan báo chí có nguồn lực tài chính eo hẹp thì dù rất chủ động, rất quyết tâm, CĐS theo kiểu lấy ngắn nuôi dài, có đến đâu làm đến đó mà không có sự hỗ trợ nhiều từ các cơ chế, chính sách, trực tiếp và gián tiếp từ Nhà nước, cơ quan chủ quản báo chí, huy động tốt nguồn lực xã hội, vẫn với cơ chế, chính sách như hiện nay thì chưa thể thúc đẩy quá trình CĐS nhanh chóng được. 

Động lực, đột phá phát triển của Báo Nông nghiệp Việt Nam 

Báo Nông nghiệp Việt Nam với truyền thống 76 năm xây dựng và phát triển - là một trong những cquan báo chí hoạt động hiệu quả, có vị thế, uy tín và tầm ảnh hưởng lớn đã và đang tích cực thực hiện CĐS. Đề án Phát triển Báo Nông nghiệp Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã xác định CĐS là đột phá, là động lực thúc đẩy phát triển để đạt các mục tiêu đề ra. 

Báo Nông nghiệp Việt Nam mới công bố chiến lược và bắt tay vào thực hiện vài năm trở lại đây, "so với không ít cơ quan báo chí, chúng tôi đi sau họ khá nhiều. Tuy nhiên, chúng tôi đã chuẩn bị cho công cuộc, mà chúng tôi vẫn gọi là cuộc cách mạng này khá kỹ, với lộ trình, bước đi cụ thể từ cách đây khá lâu. Và chúng tôi đang dồn tổng lực để triển khai khá đồng bộ với nhiều nền tảng và nội dung khác nhau". 

Báo Nông nghiệp Việt Nam đã có những bước chuyển đổi từ hơn 10 năm trước, năm 2008 Báo đã có hệ thống Tòa soạn điện tử thực hiện quy trình xuất bản báo in hàng ngày. Việc "số hóa" này giúp giảm thiểu khá nhiều các công việc trung gian. Thay vì phải in tin bài của phóng viên, cộng tác viên ra giấy A4 để phục vụ công tác biên tập, duyệt thì biên tập viên, lãnh đạo duyệt bài chỉ cần ngồi vào máy tính mở "Tòa soạn điện tử" ra là xử lý được mọi việc. Đến nay thì mọi công việc trong quy trình xuất bản báo in, báo điện tử hàng ngày của Báo Nông nghiệp Việt Nam đã được đơn giản hơn rất nhiều, chỉ cần chiếc điện thoại thông minh kết nối Internet là đủ, hội nghị - hội thảo đầu bờ, tại hiện trường có thể trực tiếp trên NongnghiepTV... 

Việc ra mắt hệ sinh thái Báo Nông nghiệp Việt Nam gồm nhiều ấn phẩm báo in, báo điện tử tiếng Việt, Báo điện tử tiếng Anh, chuyên trang điện tử, truyền hình - phát thanh trực tuyến, các sản phẩm truyền thông đa phương tiện… vào cuối năm 2020 là bước đi thứ 2, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để xây dựng Báo Nông nghiệp Việt Nam - cơ quan ngôn luận của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diễn đàn vì sự phát triển nông nghiệp và nâng cao dân trí nông thôn trở thành cơ quan báo chí đa phương tiện, đa nền tảng, có một hệ sinh thái toàn diện, chuyên sâu, chuyên biệt mang tính cập nhật, tin cậy, định hướng, lan tỏa, hiệu quả về nông nghiệp và phát triển nông thôn, đáp ứng được yêu cầu thông tin tuyên truyền đa phương tiện của Bộ/ngành và nhu cầu, thị hiếu của các đối tượng độc giả chính trong và ngoài nước ở mọi lúc, mọi nơi, trên nhiều phương tiện điện tử trong thời kỳ cách mạng 4.0. 

Từ những kết quả đạt được của quá trình CĐS bước đầu đến thời điểm này, cho thấy, nó không chỉ từng bước giải quyết được các tồn tại bấy lâu nay, mà còn nâng cao được năng lực thông tin tuyên truyền, tiếp tục giữ vững và duy trì được đà tăng trưởng dương trong bối cảnh hết sức khó khăn, đồng thời đặt Báo Nông nghiệp Việt Nam trước nhiều cơ hội phát triển mới. "Và chúng tôi cần phải tiếp tục đổi mới, sáng tạo, lựa chọn công nghệ, nền tảng phù hợp để nắm lấy những cơ hội này". 

Chỉ có điều, Báo Nông nghiệp Việt Nam cũng giống nhiều cơ quan báo chí khác, do phải tự chủ hoàn toàn về tài chính, nguồn lực eo hẹp, kinh phí đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, thiết bị, công nghệ, cơ sở vật chất cho tòa soạn và 7 văn phòng, chi nhánh đại diện để CĐS rất lớn, nhưng việc bố trí nguồn chưa đảm bảo theo lộ trình, chiến lược phát triển đề ra. Do đó, Báo rất cần sự hỗ trợ kịp thời bằng cơ chế, chính sách, bằng nguồn kinh phí của Nhà nước, của cơ quan chủ quản, đồng thời tiếp tục phát huy khả năng huy động nguồn lực xã hội hóa, "thắt lưng buộc bụng" để đầu tư hoàn thành các mục tiêu CĐS theo lộ trình, kế hoạch đề ra, từng bước nâng cao năng lực tuyên truyền của Báo Nông nghiệp Việt Nam. 

Trong bối cảnh nông nghiệp và phát triển nông thôn - đa ngành, đa lĩnh vực đang đẩy nhanh quá trình CĐS, thúc đẩy chuyển từ nền sản xuất nông nghiệp sang nền kinh tế nông nghiệp, đồng thời xác định 3 định hướng chủ đạo: Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân thông minh, Báo Nông nghiệp Việt Nam không được "cho phép" lùi lại phía sau và cũng không chấp nhận lùi lại phía sau mà phải bước lên để nắm lấy cơ hội về mình, thực hiện tốt nhiệm vụ thông tin tuyên truyền được giao và đáp ứng được yêu cầu, thị hiếu của độc giả, khách hàng đã luôn yêu mến, tin tưởng, gắn bó, đồng hành với mình.

Góc nhìn từ người trong cuộc - Ảnh 7.

Nhà báo Vũ Kiều Minh

Nhà báo Vũ Kiều Minh - Tổng Thư ký Tòa soạn Báo Dân Việt 

Nguồn lực con người và nền tảng công nghệ là sức mạnh, động lực cho hành trình chuyển đổi số tại Dân Việt

Hiện nay các tòa soạn báo đang chuyển mình với những thay đổi trong phương thức hoạt động cho phù hợp với cuộc sống số từ việc quản lý nhân sự đến quá trình quản lý, triển khai tin bài. Nhưng nhìn chung vẫn đang ở những bước đi ngắn đầu tiên và chậm trong quá trình chuyển đổi số. Đâu đó với nhiều người vấn đề chuyển đổi số trong hoạt động còn mông lung. Có thể họ đã thực hiện những bước đi, những khía cạnh, yếu tố của chuyển đổi số, nhưng để chuyển đổi được một cách đồng bộ thì còn là ở tương lai phía trước. 

Chuyển đổi số mặc dù là xu thế tất yếu chung của cả thế giới và mang lại những tiện ích, hiệu quả nhất định trong hoạt động báo chí. Nhưng lại tuỳ thuộc phần lớn vào chủ trương, đường hướng của những người đứng đầu cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí và những người đứng đầu về cơ quan báo chí. 

Với cá nhân mình, tôi luôn có niềm tin vào chuyển đổi số trong báo chí vì chúng ta không thể đứng ngoài bất cứ cuộc cách mạng hay xu thế của thế giới. Thông thường mỗi xu thế thường mang lại những lợi ích nhất định và theo hướng tích cực hơn phù hợp với sự phát triển của báo chí thời đại. Tôi cũng tin rằng một vài năm tới đây, khi mà các toà soạn hiện đại hơn, công cuộc chuyển đổi số trở nên rõ ràng hơn thì các toà soạn báo sẽ áp dụng một cách mạnh mẽ và đồng bộ hơn việc chuyển đổi số này. 

Dân Việt đã từng đi qua những cuộc chuyển đổi lớn để phù hợp với xu thế của sự phát triển. Nhìn lại hành trình mà Dân Việt đã đi qua từ việc chuyển đổi báo in thành báo điện tử. Phần nội dung đưa lên mạng đã được điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu của "kỷ nguyên màn hình cảm ứng". Chúng tôi đã chấp nhận đầu tư những khoản chi phí lớn dành cho Phòng Nhân sự và CNTT để phục vụ cho việc chuyển đổi này và để đón bắt xu thế. Hay quá trình chuyển đổi thành toà soạn hội tụ, xuất bản đa nền tảng. 

Tương tự, giờ đây báo điện tử Dân Việt của chúng tôi cũng đang có những bước đi mạnh mẽ để số hoá các quy trình hoạt động của toà soạn. Chúng tôi tổ chức các cuộc họp trực tuyến thông qua cầu truyền hình. Tận dụng tối đa các tiện ích của mạng xã hội để các để đăng ký đề tài, thảo luận đề tài. Sử dụng phần mềm quản lý hành chính, quản lý nhân sự, văn thư, nhắc việc… Công nghệ làm báo: OCM, IMS. Chúng tôi có trung tâm truyền hình số, số hoá các dữ liệu, tài liệu báo chí… Dựa vào nền tảng số để đánh giá nhu cầu bạn đọc để tự sắp xếp tin bài. Cá nhân hoá nhu cầu của bạn đọc. Tất cả những hoạt động dựa trên nền tảng công nghệ này giúp cho quy trình chuyển đổi số tại toà soạn được thực thi. 

Rõ ràng là số hoá quy trình hoạt động khiến cho hiệu quả công việc của toà soạn tăng lên. Tiết kiệm thời gian, chi phí và gia tăng tương tác để cụ thể và minh bạch hoá vấn đề trong công việc. 

Dân Việt là tờ báo mà những con người làm việc ở đây luôn có hứng thú với các vấn đề về công nghệ và số hoá. Họ luôn đón đợi và chấp nhận thử thách khi áp dụng cái mới. Nguồn lực con người và nền tảng công nghệ là sức mạnh của toà soạn, là hai yếu tố then chốt làm nên động lực mạnh mẽ cho hành trình chuyển đổi số tại Dân Việt.

Góc nhìn từ người trong cuộc - Ảnh 8.

Nhà báo Trần Anh Tú

Nhà báo Trần Anh Tú - Trưởng ban Điện tử Báo Đại Đoàn Kết 

Tôi kỳ vọng vào khả năng tự học hỏi của thế hệ nhà báo trẻ

Chuyển đổi số nói chung, theo cách hiểu của tôi là thay thế các quy trình không số thành quy trình số. Quy trình được thay thế có thể là quy trình sản xuất, quy trình quản trị, quy trình phân phối hàng hóa, hay là quy trình tiếp thị. 

Chuyển đổi số là không có biên giới đối với các ngành nghề, chỉ tùy vào sức sáng tạo. Trong báo chí, rất nhiều quy trình hiện đang thay thế được bằng quy trình số hóa. Ví dụ sắp trang, là một phần trong quy trình sản xuất "hàng hóa" của báo chí. Trên báo điện tử hai mươi năm nay, Thư ký Toà soạn vẫn là người sắp số thứ tự của các tin bài. Một triệu độc giả nhìn thấy một giao diện giống nhau. Bây giờ máy có thể làm công việc sắp trang, thậm chí còn nắm được "gu" của từng độc giả để sắp trang sao cho tin tức mà độc giả đó yêu thích nhất lên đầu nhờ theo dõi dữ liệu... Một triệu độc giả là một triệu cách xếp trang chủ báo điện tử khác nhau. 

Thực tế có nhiều người đang hiểu "chuyển đổi số" là "tin học hóa". Tức là thay vì tự động hóa, biến toàn bộ quy trình thành số hóa, thì chúng ta lại vẫn phải tốn sức người để… dùng công cụ số. 

Tuy nhiên, không phải cứ dùng cái máy tính để làm việc thì gọi là "chuyển đổi số". Việc anh gõ bằng laptop đời mới thay vì gõ bằng máy chữ, chỉ là sử dụng công cụ số để làm việc. Ý nghĩa của từ "chuyển đổi" ở đây là thay thế hoàn toàn. 

Chính vì những lẽ đó mà niềm tin đối với chuyển đổi số trong hoạt động báo chí trong tôi còn chưa rõ ràng. Tôi tin vì nó đang là xu hướng tất yếu của xã hội. 

Nhưng nếu quan sát sự phát triển và ứng dụng chuyển đổi số của các trang thương mại điện tử rồi đối chiếu với chuyển đổi số trong hoạt động báo chí thì chúng ta thấy đang có một khoảng cách rất xa. Hiện tại có rất nhiều hoạt động trong quy trình hoạt động báo chí ít được tự động hóa. Tôi thiếu niềm tin, vì sự quan liêu của con người có thể ngăn cản ngay cả những tiến bộ khoa học mạnh mẽ nhất. 

Cho đến giờ, trong quan sát của tôi, dường như chưa một tòa soạn nào tại Việt Nam làm được dữ liệu người dùng bài bản. Tức là họ không biết độc giả quan tâm đến tin pháp luật hay tin chứng khoán, không biết độc giả say mê thời trang hay âm nhạc, trong khi công nghệ để làm việc này đã có rồi… 

Mối tương quan giữa một số cơ quan báo chí Việt Nam đang hoạt động đổi mới với thế giới hiện nay. Một số tờ báo đang nỗ lực xây dựng dữ liệu người dùng, và tự động hóa phần nào quy trình sản xuất tin bài, giao diện. Một số tờ giới thiệu hình thức mua báo trực tuyến tự động. Nhưng không so được với thế giới. Các tờ báo lớn trên thế giới hiện nay đều đã xây dựng dữ liệu người dùng một cách bài bản. Nếu một ai đó vào tờ báo, thì máy đã nhớ rằng tháng trước họ đọc gì, họ thuộc về nhóm độc giả nào… và quan sát dữ liệu người dùng cho phép tòa soạn đưa tin quyết định phục vụ độc giả tốt hơn. Từ thập kỷ trước, những tờ như Huffington Post thậm chí đã có thể theo dõi một bài viết xem nó được "share" tới đâu, người ta đang bàn tán về nó ra sao. 

Báo chí thế giới hay Việt Nam đều đang chịu nhiều áp lực cạnh tranh từ mạng xã hội. Nhưng cách phản ứng là khác nhau: Nếu họ hành động rất nhanh, thì chúng ta đang khoan thai từ tốn. 

Tôi đang kỳ vọng vào các sự thúc đẩy của Bộ Thông tin và Truyền thông, các chương trình đào tạo của Hội Nhà báo và khả năng tự học hỏi của thế hệ nhà báo trẻ. Cho dù còn rất nhiều vấn đề mang nặng tính tập quán có thể làm chậm quá trình này, nhưng vì ngày nay, chúng ta sống trong một xã hội mà nơi nơi chuyển đổi số, nhà nhà chuyển đổi số. Một phóng viên trẻ ngày nay lớn lên, chơi Facebook, TikTok và hiểu rất rõ rằng một website làm nội dung gì cũng phải nắm thông tin người dùng, phải biết họ thích đọc tin về chứng khoán hay ca sĩ. Họ sẽ tự có nhu cầu làm điều đó trong công việc của mình.

Góc nhìn từ người trong cuộc - Ảnh 9.

Nhà báo Nguyễn Xuân Hồng

Nhà báo Nguyễn Xuân Hồng - Tổng Thư ký Tòa soạn Báo Điện tử Chính phủ 

Chuyển đổi số đã mang lại cho chúng tôi nhiều tiện ích và cởi mở hơn trong tác nghiệp báo chí

Là một cơ quan báo chí điện tử (không có phiên bản in), chúng tôi phải bắt nhịp với xu hướng chuyển đổi số của báo chí - truyền thông toàn cầu bởi nếu không làm vậy là chúng tôi tụt hậu và không thể tồn tại được. Cũng như nhiều cơ quan báo chí khác, chúng tôi đang thực hiện chuyển đổi số ở một số quy trình như: 

Thứ nhất là triển khai đa nền tảng (multiplatform) với các phiên bản khác nhau cho máy tính cá nhân, điện thoại di động, tablet; 

Tiếp đến, chúng tôi ứng dụng mạnh công nghệ (token, chứng thực số để truy cập tài khoản CMS, dùng tài khoản ảo) để có thể tác nghiệp ở mọi nơi, mọi lúc, trên nhiều phương tiện khác nhau mà vẫn bảo đảm tính bảo mật, an toàn thông tin; 

Chúng tôi cũng khai thác các kênh truyền thông xã hội (social media) để phục vụ cho mục đích lan tỏa thông tin như Facebook, Twitter, Youtube. Hiện nay, Fanpage Thông tin Chính phủ trên Facebook được chính Facebook đánh giá là một trong những fanpage chính thống và hiệu quả, uy tín nhất ở Việt Nam. Đặc biệt trong việc cung cấp thông tin đến người dân về phòng chống dịch COVID-19. Tài khoản Twitter tiếng Anh của chúng tôi cũng được đánh giá là một những tài khoản Twitter của cơ quan nhà nước hoạt động hiệu quả… 

Báo điện tử Chính phủ cũng thử nghiệm những hình thức báo chí hiện đại như báo chí dữ liệu (data journalism), siêu tác phẩm (mega-stories), đồ họa (infographics)… để làm cho thông tin phong phú, dễ tiếp cận hơn với độc giả; 

Hiện tại, chúng tôi đang tìm hiểu để ứng dụng các hình thức, tính năng fact-checking (kiểm chứng thông tin) nhằm đấu tranh với vấn nạn tin giả khá lan tràn hiện nay. 

Chuyển đổi số đã mang lại cho chúng tôi nhiều tiện ích và cởi mở hơn trong tác nghiệp báo chí. Đơn cử, trước kia, vì lý do bảo mật, an ninh, mọi hoạt động tác nghiệp của chúng tôi đều chỉ có thể thực hiện tại trụ sở tòa soạn, không thể thực hiện ở bên ngoài. Điều này gây rất nhiều khó khăn cho phóng viên, biên tập viên, đặc biệt khi phải đi công tác. Nhưng nay, với các ứng dụng công nghệ truy cập từ xa, chúng tôi đã có thể dễ dàng xử lý công việc tòa soạn ở bất kỳ đâu, bất kỳ lúc nào mà vẫn hết sức an toàn. 

Hay việc thử nghiệm các hình thức báo chí hiện đại đã giúp làm cho thông tin chúng tôi cung cấp trở nên phong phú, hấp dẫn hơn, dễ tiếp nhận hơn với độc giả, từ đó cũng thu hút nhiều độc giả đến với báo của chúng tôi hơn.

Góc nhìn từ người trong cuộc - Ảnh 10.

Nhà báo Trần Long

Nhà báo Trần Long - Trưởng phòng Chuyên đề, Đài PT&TH Hà Tĩnh 

Chuyển đổi số thực sự nâng cao năng suất sản xuất, năng lực quản lý, chất lượng chương trình trên sóng truyền hình

Chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí nói chung và PTTH nói riêng hiểu một cách đơn giản là chuyển toàn bộ (hay từng bước, từng phần) quy trình sản xuất từ truyền thống sang sử dụng các ứng dụng của công nghệ thông tin. Từ tiền kỳ cho đến hậu kỳ, từ quản lý tòa soạn cho đến quản lý nội dung, công đoạn nào cũng có thể áp dụng việc quản lý trên nền tảng số. 

Tôi lấy ví dụ, với các ứng dụng quản lý, người đứng đầu cơ quan báo chí chỉ cần ngồi một chỗ với một thiết bị thông minh trong tay là có thể nắm toàn bộ hoạt động của nhân viên. Từ việc phóng viên đi đâu, đi bằng phương tiện gì, sử dụng camera nào, cho đến nội dung đề tài, địa bàn tác nghiệp, đối tượng phỏng vấn…đều được hiển thị, nếu dữ liệu trước đó được nhập vào hệ thống đúng trình tự. 

Xét về bề rộng, chuyển đổi số là chuyển đổi trên tất cả các khâu của quá trình sản xuất. Xét về bề sâu, chuyển đổi số thể hiện trong việc tối ưu hóa các ứng dụng trên từng sản phẩm. Chẳng hạn trước đây, một tác phẩm báo chí đưa lên Internet, công chúng chỉ có thể tiếp nhận bằng chữ, bằng hình ảnh, thì nay công chúng còn có thể tiếp nhận tổng hợp cả chữ viết, hình ảnh và cả video, audio. Nếu ai đó không muốn đọc thì cũng sẽ có người khác đọc hộ. Một tác phẩm báo chí trước đây chỉ có thể sáng tạo một vài công đoạn như rút tít, viết sapo, tổ chức tin bài theo công thức hình tháp ngược hay hình tháp xuôi thì nay bằng các ứng dụng mới có thể được tổ chức theo nhiều hình thức sáng tạo khác như longform, e-magazine… 

Chuyển đổi số trong hoạt động báo chí hiện là sự sống còn. Vì mấy lý do sau: 

+ Thứ nhất: các ngành đều chuyển đổi số và báo chí với tư cách một lĩnh vực liên quan đến tất cả các ngành không thể đứng ngoài cuộc. 

+Thứ hai: chuyển đổi số giúp cho việc tối đa hóa năng suất, tối thiểu hóa chi phí, tối ưu hóa hiệu quả quản lý. Điều này rất phù hợp với xu thế tự chủ tài chính đang đặt ra ngày một khắt khe cho các cơ quan báo chí. 

+Thứ ba: Chỉ có thể chuyển đổi số mới mang đến nền tảng công nghệ để đổi mới tác phẩm báo chí. Nói cách khác sản phẩm báo chí hay hay dở phụ thuộc hoàn toàn vào nền tảng công nghệ. 

Với những lý do trên đây thì chuyển đổi số không chỉ là niềm tin mà là yêu cầu bắt buộc. Với tốc độ chuyển đổi số của các ngành như hiện tại theo tôi chỉ trong khoảng 3-5 năm tới, báo chí sẽ chuyển đổi số hoàn toàn. Tôi tin báo chí sẽ chuyển đổi nhanh hơn bởi sự nhanh nhạy của đội ngũ, bởi sự tiện lợi của các ứng dụng và bởi bản chất hoạt động nghề nghiệp cũng liên quan đến chuyển đổi số. 

Cũng như các cơ quan báo chí khác, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Tĩnh đang tích cực tham gia vào lộ trình chuyển đổi số. Về mặt nội dung: tất cả các chương trình truyền hình, phát thanh đều được số hóa. Tín hiệu phát sóng được chuyển từ SD sang chế độ HD từ năm 2018. Thông tin còn được chuyển tải trên website: hatinhtv.vn, Fanpage: truyền hình Hà Tĩnh. Hiện nay Đài đang thực hiện truyền dẫn trên 13 hạ tầng dành cho truyền hình và 3 hạ tầng dành cho phát thanh. Đặc biệt, năm 2020, ứng dụng HTTV- go ra đời đã mang đến một lựa chọn hoàn toàn chủ động cho công chúng trong việc theo dõi các chương trình Truyền hình Hà Tĩnh. Về mặt quản lý, Đài PT&TH Hà Tĩnh đã xây dựng phần mềm HD-Station. Đây là hệ thống quản lý điều hành toàn diện, từ nội dung đến nhân sự, chi phí sản xuất, phương tiện máy móc, thời gian công tác…Nhờ ứng dụng này đã nâng cao năng suất sản xuất, năng lực quản lý lên gấp hàng chục lần. Điều quan trọng hơn là mọi việc đều minh bạch, các đầu mối có thể giám sát lẫn nhau.

Góc nhìn từ người trong cuộc - Ảnh 11.

Nhà báo Đồng Trần Quý

Nhà báo Đồng Trần Quý - Trưởng ban Kinh tế Báo Kinh tế & Đô thị 

Chuyển đổi số giúp Báo KT & ĐT tiết kiệm rất nhiều chi phí khi áp dụng Tòa soạn không giấy

Chuyển đổi số đang diễn ra ở mọi khâu tại Báo Kinh tế & Đô thị. Cụ thể, đối với quy trình chuyên môn chuyển đổi mạnh mẽ cả ở hai loại hình báo giấy và báo điện tử. Nếu như trước đây khi chưa chuyển đổi, PV viết bài và in ra nộp cho trưởng ban đọc, duyệt sau đó trưởng ban mới sắp xếp trang thì hiện nay tất cả đều nộp bài thông qua CMS của báo giấy và báo điện tử. Tất cả đều được thao tác trên máy tính, máy tính bảng, hoặc điện thoại thông minh và phóng viên không phải in bản giấy ra nữa. 

Chuyển đổi số đã mang lại hiệu quả tức thì cho công tác tòa soạn. Đầu tiên là tốc độ duyệt tin bài. Nếu như trước đây, phóng viên đi tác nghiệp sự kiện thời sự phải viết bài và gửi ảnh qua email về tòa soạn. Nay phóng viên có thể nhập tin, bài, ảnh ngay tại hiện trường trên quy trình CMS và trưởng ban có thể đọc, duyệt, xuất bản ngay. Trong quá trình trưởng ban đọc, duyệt, Ban Biên tập có thể xem và yêu cầu bổ sung thông tin, ảnh đối với phóng viên nên tin bài, ảnh hiện nay có chất lượng hơn không phải sửa đi sửa lại nhiều lần. 

Thuận lợi khi chuyển đổi số đó là chỉ cần có máy tính, máy tính bảng, điện thoại thông minh mà ở bất kỳ đâu, phóng viên, lãnh đạo ban cũng có thể nộp và duyệt bài cho báo giấy và báo điện tử thay vì phải đến cơ quan như trước đây… Hoặc cũng có thể biết được các chỉ đạo, điều hành của Ban Biên tập thông qua phần mềm chỉ đạo điều hành… Cơ quan tiết kiệm được chi phí in ấn rất nhiều khi tòa soạn không giấy được áp dụng.

Đối với công tác nội vụ cơ quan, trước đây các công văn, giấy tờ, kế hoạch, nghị quyết… của báo đều được in ra, photo và chuyển cho các phòng/ban nhưng khi khi áp dụng chuyển đổi số, tất cả các văn bản này đều được đưa vào phần mềm chỉ đạo điều hành http://dieuhanh.ktdt. com.vn/. Mỗi cán bộ, phóng viên, nhân viên cơ quan đều có một tên mã truy nhập vào trang. Khi có thông tin chỉ đạo điều hành mới, bộ phận văn phòng sẽ đưa thông tin lên trang và các bộ phận liên quan sẽ mở trang điều hành bằng máy tính, máy tính bảng, điện thoại thông minh để xem biết và triển khai./.

(Bài viết được đăng trên ấn phẩm đặc biệt Tạp chí TT&TT chào mừng Ngày báo chí cách mạng Việt Nam 21/6/2021)

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Góc nhìn từ người trong cuộc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO