Hàn Quốc ứng dụng robot để giải bài toán thiếu hụt lao động

Ngọc Diệp| 22/08/2022 13:13
Theo dõi ICTVietnam trên

Robot từ lâu đã trở thành tâm điểm chú ý và được xem như một động cơ tăng trưởng mới trong cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 và tại Hàn Quốc, robot đang tham gia ngày càng nhiều trong lĩnh vực đời sống hằng ngày trong bối cảnh thiếu hụt lao động và mức lương tối thiểu tăng cao.

Tiềm năng phát triển ngành công nghiệp robot tại Hàn Quốc

Theo số liệu của Viện Phát triển công nghiệp Robot Hàn Quốc (KIRIA) công bố tháng 3/2021, doanh thu từ ngành công nghiệp robot của Hàn Quốc đã lên tới 5.300 tỷ won (4,6 tỷ USD) vào năm 2019, trong đó, robot công nghiệp chiếm 52,5% (2.940 tỷ won), tiếp đến là các bộ phận và phần mềm robot chiếm 34,8%, robot dịch vụ sử dụng cho doanh nghiệp (DN) chiếm 6,4% và robot dịch vụ cá nhân chiếm 6,3%.

Trong khi đó, bộ phận theo dõi thị trường Strategy Analytics dự báo rằng giá trị của thị trường robot dịch vụ toàn cầu sẽ mở rộng từ 31 tỷ USD trong năm 2019 lên 122 tỷ USD vào năm 2024.

Các robot dịch vụ thực hiện các nhiệm vụ hữu ích không chỉ trong các cơ sở công nghiệp mà còn giúp làm công việc gia đình, hướng dẫn khách tại các cửa hàng, hỗ trợ người dân gửi tiền tại các ngân hàng và sắp xếp hàng hóa tại các cửa hàng bán lẻ...

Việc thúc đẩy chế tạo robot của các công ty công nghệ đã đạt được động lực mạnh mẽ hơn kể từ khi bắt đầu đại dịch vào đầu năm ngoái, với việc mọi người ưa chuộng các giao dịch không tiếp xúc để tránh bị lây nhiễm COVID-19.

Tại Hàn Quốc, ngành công nghiệp logistics và nhà hàng đang trở thành những lĩnh vực dẫn đầu trong việc sử dụng robot khi tình trạng thiếu hụt lao động và mức lương tối thiểu tăng cao. Các công ty logistics lớn đã triển khai robot vận tải để hợp lý hóa việc xử lý gói hàng. Một nhà cung cấp dịch vụ giao đồ ăn lớn và một chuỗi cửa hàng tiện lợi đã bắt đầu thử nghiệm các robot hoàn toàn tự động để giao sản phẩm đến tận nhà khách hàng.

Trong một khu phức hợp logistics ở thành phố Gunpo gần Seoul, một trong nhiều nhà kho khổng lồ là Trung tâm xử lý đơn hàng của CJ Logistics, công ty hàng đầu trong lĩnh vực logistics của Hàn Quốc, thực hiện các dịch vụ đóng gói và vận chuyển hàng hóa.

Du khách đến thăm Trung tâm xử lý đơn hàng của CJ Logistics sẽ rất ngạc nhiên khi thấy các kệ hàng cao 2,78 m, di chuyển tự do trên tầng hai. Có 630 kệ trên sàn rộng 7.000 m2 và 101 robot nâng và di chuyển.

Trong công việc đóng gói và vận chuyển thông thường, công nhân đi đến các kệ, lấy các sản phẩm đã được đặt hàng và đặt chúng lên xe. Tuy nhiên, CJ đã thay đổi quy trình này với việc ứng dụng robot. Theo đó, khi một công nhân nhập một đơn đặt hàng vào hệ thống máy tính, một kệ với lựa chọn tối ưu các mặt hàng sẽ được di chuyển vào khu vực đóng gói. Sau đó công nhân sẽ chọn và đóng gói mặt hàng để vận chuyển.

Hệ thống mới, mặc dù thoạt nhìn có vẻ không hiệu quả, nhưng là kết quả của một quá trình tính toán kỹ lưỡng của phòng thí nghiệm logistics của CJ. Các sản phẩm có nhu cầu lớn được đặt trên một số kệ và những sản phẩm có xu hướng được mua cùng nhau được đặt trên các kệ giống nhau. Theo CJ, việc sắp xếp này giúp giảm thời gian chờ đợi của công nhân - mỗi người có thể đóng gói 23,8 hộp/giờ, tăng từ 15,4 hộp trước đây, giúp cải thiện hiệu suất 55%.

Hàn Quốc ứng dụng robot để giải bài toán thiếu hụt lao động - Ảnh 1.

Đáp ứng hoạt động kinh doanh của Naver, Trung tâm logistics của CJ lưu trữ tới 1.400 loại hàng hóa bao gồm khẩu trang, chất tẩy rửa tay và đồ trẻ em.

Tham gia đóng gói và vận chuyển hàng hóa hàng ngày thay mặt cho Naver, nhà điều hành cổng thông tin trực tuyến hàng đầu Hàn Quốc, Trung tâm xử lý đơn hàng của CJ Logistics xử lý tới 1.400 mặt hàng bán chạy bao gồm khẩu trang, chất tẩy rửa và đồ dùng cho trẻ em.

Với khả năng đóng gói các sản phẩm, được đặt hàng thông qua các cửa hàng trực tuyến khác nhau, trong một hộp duy nhất, hệ thống mới giúp giảm chi phí vận chuyển và xử lý, góp phần cải thiện sự thuận tiện cho người tiêu dùng, CJ cho biết.

CJ đang phát triển các hệ thống của riêng mình bằng cách đánh giá hệ thống của Amazon.com và các trung tâm logistics hàng đầu khác. Công ty cho biết: "Chúng tôi sẽ mở rộng hệ thống vận chuyển kệ hàng của Gunpo đến các trung tâm khác".

Robot, trợ thủ đắc lực của ngành công nghiệp nhà hàng tại Hàn Quốc

Mức lương tối thiểu ở Hàn Quốc, đã tăng gấp đôi trong thập kỷ qua, sẽ tăng lên 9.620 won (7,39 USD) mỗi giờ vào năm 2023. Trong bối cảnh chi phí và khan hiếm lao động ở Hàn Quốc đang ngày càng gia tăng, robot đã và đang thâm nhập vào nhiều ngành công nghiệp khác nhau.

Ngày nay, robot đang được chú ý đặc biệt trong ngành công nghiệp nhà hàng. Người phục vụ bàn bằng robot, chuyên cung cấp bữa ăn trên khay cho khách hàng, đã được giới thiệu cách đây khoảng 3 năm.

Đầu bếp robot cũng là một hình ảnh phổ biến, có khả năng chiên 50 con gà mỗi giờ hoặc làm bánh gạo cay "tteokbokki" cho 5 người ăn chỉ mất khoảng 10 phút. Hay việc ra mắt robot pha chế và phục vụ cà phê thay thế hoàn toàn con người tại các quán cà phê ở Hàn Quốc.

Mới đây nhất là việc ra mắt Air-dilly tại sân bay Incheon, một robot giao hàng, mang thức ăn hoặc đồ uống của bạn đến nơi bạn đang ngồi hoặc gần cổng lên máy bay của bạn. Tất cả những gì mọi người cần làm là quét mã QR được gán trên số ghế bạn đang ngồi ở cổng. Sau đó, Air-dilly sẽ tìm đến.

Dự kiến, Hàn Quốc sẽ phải đối mặt với sự sụt giảm dân số nhanh chóng trong tương lai gần do tỷ lệ sinh của nước này thấp nhất trên thế giới. Do đó, việc sử dụng robot để giảm bớt tình trạng thiếu hụt lao động được chấp nhận dễ dàng hơn nhiều so với các nước khác.

Các công ty Hàn Quốc đã bắt đầu vận hành thử nghiệm robot vận chuyển hàng hóa trên đường công cộng. Thử nghiệm đầu tiên được đưa ra bởi Woowa Brothers, nhà điều hành ứng dụng giao đồ ăn lớn nhất Hàn Quốc, sử dụng robot giao hàng nhỏ "Dilly Drive" do công ty phát triển tại một khu chung cư ở Suwon, thành phố ở ngoại ô thủ đô Seoul. Woowa bắt đầu phát triển loại robot như vậy vào năm 2017 do lao động ngày càng đắt đỏ ở Hàn Quốc.

Khi Woowa nhận được một đơn đặt hàng, công ty sẽ cử Dilly Drive đến nhà hàng. Sau đó, nhân viên nhà hàng chỉ cần đặt những món khách hàng đặt vào robot và nó sẽ thực hiện giao hàng, cẩn thận tránh người đi bộ và xe cộ qua lại. Khi Dilly đến điểm đến, khách hàng nhận được tin nhắn trên điện thoại và ra nhận hàng. Sau đó Dilly quay trở lại nơi chờ đợi của nó. Được biết, Dilly còn được trang bị các cảm biến và hệ thống định vị.

Chính phủ Hàn Quốc cũng có kế hoạch phát triển những robot như vậy để xuất khẩu trong tương lai. Hiện tại, chính phủ đang làm việc để đưa ra định nghĩa pháp lý cho robot giao hàng vào cuối năm nay, cho phép chúng có thể hoạt động trên đường. Hiện tại, robot đang bị cấm trên các con đường công cộng vì luật pháp coi chúng là “phương tiện” không người lái. Việc sửa đổi quy định này dự kiến sẽ được ban hành vào năm 2023, mở đường cho việc sử dụng thương mại robot.

Không chỉ có Woowa, Lotte, nhà điều hành chuỗi cửa hàng tiện lợi 7-Eleven, đã bắt đầu sử dụng dịch vụ giao hàng bằng robot mà công ty cùng phát triển với Neubility xung quanh một khu chung cư ở Seoul. Trong thử nghiệm, một robot được điều khiển bằng công nghệ camera và cảm biến sẽ chuyển những gói hàng nặng tổng cộng 25 kg đến các điểm đến trong khu phức hợp. Công ty sẽ tiếp tục cải thiện độ chính xác và độ tin cậy của robot trước khi sửa đổi pháp lý được ban hành./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Hàn Quốc ứng dụng robot để giải bài toán thiếu hụt lao động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO