Truyền thông

Hà Nội quyết tâm khởi công dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đúng thời hạn

Đỗ Thêu 15/06/2023 07:48

Đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô là dự án quan trọng quốc gia, được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 56/2022/QH15.

Tuyến đường có tổng chiều dài khoảng 112,8km, tổng mức đầu tư dự án là 85.813 tỷ đồng. Khi hoàn thành, dự án sẽ mở rộng không gian phát triển cho Thủ đô và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Dự án trọng điểm của Thủ đô

Đảng và Nhà nước ta đánh giá rất cao những nỗ lực của chính quyền Hà Nội trong quá trình triển khai dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.

Đáp lại sự tin tưởng đó, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU về chủ trương triển khai dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Đến nay, cả hệ thống chính trị của Hà Nội, đặc biệt 7 quận, huyện có dự án đi qua đã và đang tập trung mọi nguồn lực thực hiện công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) để triển khai dự án đúng tiến độ.

anh-14.1.jpeg
Ngày 25/6 tới đây, Hà Nội sẽ bắt đầu khởi công dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.

Theo Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng, ngày 25/6/2023, thành phố sẽ khởi công Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô tại 4 điểm trên địa bàn.

Cụ thể gồm: Vị trí giao cắt giữa tuyến đường Vành đai 4 với quốc lộ 2 tại Km1+444 thuộc địa phận xã Thanh Xuân; huyện Sóc Sơn, vị trí giao cắt giữa tuyến đường Vành đai 4 với đường Phương Bảng tại Km28+000 thuộc địa phận xã Song Phương, huyện Hoài Đức, vị trí giao cắt giữa trục phía Nam tại Km45+700 thuộc địa phận xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, cách đường Vành đai 3 khoảng 11km và vị trí giao với QL1A cũ tại Km52+600, thuộc địa phận xã Văn Bình, huyện Thường Tín.

Đến hết tháng 6/2023, Hà Nội sẽ bàn giao khoảng 80% diện tích mặt bằng để triển khai dự án. Hiện các thủ tục liên quan đến dự án cơ bản đã hoàn thiện. Dự kiến, mỗi km của Vành đai 4 có mức đầu tư 328 tỷ đồng. Tuyến đường có tổng chiều dài khoảng 112,8 km, tổng mức đầu tư dự án là 85.813 tỷ đồng.

Nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021-2025 là 41.860 tỷ đồng, bao gồm hơn 19.380 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Nguồn vốn ngân sách địa phương là hơn 22.470 tỷ đồng (Hà Nội hơn 19.470 tỷ đồng, Hưng Yên 1.000 tỷ đồng, Bắc Ninh 2.000 tỷ đồng). Nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2026-2030 hơn 14.500 tỷ đồng. Vốn do nhà đầu tư thu xếp hơn 29.440 tỷ đồng. Dự án dự kiến cơ bản sẽ hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.

Để đảm bảo khởi công đồng loạt các Dự án thành phần thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã chủ trì cuộc họp với tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh và một số địa phương về mỏ vật liệu, nhằm giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đưa ra những giải pháp tối ưu.

Nhu cầu vật liệu cho toàn dự án trên địa bàn 3 tỉnh (Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh) là rất lớn, đến nay, tổng số mỏ đã được khảo sát là 102 mỏ. Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, việc khảo sát các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng là công việc hết sức quan trọng, quyết định sự thành công của dự án.

Cũng theo Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng, điều đáng mừng là người dân đều hồ hởi, phấn khởi và thể hiện rõ sự ủng hộ, đồng thuận cao đối với chủ trương đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Đây là nhân tố rất quan trọng góp phần vào sự thành công của dự án.

Chính vì vậy, Bí thư Hà Nội đề nghị các cấp, các ngành từ thành phố xuống cơ sở phải làm tốt nhiệm vụ được giao, quyết tâm bảo đảm tiến độ công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) như đã đề ra. Đặc biệt, phải làm thật tốt công tác đền bù, hỗ trợ, tái định cư, bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho người dân theo quy định.

Cần sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị

Chia sẻ kinh nghiệm triển khai dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, ông Dương Đức Tuấn, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, thành phố đã rất chủ động, quyết liệt, áp dụng nhiều nhóm giải pháp cho công tác GPMB.

Theo đó, thành phố đã tách công tác GPMB thành dự án thành phần độc lập. Ưu điểm của giải pháp này là giúp cho việc GPMB không còn phụ thuộc nhiều vào các yếu tố kỹ thuật mang tính chất chuyên ngành của các công trình kết cấu hạ tầng giao thông đường cao tốc. Có thể triển khai sớm công tác GPMB ngay sau khi có chỉ giới đường đỏ được phê duyệt. Đảm bảo việc GPMB đi trước một bước.

Bên cạnh đó, thành phố cũng triển khai một số công việc liên quan công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư như: Tổ chức lập, phê duyệt, bàn giao hồ sơ thiết kế cắm cọc GPMB để các địa phương tổ chức thực hiện. Hồ sơ thiết kế cắm cọc GPMB sẽ được cập nhật đảm bảo phù hợp với dự án đầu tư được duyệt; Rà soát, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Trên cơ sở hồ sơ thiết kế cắm cọc GPMB, rà soát nhu cầu tái định cư, tổ chức lập dự án đầu tư xây dựng các khu tái định cư.

Cũng theo ông Dương Đức Tuấn, để tăng tính chủ động của địa phương, thành phố đã giao nhiệm vụ GPMB trực tiếp cho các quận huyện có tuyến Vành đai 4 đi qua triển khai, nguồn vốn được phân bổ kịp thời. Nhờ những giải pháp quyết liệt, chủ động như vậy, công tác GPMB thực sự trở thành bệ phóng cho dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô tăng tốc ngay từ những bước đầu tiên.

Dự án khi hoàn thành sẽ giúp giải quyết nhiều vướng mắc đang đặt ra của Thủ đô, nhất là giúp hoàn thiện hệ thống giao thông, khắc phục nạn ùn tắc đang rất khó khăn. Đồng thời cũng mở rộng không gian phát triển cho Thủ đô và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội quyết tâm khởi công dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đúng thời hạn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO