Truyền thông

Hải Dương: Phát huy tiềm năng, thế mạnh tạo sức hút đối với khách du lịch trong và ngoài nước

Đỗ Thêu 19:10 28/06/2024

Với tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch dồi dào, tỉnh Hải Dương đang từng bước khẳng định được vị thế, dần trở thành điểm đến hấp dẫn, thân thiện đối với du khách trong và ngoài nước.

anh-3.2.jpg
Du lịch sinh thái, một hướng đi đầy hứa hẹn của tỉnh Hải Dương nhằm thu hút du khách.

Tiềm năng du lịch phong phú

Hải Dương có diện tích tự nhiên hơn 1.650km2, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh), tiếp giáp 6 tỉnh, thành phố gồm: Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình và Hưng Yên.

Tiềm năng để phát triển du lịch của tỉnh Hải Dương được đánh giá là vô cùng phong phú, đa dạng trải đều trên mọi mặt của đời sống xã hội.

Với hệ thống hơn 3.100 di tích lịch sử, văn hoá, có nhiều bảo vật quốc gia và các di sản văn hoá phi vật thể được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh, Hải Dương có nhiều lợi thế để phát triển mảng du lịch văn hoá, tâm linh.

Nhiều danh lam thắng cảnh của tỉnh Hải Dương trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước, tiêu biểu như núi Côn Sơn, núi Phượng Hoàng, chùa Nhẫm Dương – tổ đường của Thiền phái Tào Động Việt Nam…

Bên cạnh đó, Hải Dương còn có nhiều làng nghề truyền thống danh tiếng như: chạm khắc gỗ Đông Giao (Cẩm Giàng), gốm Chu Đậu (Nam Sách), kim hoàn Châu Khê (Bình Giang), Khắc ván in Hồng Lục, Liễu Tràng (TP Hải Dương), thêu Xuân Nẻo (Tứ Kỳ) để du khách thăm quan, khám phá.

Khi đến với Hải Dương, khách du lịch còn bị níu chân bởi nhiều món ăn, ẩm thực mang đậm hương vị quê hương. Điển hình như bánh đậu xanh – top 10 đặc sản quà tặng Châu Á, bánh gai (Ninh Giang), bánh đa Kẻ Sặt (Bình Giang), giò chả (Gia Lộc), gạo nếp cái hoa vàng, hành tỏi (Kinh Môn), vải thiều (Thanh Hà), rươi, cáy ở huyện (Tứ Kỳ, Kim Thành)…

Hải Dương không chỉ có tiềm năng và thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên, giá trị lịch sử văn hoá mà còn thuận lợi về hạ tầng giao thông (đường thuỷ, đường bộ, đường sắt, cảng biển và cảng hàng không), đây sẽ là lợi thế tốt giúp tỉnh bứt phá phát triển du lịch trong thời gian tới.

Hải Dương hướng tới phát triển du lịch bền vững

Theo quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hải Dương định hướng phát triển du lịch theo hướng bền vững, bảo đảm hài hòa giữa phát triển du lịch kết hợp với bảo tồn và phát huy các giá trị của từng địa phương.

Hải Dương mong muốn tạo ra nhiều sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn, trong đó chú trọng du lịch văn hóa và du lịch sinh thái. Đồng thời, tỉnh tăng cường đẩy mạnh liên kết với các địa phương trong vùng đồng bằng sông Hồng và các khu, điểm du lịch để hình thành tuyến du lịch văn hóa, du lịch sinh thái nội tỉnh và liên tỉnh.

Bên cạnh đó, Hải Dương cũng quan tâm, đầu tư các vùng động lực phát triển về du lịch. Cụ thể, trọng điểm du lịch nghỉ dưỡng, du lịch trải nghiệm văn hóa, tín ngưỡng nằm ở phía bắc Hải Dương. Trọng điểm du lịch sinh thái gắn với sản phẩm nông nghiệp đặc thù của địa phương.

Hiện trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã có nhiều khu di tích được công nhận là khu du lịch cấp tỉnh như: Khu di tích Quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc, TP Chí Linh; Khu di tích lịch sử và thắng cảnh Phượng Hoàng, TP Chí Linh; Quần thể di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương, thị xã Kinh Môn; Khu di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Quần thể Đền Cao, TP Chí Linh. Trong đó, Hải Dương phấn đấu từng bước đầu tư hạ tầng khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc đạt tiêu chí công nhận là khu du lịch quốc gia.

anh-3.1.jpg
Khu di tích Quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc, một điểm đến hấp dẫn đối với khách du lịch trong và ngoài nước.

Ngoài ra trên địa bàn tỉnh còn có nhiều địa điểm tiềm năng đầu tư, phát triển thành khu du lịch cấp tỉnh: Khu du lịch nghỉ dưỡng - thiền (dưỡng sinh) hồ Bến Tắm và rừng Thanh Mai, TP Chí Linh; Khu du lịch nghỉ dưỡng “Làng quê Việt”, Thanh Hà; Khu du lịch văn hóa Văn Miếu Mao Điền, Cẩm Giàng…

Trên nền tảng những tiềm năng, thế mạnh sẵn có, lượng khách du lịch đến với Hải Dương không ngừng tăng lên theo từng năm.

Theo báo cáo mới nhất từ Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh Hải Dương ước đón và phục vụ gần 1,5 triệu lượt khách, tăng gần 59,3% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, có hơn 39 nghìn lượt khách quốc tế (tăng gần 52,6%) và hơn 1,4 triệu lượt khách nội địa (tăng gần 59,5%). Lượng khách du lịch tăng, giúp tỉnh có doanh thu đạt 623,6 tỷ đồng, tăng gần 54,5%. Dự báo lượng khách du lịch đến Hải Dương trong thời gian tới tiếp tục tăng mạnh.

Hiện Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hải Dương đã khảo sát 19 di tích và lựa chọn được 9 di tích đủ điều kiện lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng cấp tỉnh và xây dựng hồ sơ trích ngang 1 di tích đề nghị xếp hạng cấp quốc gia. Hải Dương đang tiếp tục phối hợp 2 tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đón các đoàn chuyên gia quốc tế vào thẩm định thực địa hồ sơ khoa học trình UNESCO ghi danh Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc là Di sản thế giới, đồng thời chuẩn bị tổ chức Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2024.

Mới đây, tại buổi làm việc với Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch kiến nghị HĐND tỉnh quan tâm xem xét, ban hành nghị quyết quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2024 - 2030. Đồng thời, Sở cũng đề nghị UBND tỉnh bố trí vốn cho các địa phương xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch tại các khu, điểm du lịch và trùng tu, tôn tạo các di tích tiêu biểu nhằm thu hút du khách hơn nữa.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Hải Dương: Phát huy tiềm năng, thế mạnh tạo sức hút đối với khách du lịch trong và ngoài nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO