Hà Nội: Tái cấu trúc quy trình thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số
Phấn đấu thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính, Hà Nội đã, đang và sẽ triển khai chuyển đổi số hiệu quả với lộ trình, thời gian và mục tiêu cụ thể.
Thực trạng cung cấp dịch vụ công trực tuyến tại Hà Nội
Theo UBND Thành phố Hà Nội, thời gian qua, việc thực hiện thủ tục hành chính (TTHC), cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) trên địa bàn Thành phố đã có một số chuyển biến tích cực, đã gắn kết với chuyển đổi số (CĐS) theo hướng lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ.
Hiện nay, Thành phố đã cung cấp DVCTT đối với 1.191/1.885 TTHC thực hiện trên địa bàn, bao gồm 318 DVCTT toàn trình và 872 DVCTT một phần. Trong đó, đã tích hợp 165 DVCTT toàn trình và 727 DVCTT một phần trên Cổng DVC quốc gia.
Bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong việc triển khai DVCTT.
Một là nhiều DVCTT mặc dù có đối tượng thực hiện, tần suất lớn, tuy nhiên, số lượng hồ sơ trực tuyến phát sinh thấp hoặc cán bộ, công chức vẫn phải hỗ trợ, làm thay người dân.
Hai là tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC, tỷ lệ khai thác, sử dụng lại thông tin, dữ liệu số hóa trên địa bàn Thành phố còn hạn chế.
Ba là tỷ lệ thanh toán trực tuyến chưa đáp ứng mục tiêu của Chính phủ.
Bốn là việc phê duyệt phương án tái cấu trúc TTHC chưa đạt được kết quả cao. Hiện nay, các Sở đã trình Chủ tịch UBND Thành phố phê duyệt phương án tái cấu trúc của 627/1.185 TTHC, đạt 53% để cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Hiện còn 539 TTHC còn lại chưa được tái cấu trúc quy trình.
Năm là đối với 627 TTHC được phê duyệt phương án tái cấu trúc quy trình TTHC vẫn chưa đảm bảo theo quy định và hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, chưa cắt giảm, đơn giản hóa quy trình để giảm khâu thực hiện, kế thừa lại dữ liệu, kết quả TTHC, chưa xây dựng sơ đồ tổng thể, đánh giá hiệu quả tái cấu trúc quy trình TTHC. (
Sáu là việc kết nối, chia sẻ dữ liệu với hệ thống của các Bộ, ngành chuyên quản chưa được đồng bộ, thống nhất. Trong quá trình đồng bộ dữ liệu, phát sinh vấn đề chênh lệch số liệu khi đồng bộ hồ sơ giải quyết TTHC của Thành phố với Cổng DVC quốc gia.
Bảy là chất lượng DVC chưa đạt được như kỳ vọng, chưa thân thiện, thuận tiện cho công dân, tổ chức khi thực hiện TTHC.
Tám là việc liên thông điện tử, tái sử dụng dữ liệu còn rất thấp.
Điều đó cho thấy việc cắt giảm, đơn giản hóa, tái cấu trúc TTHC chưa thực chất khi thực hiện trên môi trường điện tử.
Đơn giản hóa quy trình TTHC, tái sử dụng dữ liệu đã số hóa
Mới đây, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 295/KH-UBND về triển khai tái cấu trúc quy trình TTHC, hoàn thiện Hệ thống thông tin giải quyết TTHC TP Hà Nội giai đoạn năm 2024 - 2025. Mục tiêu đặt ra là nhằm đơn giản hóa quy trình, tái sử dụng dữ liệu đã được số hóa, kết nối, chia sẻ dữ liệu theo phương châm “Một việc một lần làm; hồ sơ nộp một lần”, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện DVCTT giai đoạn năm 2024-2025.
Một trong những điểm đáng chú ý của việc tái cấu trúc đó là hướng tới hoàn thiện, nâng cấp Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của Thành phố đáp ứng yêu cầu theo quy định, nhất là các Nghị định của Chính phủ và Thông tư số 21/2023/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông gồm: Xây dựng và phát triển Kho dữ liệu dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân để lưu giữ thông tin, dữ liệu điện tử liên quan đến giao dịch hành chính của tổ chức, cá nhân đó khi thực hiện DVC; Cho phép mỗi người dân có thể chủ động đưa các giấy tờ đã được số hoá của mình lên Kho dữ liệu điện tử; Nghiên cứu các giải pháp nhằm khai thác khả năng kết nối, chia sẻ, lưu trữ dữ liệu số hóa để tái sử dụng phục vụ công việc giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp.
Đồng thời triển khai các ứng dụng số cung cấp DVCTT trên thiết bị di động và các tính năng khác để thuận tiện cho công dân, tổ chức khi thực hiện DVCTT (đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, phát triển tính năng tra cứu tiến độ giải quyết hồ sơ, gắn mã QR cho kết quả TTHC…).
Trên thực tế, mới đây UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều kế hoạch thúc đẩy chuyển đổi số để song hành, cụ thể hoá các mục tiêu liên quan đến đến tái cấu trúc TTHC như tại Kế hoạch số 322/KH-UBND ngày 06/11/2024 về triển khai thí điểm thực hiện Sổ sức khoẻ điện tử trên địa bàn Thành phố Hà Nội phục vụ tích hợp trên ứng dụng VNeID.
Trước đó, ngày 28/10, Hà Nội cũng ban hành Kế hoạch phát triển, nâng cấp, triển khai mở rộng nền tảng “Công dân Thủ đô số” – iHanoi giai đoạn 2025 - 2026. Trong đó, hoạch định rõ đến năm 2025 - 2026, ứng dụng iHanoi sẽ trở thành một nền tảng ứng dụng mạng xã hội tập trung, duy nhất của Thành phố, nhằm phục vụ tốt nhất người dân và doanh nghiệp với phương châm “Lấy người dân và doanh nghiệp làm chủ thể, là trung tâm để chính quyền phục vụ”.
Việc triển khai ứng dụng trên phải đảm bảo mục tiêu nâng cao trải nghiệm người dùng, tăng cường bảo mật an toàn thông tin cho hệ thống, ứng dụng trí tuệ nhân tại AI hỗ trợ cán bộ công chức tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị nhanh chóng, chính xác; hỗ trợ người dân doanh nghiệp dễ dàng tương tác, tìm kiếm thông tin trên ứng dụng iHanoi đơn giản, thuận tiện, nhanh chóng…
Việc tái cấu trúc quy trình TTHC, hoàn thiện Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cũng như thúc đẩy nhiều giải pháp chuyển đổi số phục vụ người dân và doanh nghiệp của Thành phố Hà Nội là minh chứng cho thực hiện chủ trương, định hướng, chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng đối với cán bộ quy hoạch Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV (Lớp 3). Trong đó, Tổng Bí thư lưu ý vấn đề chuyển đổi số phải gắn với bảo đảm an ninh, an toàn; tập trung xây dựng xã hội số, số hóa toàn diện hoạt động quản lý nhà nước, cung cấp DVCTT mức độ cao; kết nối đồng bộ các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, doanh nghiệp, tạo nền tảng tinh gọn bộ máy, cải cách TTHC thực chất.../.