CĐS là nhiệm vụ sống còn
Theo Báo cáo kinh tế số Đông Nam Á, dự báo tới năm 2025, nền kinh tế số của Việt Nam sẽ chạm mốc 50 tỷ USD. Điều này càng khẳng định, CĐS đang trở thành nguồn lực quan trọng để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Đối với các DN vừa và nhỏ, ngay từ khi khởi nghiệp, việc tiếp cận và CĐS sẽ giúp DN chuyển hóa hoạt động và quá trình vận hành từ thụ động với những diễn biến trên thị trường sang tâm thế chủ động theo dõi diễn biến của thực tế, dự báo những gì sẽ xảy ra.
Việc chủ động trong sản xuất kinh doanh sẽ giúp DN có thể đưa ra các chiến lược cạnh tranh đúng đắn và kịp thời khi thị trường có những thay đổi. Tùy theo các cấp độ chuyển đổi số, DN có thể đi theo, đáp ứng và dẫn đầu các thay đổi.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, CĐS cũng quyết định việc nhân rộng hoặc thay đổi quy mô DN. Nếu không có CĐS, DN sẽ gặp khó khăn trong việc nhân rộng mô hình và luôn luôn phải đi theo sau, do toàn bộ hạ tầng, cách thức vận hành cũng như cấu hình chuỗi giá trị là nằm trên không gian thực vật lý.
Khi thay đổi và nhân rộng không gian thực vật lý sẽ đòi hỏi thời gian trễ để đáp ứng thị trường. Thông qua kiến trúc số, phát triển dịch vụ, sản phẩm cũng như chuỗi giá trị số, DN có thể nhanh chóng tái cấu trúc, mở rộng, thêm mới hoặc nâng cấp cũng như cắt bớt quy mô và phạm vi hoạt động DN một cách dễ dàng.
Hiện nay, đa số các DN Việt Nam đều ở quy mô vừa, nhỏ hoặc siêu nhỏ và gặp rất nhiều khó khăn trong việc CĐS. Do đó, việc xây dựng kế hoạch CĐS một cách bài bản theo từng giai đoạn là yêu cầu cấp thiết để giúp DN có thể hiểu, vận dụng và quản trị thành công các chuỗi giá trị.
Hà Nội hỗ trợ DN vừa và nhỏ
Mới đây, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định phê duyệt Kế hoạch hỗ trợ CĐS cho DN nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025".
Kế hoạch đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, 100% DN nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố nâng cao nhận thức về CĐS, Khoảng 90.000 DN nhỏ và vừa mới thành lập được nhận hỗ trợ từ Kế hoạch; 100% DN trên địa bàn thành phố sử dụng chữ ký số, hóa đơn điện tử; Xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ CĐS thông qua phát triển mạng lưới đối tác.
Kế hoạch đề ra 6 nhiệm vụ cùng giải pháp, gồm: Xây dựng các công cụ, tài liệu hướng dẫn, phần mềm, cơ sở dữ liệu phục vụ CĐS; Truyền thông nâng cao nhận thức về CĐS, thúc đẩy hoạt động CĐS trong DN; Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho DN nhỏ và vừa về CĐS. Hỗ trợ các gói chuyển đổi số cho DN nhỏ và vừa theo mức độ CĐS. Kết nối, hình thành mạng lưới chuyên gia tư vấn, thúc đẩy CĐS trong DN trên địa bàn thành phố Hà Nội; Thúc đẩy hệ sinh thái CĐS TP Hà Nội.
Trong đó, ngoài việc hỗ trợ chi phí đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho DN nhỏ và vừa CĐS, thành phố cũng đặt hỗ trợ các gói CĐS. Điển hình, gói "Bắt đầu CĐS" với mức hỗ trợ tối đa 50% giá trị hợp đồng tư vấn nhưng không quá 50 triệu đồng/hợp đồng/năm đối với DN nhỏ, không quá 100 triệu đồng/hợp đồng/năm đối với DN vừa. Tương tự, với gói "Tăng tốc CĐS", thành phố sẽ hỗ trợ các giải pháp chuyên sâu hơn, các công cụ, giải pháp về an toàn dữ liệu, hoạch định tài nguyên DN, quản lý hệ thống khách hàng và kênh bán hàng, báo cáo và phân tích kinh doanh thông minh...
Với gói "CĐS hướng đến thị trường toàn cầu" thành phố đặt kế hoạch hỗ trợ DN CĐS để thúc đẩy xuất khẩu, phát triển thương hiệu và sản phẩm trên thị trường quốc tế.
Đối tượng hỗ trợ là các DN nhỏ và vừa được xác định tại Điều 5 Nghị định 80/2021/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật hỗ trợ DN nhỏ và vừa ngày 26/8/2021 của Chính phủ, đăng ký trụ sở chính trên địa bàn thành phố Hà Nội có nhu cầu hỗ trợ CĐS.
Cùng với việc đưa ra lộ trình triển khai, kế hoạch cũng dự kiến kinh phí thực hiện hỗ trợ DN CĐS là 315,164 tỷ đồng; trong đó, ngân sách thành phố chi 195,364 tỷ đồng, còn lại DN đóng góp và huy động từ các nguồn khác là 119,8 tỷ đồng. Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan chủ trì thực hiện kế hoạch./.