Hạ tầng số hiện đại, Hải Dương chuyển đổi số toàn diện

AD| 26/03/2022 16:58
Theo dõi ICTVietnam trên

Chuyển đổi số (CĐS) chính là một quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên công nghệ số. Với sự CĐS toàn diện, nhanh, tích cực và đồng bộ, chỉ trong một thời gian ngắn nữa thôi, tỉnh Hải Dương sẽ đạt được những thành tích, mang đến lợi ích tốt nhất cho người dân và địa phương.

Hạ tầng số, hệ sinh thái dịch vụ số đã sẵn sàng để tỉnh Hải Dương phát triển chính quyền số

Từ năm 2020, chỉ số đánh giá CĐS của tỉnh Hải Dương đạt giá trị 0,3504, cao hơn mức giá trị trung bình và xếp thứ 14 trong cả nước. Thứ hạng về chính quyền số, kinh tế số, xã hội số của tỉnh so với cả nước lần lượt là 22, 9, 13.

Với vai trò là đối tác chiến lược của tỉnh Hải Dương, giai đoạn 2017 - 2021, bằng nguồn lực và thế mạnh công nghệ, VNPT đã tích cực hỗ trợ tỉnh xây dựng một nền tảng hạ tầng số mạnh, hệ sinh thái số phong phú đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, triển khai Chính quyền điện tử (CQĐT).

Hạ tầng CNTT được VNPT đầu tư bài bản, hiện tại 100% các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và cấp xã đã xây dựng mạng nội bộ (LAN) kết nối các phòng ban, đơn vị; tỷ lệ máy tính/cán bộ, công chức đạt 100%. Mạng truyền số liệu chuyên dùng của tỉnh được triển khai sử dụng chính thức trong hoạt động của các cơ quan Đảng và đã được kết nối đến tất cả các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và UBND các xã, phường, thị trấn để phục vụ cho Hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến từ tỉnh đến xã và kết nối với Trung ương.

Lãnh đạo Tập đoàn VNPT cho biết, đến thời điểm này, phần mềm "một cửa" điện tử và dịch vụ công (DVC) trực tuyến từ tỉnh đến 12 huyện thị xã, thành phố và 235 xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh Hải Dương; xây dựng hệ thống mail công vụ cho tỉnh; kết nối phần mềm quản lý văn bản vào trục nền tảng trao đổi dữ liệu Quốc Gia (VDXP) và Cổng DVC quốc gia với Cổng DVC của tỉnh; Hệ thống báo cáo VSR.

Hiện, Cổng DVC và hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh Hải Dương cung cấp 1.956 bộ thủ tục hành chính (TTHC), trong đó DVC trực tuyến mức độ 4 là 613, đạt 31,3%; DVC trực tuyến mức độ 3 là 1199, đạt 61,3%; số lượng hồ sơ của người dân là hơn 700.000 hồ sơ/năm. Hệ thống đã kết nối đồng bộ với cổng DVC quốc gia, nền tảng thanh toán quốc gia (Payment Platform), kết nối đồng bộ với trục LGSP của tỉnh để từ đó kết nối với các hệ thống của các Bộ, Ngành phục vụ việc chia sẻ dữ liệu một cách đồng bộ thống nhất.

Ứng dụng Smart Hải Dương tích hợp, cung cấp đầy đủ các dịch vụ cho người dân tỉnh Hải Dương trên một ứng dụng duy nhất. Có khoảng 150.000 người cài đặt Smart Hải Dương là kết quả bước đầu khả quan để tăng cường sự tham gia của người dân trong hoạt động quản lý Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi để người dân đối thoại với chính quyền, tham gia xây dựng và triển khai các chính sách, giải pháp, dịch vụ… Các Trung tâm DC, IOC, SOC cũng đã được đưa vào vận hành làm nền tảng cho CĐS, hoàn thiện nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của Tỉnh.

Hệ sinh thái sản phẩm giải pháp số của VNPT cũng đã được đưa vào phục vụ hoạt động của các ngành/lĩnh vực của tỉnh Hải Dương: Phần mềm Quản lý khám chữa bệnh y tế cơ sở cho 114 trạm y tế xã phường tại 5 huyện/TP trên toàn tỉnh; triển khai hơn 100.000 Sổ liên lạc điện tử tới hơn 100 trường học trên địa bàn tỉnh Hải Dương; Phần mềm học trực tuyến VNPT Elearning đã hỗ trợ hiệu quả cho các trường học trong những đợt bùng phát dịch bệnh COVID-19; hỗ trợ gần 3.000 doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh sử dụng phần mềm kê khai BHXH trực tuyến kết nối tới cổng của BHXH Việt Nam, tiết kiệm thời gian và chi phí cho DN trong quá trình báo cáo và kê khai nhân sự lao động với BHXH tỉnh.

VNPT CA dịch vụ chữ ký số, VNPT Check, Quản lý lưu trú trực tuyến, Dịch vụ hóa đơn điện tử, SMS Brandname, Dịch vụ Website, Domain cũng đã được phát triển mạnh mẽ trên địa bàn tỉnh.

Hạ tầng số hiện đại, Hải Dương chuyển đổi số toàn diện - Ảnh 1.

Khu giới thiệu và demo các giải pháp CĐS của VNPT tại sự kiện Ngày CĐS của tỉnh Hải Dương - ngày 26/3

CĐS đúng trọng điểm, tạo trải nghiệm mới cho người dân

Trong giai đoạn tiếp theo, tỉnh Hải Dương cũng sẽ tập trung ưu tiên lựa chọn CĐS ở một số ngành, lĩnh vực cung cấp các tiện ích và trải nghiệm mới cho người dân, DN và xã hội như: y tế, giáo dục, tài chính - ngân hàng, nông nghiệp, giao thông vận tải và logistics, tài nguyên và môi trường, du lịch…

Để giúp tỉnh Hải Dương sớm hiện thực hóa các mục tiêu CĐS này, VNPT cam kết sẽ tiếp tục đồng hành, cùng Tỉnh triển khai ở từng lĩnh vực cụ thể. Ông Ngô Diên Hy, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn VNPT cho biết, VNPT sẽ phối hợp, hỗ trợ Tỉnh khảo sát, tư vấn đề án, quy hoạch tổng thể về CĐS và phát triển đô thị thông minh; xây dựng hạ tầng số, các nền tảng dùng chung, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin; hợp tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực CNTT, Viễn thông;...

"Chúng tôi cũng sẽ hợp tác triển khai, tích hợp các giải pháp CĐS cho Chính quyền tỉnh Hải Dương, nhằm đẩy mạnh tiến trình cải tiến hoạt động của bộ máy hành chính Nhà nước, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, DN. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ hỗ trợ Tỉnh hình thành hệ sinh thái chính quyền số tổng thể với các giải pháp trọng tâm như: Trung tâm điều hành thông minh (VNPT IOC), Kho dữ liệu và báo cáo thông minh, Hệ thống AI camera an ninh và giao thông (VNPT AI Camera), Hệ thống tương tác và xử lý phản ánh kiến nghị đa kênh (VNPT 1022); một cửa điện tử (VNPT iGate);...", ông Ngô Diên Hy chia sẻ.

Về phát triển kinh tế số, VNPT sẽ tư vấn, hợp tác, hỗ trợ chuyển giao công nghệ và triển khai CĐS cho các DN nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của DN của tỉnh; hỗ trợ triển khai các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt, phát triển thương mại điện tử, hóa đơn điện tử,... hướng tới phát triển toàn diện nền kinh tế số.

VNPT sẽ ưu tiên đẩy mạnh các sản phẩm phù hợp với thế mạnh sản xuất nông nghiệp của Tỉnh Hải Dương như: Sàn nông sản, Hệ thống chuỗi giá trị nông sản (VNPT vFarm), Hệ thống truy xuất nguồn gốc (VNPT Check), Giải pháp quản lý OCOP - "mỗi xã, mỗi phường một sản phẩm"…

Trong hợp tác phát triển xã hội số, VNPT sẽ phối hợp, hỗ trợ tỉnh Hải Dương tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng số của người dân; Phổ biến các tiện ích số cho người dân như: hệ sinh thái số VNPT Digilife, ứng dụng VNPT Money…

Theo nội dung hợp tác giai đoạn 2022 - 2027 vừa được UBND tỉnh Hải Dương và Tập đoàn VNPT ký kết ngày 26/3/2022, trên cơ sở kế thừa và phù hợp với các nhiệm vụ, dự án đã được triển khai và phù hợp với Kiến trúc CQĐT tỉnh Hải Dương, Tập đoàn VNPT sẽ tham vấn cho Tỉnh xây dựng, triển khai các giải pháp hệ sinh thái đồng bộ, thông minh trong các lĩnh vực ưu tiên như y tế, giáo dục, du lịch, lao động - thương binh - xã hội, nông nghiệp và tài nguyên môi trường.

Hạ tầng số hiện đại, Hải Dương chuyển đổi số toàn diện - Ảnh 2.

Lễ ký kết thoả thuận hợp tác về CĐS giữa VNPT và UBND tỉnh Hải Dương được tổ chức ngày 26/3/2022

Đơn cử như, trong lĩnh vực Y tế, VNPT sẽ tham vấn Tỉnh triển khai các giải pháp hệ sinh thái y tế đồng bộ, thông minh, trong đó ưu tiên một số hạng mục: Xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung ngành y; Trung tâm điều hành y tế thông minh; Tiếp tục mở rộng triển khai hệ thống Quản lý bệnh viện (HIS) tại các cơ sở Y tế, hệ thống Y tế cơ sở (HMIS) tại xã phường; Triển khai hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử và mã định danh y tế (HSSK); Triển khai giải pháp ký số từ xa (SmartCA)...

Trong lĩnh vực giáo dục, VNPT sẽ tham vấn triển khai các giải pháp hệ sinh thái Giáo dục đồng bộ, thông minh, trong đó ưu tiên một số hạng mục: Hệ thống điều hành giáo dục thông minh; Hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục; Hệ thống Quản lý thông tin nhà trường vnEdu, Học bạ điện tử, Giáo án điện tử theo quy định của Bộ GD&ĐT; Xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập...

Ở lĩnh vực ngành du lịch, VNPT sẽ tham vấn triển khai các giải pháp du lịch thông minh, trong đó ưu tiên các hạng mục Công du lịch thông minh, App ứng dụng tích hợp ảnh 360/3D, thực tại ảo (VR), thực tại tăng cường (AR) nhằm quảng bá hình ảnh tỉnh Hải Dương đối với nhân dân trong nước và du khách quốc tế, phù hợp với đề án "Phát triển du lịch chất lượng cao tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050"./.

Bài liên quan
  • AI, chuyển đổi số xoay chuyển lĩnh vực bán lẻ, người tiêu dùng
    Sự phát triển của AI, cùng với làn sóng chuyển đổi số (CĐS), đang cách mạng hóa trải nghiệm mua sắm tại Việt Nam. Từ cá nhân hóa dịch vụ đến tối ưu hóa chuỗi cung ứng, các doanh nghiệp (DN) bán lẻ phải nhanh chóng thích nghi để đáp ứng kỳ vọng của người tiêu dùng.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Hạ tầng số hiện đại, Hải Dương chuyển đổi số toàn diện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO