Hải Dương tích cực triển khai công tác ngoại giao kinh tế
Hải Dương đã tổ chức nhiều đoàn xúc tiến tại các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Anh, Pháp và Bỉ, với sự phối hợp của Bộ Ngoại giao, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và các tổ chức quốc tế.
Thúc đẩy hợp tác quốc tế, mở rộng thị trường, gia tăng xuất khẩu
Sở hữu vị trí chiến lược tại trung tâm vùng Đồng bằng sông Hồng và Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, Hải Dương nằm gần vành đai kinh tế ven biển vịnh Bắc Bộ và trên hai hành lang kinh tế quan trọng kết nối với Trung Quốc. Với vị trí thuận lợi giữa các cảng biển và sân bay quốc tế miền Bắc, Hải Dương có tiềm năng kết nối giao thương toàn diện cả trong và ngoài nước, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, bảo đảm quốc phòng và an ninh khu vực Bắc Bộ.
Dựa trên những lợi thế đó, Hải Dương đặt mục tiêu trở thành tỉnh công nghiệp công nghệ cao, thông minh và bền vững vào năm 2050, đóng vai trò lớn góp phần thúc đẩy trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, chính quyền tỉnh đã nỗ lực tạo môi trường đầu tư thuận lợi, cơ chế chính sách thông thoáng và đặc biệt chú trọng thúc đẩy hợp tác quốc tế. Đây là chiến lược để mở rộng thị trường, gia tăng xuất khẩu, thu hút vốn đầu tư, công nghệ tiên tiến, tri thức và kinh nghiệm quản lý từ các đối tác nước ngoài. Điều này không chỉ tạo thêm việc làm, cải thiện đời sống người dân mà còn nâng cao dân trí và vị thế của tỉnh trong khu vực.
Cụ thể, tỉnh Hải Dương đã tích cực triển khai công tác ngoại giao kinh tế, đặc biệt là xúc tiến đầu tư và thương mại. Nhiều đoàn xúc tiến đã được tổ chức tại các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Anh, Pháp và Bỉ, với sự phối hợp của Bộ Ngoại giao, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và các tổ chức quốc tế.
Cuối tháng 11 vừa qua, Sở Công thương Hải Dương đã tổ chức kết nối, giới thiệu sản phẩm của doanh nghiệp, hợp tác xã ở Hải Dương với đại diện của 12 Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, trong đó có các thị trường tiềm năng như: Chi Lê, Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore, Tây Ban Nha, Ai Cập, Campuchia…. Đoàn đã đến thăm và làm việc tại Hợp tác xã Nông nghiệp xanh V-Phúc (Kim Thành), Công ty CP Hoàng Giang (TP Hải Dương) và Công ty CP Gốm Chu Đậu (Nam Sách). Các hợp tác xã, doanh nghiệp này có các sản phẩm xuất khẩu chủ lực là trái cây tươi, nông sản khô, bánh đậu xanh và gốm sứ.
Các tham tán và tùy viên thương mại cho biết sẽ tích cực kết nối, hỗ trợ thông tin để doanh nghiệp, hợp tác xã của Hải Dương có điều kiện mở rộng thị trường, khai thác thêm các thị trường mới để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa. Các doanh nghiệp cũng có dịp nắm bắt thêm thông tin thị trường, đặc biệt các thông tin liên quan đến hàng rào kỹ thuật cần lưu ý khi thâm nhập thị trường nước bạn và kết nối liên lạc với các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài để duy trì kênh thông tin, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hoá trong thời gian tới.
Các chương trình xúc tiến này đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Nhiều biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư, thương mại được ký kết, tạo cơ hội kết nối giữa doanh nghiệp Hải Dương với các đối tác quốc tế. Chính quyền tỉnh cam kết hỗ trợ tối đa để các dự án đầu tư sớm đi vào thực tiễn. Doanh nghiệp cũng mong muốn tăng cường kết nối hơn nữa nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hoá tiêu biểu, chủ lực.
Xây dựng các chương trình kết nối giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI
Hải Dương đã tập trung cải thiện môi trường kinh doanh bằng cách đơn giản hóa thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý hạ tầng giao thông và chất lượng công trình xây dựng. Tỉnh cũng đẩy nhanh giải phóng mặt bằng và hoàn thiện hạ tầng các khu công nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp triển khai dự án và sớm đi vào hoạt động.
Ngoài ra, Hải Dương đã xây dựng các chương trình kết nối giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) theo chuỗi giá trị. Đây là bước đi quan trọng nhằm thúc đẩy liên kết kinh tế và nâng cao năng lực sản xuất trong tỉnh.
Phát triển công nghiệp hỗ trợ là một hướng đi chiến lược của Hải Dương nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế về chuyển giao công nghệ. Trong Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021–2030 và tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh ưu tiên thu hút các doanh nghiệp công nghiệp công nghệ cao trong lĩnh vực cơ khí chế tạo, điện và điện tử.
Tỉnh cũng chú trọng phát triển hệ thống doanh nghiệp địa phương có khả năng cung ứng linh kiện và cụm linh kiện cho các doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp lớn trong vùng. Thông qua các chính sách hỗ trợ, tỉnh kỳ vọng chuyển giao sản xuất linh kiện từ doanh nghiệp FDI sang doanh nghiệp nội địa.
Một ví dụ tiêu biểu là sự hợp tác giữa UBND tỉnh Hải Dương và Samsung Việt Nam. Tập đoàn này đang hỗ trợ ít nhất 15 doanh nghiệp trong tỉnh nâng cao năng lực sản xuất, đáp ứng tiêu chuẩn tham gia vào chuỗi cung ứng linh, phụ kiện nội địa cho các nhà máy của Samsung tại Việt Nam.
Các hội nghị xúc tiến thương mại quốc tế đã giúp Hải Dương giới thiệu nông sản tới các quốc gia và vùng lãnh thổ, thu hút các nhà nhập khẩu quốc tế. Giá trị và thương hiệu nông sản, đặc biệt là vải thiều Thanh Hà, được nâng cao rõ rệt trên thị trường toàn cầu.
Hải Dương không chỉ tích cực trong xúc tiến đầu tư mà còn chú trọng công tác tuyên truyền và đào tạo nhằm nâng cao năng lực hội nhập quốc tế. Các hoạt động này đã tạo tiền đề để tỉnh mở rộng quan hệ hợp tác, cải thiện môi trường đầu tư và thu hút sự quan tâm từ nhiều nhà đầu tư trong khu vực và quốc tế.
Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, Hải Dương tiếp tục phát huy lợi thế và xây dựng các chính sách phù hợp để trở thành địa phương dẫn đầu về hợp tác quốc tế, góp phần thúc đẩy kinh tế, nâng cao đời sống người dân và khẳng định vị thế chiến lược trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.