Chuyển đổi số

Hà Nội xây dựng nền tảng số, tạo tiền đề để thu hút đầu tư, kinh doanh

Đỗ Thêu 17:49 17/05/2023

Vượt lên trên những khó khăn, thách thức của tình hình kinh tế toàn cầu và cả nước nói chung, nhờ việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp với tinh thần nhất quán “đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển”, Hà Nội đang trở thành điểm đến tin cậy của doanh nghiệp (DN) và các nhà đầu tư nước ngoài.

Triển khai nhiều giải pháp

Là trung tâm kinh tế, chính trị của cả nước, Hà Nội tập trung rất nhiều DN, nhà đầu tư trong và ngoài nước, đây là động lực và cơ hội lớn để Thủ đô vươn lên đứng trong top các tỉnh, thành phố thu hút đầu tư FDI và thu nộp ngân sách lớn nhất cả nước.

Trong những năm gần đây, TP. Hà Nội đã có bước chuyển biến đột phá trong việc nâng cao các chỉ số đo lường mức độ hiệu quả của quản trị, hành chính và mức độ cạnh tranh của môi trường đầu tư, kinh doanh.

Cụ thể, theo kết quả Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh tại Việt Nam - PAPI năm 2022 vừa được Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) công bố, Hà Nội đạt điểm số 43,90/80, xếp thứ 12/63 tỉnh, thành phố. Đây là năm thứ hai liên tiếp, Hà Nội giữ vị trí trong nhóm 1 (nhóm 15 tỉnh/thành phố có điểm số cao nhất).

anh-3.2.jpg
Nền tảng số trở thành tiền đề quan trọng để Hà Nội thu hút đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh.

Một trong những giải pháp thu hút đầu tư, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN của Hà Nội là chuyển đổi số (CĐS). Theo lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Hà Nội, chính quyền số tại Hà Nội đã từng bước được triển khai tới từng cấp cơ sở. Xếp hạng chỉ số thương mại điện tử của Hà Nội đứng thứ 2 toàn quốc. Tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt 78%, hộ gia đình có truy nhập Internet băng rộng đạt 90%.

Trong năm 2023, thành phố triển khai 3 hệ thống quan trọng gồm: Hệ thống thông tin (HTTT) giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) liên thông 3 cấp, phần mềm quản lý văn bản và phần mềm quản lý đảng viên.

Hiện, Hà Nội đã đưa vào vận hành HTTT, ứng dụng dùng chung TP Hà Nội. Ứng dụng này được kỳ vọng sẽ tạo ra những thay đổi đột phá trong công tác cải cách hành chính, bảo đảm hoạt động của chính quyền công khai minh bạch, hiệu quả với mục tiêu phục vụ tốt nhất hoạt động của người dân và DN. Đây cũng là công cụ hỗ trợ đắc lực để công tác chỉ đạo, điều hành của hệ thống chính quyền thành phố được kịp thời, thống nhất, xuyên suốt.

Theo các chuyên gia kinh tế, để thu hút đầu tư có hiệu quả thì Hà Nội phải xử lý thật tốt hạ tầng kết nối, hạ tầng đô thị và hạ tầng công nghiệp. Bên cạnh đó, cần gắn các hoạt động đầu tư với mục tiêu phát triển bền vững. Ưu tiên những dự án chất lượng, sản phẩm có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao. Cụ thể như công nghiệp hỗ trợ sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, là các dự án du lịch, dịch vụ tài chính, ngân hàng và nông nghiệp công nghệ cao, phát triển kết cấu hạ tầng đô thị…

Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh, bên cạnh việc thúc đẩy hạ tầng các khu công nghiệp, các chính sách, ưu đãi về thuế, đất đai, cải cách TTHC cũng được thành phố quan tâm, triển khai quyết liệt nhằm thu hút đầu tư. TP. Hà Nội cũng xác định cộng đồng DN nói chung, DN FDI nói riêng là động lực quan trọng cho sự phát triển và hội nhập của Thủ đô.

Năm 2023 đầy hứa hẹn

Theo số liệu mới nhất từ Cục Thống kê Hà Nội, kinh tế - xã hội của Thủ đô trong 4 tháng đầu năm có nhiều khởi sắc. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của Hà Nội tăng 1,6% so với cùng kỳ (trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,2%. Sản xuất và phân phối điện tăng 3,8%. Cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 8,4%...).

anh-3.1.jpg
Chỉ trong 4 tháng đầu năm 2023, Hà Nội đã thu hút được 1,707 tỷ USD vốn FDI.

Trong 4 tháng, Hà Nội thu hút được 1,707 tỷ USD vốn FDI (trong đó, cấp mới 103 dự án với số vốn 35,2 triệu USD. 50 dự án bổ sung tăng vốn đầu tư với 91,8 triệu USD. 105 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần đạt 79,9 triệu USD và 1 lượt giao dịch của nhà đầu tư Nhật Bản (Sumitomo) mua cổ phiếu của VPBank trên sàn giao dịch chứng khoán với giá trị giao dịch đạt 1,5 tỷ USD). Hà Nội dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài.

Cũng trong khoảng thời gian trên, Hà Nội có thêm 10,3 nghìn DN đăng ký thành lập mới, tăng 13% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn 4 tháng qua đạt 244.000 tỷ đồng, tăng 11,2% so với cùng kỳ. Lượng khách quốc tế đến Hà Nội đạt gần 1.015.000 lượt người, gấp 11 lần cùng kỳ năm trước.

Có thể nói, nhờ vị thế, tiềm năng, cùng tinh thần cầu thị, nhất quán về quan điểm đồng hành với doanh nghiệp, TP Hà Nội đang thực sự trở thành điểm đến an toàn, hấp dẫn, ổn định cho DN và các nhà đầu tư nước ngoài./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội xây dựng nền tảng số, tạo tiền đề để thu hút đầu tư, kinh doanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO