Hà Nội xây dựng chính quyền “không giấy tờ” nhờ sử dụng hệ thống báo cáo thông minh
Hệ thống báo cáo thông minh đang dần trở thành công cụ số hỗ trợ đắc lực cho các cấp chính quyền Hà Nội trong công tác quản lý, điều hành, qua đó góp phần quan trọng giúp Thủ đô tiến tới xây dựng thành công mô hình thành phố thông minh (TPTM), hiện đại.
Công cụ số hỗ trợ đắc lực chính quyền
Hệ thống báo cáo thông minh (VNPT VSR) do Công ty Công nghệ thông tin (CNTT) VNPT, thuộc Tập đoàn VNPT phát triển, gồm các chức năng chính: Báo cáo động, báo cáo liên cấp, kho dữ liệu, bảng thông tin chỉ đạo điều hành, phân tích số liệu thông minh.
Hệ thống được áp dụng công nghệ mới, giúp việc vận hành đáp ứng được lượng lớn truy cập, đồng thời vẫn bảo đảm hiệu suất và tiết kiệm chi phí tài nguyên hệ thống.
VNPT VSR có khả năng tổng hợp báo cáo thông minh, tự động xử lý số liệu đáp ứng yêu cầu của các cơ quan trong công tác tổng hợp báo cáo, từ đó cung cấp số liệu kịp thời, chính xác hỗ trợ chỉ đạo, điều hành của các cấp lãnh đạo. Để thuận tiện trong xác thực số liệu báo cáo, VNPT VSR tích hợp sẵn chữ ký số giúp các đơn vị có thể ký số trực tiếp các báo cáo và mẫu biểu kèm theo tại bất cứ nơi đâu có kết nối Internet, 3G và 4G.
VNPT VSR cũng giúp thao tác nhập và tra cứu dữ liệu nhanh và thuận tiện, cung cấp tối đa các loại danh mục. Các chức năng sử dụng trên giao diện được thiết kế khoa học, đáp ứng phục vụ các nhu cầu quản lý, gửi - nhận báo cáo của cơ quan hành chính nhà nước, giúp giảm thời gian, công sức so với việc thực hiện việc báo cáo theo phương thức truyền thống, bảo đảm báo cáo mang tính khách quan, bám sát tình hình thực tiễn.
Trong tiến trình quyết tâm xây dựng TPTM, chính quyền Hà Nội đã ứng dụng, triển khai hệ thống báo cáo thông minh từ tháng 11/2022. Với công cụ số này, Hà Nội kỳ vọng có thể chuyển đổi mô hình từ báo cáo thủ công bằng văn bản giấy sang báo cáo điện tử, nhằm tiết kiệm kinh phí, thời gian, nhân lực.
Ngoài ra, VNPT VSR đồng bộ hóa dữ liệu tiến tới thực hiện báo cáo theo thời gian thực. Báo cáo số thông qua việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong công tác tổng hợp, phân tích dữ liệu trên hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) báo cáo tập trung thành phố.
Những “trái ngọt” bước đầu
Theo Phó Chánh Văn phòng UBND TP. Hà Nội Cù Ngọc Trang, sau hơn 7 tháng sử dụng, hệ thống báo cáo thông minh thành phố đã triển khai tới 633 cơ quan, đơn vị, tổ chức cấp 3.868 tài khoản cho đại diện các cơ quan, đơn vị phục vụ nhu cầu khai thác sử dụng và thực hiện các chế độ báo cáo.
Đặc biệt, hệ thống hình thành 2 kho dữ liệu, chia sẻ dùng chung, gồm: Kho biểu mẫu, với 134 biểu mẫu và kho chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội với 2.136 chỉ tiêu.
Cùng với đó, hệ thống tổ chức kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu về 8 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội thành phố với hệ thống thông tin (HTTT) báo cáo Chính phủ. Đồng thời, triển khai 12 loại báo cáo phục vụ công tác tổng hợp thông tin, số liệu tại các cấp chính quyền thành phố.
Cũng theo đại diện Văn phòng UBND thành phố, trong thời gian tới, các cơ quan, đơn vị của thành phố sẽ triển khai số hóa các biểu mẫu báo cáo định kỳ thành biểu mẫu điện tử (E-report)…
Trong khi đó đại diện VNPT cho biết, hiện nay, nhu cầu sử dụng hệ thống báo cáo thông minh cũng như các hệ thống CNTT để phục vụ triển khai, xây dựng các bài toán chuyển đổi số (CĐS) trong khối chính quyền ngày càng tăng và được người dùng cả nước tin tưởng lựa chọn.
Việc triển khai VNPT VSR sẽ mang lại nhiều lợi ích như giảm thiểu thời gian thực hiện báo cáo, tăng tính minh bạch và kịp thời của thông tin, số liệu báo cáo. Với những ưu điểm vượt trội, VNPT VSR sẽ giúp các tỉnh, thành phố nhanh chóng xây dựng thành công HTTT, CSDL thống kê, báo cáo phục vụ cho các hoạt động báo cáo, giám sát của HĐND, đồng thời bảo đảm sự liên thông, đồng bộ trong xây dựng chính quyền không giấy tờ.
Hệ thống báo cáo thông minh là một trong 4 HTTT, ứng dụng quan trọng, cốt lõi mà Hà Nội đã xây dựng và đưa vào vận hành khai thác.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, HTTT dùng chung thành phố là công cụ hỗ trợ đắc lực cho công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền Thủ đô được kịp thời, thống nhất, xuyên suốt, đảm bảo công khai, minh bạch, rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ hiệu quả dựa trên CSDL và công nghệ số.
“Hệ thống là nền tảng cốt lõi để xây dựng nền hành chính Thủ đô hiện đại, chuyên nghiệp, năng động, hiệu quả, lấy người dân làm trung tâm phục vụ. Gắn kết ứng dụng số với cải cách hành chính, CĐS, đồng thời góp phần hình thành hệ thống CSDL tập trung thành phố, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền”, Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh.
Với việc sớm đưa vào vận hành các HTTT dùng chung đã thể hiện rõ quyết tâm của Hà Nội trong việc thực hiện “Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025 định hướng đến năm 2030” của Chính phủ. Đồng thời tạo ra những thay đổi đột phá trong công tác cải cách hành chính, bảo đảm hoạt động của chính quyền thành phố công khai minh bạch, hiệu lực, hiệu quả, với mục tiêu phục vụ tốt nhất hoạt động của người dân và doanh nghiệp./.