Truyền thông

Kinh tế báo chí và cách thức tạo nguồn thu trên các nền tảng số

Trường Thanh 08:14 08/09/2023

Chuyển đổi số (CĐS) đã tạo ra những cơ hội mới cho các tòa soạn, giúp các cơ quan báo chí đa dạng hóa mô hình kinh doanh. CĐS cũng đem lại sự đa dạng về nguồn thu, khi nhiều mô hình kinh doanh mới xuất hiện.

CĐS đem lại sự đa dạng về nguồn thu

Trong sự bùng nổ truyền thông số, báo chí truyền thông đang có những cơ hội phát triển mới, đồng thời cũng có những thách thức mới. Để làm mới chính mình, việc hướng ra Internet, phát triển các mô hình sản phẩm mới là điều tất yếu. Việc xác lập mô hình kinh doanh, tìm kiếm những mô hình kinh doanh mới là nhiệm vụ quan trọng của báo chí truyền thông trong kỷ nguyên số.

Đánh giá về vấn đề này, nhà báo Trần Tiến Duẩn, Tổng biên tập Báo điện tử VietnamPlus (Thông tấn xã Việt Nam) cho biết: Truyền thông số đang xác lập lại mối quan hệ giữa nhà xuất bản tin tức (publishers) với độc giả (users).

“Nếu coi sự phát triển của truyền thông số (hay báo chí kỹ thuật số - digital journalism) như sóng sau đè sóng trước (wave of disruption), thì sau giai đoạn phát triển của cổng (portal) (tiêu biểu như Yahoo trước đây), giai đoạn của công cụ tìm kiếm (Google, Bing, v.v.), truyền thông xã hội (social media như Facebook, Twitter) thì hiện truyền thông số đang bước vào kỷ nguyên SaaS (Service as a Stories) với việc xác lập mối quan hệ mới với độc giả thông qua dữ liệu, để mở ra hướng phát triển mới tiếp theo”, Tổng biên tập Báo điện tử VietnamPlus cho hay.

mo-hinh-san-pham-bao-chi.png
Mô hình sản phẩm báo chí truyền thông số thu phí từ người sử dụng qua trang đăng ký

Theo nhà báo Trần Tiến Duẩn, các mô hình báo chí truyền thống có nhiều hạn chế trong việc xác lập mô hình kinh doanh, chủ yếu chỉ từ quảng cáo, tài trợ, dịch vụ... Tuy nhiên, CĐS cũng đã tạo ra những cơ hội mới dành cho các tòa soạn, giúp các cơ quan báo chí đa dạng hóa mô hình kinh doanh. CĐS đem lại sự đa dạng về nguồn thu, khi nhiều mô hình kinh doanh mới xuất hiện, như kinh doanh dữ liệu, thương mại điện tử, hay trở thành đối tác kinh doanh của các nền tảng số (YouTube, Facebook…).

Đến nay, nhiều tờ báo đã đặt vấn đề thu phí độc giả thông qua trang đăng ký dài hạn. Hiện đã có khoảng 20 cơ quan báo chí tại Việt Nam thử nghiệm thu thập dữ liệu của độc giả để tiến hành phân tích. Đây là bước tiếp cận đầu tiên để tiến tới có thể thu phí người dùng.

Nhà báo Trần Tiến Duẩn cũng chỉ ra các mô hình kinh doanh hiện đại của báo điện tử như: Quảng cáo kỹ thuật số: Bao gồm dạng Programmatic, Quảng cáo ngữ cảnh (Native Ads); Thu phí độc giả qua đăng ký dài hạn (Subscription); Thương mại điện tử/Tiếp thị liên kết (E-commerce/Affiliate marketing); Kinh doanh dữ liệu (Data broker); Dịch vụ công nghệ thông tin (IT services); Đối tác kinh doanh của các nền tảng số như YouTube, Facebook, Tiktok… (Partnership with platforms).

Mô hình kinh doanh báo chí ở VietnamPlus

Chia sẻ về mô hình kinh doanh báo chí ở VietnamPlus, nhà báo Trần Tiến Duẩn cho biết: VietnamPlus đã chủ động đa dạng hoá mô hình kinh doanh, nắm bắt các xu hướng phát triển của báo chí thế giới.

Báo điện tử VietnamPlus đi tiên phong trong việc áp dụng các công nghệ truyền thông mới như: báo chí di động, báo chí dữ liệu, ảnh/video 360 độ, cùng những sản phẩm báo chí độc đáo, như Mega Story (siêu tác phẩm báo chí) hay RapNewsPlus (bản tin trên nền nhạc rap).

VietnamPlus hướng tới các thiết bị cầm tay (mobile only) bằng những sản phẩm báo chí mới như Podcast (phát trên Apple Podcast và Spotify) hay video dạng dọc (phát trên TikTok, Shorts).

Hiện tại, VietnamPlus khai thác quảng cáo trên báo điện tử theo 3 dạng chính gồm gói hợp đồng truyền thông, quảng cáo booking bài lẻ và quảng cáo lập trình. VietnamPlus khai thác quảng cáo lập trình, thông qua một đơn vị trung gian có tài khoản Google Adsense, triển khai việc đặt mã quảng cáo của Google Ad Network trên một số vị trí (inventory).

Ngoài việc đặt code quảng cáo của Google Ad Network, VietnamPlus cũng hợp tác với một số đơn vị đại lý quảng cáo khác như AdAsia (sau này đổi tên thành AnyMind), Cốc Cốc theo hình thức chia sẻ inventory với các banner dạng booking (theo các hợp đồng truyền thông với một số đối tác).

Năm 2018, VietnamPlus chính thức vận hành trang thu phí tại địa chỉ Pay.vietnamplus.vn. Năm 2022, trang được đổi sang địa chỉ Payvt.vietnamplus.vn. Trang thu phí của VietnamPlus được vận hành theo hình thức freemium (free-premium). Tức là đa số các bài viết trên trang Vietnamplus.vn được cung cấp miễn phí (free).

Từ năm 2020, VietnamPlus tiến hành thu thập dữ liệu người dùng (tên tuổi, địa chỉ email) để phục vụ chiến lược xây dựng nhóm độc giả trung thành.

“Việc đưa các bài báo lên nhiều nền tảng mới, chẳng hạn như MSN, Flipboard, Yan,… giúp nâng tầm thương hiệu, tăng độ phủ sóng của các đơn vị, tăng giá trị cho các hợp đồng truyền thông. Những mô hình kiếm tiền từ những nền tảng số như YouTube, Facebook, Tiktok,... cũng được toà soạn cập nhật nhanh chóng”, nhà báo Trần Tiến Duẩn cho hay.

cach-bao-chi-thu-thap-du-lieu.png
Cách các cơ quan báo chí thu thập dữ liệu độc giả và kinh doanh dựa trên dữ liệu đó.

Ứng dụng công nghệ trong tòa soạn và phát triển kinh tế báo chí ở Tạp chí Kinh tế Việt Nam

Chia sẻ các cách ứng dụng công nghệ trong tòa soạn và phát triển kinh tế báo chí ở Tạp chí Kinh tế Việt Nam sau 2 năm chuyển đổi kép, nhà báo Đào Quang Bính, Tổng Thư ký Tòa soạn Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy cho biết: Tạp chí Kinh tế Việt Nam đã ứng dụng nền tảng công nghệ số giúp toàn soạn làm kinh tế báo chí.

Với phương thức phát hành số, bên cạnh các bản in truyền thống, các ấn phẩm của Tạp chí Kinh tế Việt Nam sẽ được số hóa dưới dạng PDF (máy tính và cho mobile) và phát hành tới bạn đọc qua nền tảng phát hành số. Phương thức này giúp bạn đọc khắp nơi trên thế giới có thể tiếp cận nội dung Tạp chí Kinh tế Việt Nam nhanh và sớm hơn cách thức phát hành thông thường.

4.jpg
Sản xuất nội dung số hoàn toàn khác với việc sản xuất nội dung trên các nền tảng truyền thống. (Ảnh minh họa: Nguồn Internet)

"Đây là hướng đi để các tờ báo in, tạp chí khoa học bán giá trị nội dung bài viết mà không mất chi phí in ấn. Khi các tờ báo, tạp chí in phát hành trên bản PDF sẽ thúc đẩy phát triển kinh doanh số, đồng thời thu hút được quảng cáo. Việc có số lượng đông đảo Subcribers cũng sẽ giúp Tạp chí Kinh tế Việt Nam và Vietnam Economic Times (tạp chí bằng tiếng Anh) có các quảng cáo từ các doanh nghiệp lớn cần quảng bá thương hiệu", Tổng Thư ký Tòa soạn Tạp chí Kinh tế Việt Nam cho hay.

Nhà báo Đào Quang Bính cũng cho biết, bên cạnh những sản phẩm báo chí mới đặc thù, VnEconomy đã tăng cường nội dung đa phương tiện cho các tác phẩm báo chí. Đồng thời, chọn lọc một số nội dung để thực hiện bổ sung các tính năng đa phương tiện và phát hành đồng thời trên nền tảng mạng xã hội như Tiktok, Facebook, Linkedin và Youtube.

Chỉ sau 6 tháng xây dựng, kênh Tiktok của VnEconomy đã đạt mốc trên 250.000 người theo dõi, được gắn links bài, các video đều đạt hàng trăm ngàn lượt xem và trung bình mỗi tháng khoảng 5 - 6 triệu lượt xem kênh. Fangage VnEconomy hiện đã có gần 500.000 lượt follow, lượt tiếp cận hàng tháng khoảng 1 triệu.

Nhờ ứng dụng công nghệ số cùng với những nỗ lực đầu tư phát triển nội dung chuyên sâu đã đem lại thành công bước đầu cho Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy. Hiện, Tạp chí điện tử VnEconomy có trung bình 20 triệu lượt xem hằng tháng, dù là một tạp chí đậm chất kinh tế chuyên sâu”, nhà báo Đào Quang Bính bày tỏ./.

Bài liên quan
  • Mô hình tòa soạn số ở Việt Nam
    Cùng với sự phát triển bùng nổ của công nghệ, sự phát triển của báo chí cũng mang tính bước ngoặt, không chỉ về loại hình báo chí mà còn về quy trình làm báo, tổ chức bộ máy và cách thức truyền tải nội dung đến với bạn đọc.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Kinh tế báo chí và cách thức tạo nguồn thu trên các nền tảng số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO