Hà Nội chú trọng công tác bảo vệ người tiêu dùng
Tiếp nối những kết quả đã đạt được, UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình “Hành động vì quyền lợi người tiêu dùng” năm 2025 trên địa bàn TP. Hà Nội với chủ đề "Thông tin minh bạch - Tiêu dùng trách nhiệm".
Thời gian qua, bảo vệ người tiêu dùng là một trong những vấn đề thu hút sự quan tâm của toàn xã hội nói chung và TP. Hà Nội nói riêng. Trên địa bàn TP. Hà Nội, dù đã phát hiện và xử lý nhiều vụ việc, nhưng tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vẫn còn phổ biến trên thị trường.
Có thể thấy, xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng đang tiếp diễn ngày càng tinh vi, mở rộng nhiều hình thức mới. Do đó, các cơ quan chức năng, doanh nghiệp đang nỗ lực có thêm các giải pháp mạnh mẽ, đột phá và toàn diện để thúc đẩy hiệu quả công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Để xây dựng văn hóa tiêu dùng lành mạnh, UBND TP. Hà Nội đã có các chủ trương, ban hành kế hoạch về triển khai hành động vì quyền lợi người tiêu dùng năm 2024 trên địa bàn.
Theo đó, Thành phố định hướng, xác định trách nhiệm của các tổ chức, doanh nghiệp đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cung ứng theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đồng thời xây dựng ý thức chủ động bảo vệ bản thân của người tiêu dùng khi tham gia các giao dịch mua bán hàng hóa, dịch vụ. Tăng cường công tác quản lý và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan nhà nước và các tổ chức xã hội liên quan trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Các nội dung hoạt động vì quyền lợi người tiêu dùng được thành phố tổ chức và thực hiện như: Lễ phát động hưởng ứng “Ngày quyền của người tiêu dùng Việt Nam (15/3)” năm 2024 với chủ đề “Thông tin minh bạch - Tiêu dùng an toàn”, Hội chợ “Hàng hóa, sản phẩm xanh vì người tiêu dùng”...
Mới đây, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền đã ký ban hành Kế hoạch số 288/KH-UBND về việc triển khai thực hiện Chương trình “Hành động vì quyền lợi người tiêu dùng” năm 2025 trên địa bàn thành phố Hà Nội với chủ đề "Thông tin minh bạch - Tiêu dùng trách nhiệm".
Trên cơ sở đó, UBND Thành phố giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã, các doanh nghiệp, Hội, Hiệp hội trên địa bàn Thành phố triển khai tổ chức các hoạt động, sự kiện theo Kế hoạch được phê duyệt...
Cục Quản lý thị trường Thành phố phối hợp triển khai thực hiện thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật; đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh chống buôn lậu, sản xuất hàng giả, gian lận thương mại và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, góp phần triển khai hiệu quả các nội dung của kế hoạch; tiếp nhận, tư vấn, xử lý thông tin phản ánh của người tiêu dùng theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.
Để công tác bảo vệ quyền lợi được triển khai đồng bộ, thường xuyên, liên tục, UBND quận, huyện, thị xã và các đơn vị có liên quan của Hà Nội cần đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra (nhất là kinh doanh trên môi trường mạng), hướng dẫn nhận biết hàng thật, hàng giả cho người tiêu dùng, giải đáp kịp thời, chính xác các thắc mắc, hỏi đáp về quyền của người tiêu dùng…
Tuyên truyền người dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, phát huy nét đẹp văn hóa trong tiêu dùng để thực thi có hiệu quả Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh.