Cơ quan giám sát chống độc quyền của Hàn Quốc đang xác định liệu sự độc quyền của Google trên các hệ điều hành di động và chợ ứng dụng có ngăn chặn sự xuất hiện của các hệ điều hành và chợ ứng dụng đối thủ hay không.
"Hiện tại, cơ quan này đang tập trung điều tra xem liệu các nhà khai thác khống chế thị trường hệ điều hành di động có cản trở việc sản xuất thiết bị được trang bị hệ điều hành của đối thủ hay buộc các nhà phát triển ứng dụng phải ra mắt ứng dụng chỉ trên các chợ ứng dụng của họ", Chủ tịch Ủy ban Thương mại Công bằng Hàn Quốc (FTC) Joh Sung -wook cho biết trong một cuộc họp báo trực tuyến được tổ chức vào 8/9 để đánh dấu kỷ niệm một năm ngày nhậm chức của bà.
"Nếu các hành vi bất hợp pháp được phát hiện trong quá trình điều tra, chúng tôi sẽ thực hiện hành động nghiêm khắc để đảm bảo trật tự cạnh tranh," bà nói thêm.
Mặc dù người đứng đầu FTC không đề cập đến tên công ty, nhưng nhận xét của bà dường như nhắm vào Google, mà cho đến nay vẫn là hệ điều hành điện thoại thông minh phổ biến nhất trên thế giới.
Kể từ năm 2017, các nhà chức trách đã điều tra các cáo buộc rằng Google đã can thiệp vào sự phát triển của hệ điều hành di động của Samsung Electronics, chẳng hạn như bằng cách không cho phép sử dụng thuật toán Android của họ.
Google cũng bị cho là đã buộc các công ty trò chơi Hàn Quốc chỉ phát hành ứng dụng trên nền tảng ứng dụng của họ, Google Play, nhằm loại trừ các chợ ứng dụng của Hàn Quốc như One Store.
"Trong lĩnh vực này, thị phần của những hãng dẫn đầu là rất cao. Vấn đề này có thể trầm trọng nếu các công ty thống trị thị trường loại trừ các doanh nghiệp mới bằng cách lợi dụng sự độc quyền. Việc này có thể ảnh hưởng đến các nhà phát triển ứng dụng và sẽ gây hại cho người tiêu dùng, " Bà Joh khẳng định.
Hệ điều hành di động của Google chiếm hơn 70% thị phần tại Hàn Quốc.
Thị phần của Google trên chợ ứng dụng ở đây đạt 63,4% vào cuối năm ngoái. Apple theo sau với 24,4%. One Store, một chợ ứng dụng của Hàn Quốc do Naver và ba nhà cung cấp dịch vụ di động trong nước tạo ra, chiếm 11,2% thị phần.
Mới đây, vào tháng 7, Liên minh châu Âu đã phạt Google khoảng 5 tỷ USD vì lạm dụng sự thống trị của hệ điều hành Android. Cơ quan quản lý cho biết gã khổng lồ công nghệ Mỹ buộc các nhà sản xuất thiết bị cầm tay phải cài đặt sẵn trình duyệt Chrome của Google và ngăn họ bán điện thoại chạy phiên bản Android sửa đổi của các đối thủ khác.
Chủ tịch Joh cũng đề cập đến những tranh cãi gần đây xung quanh việc Google chuyển sang áp dụng hệ thống mua hàng trong ứng dụng cho Cửa hàng Google Play của mình.
"Chúng tôi cũng đang theo dõi chặt chẽ việc (việc Google chuyển sang) thay đổi biểu phí trong chợ ứng dụng có ảnh hưởng đến sự cạnh tranh và lợi ích của người tiêu dùng hay không. Chúng tôi sẽ thu thập ý kiến từ các chuyên gia thông qua các hội nghị khoa học và hội nghị chuyên đề khác nhau và hợp tác chặt chẽ với Ủy ban Truyền thông và Bộ Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc, " Bà Joh bổ sung.
Google đang tiến tới quy định bắt buộc các công ty sản xuất các ứng dụng phi trò chơi - chẳng hạn như webtoon, tiểu thuyết trên web và các dịch vụ phát trực tuyến nhạc và video - phải sử dụng hệ thống mua hàng trong ứng dụng (in-app) của Google.
Mua hàng in-app thực hiện việc mua hàng hóa và dịch vụ từ các ứng dụng bên trong. Khi các khoản thanh toán được thực hiện trong ứng dụng, một phần trong tổng doanh số sẽ được chuyển cho nhà điều hành nền tảng, Google, dưới dạng hoa hồng. Hiện tại, các nhà phát triển ứng dụng trò chơi địa phương cung cấp cho Google 30% doanh thu của họ để đổi lại việc sử dụng hệ thống mua hàng in-app của Google.
Tuy nhiên, rất khó để chính phủ can thiệp vào các hoạt động như vậy vì làm như thế có thể bóp méo thị trường, vốn phụ thuộc vào cung và cầu.
Bà Joh cho biết, FTC sẽ công bố dự thảo luật gọi là Đạo luật Công bằng Nền tảng Trực tuyến trong tháng này để ngăn chặn thương mại không công bằng của các công ty nền tảng trực tuyến lớn, những công ty đã trở thành đại lý trung gian liên kết người bán và người tiêu dùng.
Hôm 9/9, Hạ nghị sĩ Cho Seung-rae của Đảng Dân chủ cầm quyền của Hàn Quốc đã đề xuất những thay đổi đối với Đạo luật Kinh doanh Viễn thông để ngăn các nhà khai thác chợ ứng dụng buộc phải mua hàng in-app.