Trước những làn sóng liên tiếp của dịch b ệ n h COVID-19, người con của mảnh đất Quảng Bình Cao Xuân Thành đứng ngồi không yên khi đọc được những thông tin phức tạp của dịch bệnh và nung nấu ý tưởng phải làm gì đó chia sẻ sự vất vả của lực lượng y tế. Vì vậy, ngay khi Bộ Y tế có chủ trương gửi các bệnh viện về việc chi viện, hỗ trợ lực lượng cho Thành phố Hồ Chí Minh (TP. HCM) và các tỉnh phía Nam, bác sĩ Khoa Phụ khoa, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cu Ba Đồng Hới (Quảng Bình) đã gửi đơn tình nguyện xin tham gia hỗ trợ chống dịch tại các điểm nóng. Tuy nhiên, do số lượng nhân viên y tế đi hỗ trợ vùng dịch theo đợt có hạn, nên phải đến đợt thứ 2, bác sĩ Thành mới được hiện thực hóa ý tưởng của mình vào ngày 12/8/2021 cùng đoàn công tác di chuyển tới Bệnh viện dã chiến số 14, tại Quận Phú Nhuận, TP. HCM.
"Tại thời điểm đó Quảng Bình chưa có dịch, bản thân tôi cũng chưa có tiếp xúc với ngưới bệnh COVID-19 nên cũng chưa hình dung hết diễn biến tại TP. HCM. Chỉ khi vào đến nơi, tận mắt chứng kiến cảnh Bệnh viện dã chiến, tôi cảm nhận ngoài sức tưởng tượng quy mô và sức công phá của dịch bệnh". Bác sĩ sinh năm 1987 chia sẻ. Nói rồi làm bác sĩ thống kê ước lượng, với đại dịch COVID-19, cứ khoảng 100 người mắc bệnh, thì 80 người có các biểu hiện lâm sàng bình thường, 15 người cần chăm sóc y tế và 5 người còn lại rơi vào tình trạng nguy kịch. "Mình tham gia điều trị cho số 5% này, tức là ở tầng cao nhất điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19. Mình nhìn nhận quy mô của dịch bệnh quá khủng khiếp, sự tàn phá nặng nề với các cơ quan trong cơ thể người bệnh, đặc biệt là thời gian gần đây, tại TP. HCM, kể cả đối với những người đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin, nhưng nếu mắc nhiều bệnh nền vẫn bị tử vong... Quá trình tham gia hỗ trợ Bệnh viện dã chiến số 14, gần như ngày nào bác sĩ Thành cũng chứng kiến bệnh nhân tử vong. Song nhân viên y tế này nhớ mãi, một trường hợp bệnh nhân nữ 19 tuổi, người Bạc Liêu mắc COVID-19 vào cấp cứu ở tầng cao nhất vì bệnh nhân này mang bầu tháng thứ 8 đúng chuyên khoa của bác sĩ Thành. "Một phụ nữ còn rất trẻ, vào điều trị tại một tầng cao nhất của bệnh nhân COVID-19 với ánh mắt hồn nhiên, vô tư. Ít ngày điều trị người mẹ trẻ này có dấu hiệu sinh non và phải chuyển viện đến Bệnh viện Từ Dũ để mổ cứu em bé. Sau khi mổ song, người mẹ lại được chuyển trở lại Bệnh viện dã chiến và rơi vào tình trạng thở máy, hơn 1 ngày là mãi ra đi... Thực sự tôi cảm nhận được tính khốc liệt và sự nghiệt ngã của dịch bệnh quái ác này, không từ ai kể cả những người trẻ", Bác sĩ Thành tâm sự.
Hỗ trợ chống dịch được 2 tháng, lực lượng y tế của đoàn công tác phải rút về theo thời gian quy định. Thế nhưng, bác sĩ Thành cùng một số đồng nghiệp khác cùng Bệnh viện Hữu Nghị Việt Nam – Cu Ba Đồng Hới lại tình nguyện xin tiếp tục ở lại Bệnh viện dã chiến tại TP. HCM để chống dịch. "Tôi thấy cuộc đi đó chưa trọn vẹn khi chỉ có 2 tháng bởi tôi còn muốn đóng góp nhiều hơn thế nữa. Vì 2 tháng qua mình đã mất thời gian làm quen công việc, với bệnh nhân, duy trì thói quen làm việc...hoàn toàn mới ở Bệnh viện dã chiến số 14. Nếu về lúc này, thì một người khác phải vào thay thế, lại phải làm quen với bệnh nhân với công việc thì người thiệt thòi nhất là bệnh nhân". Bác sĩ Cao Xuân Thành chia sẻ sự hụt hẫng nếu phải rút về trong thời điểm đó. Rồi mừng vui hơn bao giờ hết, đơn xin tiếp tục ở lại của bác sĩ Thành được cấp có thẩm quyền đồng ý và cuộc chiến cam go nhất trên tầng cao nhất tại Bệnh viện dã chiến của bác sĩ Thành lại được tiếp tục. Dù cho, đây là lựa chọn không hề dễ dàng bởi gia đình rất lo lắng, bản thân người bác sĩ cũng phải tạm gác công việc, trách nhiệm của người con, người chồng, người cha để nhờ những người thân ở nhà chăm sóc ba mẹ và con gái 5 tuổi, để làm nhiệm vụ. Nhưng chúng tôi được biết, chính sự hy sinh thầm lặng này của bác sĩ Thành, may mắn được vợ cùng là bác sĩ tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt Nam – Cu Ba Đồng Hới ủng hộ và được bé gái 5 tuổi động viên: "Ba nhớ đi đấm con COVID-19 thật nhanh để về với con nhé", người cha xúc động chia sẻ về câu nói của con gái... Câu chuyện kể với chúng tôi của anh Thành cảm giác như nhanh hơn khi những âm thanh, tiếng động của công việc đồng nghiệp khác của bác sĩ này như lẫn vào. Chân thành nhưng cũng rất khẩn trương, dứt khoát, người bác sĩ khiêm tốn: "Trải nghiệm hành trình chống dịch 3 tháng qua chưa bao giờ gặp mà cũng không bao giờ quên đối với cuộc đời của tôi. Không chắc sẽ có cuộc hành trình nào như thế nữa không, nhưng chắc chắn khi nào còn dịch thì lực lượng y tế chúng tôi sẽ lên đường bất cứ lúc nào khi xã hội cần.
Trước mắt, từ 16/11/2021, chúng tôi rời Bệnh viện dã chiến số 14 để về quê hương Quảng Bình tiếp tục chống dịch. Sự đóng góp của tôi như hạt cát giữa bãi biển vậy, song tôi mong muốn, câu chuyện về tinh thần xung kích chống dịch sẽ truyền cảm hứng cho các cá nhân, đồng nghiệp khác, tất cả chung tay chống dịch. Mong sao, cả xã hội ngày càng nâng cao ý thức phòng chống dịch để mọi người đều an toàn, trở lại với cuộc sống bình thường. Bởi "bạn an toàn khi mọi người xung quanh bạn an toàn", Bác sĩ Thành nhớ lại tinh thần khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới. Hành trình của bác sĩ Thành cũng như các bác sĩ, nhân viên y tế khác của Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cu Ba Đồng Hới tại Bệnh viện dã chiến số 14, TP. HCM tạm kết thúc nhưng câu chuyện về hành trình tham gia chữa bệnh của lực lượng y tế tinh thần dũng cảm, hy sinh cao cả để đem lại cuộc sống an toàn cho toàn xã hội vẫn còn đó. Và chắc chắn nó sẽ chưa thể kết thúc khi dịch bệnh còn tiếp tục diễn biến phức tạp. Song, câu chuyện truyền cảm hứng của bác sĩ Cao Xuân Thành chắc chắn sẽ còn giá trị đối với lực lượng y tế chuẩn bị tham gia hỗ trợ chống dịch trên địa bàn cả nước. Tất cả sự cống hiến, hy sinh này là vô cùng đáng trân trọng!
Box: 3 đoàn cán bộ y tế Bệnh viện Hữu Nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới vào TP. HCM để hỗ trợ chống dịch gồm: - Đoàn 1: Từ ngày 27/07/2021, bao gồm 17 nhân viên y tế do bác sỹ CKII Nguyễn Hữu Chính, Trưởng Khoa Ngoại Chấn thương chỉnh hình làm trưởng đoàn, nhận nhiệm vụ hỗ trợ chống dịch tại Bệnh viện Hồi sức bệnh nhân COVID-19 Quận 9. - Đoàn 2: Từ ngày 12/08/2021, bao gồm 50 cán bộ y tế do bác sỹ CKII, Trưởng Khoa Răng-Hàm-Mặt Nguyễn Kỳ Nhân làm trưởng đoàn, nhận nhiệm vụ ở Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 trực thuộc Bệnh viện Trung ương Huế tại TP. HCM. - Đoàn 3: Từ ngày 11/10/2021, bao gồm 40 cán bộ, viên chức (gồm 14 bác sỹ và 26 điều dưỡng, kỹ thuật viên, dược) do bác sỹ nội trú Võ Trường Giang, Khoa Ngoại thận tiết niệu làm trưởng đoàn, thực hiện nhiệm vụ tại Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 trực thuộc Bệnh viện Trung ương Huế tại TP. HCM theo quyết định điều động của Bộ Y tế để thay thế cho các y bác sĩ đoàn 2 của bệnh viện được điều động trước đó. Các đoàn công tác đều đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hỗ trợ TP. HCM chống dịch COVID-19 và an toàn. Trong đợt hỗ trợ lần 2 (đoàn 2) có 4 cán bộ tình nguyện tiếp tục ở lại hỗ trợ nhân dân TP. HCM chống dịch, gồm: Bác sĩ nội trú Cao Xuân Thành – Khoa Phụ khoa. Bác sĩ Hồ Di Lộc – Khoa Thường trực cấp cứu. Kỹ thuật viên Nguyễn Minh Đức – Khoa Giải phẫu bệnh, Nguyễn Thị Thanh Trà – điều dưỡng Trưởng Khoa Phụ khoa
(Bài viết đăng trên Tạp chí Thông tin và Truyền thông số đặc biệt chào năm mới 2022 - Xuân Nhâm Dần)