Hậu COVID-19, người Việt tìm kiếm gì nhiều nhất

Nguyễn Khiêm| 11/05/2022 13:30
Theo dõi ICTVietnam trên

Mới đây, Cốc Cốc đã phát hành Báo cáo Xu hướng tìm kiếm nổi bật quý 1/2022. Trong đó, đáng chú ý lượng tìm kiếm về "ngân hàng số" tăng 22% so với quý trước, điều này cho thấy người Việt ưu tiên sử dụng các phương thức thanh toán không tiền mặt do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19.

Theo thông tin từ công cụ tìm kiếm Cốc Cốc, khác với Báo cáo Xu hướng tìm kiếm nổi bật của người Việt 2021 (Cốc Cốc Year in Search) được công bố trước đó, thay vì tổng hợp từ 15 chủ đề trong cả năm, bản báo cáo này chỉ thống kê về 5 chủ đề tìm kiếm phổ biến nhất, top các từ khóa truy vấn nổi bật theo chủ đề, và sự tăng trưởng của các chủ đề tìm kiếm mà người Việt quan tâm trong 3 tháng đã qua. 

Năm chủ đề được đề cập trong báo cáo bao gồm: sức khỏe và sắc đẹp; xe cộ; tài chính; giáo dục; du lịch và hàng không. Bên cạnh đó, trong bản báo cáo lần này, Cốc Cốc còn bổ sung thêm phần phân tích chi tiết cho từng chủ đề.

"Nhờ đó, báo cáo giúp khắc họa các vấn đề, sự kiện, những chuyển biến trong 5 lĩnh vực và trong chính suy nghĩ, hành vi của người tiêu dùng. Đồng thời, tạo nên bức tranh toàn cảnh về nhu cầu tìm kiếm, sự quan tâm của người dùng Việt trên không gian mạng", thông tin từ Cốc Cốc khẳng định.

Từ khoá “ngân hàng số” tăng cao, người dùng Việt đã quan tâm hơn đến thanh toán trực tuyến - Ảnh 1.

"Hậu COVID" là từ khóa có sự tăng trưởng mạnh nhất, với lượng tìm kiếm tăng gần 6 lần so với quý trước.

"Hậu COVID" là từ khoá có sự tăng trưởng mạnh nhất

Cụ thể, theo Cốc Cốc, quý I/2022 ghi nhận sự quan tâm đặc biệt của người dùng đối với chủ đề sức khỏe và sắc đẹp, khi mà tổng lượng tìm kiếm tăng lần lượt 55% và 16% so với cùng kỳ năm trước. Điều này phản ánh COVID-19 đã làm thay đổi thói quen tìm kiếm cũng như hành vi mua sắm của người Việt liên quan đến chủ đề này. Khi kinh tế dần được phục hồi sau đại dịch COVID-19, sức chi nhiều hơn, người Việt ở cả hai giới quan tâm hơn đến chăm sóc bản thân bao gồm sức khỏe tổng quát, ngoại hình và vóc dáng.

Trong bối cảnh số ca nhiễm liên tiếp đạt đỉnh và số ca khỏi cũng tăng cao, COVID-19 vẫn là chủ đề nhận được quan tâm lớn trong quý I/2022. Đặc biệt, "hậu COVID" là từ khóa có sự tăng trưởng mạnh nhất, với lượng tìm kiếm tăng 6 lần so với quý trước. Điều này phản ánh mối quan tâm của người dùng về những vấn đề bệnh lý để lại sau khi dịch bệnh qua đi. Những từ khóa liên quan đến tình hình COVID như "triệu chứng COVID", "số ca nhiễm COVID" hay việc xét nghiệm COVID cũng có sự gia tăng đáng kể so với quý trước.

Bên cạnh đó, người dùng Cốc Cốc còn rất quan tâm đến cách điều trị, các loại thuốc và các thiết bị hỗ trợ điều trị COVID-19 tại nhà. Các từ khóa xoay quanh vấn đề điều trị COVID ghi nhận mức tăng trưởng bằng lần trong quý I/2022 so với quý trước. Đồng thời, trên Công cụ tìm kiếm Cốc Cốc cũng ghi nhận lượng truy cập gia tăng tương ứng với mức độ quan tâm của người Việt về vấn đề này.

Không chỉ các loại thuốc Tây y, các phương thuốc, thực phẩm bổ trợ sức khỏe thảo dược cũng là những từ khóa có sự gia tăng nổi bật về mức độ tìm kiếm. Nổi bật là "xuyên tâm liên" với mức tăng trưởng gần 3 lần trong quý I/2022 so với quý trước hay lượng tìm kiếm về vitamin tăng 25% so với quý trước.

Dưới tác động của đại dịch COVID-19, các từ khóa liên quan tới tập luyện thể thao càng trở nên phổ biến hơn, ghi nhận mức tăng trưởng 2 chữ số trong quý I/2022 so với quý trước. Một số từ khóa tìm kiếm phổ biến có thể kể đến là "fitness", "cách giảm mỡ bụng", "bài tập yoga tại nhà".

Từ khoá “ngân hàng số” tăng cao, người dùng Việt đã quan tâm hơn đến thanh toán trực tuyến - Ảnh 2.

"Xe điện" là một trong những từ khóa nổi bật trong quý I/2022.

Xe điện và tài chính số liên tục nhận được sự tìm kiếm cao

Cũng theo thông tin từ Cốc Cốc, trong quý I/2022, tổng lượng tìm kiếm liên quan đến Xe cộ tăng trưởng 11% so với cùng kỳ năm trước. "Xe điện" là một trong những từ khóa nổi bật trong quý I/2022 nhờ sự kiện ra mắt xe ô tô điện Vinfast đầu tiên do Việt Nam sản xuất. Lượng tìm kiếm về mẫu xe này tăng trưởng 151% so với quý trước. Cùng với đó, các sản phẩm xe điện khác như "xe đạp điện", "xe máy điện" cũng được quan tâm hơn khi giá xăng tăng mạnh trong quý này.

Ngoài ra, "G63" là mẫu xe ghi nhận sự tăng trưởng đột biến về lượng tìm kiếm trong quý I/2022, gấp 3 lần so với quý trước. Các mẫu xe được ra mắt trong quý này cũng thu về nhiều sự quan tâm của người dùng như "Santafe 2022", "Kia K5", "Tucson 2022", " Camry 2022".

Mặc dù tổng lượng tìm kiếm về tài chính chỉ tăng nhẹ trong quý I/2022 với mức tăng trưởng 15% so với cùng kỳ năm trước nhưng người dùng Cốc Cốc đã tìm kiếm dịch vụ ngân hàng trực tuyến nhiều hơn so với quý trước. Thể hiện qua lượng tìm kiếm về "ngân hàng số" tăng 22% so với quý trước, trong đó các tìm kiếm liên quan đến dịch vụ ngân hàng số của các ngân hàng cụ thể tăng tới 50%. 

Người dùng còn sử dụng công cụ tìm kiếm Cốc Cốc để tìm kiếm các thông tin phòng tránh lừa đảo trong quý I/2022. Điều này cho thấy người Việt ưu tiên sử dụng các phương thức thanh toán không tiền mặt do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19.

Một điểm đáng chú ý nữa trong các từ khoá về "tài chính", đó là trong quý I/2022, lượng tìm kiếm về từ khóa "vay tiền nhanh" tăng 20% và về từ khóa "vay online" tăng 14% so với quý trước. Điều này cho thấy người dùng Cốc Cốc có nhu cầu tiếp cận nguồn hỗ trợ tài chính nhiều hơn trong thời điểm dịch bệnh.

Bên cạnh đó, chứng khoán cũng là chủ đề nhận được nhiều sự quan tâm trong giai đoạn dịch bệnh. Cụ thể, lượng tìm kiếm về "mở tài khoản" và "chứng khoán trực tuyến" tăng mạnh trong quý I/2022 so với quý trước. Bên cạnh hình thức gửi tiết kiệm tại ngân hàng, người dùng có xu hướng tìm đến những kênh đầu tư khác như chứng khoán.

Từ khoá “ngân hàng số” tăng cao, người dùng Việt đã quan tâm hơn đến thanh toán trực tuyến - Ảnh 3.

Học trực tuyến vẫn là một trong những chủ đề đang thịnh hành

Theo báo cáo của Cốc Cốc, tổng lượng tìm kiếm về chủ đề Giáo dục trong quý I/2022 tăng 44% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lượng tìm kiếm liên quan đến du học có xu hướng tăng so với quý trước, với lượng tìm kiếm về "điều kiện du học" tăng 387%, về "học nước ngoài" tăng 200%. Lượng tìm kiếm về "trung tâm gia sư", "điểm chuẩn" hay "trường đại học" có xu hướng tăng so với quý trước. Điều này cho thấy người dùng quan tâm nhiều hơn đến chất lượng giáo dục ở học kỳ II của năm học.

Ngoài ra, học trực tuyến vẫn là một trong những chủ đề đang thịnh hành so với quý trước. Đặc biệt là khi so sánh với cùng kỳ năm trước, tổng lượng tìm kiếm liên quan đến học trực tuyến tăng gấp hơn 2 lần.

Nhờ "bình thường mới", quý I/2022 ghi nhận tổng lượng tìm kiếm về du lịch tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Lượng tìm kiếm liên quan đến vé máy bay cũng tăng mạnh trong quý I/2022. 

Xu hướng tìm kiếm các địa điểm du lịch trong nước cũng liên tục tăng trường so với quý trước, trong đó 2 ai địa điểm được tìm kiếm nhiều nhất là đảo Phú Quốc và đảo Phú Quý. Còn đối với du lịch quốc tế, Hàn Quốc là một trong những điểm đến được quan tâm nhiều nhất trong quý I/2022, với lượng tìm kiếm tăng 55% so với quý trước./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Hậu COVID-19, người Việt tìm kiếm gì nhiều nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO