Truyền thông

Gợi mở nhiều giải pháp về kinh tế báo chí từ Diễn đàn tháng 6

Mai Phương 30/06/2024 06:15

“Diễn đàn báo chí tháng 6” (năm 2024), do Tạp chí Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Báo điện tử Vietnamnet (Bộ TT&TT) và Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - KHXH&NV) đồng chủ trì bước vào năm thứ thứ ba tổ chức với chủ đề hội thảo “Kinh tế báo chí truyền thông Việt Nam trong bối cảnh phát triển kinh tế số” tiếp tục nhận được sự quan tâm, đánh giá cao của giới báo chí và công chúng.

cac-dai-bieu-hoi-thao-14062024.jpg
Ông Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam và Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm chụp ảnh cùng các đại biểu, diễn giả tại Hội thảo.

Hội thảo có sự hiện diện của lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng lý luận Trung ương, Văn phòng Quốc hội, Bộ TT&TT, các đại biểu, chuyên gia đến từ nhiều cơ quan quản lý nhà nước có liên quan trực tiếp tới hoạt độngáo chí truyền thông. Lãnh đạo của các cơ quan báo chí truyền thông Trung ương và địa phương toàn quốc.

Hội thảo lần này bên cạnh các chuyên gia, diễn giả trong giới báo chí, công nghệ tham gia như tập đoàn Google, Viettel, VieOn, Galaxy, LêBros... còn có các đại biểu quốc tế là các nhà nghiên cứu quốc tế đến từ Liên minh châu Âu (EU), ASEAN, Trung Quốc... đã trực tiếp chia sẻ, trao đổi và gợi mở nhiều giải pháp sâu sắc, quý báu.

Không thành công về kinh tế, không thể được coi là cơ quan báo chí mạnh

Trong phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng đã khẳng định: Kinh tế báo chí góp phần tạo nên sự phát triển lành mạnh của nền báo chí Cách mạng Việt Nam. “Nếu không có sự hỗ trợ đắc lực của kinh tế, không thể có một cơ quan báo chí mạnh được”.

tt-dung-2.jpg
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng

Theo số liệu của Bộ TT&TT, doanh thu của các cơ quan báo, tạp chí năm 2023 giảm gần 10% so với năm 2022, trong khi tổng nguồn thu năm 2023 của các Đài Phát thanh Truyền hình (PTTH) giảm khoảng 20% so với cùng kỳ năm trước. Ngay cả báo điện tử ngày rất thu hút đông đảo độc giả, thì 70% - 75% doanh thu “quảng cáo số” vẫn chảy vào túi các nền tảng công nghệ xuyên biên giới như Facebook, YouTube, TikTok... Các trang tin, trang mạng xã hội cũng cạnh tranh quyết liệt, khiến vấn đề kinh tế báo chí truyền thông trong bối cảnh số càng trở nên cấp thiết và cần thiết hơn bao giờ hết.

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nhận định: “Kinh tế báo chí là một vấn đề vừa mang tính kinh viện vừa mang hơi thở của cuộc sống. Đánh giá được tầm quan trọng của nhiệm vụ này, Bộ TT&TT phối hợp với Trường Đại học KHXH&NV tổ chức Hội thảo “Kinh tế báo chí truyền thông Việt Nam trong bối cảnh phát triển kinh tế số”.

Đầu năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định (số 348/QĐ-TTg) phê duyệt Chiến lược “Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, với các mục tiêu cụ thể, đến năm 2030, 100% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số (ưu tiên các nền tảng số trong nước), các cơ quan báo chí tối ưu hóa nguồn thu, trong đó 30% cơ quan báo chí tăng doanh thu tối thiểu 20%.

Theo PGS. TS. Đặng Thị Thu Hương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học KHXH&NV,“kinh tế báo chí truyền thông trong bối cảnh phát triển kinh tế số đang đặt ra rất nhiều thời cơ và thách thức để báo chí Việt Nam phát triển mạnh mẽ, đồng thời, phải giữ vững mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp Cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước”.

Nhiều thách thức được PGS. TS. Bùi Chí Trung nhận định qua một số điểm nghẽn kìm hãm sự phát triển của kinh tế báo chí - truyền thông tại Việt Nam hiện nay, bao gồm: vấn đề nhận thức, mục tiêu, sức ép của sự bùng nổ công nghệ - kỹ thuật; việc điều hòa quan hệ lợi ích và điểm nghẽn trong xây dựng cấu trúc hệ thống tổng thể của nền kinh tế báo chí - truyền thông và thể chế quản lý báo chí - truyền thông đáp ứng yêu cầu mới.

“Đổi mới hoạt động kinh tế báo chí truyền thông chính là mắt xích chính yếu để đổi mới toàn diện hệ thống báo chí - truyền thông trong bối cảnh chuyển đổi số”, PGS. TS. Bùi Chí Trung nhấn mạnh.

Đa dạng hóa nguồn thu qua nhiều hoạt động

Tới dự và cũng đồng thời là diễn giả chính của diễn đàn khoa học có nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập báo Nhân Dân cho rằng khó khăn trong nguồn thu là xu hướng chung của báo chí thế giới không chỉ Việt Nam.

ong-le-quoc-minh-10.jpg
Tổng Biên tập báo Nhân Dân Lê Quốc Minh: Các cơ quan báo chí cần quan tâm tới việc đa dạng hóa nguồn thu.

Từ những nghiên cứu sâu và trải nghiệm thực tế qua công tác làm báo nhiều năm, Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam cho rằng các cơ quan báo chí cần quan tâm tới việc đa dạng hóa nguồn thu, bao gồm: quảng cáo truyền thống; thực hiện tường thu phí; làm truyền thông; tổ chức sự kiện; thương mại điện tử; cấp phép thương hiệu; cung cấp các dịch vụ công nghệ thông tin; tổ chức nghiên cứu...

Tổng Biên tập Lê Quốc Minh cho rằng làm truyền thông là một trong những xu hướng mà nhiều cơ quan báo chí trên thế giới đang làm. Bởi chính các nhà báo là người thành thạo nhất về kỹ năng kể chuyện. Do vậy, việc sản xuất nội dung quảng cáo cho thương hiệu là cách để các cơ quan báo chí có thêm nguồn thu nhờ vào chuyên môn sâu về kể chuyện của mình. Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí cũng thúc đẩy việc tổ chức sự kiện để đem lại doanh thu.

Ngoài ra, một số cơ quan báo chí đang cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin. “Lâu nay chúng ta chỉ nghĩ rằng, báo chí đi mua công nghệ ở nơi khác. Tuy nhiên, cơ quan báo chí lớn như The Washington Post đã phát triển các sản phẩm công nghệ riêng, hỗ trợ trên 400 website. Việc này tạo nguồn thu đáng kể cho tờ báo”, Tổng Biên tập Lê Quốc Minh cho biết.

Thêm nữa là hiện nay có xu hướng là cơ quan báo chí trở thành các tổ chức nghiên cứu, do có nhiều kinh nghiệm, khả năng chuyên sâu và thành công như Financial Times ra mắt công ty tư vấn và đã hoạt động kinh doanh. Tờ Business Insider thành lập thương hiệu Intelligence Insider...

Bán lẻ cũng trở thành câu chuyện của báo chí. Tập đoàn Times Group của Ấn Độ mua lại một website năm 2012 và tạo ra một dòng thời trang, trang sức, mỹ phẩm.

Cơ quan báo chí bây giờ cũng còn môi giới dữ liệu (dữ liệu báo chí, dữ liệu người dùng) để kinh doanh với các tập đoàn khác. Nhiều cơ quan báo chí như Financial Times, Economics có chương trình đào tạo.

Kết thúc bài trình bày, nhà báo Lê Quốc Minh cho rằng: “Làm thế nào có tiền và kiếm tiền sạch sẽ là được”.

Khai thác cơ hội từ môi trường số

Đến từ Đại học Giessen (Đức), ông Detlef Briesen chia sẻ những kinh nghiệm quý của báo chí Đức, qua bài học cụ thể tập đoàn Springer đã chuyển đổi số để trở thành tập đoàn đa phương tiện khi liên tục theo đuổi chiến lược chuyển đổi số trong hai thập kỷ qua.

ong-detlef.jpg
Ông Detlef Briesen chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi số của báo chí Đức.

Cùng với việc bắt tay với Samsung, mua lại trang web tin tức số Politico, trang tin tức Protocol chuyên về lĩnh vực công nghệ, trong những năm gần đây, Springer tập trung vào báo chí trực tuyến và các phương tiện truyền thông mới như: @Leisure: dịch vụ đại lý cho các bất động sản nghỉ dưỡng; autohaus24.de: một cổng thông tin xe hơi mới; Axel Springer Digital Classifieds GmbH: tóm tắt hoạt động rao vặt

của công ty; Axel Springer Digital Ventures: phát triển sớm hoạt động kinh doanh mới các mô hình; Business Insider: một cổng thông tin về doanh nghiệp (DN), các tin tức tài chính và kinh doanh; Dyn Media: nền tảng phát trực tuyến dành cho người hâm mộ thể thao, inanzen.net: cổng thông tin thị trường chứng khoán lớn của Đức, Immowelt Holding AG: vận hành cổng thông tin bất động sản, Ladenzeile: một nền tảng cho các cửa hàng trực tuyến, meinestadt.de: Hệ thống thông tin cho hơn 11.000 người Đức ở các thành phố và đô thị...

Với chiến lược trở thành tập đoàn đa phương tiện tập trung vào quảng cáo và các dịch vụ trực tuyến trả phí, Springer đã có một số sản phẩm báo chí hàng đầu như nhật báo Die Welt, có cả bản in và trực tuyến, kênh tin tức tuyến tính và kỹ thuật số Welt và các tạp chí uy tín như như Politico.

Cũng đề cập về việc theo đuổi hoạt động trên môi trường số, sau phiên toàn thể “Nhận diện bức tranh kinh tế báo chí báo chí Việt Nam”, hội thảo đã có 2 phiên thảo luận chuyên đề: “Xây dựng mô hình kinh tế báo chí đặc thù Việt Nam”, “Phát triển thị trường truyền thông trong sự bùng nổ nền kinh tế số” tập trung trao đổi tìm cách thức khai thác hiệu quả nhất môi trường truyền thông số để mang lại doanh thu cho cơ quan báo chí - truyền thông Việt Nam.

Theo nhóm nghiên cứu của PTIT, có 3 cơ hội phát triển thị trường truyền thông số của Việt Nam để thu hút bạn đọc, người quan tâm: Thứ nhất, sự phát triển của công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (blockchain), thực tế ảo (VR) đang được ứng dụng rộng rãi lĩnh vực truyền thông số và vẫn sẽ phát triển, mở ra nhiều cơ hội trong tương lai. Chúng có thể tạo ra những trải nghiệm người dùng mới mẻ và độc đáo, thu hút sự quan tâm của đối tượng mục tiêu; Thứ hai, thị trường đang tăng trưởng.

Với dân số trẻ và mức độ thâm nhập Internet cao, thị trường truyền thông số tại Việt Nam còn nhiều tiềm năng phát triển. Các DN có thể khai thác thị trường này bằng cách tạo ra các sản phẩm và dịch vụ số phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng; Thứ ba, Chính phủ Việt Nam đã và đang có những chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế số, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN truyền thông số hoạt động và phát triển.

Nhóm nghiên cứu gợi mở báo chí - truyền thông cân nhắc tập trung vào các nội dung lớn như: Tận dụng AI; Thực tế ảo/thực tế tăng cường (AR/VR); Phát triển nội dung video ngắn và phát trực tiếp đa nền tảng; Ứng dụng blockchain trong truyền thông hay phát triển nền tảng truyền thông tích hợp...

Trước những thách thức trong thời đại mới, với sự thay đổi không ngừng của công nghệ và hệ sinh thái truyền thông, việc phát triển kinh tế báo chí đã trở thành “bài toán khó” đối với nhiều cơ quan truyền thông. Từ sự thành công của các mô hình kinh doanh nội dung số tại các tổ chức truyền thông nổi tiếng trên thế giới, bà Nguyễn Thị Hà Giang, VTV đề cập 4 khuyến nghị nhằm cải thiện hoạt động kinh doanh nội dung số cho các cơ quan báo chí Việt Nam trong tương lai để không bị “bỏ lại phía sau” gồm: (1) Bắt kịp xu hướng tiêu dùng tin tức của công chúng và phát triển các ứng dụng tin tức trên điện thoại thông minh nhằm nâng cao trải nghiệm của người dùng. (2) Tạo “giá trị tin tức”, thay đổi phương thức kể chuyện từ “kể chuyện bằng văn bản”, “kể chuyện bằng văn bản và ảnh” sang “kể chuyện đa phương tiện”. (3) Phát triển báo chí dữ liệu (data journalism); (4) Tính phí đọc nội dung trên nền tảng trực tuyến.

ong-le-quoc-vinh.jpg
Ông Lê Quốc Vinh: Các cơ quan báo chí cần phân đoạn hóa, thậm chí là cá nhân hóa các đối tượng khách hàng của mình.

Ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Truyền thông Lê (LêBros) cho rằng: “Các cơ quan báo chí cần phân đoạn hóa, thậm chí là cá nhân hóa các đối tượng khách hàng của mình. Tức là mỗi người, mỗi nhóm khách hàng cần được xem như là một thị trường. Do đó cần phải nghiên cứu nhu cầu cụ thể của thị trường. Hiện nay có nhiều công cụ số giúp cơ quan báo chí tiếp cận vấn đề này”.

Bộ TT&TT tập trung nhiều giải pháp để giải bài toán kinh tế báo chí

Sau khi lắng nghe những ý kiến trao đổi, chia sẻ, đóng góp và tranh luận sôi nổi của hàng chục diễn giả trong nước và quốc tế tại 4 phiên liên tục của hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm cho biết là cơ quan quản lý nhà nước về báo chí - truyền thông, Bộ TT&TT đã có những nỗ lực, trong đó có nỗ lực giải quyết câu chuyện kinh tế báo chí và đã được báo chí ghi nhận những nỗ lực ban đầu.

tt-lam.jpg
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm: “Phải đưa vào Luật Báo chí sửa đổi những khái niệm mới, những tiền đề mới,... để có thể giúp đỡ cho báo chí phát triển. Trong đó, có câu chuyện là giải quyết vấn đề liên quan đến kinh tế báo chí”.

Theo Thứ trưởng, nỗ lực này không phải chỉ nằm ở chuyện là sẽ phải sửa đổi, cải cách một số thể chế, mặc dù đó là nền tảng rất quan trọng. Năm nay, Bộ TT&TT đã trình Chính phủ, Chính phủ trình Quốc hội để sửa Luật Báo chí, đưa vào đó một số thể chế về mô hình, quy mô, vị trí pháp lý của cơ quan báo chí trong bối cảnh công nghệ biến động, các mô hình kinh doanh biến động. “Phải đưa vào Luật Báo chí sửa đổi những khái niệm mới, những tiền đề mới,... để có thể giúp đỡ cho báo chí phát triển. Trong đó, có câu chuyện là giải quyết vấn đề liên quan đến kinh tế báo chí”.

Những thể chế khác của Nhà nước trong việc đặt hàng, tăng cường đặt hàng báo chí như là một dịch vụ công, một sản phẩm có ích cho xã hội cũng đang được sửa đổi, không phải chỉ để cho phép các cơ quan có thể mạnh dạn đặt nhiều hơn mà là đặt hàng đa dạng. Các cơ quan báo chí tới đây có thể có những việc là cung cấp dịch vụ cho Nhà nước, cho các cơ quan đặt hàng ở trên nhiều nền tảng, đa nền tảng, không chỉ phụ thuộc vào nền tảng của bản thân cơ quan báo chí đó, để bắt đầu xu hướng đưa nội dung lên không gian mạng để đón một tệp người dùng thế hệ mới.

Bên cạnh đó, Bộ TT&TT cũng nỗ lực điều tiết một số bất cập trong vấn đề kinh tế báo chí cũng có thể kể đến là những biện pháp trong thời gian gần đây trong việc “nắn lại” dòng doanh thu quảng cáo trên không gian mạng để giảm bớt không chảy về những kênh nội dung vi phạm pháp luật hoặc là những kênh nội dung vi phạm bản quyền báo chí cũng là vi phạm pháp luật... Việc này để thêm nguồn lợi đến từ doanh thu quảng cáo được trở về với những trang, những kênh thông tin chính thống trong đó có báo chí. Cùng với đó, Nghị định 18/2014/NĐ-CP quy định về chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí xuất bản cũng đang được sửa đổi theo hướng để thực hiện Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi theo hướng quy định, hướng dẫn các mức biểu phí để trả bản quyền trong lĩnh vực báo chí.

Bên cạnh những nỗ lực của cơ quan quản lý Nhà nước, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh cần phải đổi mới phương thức làm báo, mà xét cho cùng là đổi mới phương thức quản trị. Quản trị là sẽ phải thay đổi cách làm báo, cách kinh doanh sản phẩm báo chí. “Đây có lẽ là một việc vô cùng khó nhưng không thể không làm để định hướng cho những năm tới. Các cơ quan báo chí cần thay đổi cách quản trị và quản trị sự thay đổi đó. Bộ TT&TT khuyến khích, mong muốn các cơ quan báo chí mạnh dạn đưa ra những mô hình mới để làm báo, kinh doanh sản phẩm báo chí”.

Thứ trưởng cũng cho rằng báo chí cần hợp tác với DN những người có nguồn lực và đối mặt với những khó khăn còn lớn hơn những khó khăn của một cơ quan báo chí cụ thể rất nhiều. DN có kinh nghiệm trong việc làm sao vượt qua khủng hoảng, vượt qua khó khăn, nhưng DN rất cần sự đồng cảm, chia sẻ để cùng giải bài toán mà nó khó với tất cả mọi người, đó là bài toán làm sao phát triển kinh tế.

Khép lại Diễn đàn, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm mong muốn câu chuyện trong diễn đàn hội thảo thành công như thế này sẽ tiếp tục được hâm nóng trong giới báo chí, trong cộng đồng DN và trong toàn xã hội để chúng ta mạnh dạn đưa ra một số mô hình trong thời gian tới./.

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 6 tháng 6/2024)

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Gợi mở nhiều giải pháp về kinh tế báo chí từ Diễn đàn tháng 6
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO