Truyền thông

Hà Nội đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, giúp ngành nông nghiệp “cất cánh”

Đỗ Thêu 12:31 19/05/2023

Tận dụng nhiều lợi thế sẵn có, những năm qua, Hà Nội đã thúc đẩy việc ứng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, qua đó giúp tái cơ cấu ngành và từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

anh-5.2.jpg
Nhiều sản phẩm nông sản của Hà Nội được sản xuất bởi dây truyền công nghệ hiện đại, đảm bảo chất lượng để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Hướng tới ngành nông nghiệp xanh

Hà Nội là một trong hai trung tâm kinh tế lớn và có đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Xác định vai trò của phát triển nông nghiệp công nghệ cao (CNC) trong việc đảm bảo an ninh và an toàn lương thực, đồng thời góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, thời gian qua TP. Hà Nội đã đẩy mạnh ứng dụng CNC vào lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, chế biến và kinh doanh nông sản.

Nhờ việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đến nay toàn thành phố có 285 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC. Trong đó, 185 mô hình thuộc lĩnh vực trồng trọt, 45 mô hình ở lĩnh vực chăn nuôi, 54 mô hình thuộc lĩnh vực thủy sản và 1 mô hình kết hợp trồng trọt lẫn chăn nuôi. Những mô hình nông nghiệp CNC tập trung nhiều ở các huyện như: Mê Linh, Gia Lâm, Thường Tín, Đông Anh, Thanh Oai, Đan Phượng…

Để phát triển nông nghiệp CNC, việc đổi mới khoa học công nghệ (KHCN) được xem là một trong những giải pháp then chốt. Việc vận dụng các tính năng ưu việt của công nghệ như, công nghệ nhà kính, công nghệ tự động hóa, công nghệ cảm biến… sẽ giúp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, hạ giá thành và nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường. Điều này làm giảm bớt sự lệ thuộc của quá trình sản xuất nông nghiệp vào các yếu tố tự nhiên, như thời tiết, khí hậu.

Với phương châm “nhiều vùng nhỏ cộng lại thành vùng lớn”, thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP. Hà Nội đã phối hợp với các huyện, thị xã đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất, phát huy được lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương để phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.

Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT Hà Nội: Những năm tới thành phố sẽ hình thành chuỗi giá trị nông sản bằng cách xây dựng các vùng sản xuất tập trung, sản phẩm chủ lực của địa phương. Bên cạnh đó, Hà Nội đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng KHCN vào sản xuất, chế biến, kinh doanh nông nghiệp; Xây dựng trung tâm nông nghiệp công nghệ cao để ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trong nước và quốc tế.

Bên cạnh đó, để tạo đột phá nhằm thu hút nhiều doanh nghiệp (DN) lớn tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp, Hà Nội tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường chính sách ưu đãi cho DN về tín dụng, mặt bằng, xúc tiến thương mại... tiếp tục phát triển nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững.

Nhiều mô hình hiệu quả

Một số mô hình ứng dụng CNC, đầu tư máy móc thiết bị hiện đại, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với tình hình thực tế của Hà Nội và đang khẳng định được vị thế trên thị trường, điển hình như: Mô hình sản xuất giống và hoa lan Hồ điệp của Hợp tác xã Đan Hoài (huyện Đan Phượng), Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý (huyện Đan Phượng), Nhà máy sản xuất nấm Kim châm công nghệ Nhật bản của Công ty TNHH xuất nhập khẩu Kimoko Thanh Cao (huyện Mỹ Đức), Công ty TNHH Thực phẩm sạch Organic Green (huyện Thường Tín).

Theo chia sẻ của bà Đặng Thị Cuối, Giám đốc hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ rau hữu cơ CNC Cuối Quý (huyện Đan Phượng), bà từng có hơn 15 năm làm thuê ở những đồn điền trồng rau hữu cơ bên nước ngoài nên đã tích luỹ cho bản thân nhiều kinh nghiệm quý báu.

Sau khi trở về nước, nhờ vay được vốn, bà Cuối đã mạnh dạn đầu tư xây dựng trang trại trồng rau sạch theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao.

anh-5.1.jpg
Mô hình trồng rau hữu cơ của HTX sản xuất và tiêu thụ rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nói về kỹ thuật canh tác, HTX đã thực hiện nghiêm ngặt theo đúng nguyên tắc “5 không” (không sử dụng thuốc diệt cỏ, không phân bón hóa học, không thuốc bảo vệ thực vật hóa học, không thuốc kích thích tăng trưởng và không giống biến đổi gen). Nhờ ứng dụng CNC vào sản xuất, thương hiệu rau hữu cơ của HTX Cuối Qúy đã nổi tiếng khắp trong ngoài TP. Hà Nội. Trên mỗi bó rau được đóng gói, khách hàng chỉ cần cầm điện thoại thông minh quét mã vạch là có thể biết được tất tần tật địa chỉ, quy trình sản xuất, để biết chúng có an toàn để mua hay không.

Một mô hình nông nghiệp ứng dụng CNC tiêu biểu khác của Hà Nội phải kể đến là Công ty TNHH Thực phẩm sạch Organic Green (huyện Thường Tín). Hiện công ty đã liên kết với hơn 300 trang trại chăn nuôi lợn, gà, vịt... và thực hiện giết mổ gia súc, gia cầm trên dây chuyền công nghệ tiên tiến để bảo đảm an toàn thực phẩm. Công ty cũng mở 134 điểm bán thực phẩm sạch nhằm bảo đảm cung ứng thực phẩm chế biến cho thị trường Hà Nội và các tỉnh, thành phố, trở thành địa điểm tin cậy, uy tín cho những người tiêu dùng thông minh./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, giúp ngành nông nghiệp “cất cánh”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO