Chuyển đổi số

Hà Nội chuyển đổi số để xây dựng nông thôn mới thông minh

Đỗ Thêu 08:48 02/06/2023

Nhằm thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ số trong xây dựng nông thôn mới (NTM), góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân, Hà Nội đã và đang tập trung mọi nguồn lực để triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.

anh-7.1.jpg

Phấn đấu tới 2025 có 100% huyện đạt chuẩn NTM

Chuyển đổi số (CĐS) được xác định là giải pháp trọng tâm trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025, qua đó góp phần xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, thu hẹp dần khoảng cách về chất lượng dịch vụ giữa nông thôn và thành thị.

Công tác CĐS số trong xây dựng NTM xoay quanh 3 vấn đề chính: Phát triển chính quyền số ở nông thôn, phát triển các chủ thể kinh tế số ở nông thôn và phát triển xã hội số cho cộng đồng dân cư ở nông thôn.

Những năm qua, thông qua nhiều chương trình, quyết định, kế hoạch, lãnh đạo Hà Nội đã chỉ đạo quyết liệt, sâu sát các sở, ngành, quận huyện nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu trong xây dựng NTM. Nhờ việc đẩy mạnh CĐS trong xây dựng NTM, bước đầu Hà Nội đã thu về nhiều “trái ngọt”.

Cụ thể, theo lãnh đạo Văn phòng Điều phối NTM TP. Hà Nội: Đến nay, thành phố có 15/18 huyện, thị xã và 100% số xã được công nhận đạt chuẩn NTM. Đặc biệt, trong số đó có 48 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 5 xã đạt NTM kiểu mẫu. Để đạt được những thành tựu trên, Thành ủy, HĐND, UBND TP. Hà Nội là người thổi lửa, các cấp chính quyền và ban, ngành, đoàn thể là người truyền lửa, còn người dân chính là người giữ lửa. Mục tiêu của thành phố giai đoạn 2021-2025 là xây dựng NTM theo hướng phát triển đô thị thông minh (một số huyện phát triển lên quận), đây là điểm khác biệt lớn nhất so với các địa phương khác.

Với tinh thần xây dựng NTM không có điểm dừng, không có điểm kết thúc, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP. Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, đề ra mục tiêu: “Đến năm 2025, Hà Nội có 100% huyện đạt chuẩn NTM, 40% xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 20% xã NTM kiểu mẫu, hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM cấp thành phố”.

Nhiều vùng quê “thay da đổi thịt” nhờ CĐS

Huyện Đan Phượng được đánh giá là một trong những địa phương đi đầu về việc ứng dụng công nghệ số trong xây dựng NTM tại Hà Nội.

Bám sát các chỉ đạo từ thành phố và huyện, chính quyền xã Song Phượng đã triển khai xây dựng mô hình "thôn thông minh" trên nền tảng là các "tổ tự quản thông minh" và những "công dân số" đến 4 thôn và 36 tổ tự quản. Xã thành lập 1 tổ công nghệ số cộng đồng với nhiều thành viên “đi từng ngõ, gõ từng nhà" vừa khảo sát, vừa hướng dẫn 100% hộ dân trên địa bàn tham gia tìm hiểu CĐS, các ứng dụng dịch vụ công trực tuyến, cài đặt tài khoản thanh toán điện tử, giao dịch thương mại điện tử...

Theo ông Bùi Văn Tùng, Chủ tịch UBND xã Song Phượng, mô hình “thôn thông minh” đã mang lại hiệu quả trên nhiều phương diện. Ví như, với việc thực hiện giao tiếp thông minh, xã đã hướng dẫn các thôn thành lập 4 nhóm Zalo của thôn, 36 nhóm Zalo tổ tự quản có sự tham gia của đại diện mỗi hộ dân. Từ khi các nhóm Zalo được thành lập, hệ thống quản lý, trao đổi, tuyên truyền thông tin không chỉ dừng lại giữa cấp ủy, chính quyền và các thôn, mà mọi hoạt động của xã, thôn đều được truyền đạt đến 100% hộ gia đình. Từ đó, các hộ dân được tiếp cận với thông tin của xã, thôn một cách nhanh chóng, chính xác, thuận tiện hơn trước.

Ngoài ra, UBND xã còn thành lập nhóm Zalo "Hỗ trợ người dân thực hiện thủ tục hành chính tư pháp - hộ tịch". Thông qua kênh này, chính quyền tiếp nhận, trả lời, hướng dẫn người dân về thành phần hồ sơ, quy trình giải quyết và có thể hẹn trước thời gian trả kết quả, qua đó giúp người dân không phải chờ đợi lâu, giảm thời gian đi lại như trước...vv.

Nhằm hỗ trợ bà con phát triển kinh tế, tổ công nghệ số cộng đồng của xã đã hướng dẫn HTX nông nghiệp thành lập trang Facebook: Nông sản sạch Song Phượng, với hàng trăm thành viên là người dân trực tiếp sản xuất trên địa bàn xã tham gia để giới thiệu và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương như: Kẹo lạc, nấm ăn, bưởi Diễn...Đồng thời hướng dẫn các hộ gia đình áp dụng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập.

Ông Trần Đức Hải, Bí thư huyện uỷ Đan Phượng đánh giá cao mô hình “thôn thông minh” đã triển khai tại xã Song Phượng. Trên cơ sở đánh giá hiệu quả đạt được tại xã Song Phượng, lãnh đạo huyện đã phát động và tổ chức nhân rộng mô hình này ra toàn địa bàn. Đến nay, toàn huyện đã thành lập 16 tổ công nghệ số các xã, thị trấn, 129 tổ công nghệ cộng đồng thôn, cụm dân cư, tổ dân phố với tổng số hơn 1000 thành viên. Các tổ công nghệ đã thực hiện hiệu quả nhiều nội dung về phổ cập số, tập huấn số, ứng dụng dịch vụ công trực tuyến, cài đặt tài khoản thanh toán điện tử, lắp đặt camera an ninh…

Kết quả đạt được đã góp phần góp phần nâng cao hiệu quả điều hành của cấp ủy, chính quyền, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế - xã hội của huyện Đan Phượng./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội chuyển đổi số để xây dựng nông thôn mới thông minh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO