Chuyển đổi số

Hà Nội: Ứng dụng công nghệ số, triển lãm báo Xuân trực tuyến

Anh Minh 10:52 05/02/2025

Thư viện quận Tây Hồ là thư viện công cộng đầu tiên trên địa bàn thành phố Hà Nội ứng dụng công nghệ số thực hiện triển lãm báo xuân, chủ động đưa văn hoá đọc tiếp cận gần nhất với người dân.

Từ năm 2023, thư viện quận Tây Hồ đã triển khai ứng dụng phần mềm mã nguồn mở VietBiblio trong công tác quản lý. Sáng ngày 22/1 vừa qua, thư viện đã chính thức khai mạc triển lãm báo xuân trực tuyến (http://tvtayho.nlv.vn/trienlam/baoxuan/). Sự kiện được triển khai cao điểm từ 22/1 đến 10/2 và sẽ kéo dài đến hết tháng Giêng Âm lịch.

thu-vien-1.jpg
Bí thư quận ủy Lê Thị Thu Hằng (ngoài cùng bên trái), Phó bí thư Quận ủy Nguyễn Lê Hoàng (thứ hai từ trái sang), Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao Tây Hồ Hoàng Xuân Sáng (thứ ba từ trái sang) thăm quan khu trưng bày báo Xuân trực tiếp và trải nghiệm báo Xuân trực tuyến vào ngày làm việc đầu tiên của năm 2025.

Được biết, đây là lần đầu tiên thư viện quận Tây Hồ tổ chức triển lãm báo Xuân theo cả hai hình thức: trực tiếp và trực tuyến. Thư viện quận Tây Hồ cũng là thư viện công cộng đầu tiên trên địa bàn thành phố Hà Nội ứng dụng công nghệ số thực hiện triển lãm báo xuân, chủ động đưa văn hoá đọc tiếp cận gần nhất với người dân.

Đến thời điểm sáng 4/2, lượng truy cập đọc báo Xuân trực tuyến trên trang web thư viện quận Tây Hồ đã vượt trên 8000 lượt và gia tăng dần theo thời gian. Đến thời điểm hiện tại, Triển lãm báo Xuân trực tuyến của thư viện quận Tây Hồ đã cập nhật được 399 tờ báo Xuân và sẽ tiếp tục cập nhật thêm.

Mặc dù báo giấy vẫn được yêu thích, đặc biệt là các trang báo Tết, nhưng hệ thống thư viện số hiện tại mang đến trải nghiệm vô cùng tiện lợi, phù hợp với giới trẻ và những người bận rộn. Người dùng có thể truy cập thông qua các màn hình cảm ứng lớn hoặc thiết bị cá nhân, đọc báo và phóng to, thu nhỏ nội dung một cách dễ dàng.

thu-vien-7.jpg
Chủ tịch UBND quận Tây Hồ, ông Nguyễn Đình Khuyến (ngoài cùng bên phải) tham quan khu trưng bày báo Xuân trực tiếp và trải nghiệm báo Xuân trực tuyến

Thư viện số Tây Hồ: Bước đột phá trong trải nghiệm đọc

Theo chị Nguyễn Thị Phương, phụ trách thư viện quận Tây Hồ, do hạn chế ngân sách, mỗi năm thư viện chỉ đủ khả năng mua 20 tờ báo giấy Xuân. Tuy nhiên, nhờ sử dụng công nghệ số, tài nguyên báo xuân của mỗi thư viện trên toàn quốc có thể chia sẻ lẫn nhau thông qua cơ sở dữ liệu (CSDL) dùng chung mà VietBiblio đã thiết kế xây dựng. Điều này cho phép người dùng truy cập hàng trăm tờ báo trên cả nước.

Hệ thống quản trị thư viện VietBiblio bao gồm 3 phân hệ: Phân hệ thư viện điện tử, phân hệ học liệu điện tử và thư viện số.

Với phân hệ thư viện điện tử, bạn đọc có thể thực hiện tìm kiếm tài liệu mình cần qua mục lục điện tử.

Với phân hệ học liệu và thư viện số, bạn đọc có thể đọc trực tiếp hoặc nghe tài liệu, giới thiệu tài liệu trên máy tính nối mạng, máy tính bảng hoặc điện thoại thông minh…

Hiện tại, hệ thống được sử dụng để giới thiệu trực tuyến báo Xuân với tên gọi “Triển lãm báo Xuân trực tuyến”. Chị Phương cho biết, đây là sáng kiến của Thư viện quận Tây Hồ nhằm mang đến trải nghiệm đọc báo mới mẻ, khơi dậy nét đẹp đọc sách/báo ngày xuân.

Ngoài ra, các tài liệu của địa phương, giới thiệu về quận Tây Hồ như cuốn sách “Khát vọng Tây Hồ - Khát vọng Thăng Long” hay sách ảnh “Tây Hồ - Đất và người” (các tác phẩm ảnh đoạt giải từ cuộc thi ảnh cuối năm 2024) cũng đã được số hóa và đưa lên nền tảng này, chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập quận Tây Hồ vào cuối năm nay.

“Phần mềm VietBiblio sử dụng nền tảng công nghệ điện toán đám mây, đã hỗ trợ thư viện quận Tây Hồ rất nhiều trong việc quản lý tài liệu, bạn đọc và trích xuất các dữ liệu báo cáo, thống kê. Với dữ liệu nghiệp vụ được tích hợp sẵn từ 90-95%, ngay cả những cán bộ không có chuyên môn cũng có thể dễ dàng thao tác thực hiện. Điểm đặc biệt của phần mềm là chạy trên web, vì vậy có thể hoạt động trên nhiều thiết bị: từ máy tính, điện thoại đến các thiết bị khác, chỉ cần có kết nối Internet. Nhờ vậy, người dân có thể tiếp cận thông tin và tài liệu một cách thuận tiện, nhanh chóng”, chị Nguyễn Thị Phương cho biết.

Thư viện quận Tây Hồ rất chú trọng đến việc đưa vào hệ thống số hóa những cuốn sách được phép thực hiện. Ban quản trị phần mềm cũng kiểm soát rất chặt chẽ, đảm bảo không có tài liệu nào vi phạm bản quyền xuất hiện trên hệ thống. Nếu phát hiện vi phạm, nội dung sẽ bị loại bỏ ngay lập tức, giúp người dân yên tâm khi truy cập.

Tuy nhiên, theo chị Phương, thư viện số vẫn còn giới hạn vì không phải tất cả sách mà bạn đọc muốn đều có sẵn. Một số tài liệu chưa được đưa lên do vấn đề bản quyền. Thư viện chỉ có thể số hóa và công bố toàn văn những cuốn sách mà tác giả đồng ý chia sẻ. Đối với sách vật lý, thư viện đã mua và trưng bày để người dân đến đọc trực tiếp hoặc mượn về nhà miễn phí.

Chị Phương cho biết, với việc áp dụng số hóa, khối lượng công việc đã giảm đi đáng kể, giúp tối ưu hóa thời gian và công sức lao động. Trước đây, việc xử lý nghiệp vụ cho một tên sách, từ lúc mua về đến khi đưa lên giá để phục vụ bạn đọc, mất khoảng 20 - 30 phút “đối với cán bộ được đào tạo bài bản”. Nhưng giờ đây, nhờ số hóa, quy trình này chỉ còn mất từ 2 - 3 phút.

thu-vien-2.jpg
Đây là lần đầu tiên thư viện quận Tây Hồ tổ chức triển lãm báo Xuân theo cả hai hình thức: trực tiếp và trực tuyến

“Ngoài việc giảm đáng kể thời gian xử lý, số hóa còn giúp loại bỏ hoàn toàn việc ghi chép sổ sách bằng tay. Mỗi cuốn sách nhập vào thư viện phải được đăng ký mã số riêng, trước đây, mọi thông tin đều phải ghi chép thủ công. Giờ đây, toàn bộ quy trình này đã được rút gọn và thực hiện trên máy tính. Thư viện chỉ cần dán nhãn cho sách và xử lý thông tin trên phần mềm”, chị Nguyễn Thị Phương nói.

“Nhờ những cải tiến này, công việc tại thư viện đã giảm tải đáng kể, giúp cán bộ thư viện tập trung vào các nhiệm vụ, các sự kiện phong trào nhằm phát triển văn hoá đọc và mang đến hiệu quả cao hơn trong công tác quản lý, phục vụ bạn đọc”.

Ước mơ liên thông hệ thống thư viện toàn quốc

Đặc điểm nổi bật khác của phần mềm thư viện Viet Biblio là khả năng liên thông giữa các thư viện. Điều này có nghĩa là các thư viện có thể chia sẻ dữ liệu và bạn đọc của thư viện này có thể dễ dàng truy cập, mượn sách từ các thư viện khác trong cùng hệ thống.

Hiện tại, việc việc chia sẻ CSDL trên hệ thống toàn quốc đã thực hiện dễ dàng, tiết kiệm chi phí và thời gian, công sức của thủ thư từng đơn vị. Mục tiêu trước mắt của Thư viện quận Tây Hồ là liên thông phục vụ bạn đọc giữa các thư viện trong quận: giữa thư viện quận với các thư viện trường học; giữa thư viện quận với các thư viện phường và phòng đọc khu dân cư.

Thư viện quận cũng mong muốn việc liên thông phục vụ bạn đọc sẽ được đẩy mạnh thực hiện giữa các thư viện công cộng trên địa bàn thành phố và các thư viện trên toàn quốc trong thời gian tới.

Từ đầu năm 2023, thư viện quận Tây Hồ đã triển khai phần mềm VietBiblio cho thư viện quận và các thư viện trường Mầm non, Tiểu học, THCS trên địa bàn. Sau khi hoàn thiện biên mục một số lượng sách nhất định, các thư viện có thể liên thông với nhau để phục vụ bạn đọc, đáp ứng Thông tư 16 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tiến tới thư viện quận sẽ hỗ trợ thư viện cơ sở phần mềm thư viện để sử dụng, góp phần mở rộng liên thông đến thư viện công cộng cấp phường, xã và các phòng đọc phục vụ nhân dân. Tuy nhiên, điều này vẫn đang gặp trở ngại do nhân lực ở cấp phường/xã thường phải kiêm nhiệm nhiều công việc và không có kinh phí dành cho việc mua sách phục vụ bạn đọc.

Đối với hệ thống phòng đọc khu dân cư, tình hình cũng gặp nhiều thách thức. Nhiều khu vực không có thủ thư chuyên trách, việc mở cửa đều đặn để phục vụ bạn đọc vẫn còn hạn chế. Tuy nhiên, một số nơi đã tạo được điểm sáng như thư viện làng Hồ Khẩu, phường Bưởi. Đây là một mô hình nổi bật, duy trì đã hơn 10 năm với sự đóng góp và xã hội hóa từ cộng đồng. Số lượng sách tại đây đã đạt khoảng 7.000 cuốn, cùng với cơ sở vật chất như bàn ghế và giá sách đều do người dân tài trợ. Nhiều gia đình đóng góp sách, hoặc cá nhân tài trợ các thiết bị, vật dụng cần thiết.

Đáng chú ý, cô Nguyễn Thị Tuyên, người phụ trách phòng đọc, đã cống hiến hơn 10 năm với tinh thần rất tâm huyết. Cô không chỉ kêu gọi xã hội hóa mà còn tổ chức các buổi tập huấn với thư viện quận để đảm bảo công tác quản lý và nghiệp vụ được thực hiện bài bản. Phòng đọc này đã trở thành điểm đến quen thuộc cho cả người già lẫn trẻ nhỏ trong các tổ dân phố số 1, 2, 3 của phường Bưởi. Hàng năm, phòng đọc còn dành một quỹ nhỏ để tặng phần thưởng cho những bạn đọc tích cực, góp phần khuyến khích văn hóa đọc tại cơ sở.

thu-vien-5.jpg
Trải nghiệm thư viện số tại trụ sở UBND quận Tây Hồ, TP. Hà Nội trong ngày đầu năm mới

Mặc dù thư viện số đang phát triển mạnh mẽ, song thư viện truyền thống vẫn giữ vai trò quan trọng. Nhiều người, đặc biệt là người lớn tuổi, vẫn thích cảm giác thân thuộc khi đọc sách/báo giấy, vì nó không chỉ mang lại trải nghiệm dễ chịu mà còn giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực của ánh sáng xanh. Đối với họ, đọc sách/báo giấy giúp tập trung và ghi nhớ tốt hơn so với các thiết bị điện tử. Do đó, hai hình thức thư viện số và truyền thống hiện đang phát triển song song, bổ trợ cho nhau, đáp ứng nhu cầu đa dạng của các nhóm bạn đọc.

Tuy nhiên, một trong những nút thắt lớn nhất hiện nay chính là cơ chế hỗ trợ và kinh phí dành cho công tác thư viện.

“Dù công tác số hóa đang phát triển mạnh mẽ, nhưng vẫn còn những khó khăn cần giải quyết, đặc biệt về kinh phí và sự đồng bộ hóa. Với sự hỗ trợ từ các đơn vị tiên phong và công nghệ hiện đại, mục tiêu phát triển văn hóa đọc và xây dựng hệ thống thư viện liên thông hoạt động hiệu quả trên cả nước sẽ sớm trở thành hiện thực”, chị Nguyễn Thị Phương chia sẻ./.

Bài liên quan
  • Lan tỏa văn hóa đọc dịp đầu xuân từ không gian sách Hồ Văn - Văn Miếu Quốc Tử Giám
    Những ngày này, đến thăm không gian vừa nên thơ, vừa cổ kính của Hồ Văn thuộc Khu di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), công chúng và du khách không chỉ được tham gia vào nhiều hoạt động ý nghĩa của Hội chữ Xuân Ất Tỵ 2025, mà còn được hòa mình vào không gian văn hóa đọc, nơi mỗi người có thể tìm kiếm những phút giây sâu lắng, thư thái khi làm bạn cùng sách.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • FPT tiên phong về AI, vươn mình tạo dựng tương lai
    Với chiến lược và mục tiêu rõ ràng, FPT đã giành thắng lợi lớn trên hành trình phát triển bền vững. Năm 2024, FPT ghi nhận doanh thu 62.849 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 11.071 tỷ đồng, lần lượt tăng 19,4% và 20,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
  • Công nghệ nhắn tin đang tác động đến Đông Nam Á như thế nào?
    Sự ra đời của điện thoại thông minh đã thay đổi giao tiếp theo nhiều cách. Đã qua rồi cái thời mà một người phải dựa vào kết nối mạng di động để gửi và nhận tin nhắn.
  • Quản lý dữ liệu và GenAI
    Sự trỗi dậy của AI tạo sinh (GenAI) giống như một bước ngoặt đối với các doanh nghiệp muốn thúc đẩy tăng trưởng theo cấp số nhân với tiềm năng chuyển đổi của GenAI.
  • Chiến lược quản lý dữ liệu chính MDM - “Nghĩ lớn, bắt đầu nhỏ, chuẩn bị sẵn sàng”
    Một chiến lược quản lý dữ liệu được xây dựng tốt có thể cải thiện năng suất, nâng cao độ chính xác của dữ liệu và tiết kiệm thời gian cho một tổ chức. Khi được thiết kế và triển khai đúng cách, nó đảm bảo chất lượng, tính toàn vẹn và bảo mật của dữ liệu. Ngoài ra, nó đảm bảo tính nhất quán của dữ liệu và giúp hợp lý hóa các quy trình nội bộ của tổ chức.
  • Indonesia lập lực lượng đặc nhiệm bảo vệ trẻ em dùng Internet quá mức
    Indonesia đã thành lập một lực lượng đặc nhiệm chuyên trách nhằm tăng cường các quy định trên môi trường mạng, bảo vệ trẻ em khỏi các mối đe dọa trực tuyến.
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Ứng dụng công nghệ số, triển lãm báo Xuân trực tuyến
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO